TRANG CHỦ
TỪ ĐIỂN
TRA CỨU THƯ VIỆN
SƠ ĐỒ TRANG WEB
LIÊN HỆ
NGÔN NGỮ
 
 
Thu viện ảnh
 Thời tiết Minimize | Maximize
 Hà nội  ° 
 Hải phòng  ° 
 Đà nẵng  ° 
 Hồ chí minh  ° 
Truy cập : 9834733
 
QUAN HỆ VIÊT-TRUNG
Tác động của nhân tố Mỹ đối với quan hệ Việt - Trung (03/10/2015)

Trật tự hai cực đã tác động và chi phối quan hệ quốc tế trong thời kỳ chiến tranh lạnh. Nói cách khác, sự gắn kết hay chia rẽ giữa các nước phụ thuộc rất lớn vào chiến lược toàn cầu cũng như cuộc cạnh tranh của hai siêu cường Liên Xô và Mỹ. Việt Nam nằm trong chiến lược ngăn chặn chủ nghĩa Cộng sản của Mỹ và cuộc chiến tranh Việt Nam ở một khía cạnh nào đó cũng là một cuộc tranh giành ảnh hưởng giữa Mỹ, Liên Xô và cả Trung Quốc. Trong những năm 1969-1972, khi Mỹ thay đổi chiến lược, chuyển từ ngăn chặn sang bắt tay, thương lượng với Trung Quốc, một nước lớn, nước láng giềng XHCN đang viện trợ cho Việt Nam kháng chiến chống Mỹ, nhằm gây sức ép với Liên Xô đồng thời muốn thông qua Trung Quốc gây sức ép với Việt Nam, thực hiện mục tiêu rút khỏi chiến tranh Việt Nam trong danh dự, nhân tố Mỹ có tác động rất lớn đến quan hệ Việt – Trung.

1. Vai trò chi phối, kiến tạo quyền lực quốc tế của Mỹ

Sau Chiến tranh thế giới thứ II, Mỹ phát triển mạnh mẽ và trở thành cường quốc có vai trò chi phối, kiến tạo kết cấu quyền lực quốc tế, từ trật tự hai cực đối đầu rồi đi vào hòa hoãn cho đến chủ động hình thành tam giác chiến lược, lợi dụng mâu thuẫn Xô – Trung để tăng cường vị thế của Mỹ.

Chiến lược toàn cầu ngăn chặn chủ nghĩa Cộng sản trên toàn thế giới nhằm bao vây và ngăn chặn Liên Xô, phe XHCN, đồng thời chống lại phong trào giải phóng dân tộc của Mỹ đã thúc đẩy sự hình thành trật tự thế giới mới sau Chiến tranh thế giới thứ II, đó là trật tự hai cực đứng đầu là hai siêu cường Liên Xô và Mỹ. Biểu hiện rõ rệt nhất của cục diện chiến tranh lạnh này là việc chạy đua vũ trang giữa hai siêu cường; lập liên minh quân sự, kinh tế đối lập nhằm bao vây, tiêu diệt lẫn nhau; tiến hành chiến tranh cục bộ. Trật tự hai cực này khiến các nước trong mỗi cực phải liên kết với nhau để cùng chống lại cực kia. Quan hệ Việt – Trung trong thập kỷ 50   (thế kỷ XX) đã được xây dựng và củng cố chính trên nền tảng cùng một hệ thống xã hội.

Sự ra đời của CHDCND Triều Tiên, nước CHND Trung Hoa cùng với phong trào giành độc lập dân tộc thành công ở nhiều nước như Indonesia, Miến Điện, Ấn Độ khiến Mỹ chuyển hướng chú ý và trọng tâm vào Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam. Ngày 16-2-1950, Ngoại trưởng Mỹ công bố chính sách ngoại giao tổng lực nhằm tạo ra các thế mạnh để đối phó với Liên Xô và sự đe dọa của thế lực cộng sản. Trong báo cáo gửi Tổng thống ngày 27-2-1950, Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ nhấn mạnh: Điều quan trọng đối với lợi ích an ninh của Mỹ là phải thực hiện mọi biện pháp thiết thực để ngăn chặn không cho cộng sản bành trướng thêm ở Đông Nam Á, trong đó Đông Dương là khu vực then chốt và đang bị đe dọa trực tiếp. Sau thất bại của Tưởng Giới Thạch ở Trung Quốc, Mỹ đã hướng sang ủng hộ thực dân Pháp trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Việt Nam trở thành một mắt xích quan trọng trong chiến lược bao vây Trung Quốc và ngăn chặn cách mạng lan rộng ra Đông Nam Á của Mỹ. Mỹ chuyển từ can dự gián tiếp sang trực tiếp tham chiến ở Việt Nam. Chiến tranh nóng ở Việt Nam chính là nơi tập trung thể hiện đầy đủ nhất cuộc đối đầu, tranh giành ảnh hưởng của hai hệ thống đối lập nhau trong chiến tranh lạnh.

Với tư cách là một siêu cường đứng đầu một cực, Mỹ không chỉ chi phối, dẫn dắt quan hệ với các nước trong cùng hệ thống, mà còn có khả năng tác động đến toàn bộ trật tự thế giới. Khi Mỹ mạnh, Mỹ đối đầu chạy đua với Liên Xô, hình thành cục diện chiến tranh lạnh. Khi Mỹ gặp khó khăn trong vấn đề Việt Nam, vị thế quốc tế giảm, cùng lúc đối mặt với hai kẻ thù lớn, Mỹ đã chủ động tạo ra tam giác chiến lược Mỹ - Xô – Trung, góp phần chuyển thế giới từ hai khối đối địch thành một tam giác chiến lược mà Mỹ có lợi thế nhất. Xóa bỏ quan hệ thù địch với Trung Quốc giúp Mỹ vừa kiềm chế Liên Xô hiệu quả, gây sức ép buộc Liên Xô phải tích cực hơn trong hòa hoãn với Mỹ, đóng vai trò chủ động hơn nữa trong việc tác động tới Việt Nam giúp Mỹ rút khỏi Đông Nam Á trong danh dự, vừa thông qua Trung Quốc gây sức ép với Việt Nam, giảm viện trợ cho Việt Nam. Vì vậy, thông qua quan hệ với Trung Quốc, nhân tố Mỹ đã tác động không nhỏ đến quan hệ Việt - Trung.

2. Sử dụng “con bài” Trung Quốc nhằm giải quyết vấn đề Việt Nam (1969-1972)

Từ năm 1961-1969, Việt Nam trở thành vấn đề hàng đầu trong chiến lược toàn cầu của Mỹ. Mỹ chuyển từ viện trợ kinh tế, quân sự trong những năm 1950 sang chiến tranh đặc biệt trong đầu những năm 1960 và lên chiến tranh xâm lược cục bộ nhưng vẫn không cứu vãn được chế độ miền Nam và không khuất phục được miền Bắc. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968 khiến Tổng thống Mỹ Johnson đi đến 3 quyết định then chốt liên quan đến cuộc chiến Việt Nam và sự nghiệp chính trị của riêng ông, đó là: Mỹ đơn phương ngừng bắn từ vĩ tuyến 20 trở ra; Johnson không tranh cử nhiệm kỳ hai và Mỹ chấp nhận thương lượng hòa bình với Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Vì vậy, những năm 1968-1972 là thời kỳ Mỹ xuống thang, thực hiện Việt Nam hóa chiến tranh.

Để tiếp tục duy trì vị thế trung tâm và vị thế siêu cường thế giới, việc nhanh chóng giải quyết vấn đề Việt Nam là yêu cầu cấp bách đối với Mỹ. Hơn nữa, nếu không giải quyết được vấn đề Việt Nam, Nixon không thực hiện được những cam kết về đối nội và đối ngoại trong vận động tranh cử của mình. Vì vậy, điều Nixon và Kissinger quan tâm nhất trong suốt những năm 1969 - 1972 không phải là cuộc họp thượng đỉnh bàn về cắt giảm vũ khí chiến lược với Liên Xô, mà là tìm ra cách rút lui trong danh dự khỏi cuộc chiến tranh Việt Nam. Cơ sở giải quyết vấn đề Việt Nam của Mỹ chính là dựa vào học thuyết Nixon, trong đó cho rằng Mỹ phải đứng trên thế mạnh để giải quyết các vấn đề, duy trì trật tự thế giới theo ý Mỹ; bắt đầu kỷ nguyên thương lượng, tiến tới củng cố và cải thiện quan hệ giữa các quốc gia, thực hiện hòa hoãn Đông - Tây. Giải pháp cho vấn đề Việt Nam là “cố gắng dàn xếp một cuộc thương lượng” nhưng phải thương lượng trên thế mạnh. Mỹ đã tìm kiếm thế mạnh ấy bằng sức ép quân sự và sức ép chính trị.

Về sức ép quân sự, song song với sử dụng hai “con bài” Liên Xô và Trung Quốc, Mỹ còn dùng sức mạnh quân sự để tạo sức ép với Việt Nam trên bàn đàm phán. Tháng 3-1969, Nixon đã ra lệnh bí mật ném bom bí mật xuống Campuchia nhằm ngăn chặn các con đường tiếp tế của miền Bắc dọc đường mòn Hồ Chí Minh và quét sạch các cơ quan đầu não chỉ huy của quân đội Việt Nam. Không những vậy, Tổng thống Mỹ còn dự định ném bom trở lại miền Bắc Việt Nam. Tại cuộc họp nội các ngày 20-3-1969, Nixon đã khẳng định sự cần thiết phải tăng cường sức mạnh quân sự để giành thắng lợi trong các cuộc đàm phán với Việt Nam. Trên thực tế, sức ép quân sự càng tăng lên sau khi Mỹ và Trung Quốc bắt tay với nhau.

Về sức ép chính trị, đúng như nhà ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch đã nhận định: “Chiến tranh Việt Nam đã làm cho chiến lược toàn cầu của Mỹ bị khủng hoảng. Nay Mỹ lại phải dùng chiến lược toàn cầu phục vụ việc Mỹ rút quân và chấm dứt chiến tranh Việt Nam”… “Mỹ thay đổi chiến lược, chuyển từ chiến lược bao vây ngăn chặn Liên Xô và Trung Quốc sang chiến lược tranh thủ cả hai nước này”(1). Nixon cho rằng, vấn đề mấu chốt giải quyết cuộc chiến tranh Việt Nam nằm trong tay Moskva và Bắc Kinh hơn là trong tay Hà Nội.

Với Liên Xô, ngay từ năm 1965, Mỹ đã coi trọng tranh thủ thế mạnh của Liên Xô trong việc thúc đẩy đàm phán với Việt Nam, cho rằng đàm phán sẽ không thể thắng lợi nếu thiếu sự hỗ trợ của Liên Xô. Sau khi lên nắm quyền, Nixon coi việc hợp tác với Liên Xô là một công cụ hữu ích, quan hệ với Liên Xô là một phần trong bản thiết kế lớn, Mỹ sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc thúc đẩy tiến trình giải quyết cuộc chiến tranh ở Việt Nam nếu không có sự hợp tác của Liên Xô. Ngày 27-1-1969, tại cuộc họp báo đầu tiên sau lễ nhậm chức, Nixon đã gắn các cuộc thảo luận việc hạn chế vũ khí chiến lược của Liên Xô với sự tiến bộ của các vấn đề chính trị nổi bật cùng một lúc, thực chất là gắn vấn đề hòa hoãn với giải quyết chiến tranh ở Việt Nam.

Với Trung Quốc, nếu như dưới thời Johnson, vì nhiều lý do nên việc tái lập quan hệ Mỹ - Trung bị cản trở, các cuộc tiếp xúc Trung - Mỹ ở Warsawa không có kết quả và dừng lại vào tháng 5-1968 thì tình hình đã thay đổi dưới thời Nixon, người mà từ rất sớm (năm 1967, 1968) đã công khai bộc lộ ý định không đối địch với Trung Quốc. Sau khi nhậm chức Tổng thống, Nixon đã giao nhiệm vụ chuẩn bị nghiên cứu chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc cho cố vấn an ninh quốc gia. Cuối tháng 3-1969, Nixon chính thức nhờ Tổng thống Pháp đưa tin miệng về việc Mỹ có ý định cải thiện quan hệ với Trung Quốc tới các nhà lãnh đạo Trung Quốc. Xung đột biên giới giữa Liên Xô và Trung Quốc càng thúc đẩy Mỹ thực hiện ý đồ chiến lược này. Thông qua các nhà lãnh đạo Pakistan, Nixon gửi đến Trung Quốc mong muốn có các cuộc tiếp xúc. Ngày 5-10-1970, Tổng thống Nixon tuyên bố trên báo Times rằng: “Nếu có điều gì đó tôi muốn làm trước khi chết, đó là đi Trung Quốc. Nếu tôi không đi được, tôi muốn các con tôi đi”. Ngày 26-10-1970, tại cuộc chiêu đãi nhà lãnh đạo Romania Nicolae Ceaucescu, Nixon cũng chúc mừng nước CHND Trung Hoa. Đây là lần đầu tiên một vị Tổng thống Mỹ gọi Trung Quốc bằng cái tên chính thức CHND Trung Hoa. Ngày 25- 2-1971, Tổng thống Nixon trình bày trước Quốc hội báo cáo đối ngoại hằng năm, trong đó nhắc lại ý muốn cải thiện quan hệ với Trung Quốc.

Tín hiệu của Mỹ trùng hợp với nhu cầu điều chỉnh chính sách ngoại giao của Trung Quốc. Khó khăn ở trong nước cùng với sự cô lập trong hàng thập kỷ do thực hiện đường lối đối ngoại chống cả Liên Xô, cả Mỹ đã đặt ra yêu cầu bức thiết cần phải thay đổi. Đặc biệt, sau xung đột biên giới với Liên Xô, Trung Quốc đưa ra phán đoán mâu thuẫn Trung – Xô lớn hơn mâu thuẫn Trung-Mỹ, mâu thuẫn Mỹ - Xô lớn hơn mâu thuẫn Trung – Xô, từ đó Trung Quốc đã lựa chọn mở cánh cửa ngoại giao với Mỹ để phá thế cô lập, làm đối trọng với Liên Xô. Đầu năm 1970, một đại diện của Trung Quốc ở Warsawa đã đề nghị nối lại các cuộc đàm phán cấp đại sứ. Thông qua kênh Pakistan, tháng 12-1970, Chu Ân Lai đã gửi một thông điệp mời đại diện của Tổng thống Mỹ tới Bắc Kinh. Ngày 18-12-1970, nói chuyện với nhà báo Snow, Mao Trạch Đông nói: “Tôi hoan nghênh Nixon trúng cử…. Nếu ông ấy (tức Nixon) muốn đến Bắc Kinh, ông nhắn tin, bảo ông ta bí mật, không được công khai, ngồi lên một chiếc máy bay là có thể đến được. Nói chuyện không thành cũng được, nói chuyện thành cũng được. Tại sao cứ phải cứng nhắc như vậy”…. “… đến với tư cách là người du lịch nói chuyện cũng được, đến với tư cách Tổng thống nói chuyện cũng được. Nói tóm lại là đều được”.

Sau “ngoại giao bóng bàn”, tiếp xúc Mỹ - Trung được triển khai nhanh chóng. Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Kissinger đến Trung Quốc hai lần, một lần bí mật, một lần công khai để thảo luận về thời gian và công việc chuẩn bị cho chuyến thăm Trung Quốc của Nixon; thay mặt Nixon tiến hành hội đàm mang tính chất trù bị. Trong chuyến thăm bí mật Trung Quốc ngày  9-7-1971 của H. Kissinger, Mỹ đã gắn vấn đề Đài Loan với việc giải quyết hòa bình các xung đột ở châu Á, dự định sau khi chiến tranh Đông Dương kết thúc sẽ rút 2/3 quân Mỹ ra khỏi Đài Loan và sẵn sàng giảm bớt lực lượng quân sự còn lại ở Đài Loan theo đà cải thiện quan hệ Trung – Mỹ và kèm theo thông điệp: “Nước Mỹ muốn qua lại với Trung Quốc, quyết không thể tấn công Trung Quốc. Mỹ và các nước đồng minh của mình quyết không thể bắt tay với đối thủ chĩa mũi nhọn vào Trung Quốc. Quân đội Trung Quốc dùng để đối phó với Mỹ có thể chuyển lên phía Bắc, dàn thế trận ở một nơi nào đó”. Chuyến thăm Trung Quốc ngày 21-2-1972 cỉa Nixon đã tạo nên bước ngoặt lịch sử không chỉ với quan hệ Mỹ - Trung mà còn với cả cục diện thế giới, đúng như Nixon đã nói “một kỷ nguyên đã cáo chung, một kỷ nguyên mới đã bắt đầu”.

Không chỉ với Mỹ, hòa hoãn này cũng mang lại nhiều lợi ích cho Trung Quốc cả về chính trị và kinh tế. Hòa hoãn với Mỹ khiến Trung Quốc khống chế hiệu quả sự uy hiếp từ Liên Xô, thay đổi cục diện trực tiếp đối kháng giữa hai nước Trung - Mỹ, cải thiện môi trường quốc tế. Đầu tiên, đó là việc ngày 25-10-1971, Liên hợp quốc đã thông qua dự thảo nghị quyết về việc khôi phục quyền lợi hợp pháp của Trung Quốc. “Kết quả biểu quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc lần này cũng vượt ra ngoài dự kiến của những người lãnh đạo Trung Quốc. Họ dự tính cũng phải một hai năm nữa mới khôi phục được chiếc ghế ở Đại hội đồng Liên hợp quốc”. Tiếp đó, tháng 3-1971 Mỹ chấm dứt tất cả các hạn chế đối với hộ chiếu  Mỹ đi Trung Quốc, chấm dứt cấm vận thương mại kéo dài 20 năm…. Tuy nhiên, lần điều chỉnh chính sách ngoại giao này cũng làm lung lay cơ sở quan hệ giữa Trung Quốc với một số nước XHCN, trong đó rõ rệt nhất là sự xấu đi của quan hệ Trung - Việt.

3. Tác động đối với quan hệ Việt - Trung

Như trên đã nói, nhân tố Mỹ đóng vai trò chủ động và vị trí chi phối trong tam giác chiến lược Mỹ - Xô – Trung. Thông qua quan hệ với Trung Quốc, lợi dụng vị thế của Trung Quốc trong quan hệ với Việt Nam, trong những năm 1969-1972, nhân tố Mỹ đã có tác động lớn đến Việt Nam và quan hệ Việt – Trung. Tác động này càng tăng khi nhu cầu, lợi ích của Mỹ gặp gỡ nhu cầu, lợi ích của Trung Quốc. Trong lúc Mỹ muốn gây sức ép để Trung Quốc ngừng viện trợ cho Việt Nam, làm suy yếu và buộc Việt Nam chấp nhận một giải pháp phù hợp với lợi ích của Mỹ, Trung Quốc cũng muốn sử dụng vấn đề Việt Nam để tăng ảnh hưởng, sức mạnh của mình, làm đối trọng với Liên Xô, giữ thế chủ động trong đàm phán với Mỹ. Trung Quốc sớm nắm bắt được các tín hiệu của Nixon trước bầu cử và đã chọn Nixon, ủng hộ Nixon (trong khi Việt Nam, Liên Xô chọn và ủng hộ Humphrey - ứng viên của đảng Dân chủ) nên đã phản đối gay gắt việc Việt Nam và Mỹ sắp thỏa thuận về việc Mỹ hoàn toàn chấm dứt ném bom miền Bắc, bởi như vậy sẽ có lợi cho ứng viên của đảng Dân chủ, bất lợi cho Nixon. Để tạo sức ép với Việt Nam, Trung Quốc đã giảm viện trợ quân sự: năm 1969 xuống 40%, năm 1970 xuống hơn 50% so với năm 1968(6), đồng thời đẩy mạnh quan hệ với Mỹ.

Việc Mỹ từng bước thiết lập quan hệ với Trung Quốc đã tác động trực tiếp đến cuộc chiến tranh ở Việt Nam, từ đó gián tiếp tác động đến quan hệ Việt - Trung. Ngay sau chuyến thăm Trung Quốc và ký Thông cáo Thượng Hải, ngày 24-3-1972, Tổng thống Nixon tuyên bố hoãn vô thời hạn các phiên họp công khai Hội nghị Pari về Việt Nam. Tiếp đó, ngày 8-5-1972, chưa đầy một tuần sau phiên gặp riêng giữa Lê Đức Thọ, Xuân Thuỷ và Kissinger, Nixon tuyên bố tiến hành một bước leo thang mới mở rộng quy mô đánh phá miền Bắc kể cả bằng lực lượng không quân chiến lược, thực hiện phong tỏa miền Bắc Việt Nam. Sau chuyến thăm Trung Quốc và Liên Xô, vị thế của Mỹ trên quốc tế được nâng cao, khả năng Nixon giành thắng lợi trong cuộc bầu cử năm 1972 tăng lên. Vì vậy, Việt Nam khó lợi dụng được khó khăn của Mỹ, của Nixon để tăng sức ép trong đàm phán. Với vị thế đã được nâng cao, trong thời gian đàm phán sau đó, phía Mỹ hết sức ngoan cố, một mặt gây khó khăn trì hoãn việc ký kết hiệp định, mặt khác tính toán bước leo thang chiến tranh mới với ý đồ dùng sức ép quân sự để đạt được mục đích trên bàn đàm phán. Sau thất bại trong đợt tập kích bằng không quân chiến lược ở miền Bắc, Mỹ mới chịu từ bỏ thái độ “thương lượng trên thế mạnh”, đi đến ký kết hiệp định.

Trong quá trình hòa hoãn, đẩy mạnh tiếp xúc, cải thiện quan hệ với Mỹ, Trung Quốc vẫn tiếp tục ủng hộ cuộc kháng chiến chống Mỹ của Việt Nam. Viện trợ của Trung Quốc cho Việt Nam năm 1971 nhiều hơn năm 1970, năm 1972 nhiều hơn năm 1971. Ngày 16-5-1970 Chu Ân Lai triệu tập Hội nghị mở rộng Tiểu tổ lâm thời Bộ Ngoại giao, cho rằng nên lùi hội đàm Trung - Mỹ, tổ chức quần chúng ủng hộ cuộc đấu tranh của nhân dân Đông Dương. Tiếp đó, Chu Ân Lai đã chủ trì Hội nghị Bộ Chính trị, hội nghị quyết định: Lùi hội đàm Trung - Mỹ như đã định vào ngày 20-5, kiến nghị Mao Trạch Đông phát biểu tuyên bố công khai ủng hộ cuộc kháng chiến chống Mỹ, hội nghị cấp cao của nhân dân Đông Dương; trong nước tổ chức biểu tình và ở Bắc Kinh mời Mao Trạch Đông, Lâm Bưu tham dự. Trước đó, ngày 11-5-1970 trong cuộc gặp gỡ với Bí thư thứ nhất Đảng Lao động Việt Nam Lê Duẩn, Mao Trạch Đông một lần nữa bày tỏ Trung Quốc là hậu phương lớn của Việt Nam, máy bay Việt Nam có thể hạ cánh ở Trung Quốc. Trước cuộc họp cấp cao Trung – Mỹ, Chu Ân Lai nhấn mạnh không bên nào được thảo luận công khai về cuộc chiến. Trong Thông cáo Thượng Hải, Chính phủ Trung Quốc vẫn khẳng định “sự ủng hộ vững chắc” đối với nhân dân Việt Nam. Nhưng Trung Quốc và Mỹ đẩy mạnh tiếp xúc trong lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân Việt Nam đang ở thời điểm then chốt đã tác động không tốt đến tình cảm, tinh thần của Việt Nam. Thêm nữa, mục đích rõ ràng của Mỹ khi bắt tay với Trung Quốc ngoài việc đối phó với Liên Xô là muốn Trung Quốc giúp Mỹ rút khỏi chiến tranh Việt Nam trong danh dự. Vì vậy, người ta dễ dàng nhận thấy ở Thông cáo Thượng Hải có sự thỏa thuận kín đáo giữa Mỹ và Trung Quốc: Hai bên cùng phối hợp chống “bá quyền” Liên Xô, Mỹ sẽ rút dần các căn cứ quân sự và quân đội ở Đài Loan tùy theo tình hình căng thẳng ở khu vực này giảm đi, tức là vấn đề Việt Nam được giải quyết. Năm ngày sau khi đoàn Mỹ rời Bắc Kinh,  Chu Ân Lai bí mật sang Việt Nam để giải thích Trung Quốc không bán rẻ Việt Nam nhưng tác động về tình cảm, tinh thần cộng với ám ảnh của Hội nghị Geneva khiến quan hệ Việt – Trung xuất hiện rạn nứt.

Quan hệ Trung –Việt đã phát triển theo chiều hướng xấu đi kể từ khi Việt Nam hoàn toàn giải phóng đất nước và mối quan hệ “vừa là đồng chí, vừa là anh em” của thập kỷ 1950, 1960 đã kết thúc bằng cuộc chiến tranh biên giới giữa hai nước năm 1979. Kết thúc đáng tiếc này có một phần do sự nghi ngờ, thiếu tin tưởng, mâu thuẫn giữa hai nước xuất phát từ hòa giải Trung - Mỹ. Trong khi cuộc kháng chiến chống Mỹ của Việt Nam đang ở thời điểm then chốt, Trung Quốc đã tiếp xúc với Mỹ, đi tới hòa giải, điều này tạo điều kiện cho Mỹ gây sức ép, mở rộng và tăng cường mức độ khốc liệt của cuộc chiến. Cùng với sự điều chỉnh trong chính sách đối với Việt Nam, tích cực viện trợ cuộc kháng chiến chống Mỹ ở Việt Nam của Liên Xô, dưới tác động của nhân tố Mỹ, quan hệ Mỹ - Trung cải thiện đã làm cho Việt Nam xích lại gần Liên Xô hơn, không giữ được cân bằng giữa Liên Xô và Trung Quốc như giai đoạn trước, từ đó làm cho quan hệ Việt – Trung phát triển ngày càng xấu.

Trong mối quan hệ Mỹ - Trung Quốc – Việt Nam, Việt Nam là nước nhỏ, có vị thế thấp nhất, dễ bị tổn thương nhất. Khi Mỹ muốn ngăn chặn, chống Trung Quốc, Việt Nam trở thành địa bàn chiến lược, một mắt xích quan trọng trong chiến lược bao vây này, còn Trung Quốc và các nước XHCN coi Việt Nam là tiền đồn chống chủ nghĩa đế quốc. Khi muốn rút khỏi Việt Nam, Mỹ tranh thủ vị thế của Trung Quốc trong quan hệ với Việt Nam, thông qua Trung Quốc để tác động đến Việt Nam còn Trung Quốc luôn muốn duy trì và sử dụng giá trị của vấn đề Việt Nam để tăng lợi thế trong quan hệ với Mỹ.

Ngày nay, cục diện chiến tranh lạnh đã chấm dứt, thế giới trở nên phẳng hơn với sự phát triển mạnh mẽ của xu hướng toàn cầu. Hòa bình, hợp tác, phát triển đã trở thành xu thế lớn của thời đại nhưng các cuộc xung đột cục bộ vẫn tiếp tục xảy ra. Sự tùy thuộc, phụ thuộc lẫn nhau giữa các nước tăng lên nhưng không làm cho cạnh tranh giữa các nước  lớn giảm đi. Trong bối cảnh này, Mỹ vẫn giữ vị trí lãnh đạo, chi phối thế giới và hiện nay quan hệ Mỹ - Trung là một cặp quan hệ được đánh giá có ảnh hưởng đến thế kỷ 21. Trước sự trỗi dậy của Trung Quốc, đặc biệt là trỗi dậy về sức mạnh quân sự cũng như việc gia tăng sức ép nhằm thực thi yêu sách chủ quyền ở Biển Đông của nước này làm cho tình hình Biển Đông trở nên căng thẳng, năm 2010 Mỹ tuyên bố trở lại châu Á (hiện nay Mỹ gọi là chính sách “xoay trục” sang châu Á – Thái Bình Dương, chính sách tái cân bằng lực lượng). Thắt chặt quan hệ với các đồng minh truyền thống, phát triển quan hệ đối tác với các trung tâm quyền lực đang nổi lên, hình thành mối quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc và tích cực tham gia các cơ chế đa phương là những biểu hiện rõ nhất của chính sách xoay trục này của Mỹ.

Trong cuộc họp báo mới đây, Danny Russel – tân Trợ lý Ngoại trưởng đặc trách Đông Á – Thái Bình Dương đã tái xác nhận các ưu tiên của Mỹ trong vùng, đồng thời nói rõ về vị trí của Việt Nam và Đông Nam Á trong chính sách đối với châu Á của Mỹ. Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ cho rằng, Việt Nam có vị trí “gần sát trung tâm của chiến lược tái cân bằng” ở châu Á bởi “Việt Nam là một quốc gia đang vươn lên… Việt Nam là một đối tác chủ chốt trong ASEAN vào một thời điểm mà sự tham gia của Mỹ trong các tổ chức (khu vực)… đang tăng tốc. Việt Nam cũng là một đối tác đàm phán quan trọng của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương”. Còn Trung Quốc e ngại chiến lược tái cân bằng của Mỹ, kiên quyết phản đối “quốc tế hóa” vấn đề Biển Đông, thực chất là ngăn chặn sự can dự của Mỹ. Trong công cuộc phát triển đất nước cũng như trong bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, Việt Nam cần tranh thủ các nguồn lực và sự ủng hộ của các nước trên thế giới. Trong tình hình mới, nhân tố Mỹ sẽ tiếp tục có tác động đến quan hệ Việt – Trung, cần được nghiên cứu thêm

TS. Nguyễn Thị Phương Hoa
Viện Nghiên cứu Trung Quốc



Các tin khác

Đầu tư trực tiếp của Trung Quốc tại Việt Nam sau hơn 20 năm nhìn lại (05/10/2014)
Vấn đề Biển Đông - Những tác động của nó tới quan hệ thương mại Việt – Trung và nền kinh tế Việt Nam (27/08/2014)
Việt Nam và Biển Đông hiện trạng và khuynh hướng (31/05/2014)
Chuyến thăm Trung Quốc của Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang (01/04/2014)
Quan hệ Việt Nam - Trung Quốc năm 2012 (01/04/2014)
Điện mừng 64 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt-Trung (08/02/2014)
Tuyên bố chung làm sâu sắc thêm hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc trong thời kỳ mới (17/10/2013)
Điện mừng Quốc khánh Trung Quốc (02/10/2013)
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc (08/08/2013)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc (08/08/2013)
 
TIN MỚI NHẤT
ẤN PHẨM - XUẤT BẢN
 
 
TRANG CHỦ
TỪ ĐIỂN
TRA CỨU THƯ VIỆN
SƠ ĐỒ TRANG WEB
LIÊN HỆ
 
 
BẢN QUYỀN THUỘC VIỆN NGHIÊN CỨU TRUNG QUỐC - INSTITUTE OF CHINESE STUDIES
Địa chỉ: Số 176 Thái Hà, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam
Điện thoại: 024.32171020; Email: vnics@vnics.org.vn