TRANG CHỦ
TỪ ĐIỂN
TRA CỨU THƯ VIỆN
SƠ ĐỒ TRANG WEB
LIÊN HỆ
NGÔN NGỮ
 
 
Thu viện ảnh
 Thời tiết Minimize | Maximize
 Hà nội  ° 
 Hải phòng  ° 
 Đà nẵng  ° 
 Hồ chí minh  ° 
Truy cập : 9830456
 
DIỄN ĐÀN TRAO ĐỔI
Quân sự hóa các đảo - Mưu đồ và hành động của Trung Quốc ở Biển Đông (18/05/2016)

Trong thời gian gần đây, Trung Quốc đã triển khai các máy bay tiêm kích, tên lửa, rada và các thiết bị quân sự hiện đại trên các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam ở Biển Đông. Đây là bước leo thang mới của Trung Quốc trong việc theo đuổi chiến lược quân sự hóa Biển Đông nhằm khống chế và tiến tới độc chiếm Biển Đông. Động thái trên đây đã làm gia tăng lo ngại cũng như căng thẳng khu vực trái với những thỏa thuận cấp cao hai nước Việt - Trung và cả những hứa hẹn trong cái gọi là “Kiến nghị 10 điểm” mà Bắc Kinh mới đề xuất tại cuộc họp lần thứ 47 giữa ASEAN với các đối tác (8-2015).

1. Chuyển từ hợp tác sang cạnh tranh chủ quyền

Theo giới nghiên cứu, để hiện thực hóa tham vọng “đường lưỡi bò”, Trung Quốc đã xác định 3 mục tiêu, 3 giải pháp chính. Trong quá trình triển khai chiến lược, Trung Quốc cũng vận dụng “linh hoạt” các nhận định và kiến nghị của giới nghiên cứu Trung Quốc sao cho có “hiệu quả”. Năm 2014, Trung Quốc lại đưa giàn khoan đến vùng biển thuộc thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, thỏa thuận DOC, thỏa thuận cấp cao hai nước…

Chủ trương “hợp nhất khu vực” Trung Quốc - ASEAN được lãnh đạo Trung Quốc coi là một ưu tiên hàng đầu, nhằm thực thi một phần trong chính sách “trỗi dậy hòa bình” của Trung Quốc. Sự hợp nhất khu vực bao gồm cả chính trị và kinh tế.

Để tập trung năng lực trong nước cho sự phát triển kinh tế nhanh và bền vững, Trung Quốc đã trải qua giai đoạn “tạm ngưng chiến lược”, tránh đối đầu bằng sức mạnh. Chiến lược này được thực hiện từ cuối những năm 1990 đến năm 2007 và đã đạt được những tiến bộ lớn vào thời kỳ đó. Trung Quốc đã được các nước Đông Nam Á hoan nghênh và coi đó là yếu tố thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế toàn khu vực, làm đối trọng với các cường quốc bên ngoài bao gồm cả Mỹ.

Vào thời kỳ đó, Trung Quốc thúc đẩy hàng loạt mối quan hệ với ASEAN. Thành công nhất là các chương trình phát triển kinh tế, thương mại và cơ sở hạ tầng. Thương mại hai chiều tăng mạnh từ khoảng 8 tỷ USD năm 1991 lên 106 tỷ USD năm 2004 và 231 tỷ năm 2008. Trong khi đó, thương mại giữa các nước ASEAN và Mỹ trong cùng năm chỉ đạt 172 tỷ USD.

Trung Quốc đã  tập trung hỗ trợ cho  dự án hành lang kinh tế Nam Ninh - Singapore, với hệ thống vận tải bằng đường sắt xuyên khu vực nối Nam Ninh - Hà Nội - Thành phố Hồ Chí Mính - Phnôm Pênh, Băng Cốc - Kuala Lumpur - Singapore; Dự án hợp tác tiểu vùng sông Mê Kông nối Côn Minh, Vân Nam, Trung Quốc - Singapore; Dự án vành đai kinh tế Vịnh Bắc Bộ và sáng kiến Hải Nam. Tuy nhiên, các chương trình này phải đối mặt với nhiều thách thức vì liên quan đến các khu vực mà ở đó chủ quyền và quyền tài phán vẫn nằm trong tranh chấp.

Một số nhà bình luận Trung Quốc cho rằng, mục tiêu trên phản ánh một chiến lược “quả chín” nằm trong tay Trung Quốc, “nếu Trung Quốc tiếp tục áp đặt các yêu sách mở rộng của họ ở Biển Đông một cách đầy gây hấn thì các hòn đảo và không phận trên biển tương ứng của chúng có thể sẽ dễ dàng rơi vào tay họ như những quả chín. Ít nhất thì Trung Quốc cũng sẽ chi phối vấn đề này và giành được phần của kẻ mạnh trong bất kỳ giải pháp nào”.

Một số học giả Trung Quốc khác lại cho rằng, mục đích đầu tư lớn của Trung Quốc cùng với chính sách đóng băng tranh chấp của họ là để giành được lực hút, hay đòn bẩy và sẽ dẫn đến sự từ bỏ tự nguyện các yêu sách về Biển Đông của các nước khác. Tuy nhiên, các sự kiện sau đó cho thấy, các nước Đông Nam Á đã không muốn cường quốc nào giành quá nhiều ảnh hưởng trong khu vực. “Giờ đây. ASEAN đã chuyển từ hoan nghênh sự can dự của Trung Quốc vào khu vực sang mời gọi sự chú ý của các cường quốc bên ngoài, nhằm tạo ra sự cân bằng ảnh hưởng trong khu vực. Vì thế, theo giới phân tích, giàn khoan Hải Dương 981 được khởi động vào trước thềm Hội nghị Cấp cao ASEAN là nhằm thúc đẩy quan điểm của tổ chức này rõ ràng hơn đối với chiến lược hợp nhất khu vực của Trung Quốc”.

Chính sách “kiểm soát tài nguyên” là mục tiêu theo đuổi của Trung Quốc nhằm nâng cao an ninh tài nguyên và bảo đảm sự kiểm soát hầu hết tài nguyên sinh vật và vi sinh vật ở Biển Đông. Một nhà bình luận Trung Quốc nói: “Dân tộc Trung Quốc đang phải đối mặt với thách thức lớn nào? Đó chính là vấn đề tài nguyên”. Tài nguyên cá cũng rất quan trọng đối với Trung Quốc. Một ấn phẩm của Chính phủ Trung Quốc viết: “Hiệp định đánh bắt cá Vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc đã thu hẹp đáng kể không gian đánh bắt của ngư dân Trung Quốc. Những thỏa thuận như vậy không chỉ làm xấu thêm tình hình mà còn có khả năng gây ra sự bất ổn định xã hội ở nhiều làng mạc và thị trấn ven biển”. Có thể nói, biển chắc chắn sẽ trở thành một vũ đài quan trọng đối với các cuộc đấu tranh quốc tế về chính trị, kinh tế và quân sự, cũng là một mục tiêu quan trọng trong cuộc đấu tranh của bất kỳ quốc gia nào cho quyền và lợi ích của họ. Với Trung Quốc, mục tiêu quan trọng của họ là phải bảo đảm được sự tiếp cận và kiểm soát được các nguồn tài nguyên ở Biển Đông trong tương lai.

Những động thái của Trung Quốc trong thời gian qua như: Công bố đường “lưỡi bò” (2010), cắt cáp tàu Bình Minh 02 của Việt Nam (2012), sự kiện Bãi Cỏ Mây ở Philippines (2013) và hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 (2014) là nằm trong chuỗi các vấn đề tư duy và tham vọng kiểm soát tài nguyên Biển Đông của Trung Quốc. 

Chính sách “an ninh nâng cao”, là mục tiêu thứ 3 của Trung Quốc nhằm bảo đảm sự kiểm soát của họ đối với Biển Đông, tạo ra một vùng đệm an ninh biển để bảo vệ các trung tâm dân số lớn thuộc các vùng công nghiệp và văn hóa khu vực duyên hải phía Đông của Trung Quốc. Một viên tướng nghỉ hưu của Trung Quốc đã coi: “Khu vực biển của Trung Quốc là rào chắn chiến lược thứ nhất đối với an ninh nội địa. Khu vực duyên hải là tiền tuyến của sự tăng trưởng trong quá trình phát triển kinh tế và xã hội của Trung Quốc. Nếu phòng thủ bờ biển rơi vào vòng nguy hiểm thì những khu vực trung tâm quan trọng về kinh tế và chính trị đứng trước các mối đe dọa từ bên ngoài… Vì thế, khu vực duyên hải là cửa ngõ của an ninh quốc gia tổng thể của Trung Quốc”.

Trung Quốc cần phải kiểm soát các vùng biển duyên hải căn cứ vào cách tiếp cận địa chiến lược của một nước có nhiều quan ngại an ninh liên quan đến cả biển và đất liền. Những nước này thường theo các chiến lược an ninh vốn cân bằng sức mạnh trên bờ và trên biển, nhằm phát triển các vòng tròn đồng tâm của sự kiểm soát chiến lược, ảnh hưởng và vươn tới xung quanh khu vực trung tâm mang lợi ích quốc gia thiết yếu của họ. Vì vậy, Biển Đông, biển Hoa Đông và Hoàng Hải là những khu vực mà các chiến lược gia Trung Quốc cho là cần phải phát triển kiểm soát quân sự, để loại bỏ các mối đe dọa từ bên ngoài và qua đó nâng cao mức độ an ninh của khu vực duyên hải của Trung Quốc.

Theo giới phân tích, những hành động gần đây cho thấy, Trung Quốc đang thể hiện ý định nâng cao an ninh của họ bằng cách cạnh tranh với các bên yêu sách khác về chủ quyền, quyền tài phán và quyền kiểm soát đối với Biển Đông. Theo giới quan sát, ngay từ năm 2009, Trung Quốc đã hợp nhất các mục tiêu chiến lược: hợp tác khu vực, hợp tác tài nguyên sang cạnh tranh về chủ quyền và an ninh.  Trung Quốc đã “phớt lờ” lợi ích của các nước khác.

Một khuynh hướng trong giới nghiên cứu Trung Quốc cho rằng: “Sự hợp tác trong quá khứ đã tạo ra những kết quả to lớn, song sự chuyển hướng của Trung Quốc từ hợp tác sang cạnh tranh gần đây có khả năng sẽ không đưa lại kết quả tốt đẹp. Theo họ, những giải pháp đôi bên cùng có lợi sẽ hứa hẹn nhiều hiệu quả hơn so với những giải pháp “5 ăn 5 thua” vốn dựa trên sự cạnh tranh về chủ quyền, quyền tài phán và quyền kiểm soát. Vì thế, việc Trung Quốc đưa giàn khoan HD981 đến vùng thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của Việt Nam không những bị Việt Nam và quốc tế lên án mà còn gặp phải sự không đồng tình của các nhà nghiên cứu và những người chân chính trong nhân dân Trung Quốc”.

2.Quân sự hóa được coi là giải pháp “linh hoạt”

Tuy nhiên, độc chiếm Biển Đông từ tham vọng “kín đáo” của Bắc Kinh,  nay đã trở nên “trắng trợn” hơn. Với một nước lớn có GDP đứng thứ 2 thế giới, Trung Quốc luôn muốn có vai trò lãnh đạo khu vực và cạnh tranh vị thế toàn cầu với Mỹ, nên Trung Quốc  đang thực hiện cái gọi là “kiềm chế”. Theo giới quan sát, hiện nay tại Trung Quốc cũng đang có nhiều cuộc tranh luận sôi nổi làm thế nào để theo đuổi các “cốt lõi” lợi ích của Trung Quốc ở Biển Đông một cách tốt nhất và phần lớn đều không hài lòng với nguyên trạng hiện nay, nên cần phải tạo ra “vùng sở hữu chung”. Thực chất của quan điểm này là biến sở hữu của nước khác thành “sở hữu chung”.

Một số học giả Trung Quốc cho rằng, Bắc Kinh nên thực hiện “kiềm chế”, một số khác lại đề xuất các yêu sách khác nhau như: “Chủ động khai thác các nguồn tài nguyên ở những vùng nước tranh chấp”. Một số nhà nghiên cứu có trách nhiệm như Giáo sư Lý Lệnh Hoa lại khuyến cáo Bắc Kinh nên tuân thủ luật pháp quốc tế. Hiện nay, trong các giới chức Trung Quốc cũng xuất hiện hai luồng tư tưởng về “quân sự hóa”, có ý kiến cho rằng, “quân sự hóa chỉ làm tồi tệ thêm các cuộc tranh chấp, cải thiện và làm mạnh mẽ thêm các khả năng thực thi dân sự của Trung Quốc mới là giải pháp bảo vệ tốt nhất các lợi ích của họ. Việc đưa giàn khoan HD981 hoạt động trong vùng thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của Việt Nam năm 2014 là đi theo hướng này. Tuy nhiên, việc bồi đắp mở rộng các đảo của Việt Nam mà Trung Quốc chiếm đóng trái phép năm 2015 đã thể hiện sự thắng thế của giới chức quân sự Trung Quốc. Việc “quân sự hóa” các đảo nói trên đã được tiến hành và họ vẫn coi đây là giải pháp “linh hoạt” trong giai đoạn  mà các nhà hoạch định chiến lược biển của Trung Quốc gọi là “cạnh tranh chủ quyền”.

Cho đến nay, tình báo Mỹ đã phát hiện Trung Quốc triển khai gần chục máy bay tiêm kích thế hệ thứ 4 Shenyang (Thẩm Dương) J-11 và máy bay tiêm kích-ném bom Xian (Tây An) JH-17 trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam (bị Trung Quốc xâm chiếm bằng vũ lực năm 1974). Hoạt động này của máy bay chiến đấu Trung Quốc “diễn ra thường xuyên”.

Trước đó, Trung Quốc còn triển khai 2 khẩu đội tên lửa phòng không hiện đại nhất của nước này HQ-9 (tương đương như S-300 của Nga), gồm 8 ống phóng tên lửa đi kèm radar tới đảo Phú Lâm. Với việc triển khai máy bay chiến đấu, tên lửa phòng không hiện đại tới khu vực này, họ có thể khống chế cả một vùng rộng lớn trên Biển Đông. Trung Quốc đang xây dựng những hòn đảo mà nước này chiếm đóng trái phép ở Biển Đông thành những căn cứ quân sự lớn. Giới phân tích quân sự cho rằng, sau tên lửa phòng không, máy bay, radar… Trung Quốc có thể sẽ triển khai các vũ khí hiện đại hơn cùng với việc lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ), tiếp theo có thể sẽ là tên lửa  hạm  đạo để kiểm soát hoàn toàn vùng biển rộng lớn.

Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) đã công bố những hình ảnh vệ tinh cho thấy, Trung Quốc đang bố trí một hệ thống radar tần số cao mới trên đảo đá Châu Viên, một trong 7 bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép rồi tiến hành bồi đắp, cải tạo quy mô lớn thành đảo nổi nhân tạo.

Theo giới quan sát, rõ ràng mục đích sâu xa từ những hoạt động triển khai, bố trí trang bị vũ khí của Trung Quốc ở đảo Phú Lâm cũng như các hòn đảo, bãi đá chiếm đóng phi pháp trên Biển Đông là nhằm hiện thực hóa mưu đồ khống chế tiến tới độc chiếm Biển Đông. Đẩy mạnh quân sự hóa Biển Đông nhằm giành ưu thế vượt trội, Trung Quốc đã leo lên nấc thang mới nguy hiểm, sẵn sàng dùng vũ lực để hiện thực hóa yêu sách chủ quyền trên Biển Đông. Những hành động gây hấn liên tiếp gia tăng căng thẳng cũng như ý đồ độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc đã bị dư luận thế giới vạch rõ và lên án.

Trả lời câu hỏi của nhiều phóng viên trong nước và quốc tế về phản ứng của Việt Nam, ngày 19-2-2016 Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nhấn mạnh: “Việt Nam hết sức quan ngại về các hành động nói trên của Trung Quốc. Đây là những hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, đe dọa hòa bình và ổn định trong khu vực cũng như an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông. Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hành động sai trái đó”. Việt Nam cũng đồng thời gửi công hàm đến Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội để phản đối và có Công hàm gửi Tổng Thư ký Liên hợp quốc đề nghị cho lưu hành như văn bản chính thức.

(Còn nữa)

Bạn đọc có nhu cầu xin liên hệ với toà soạn

Tạp chí Nghiên cứu Trung Quốc

Phòng 1306 Tầng 13 Số 1 Liễu Giai – Ba Đình – Hà Nội

Điện thoại: 0462730459 – ext:1306 

Email: tapchitrungquoc@yahoo.com.vn



Các tin khác

Sự hình thành cục diện địa chính trị mới tại Đông Á và vai trò của nước Nga (18/05/2016)
Cả thế giới bác bỏ cái gọi là "đường lưỡi bò" của Trung Quốc (11/01/2015)
Nhà nước phong kiến Việt Nam đã quản lý quần đảo Hoàng Sa và các vùng biển của Việt Nam ở Biển Đông trong nhiều thế kỷ (28/11/2014)
Xung đột Biển Đông qua nhìn nhận của một số học giả, chính khách Mỹ và phương Tây (27/08/2014)
Nhìn lại sự kiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương – 981 xâm phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam (27/08/2014)
Ghi nhận về quần đảo Hoàng Sa của nhà địa lý học Trung Hoa cuối thế ky XIX trong tác phẩm Việt Nam Địa dư đồ thuyết (15/07/2014)
Quốc tế công nhận Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam từ lâu. (15/07/2014)
Từ sự kiện giàn khoan nhìn lại Trung Quốc và quan hệ Việt - Trung (15/07/2014)
Mệnh danh là nhà khoa học sao lại hành động “phản khoa học” như vậy? (25/06/2014)
Lập luận kỳ lạ (25/06/2014)
 
TIN MỚI NHẤT
ẤN PHẨM - XUẤT BẢN
 
 
TRANG CHỦ
TỪ ĐIỂN
TRA CỨU THƯ VIỆN
SƠ ĐỒ TRANG WEB
LIÊN HỆ
 
 
BẢN QUYỀN THUỘC VIỆN NGHIÊN CỨU TRUNG QUỐC - INSTITUTE OF CHINESE STUDIES
Địa chỉ: Số 176 Thái Hà, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam
Điện thoại: 024.32171020; Email: vnics@vnics.org.vn