ThS. Phạm Lan Hương
Ban Đối ngoại Trung ương
Bối
cảnh thế giới và trong nước thời gian gần đây tuy diễn biến phức tạp và tiềm ẩn
nhiều khó khăn, thách thức nhưng mặt trận đối ngoại của Việt Nam vẫn gặt hái
được nhiều thành tựu quan trọng. Trong đó, sự kiện đối ngoại nổi bật của năm
2015 là Tổng Bí thư hai Đảng, hai nước Việt Nam – Trung Quốc lần lượt thăm viếng
lẫn nhau, các chuyến thăm đã góp phần củng cố quan hệ đối tác hợp tác chiến
lược toàn diện giữa hai nước, củng cố và duy trì cục diện hữu nghị và ổn định,
tiếp thêm động lực mới cho việc phát triển lành mạnh quan hệ, bình thường hóa
quan hệ giữa hai nước sau sự kiện giàn khoan hải dương 981. Trong thành tựu
chung đó phải kể đến những đóng góp hiệu quả của các địa phương, nhất là các tỉnh
giáp biên với Trung Quốc, đó là Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng,
Lạng Sơn và Quảng Ninh. Các tỉnh này đã tiếp tục quán triệt đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước,
chủ
động triển khai đồng bộ và toàn diện trên các lĩnh vực song phương và đa phương,
kết hợp chặt chẽ giữa đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân, đồng thời đẩy mạnh quan hệ với đối tác láng giềng
có chung biên giới đi vào chiều sâu và đã thu được nhiều kết quả.
1. Thành tựu hoạt
động đối ngoại của 7 tỉnh giáp biên với Trung Quốc
1.1. Về lĩnh vực
chính trị
Trung
Quốc và Việt Nam là láng giềng quan trọng và đối tác hợp tác của nhau, đều là
nước xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản lãnh đạo, lại cùng đang tiến hành cải
cách mở cửa, đổi mới và hội nhập quốc tế. Những năm gần đây, hai Đảng, hai nước,
nhân dân hai nước tổ chức nhiều hoạt động trao đổi, giao lưu nhằm củng cố tình
hữu nghị truyền thống, mở rộng hợp tác giao lưu giữa nhân dân, không ngừng đạt
được những thành quả to lớn trong việc thúc đẩy phát triển quan hệ Việt - Trung.
Để có kết quả này, phần nào dựa trên cơ sở thúc đẩy hợp tác trao đổi trên kênh
chính trị, làm sâu sắc hơn sự tin cậy lẫn nhau giữa hai Đảng, hai nước Việt Nam
– Trung Quốc, đặc biệt quan hệ hợp tác giữa các địa phương biên giới hai nước
phát triển tích cực,từng bước nỗ lực đưa quan hệ song phương đi vào chiều sâu, ổn
định và hiệu quả, thu được kết quả thực chất. Kết quả này thể hiện trong một số
điểm sau:
(1) Duy trì các hoạt động tiếp xúc, gặp gỡ cấp cao giữa lãnh đạo tỉnh –
khu.
Năm
2014, có 7 tỉnh giáp biên của Việt Nam và tỉnh Vân Nam, Khu tự trị dân tộc
Choang Quảng Tây của Trung Quốc tích cực cử các đồng chí lãnh đạo tỉnh và Khu đến
thăm và làm việc. Về phía Việt Nam
có Đoàn đồng chí bí thư Lào Cai thăm Vân Nam; Đoàn đại biểu cấp cao tỉnh Cao
Bằng thăm Quảng Tây… Phía Trung Quốc cử Phó Bí thư Khu ủy Quảng Tây sang thăm
và làm việc tại Lạng Sơn; Đoàn đại biểu Khu ủy Quảng Tây đến thăm và làm việc tại
Cao Bằng… Trong năm 2015, về phía Việt Nam, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang và Bí thư Tỉnh
ủy Cao Bằng đi thăm và làm việc với các địa phương của Quảng Tây; Chủ tịch UBND
tỉnh Điện Biên, Lạng Sơn, Lào Cai, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Lào Cai thăm
và làm việc tại Vân Nam. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao và Lãnh đạo các Sở Ngoại vụ địa
phương thăm và làm việc tại Quảng Tây… Về phía Trung Quốc, có các đồng chí: Trần
Hòa, Chủ tịch tỉnh Vân Nam và Trương Hiểu Khâm, Phó Chủ tịch Khu tự trị dân tộc
Choang Quảng Tây sang thăm và làm việc tại Lào Cai; Bí thư Khu ủy Quảng Tây,
Phó Chủ tịch chính quyền Quảng Tây lần lượt thăm và làm việc tại Lạng Sơn; Chủ
tịch và Bí thư tỉnh Vân Nam, Phó Chủ tịch Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây lần
lượt sang thăm và làm việc tại Hà Giang và Lào Cai...
(2) Tổ chức nhiều hoạt động giao lưu phong phú giữa các ngành, giữa thanh
niên, phụ nữ và nhân dân biên giới nhân dịp Tết cổ truyền, ngày kiến giao, quốc
khánh hai nước và các dịp lễ hội.
Tỉnh Lạng Sơn và Quảng Tây tổ chức 03 hoạt động giao lưu văn hóa,
văn nghệ, thể thao giữa nhân dân biên giới. Tỉnh Lào Cai đã hỗ trợ Vân Nam 100 tấn gạo hỗ trợ động đất tại
huyện Lỗ Điện, thành phố Chiêu Thông, tỉnh Vân Nam; phối hợp với Bộ Quốc phòng
hai nước và tỉnh Vân Nam tổ chức thành công hoạt động Giao lưu hữu nghị Quốc
phòng biên giới Việt – Trung lần thứ 2 tại Lào Cai và Vân Nam. Tỉnh Quảng Ninh mời Đoàn nghệ thuật của
Trung Quốc tham dự Lễ hội Carnalval Hạ Long. Tỉnh Cao Bằng tổ chức các sự kiện giao lưu văn hóa đối ngoại với
Quảng Tây, tiêu biểu như: hoạt động “Du lịch đỏ theo dấu chân Bác Hồ”, Liên
hoan nhân dân biên giới Việt – Trung tại huyện Tịnh Tây, Bách Sắc; Ngày hội
thanh niên biên giới Cao Bằng – Quảng Tây; Liên hoan dân ca biên giới tại Bản Dấu,
thôn Cao Sơn, thị trấn Kim Long, thành phố Sùng Tả. Tỉnh Lạng Sơn tổ chức trại hè giao lưu giữa học sinh, sinh viên
hai bên tại Quảng Tây. Ngoài ra, nhân các dịp lễ lớn, Tết cổ truyền, ngày Quốc
khánh, kiến giao, các địa phương giáp biên đều gửi điện thăm hỏi, chúc mừng lẫn
nhau, góp phần tăng cường tình hữu nghị, hiểu biết lẫn nhau giữa các bên.
(3) Tiếp
tục triển khai thực hiện các thỏa thuận mà lãnh đạo các địa phương giáp biên đã
ký kết. Cụ thể như, Chương trình hợp tác toàn diện giữa tỉnh Hà Giang và châu Vân Sơn,
tỉnh Vân Nam giai đoạn 2013-2015; Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa tỉnh uỷ Cao Bằng
và Thành uỷ Bách Sắc, Quảng Tây; Biên bản hợp tác giữa Bí thư tỉnh uỷ Lào Cai
và Bí thư tỉnh uỷ Vân Nam; Cơ chế giao ban thường niên giữa các huyện biên giới
của tỉnh Lai Châu và các huyện Kim Bình, Lục Xuân, Giang Thành thuộc tỉnh Vân
Nam; Thỏa thuận triển khai giao lưu hữu nghị đảng bộ địa phương giữa tỉnh ủy Lào Cai và tỉnh ủy Vân Nam; Bản Thỏa
thuận giữa tỉnh ủy Quảng Ninh với Khu ủy Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây
về thiết lập giao lưu hữu nghị giữa các tổ chức cơ sở đảng địa phương… Phối
hợp thực hiện có hiệu quả các nội dung hợp tác thông qua các cơ chế hợp tác đa
phương như Uỷ ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt – Trung, Nhóm công tác liên
hợp giữa 4 tỉnh Lào Cai, Điện Biên, Hà Giang, Lai Châu với tỉnh Vân Nam, Uỷ ban
công tác liên hợp giữa các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Hà Giang, Cao Bằng với
Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây; Hội nghị hợp tác hành lang kinh tế 5 nước
Lào Cai, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Vân Nam.
(4) Tăng cường trao đổi đoàn các cấp, các ngành; các huyện biên giới qua lại
thăm hỏi, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm và đẩy mạnh hợp tác đào tạo… vừa nhằm
tăng thêm sự hiểu biết vừa học tập kinh nghiệm và củng cố tình hữu nghị giữa
hai bên.
Năm 2014, Cao Bằng cử 05 đoàn đi Trung Quốc;
đón 03 đoàn đại biểu thành phố Sùng Tả, Bách Sắc và Trùng Khánh của Quảng Tây,
Trung Quốc. Điện Biên cử 15
đoàn sang học tập kinh nghiệm tại Vân Nam, đón 10 đoàn của tỉnh Vân Nam đến
thăm tìm hiểu thị trường, khảo sát đầu tư. Trong 6 tháng đầu năm 2015, các cơ
quan địa phương của tỉnh Lào Cai
đã tổ chức 51 đoàn công tác với 515 lượt người sang làm việc tại các địa phương
của Trung Quốc và đón 56 đoàn công tác với 673 lượt người từ các địa phương của
Trung Quốc sang làm việc tại Lào Cai. Trong năm 2015, tỉnh Lạng Sơn cử 102 lượt sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm Lạng
Sơn đi thực tập, thực hành ngôn ngữ theo hình thức đào tạo liên kết 2+1 tại Quảng
Tây; cử 09 sinh viên và 09 cán bộ đi học thạc sỹ tại các trường đại học của Quảng
Tây và cấp 03 suất học bổng toàn phần cho lưu học sinh Quảng Tây. Tỉnh Điện Biên đón 03 đoàn với 158 lượt
người từ Trung Quốc, cử 02 cán bộ đi học thạc sỹ, 05 tiến sỹ đi đào tạo tại tỉnh
Vân Nam.
(5) Tiếp tục thiết lập quan hệ hữu nghị giữa các cụm dân cư biên giới, đồn
– trạm biên phòng, thôn – bản.
Các
đồn biên phòng của tỉnh Lào Cai thiết lập quan hệ hữu nghị với các trạm
kiểm soát biên phòng và Đại đội công an biên phòng đối đẳng của tỉnh Vân Nam. Ba thôn của tỉnh Hà Giang và 3 thôn thuộc tỉnh Vân Nam thiết lập quan hệ hữu
nghị[i].Thỏa
thuận thiết lập quan hệ hữu nghị giữa Bản
Pô tô – Cửa cải; Đồn Sì Lờ Lầu – Sì Lì Xuân của Lai Châu với huyện Kim Bình,
Vân Nam, Trung Quốc; 2 thôn, bản của Lạng Sơn thiết lập quan hệ hữu nghị với 2 thôn, bản phía đối diện
của Quảng Tây (Nà Nưa – Nà Hoa,
Nà Lầu – Pò Chài).
(6) Cơ chế giao
ban định kỳ thường xuyên giữa lực lượng công an và biên phòng giữa hai nước, nhất
là giữa các đồn biên phòng giáp biên giới trong nhiều năm qua đã phát huy hiệu
quả, thiết thực, kịp thời giải quyết được các vấn đề nảy sinh ở biên giới hai
nước.
Đây
vừa tăng cường sự tin cậy, đảm bảo an ninh biên giới hai bên, vừa duy trì đường
biên giới hữu nghị, hòa bình, ổn định và phát triển.
1.2. Về lĩnh vực
kinh tế
Với
vị trí địa lý đặc thù, trong nhiều năm qua, 7 tỉnh đã chủ động thúc đẩy hợp tác
kinh tế với các địa phương giáp biên của Trung Quốc. Từ đó, hợp tác qua lại giữa
các bên giáp biên đã có nhiều không gian phát triển hơn, đã và đang tác động
tích cực đến sự phát triển kinh tế của các tỉnh biên giới, đóng góp chung vào sự
tăng trưởng kinh tế của khu vực này. Tuy năm 2014, Trung Quốc hạ đặt trái phép
giàn khoan Hải dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước
ta, quan hệ kinh tế giữa hai bên có chiều hướng xấu đi, lượng khách du lịch, lượng
hàng hóa xuất nhập khẩu tiểu ngạch của một số địa phương giáp Trung Quốc giảm,
nhưng hai bên cũng đãtriển khai được một số hình thức hợp tác như có 04 cặp
quan hệ cấp địa phương và một số thỏa thuận thiết lập quan hệ hữu nghĩa cấp sở,
ngành, huyện biên giới được ký mới[ii];
tham dự Hội nghị Nhóm công tác liên hợp 4 tỉnh Hà Giang, Lai Châu, Lào Cai, Điện
Biên với Vân Nam và Quảng Tây (Trung Quốc); tổ chức Hội chợ thương mại biên giới
Hà Khẩu tại Hà Giang. Đặc biệt, tỉnh Lạng Sơn thành lập Tiểu ban công tác cửa
khẩu thực hiện nhiệm vụ của Ủy ban hợp tác cửa khẩu Việt Nam - Trung Quốc.
Trong năm 2015, quan hệ về kinh tế giữa các bên đã có nhiều chuyển biến tích cực,
đạt được nhiều thỏa thuận hợp tác đáng kể. Cao Bằng và Quảng Ninh đã
lần lượt ký kết Hiệp định hợp tác khai thác và bảo vệ tài nguyên du lịch khu vực
thác Bản Giốc (Cao Bằng), Hiệp định tàu thuyền đi lại tại khu vực tự do đi lại ở
cửa sông Bắc Luân (Quảng Ninh). Bảy tỉnh
này phối hợp với Bộ Ngoại giao tổ chức Hội nghị định kỳ lần thứ 5 kiểm
điểm tình hình hợp tác giữa các Bộ, ngành, địa phương Việt Nam với tỉnh Quảng
Đông, Trung Quốc. Các tỉnh Lào Cai, Hà
Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh và Vân Nam
tổ chức Hội nghị hợp tác hành lang kinh tế (tháng 12/2015). Các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hà
Giang đã ký Biên bản ghi nhớ Hội nghị lần thứ 7 Ủy ban công tác liên hợp
với Khu tự trị dân tộc Choang Quảng
Tây với 14 điểm, nhất trí sẽ triển khai giao lưu, hợp tác láng giềng hữu
nghị, xây dựng khu hợp tác kinh tế qua biên giới, kết nối giao thông, mở nâng cấp
cửa khẩu, đơn giản hóa thủ tục thông quan, quản lý biên giới, phòng chống dịch
bệnh, hợp tác khoa học công nghệ…. Tại Phiên họp Ủy ban chỉ đạo hợp tác song
phương Việt – Trung lần thứ 8, hai bên tiếp tục thúc đẩy việc mở và nâng cấp
các cặp cửa khẩu biên giới giữa hai nước; tích cực thực hiện thí điểm “một cửa một
điểm dừng”, tăng cường xây dựng tiện lợi hóa cho thông quan tại các cửa khẩu
biên giới. Bên cạnh đó, tỉnh Hà Giang
và Lai Châu đã phối hợp tham dự 03 hội chợ tại Trung Quốc[iii].
Tỉnh Hà Giang ký 02 thỏa thuận
quốc tế tại phiên họp Ủy ban công tác liên hợp lần thứ 7 với Quảng Tây; Thỏa
thuận mở lối mở khu vực giữa Hà Giang và Bách Sắc, Quảng Tây. Lạng Sơn và Quảng Tây đẩy mạnh hợp
tác khu kinh tế xuyên biên giới giữa hai bên. Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu
Đồng Đăng, tỉnh Lạng Sơn ký Bản ghi nhớ về xây dựng cơ chế trao đổi hội đàm định
kỳ với chính quyền thị xã Bằng Tường, Quảng Tây, Trung Quốc. Cao Bằng thành lập Ban chỉ đạo hợp
tác với thành phố Bách Sắc, thành phố Sùng Tả, Quảng Tây; ký kết 09 văn kiện
trên các lĩnh vực nông nghiệp, xuất khẩu nông sản, hải sản qua cửa khẩu Long
Bang – Trà Lĩnh, hợp tác giáo dục, hợp tác khai thác mở cửa ven biên giữa tỉnh
Cao Bằng với huyện Tịnh Tây, tăng cường hợp tác Đảng, thiết lập quan hệ hữu nghị
giữa các huyện biên giới. Quảng Ninh
và Quảng Tây ký thoả thuận xây dựng cầu cửa khẩu Hoành Mô – Động Trung. Tỉnh Lào Cai khánh thành đoạn đường
cao tốc (19 km) nối từ điểm cuối đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai đến Khu Thương
mại công nghiệp Kim Thành để kết nối với đường cao tốc Hà Khẩu – Côn Minh qua cầu
đường bộ sông Hồng. Ngoài ra, tỉnh Lào
Cai chỉ đạo các cơ quan hữu quan tiếp tục phối hợp triển khai các công
việc liên quan đến xây dựng Khu hợp tác kinh tế qua biên giới Lào Cai – Hà Khẩu;
tích cực khai thác có hiệu quả tuyến đường bộ cao tốc Côn Minh – Hà Khẩu – Lào
Cai – Hà Nội và cặp cửa khẩu quốc tế Lào Cai – Hà Khẩu; thúc đẩy xây dựng hành
lang kinh tế Côn Minh – Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh.
Ngoài
ra, trong những năm gần đây, trong bối cảnh nước ta tiếp tục đẩy mạnh triển
khai công cuộc hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng, lãnh đạo 7 tỉnh này đã
chú trọng tới công tác hội nhập kinh tế quốc tế, xúc tiến đầu tư, vận động, thu
hút các nguồn viện trợ quốc tế, nhưng các tỉnh này đa số là tỉnh miền núi,
nghèo, nằm ở vị trí trọng yếu bảo đảm biên giới phía Bắc của đất nước nên còn gặp
nhiều khó khăn trong kêu gọi FDI, ODA và vận động các tổ chức phi chính phu (NGO).
Thêm nữa, tỷ lệ đầu tư và hỗ trợ của Trung Quốc đối với vùng này cũng có phần hạn
chế.
Cùng
với đó, trong quan hệ kinh tế giữa các tỉnh này với Trung Quốc còn có một số vấn
đề phát sinh và cần có biện pháp xử lý như kim ngạch trao đổi biên mậu giữa 7 tỉnh
với 2 tỉnh của Trung Quốc không đều, chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh
của khu vực biên giới; sự gia tăng hoạt động thương mại tiểu ngạch giữa các tỉnh
giáp biên; thủ tục hải quan, kiểm dịch, xuất nhập cảnh đối với hàng hoá còn rườm
rà, hình thức; vẫn tồn tại tình trạng ùn tắc hàng hoá tại khu vực cửa khẩu biên
giới với Trung Quốc.
(Còn nữa)
Bạn đọc có nhu cầu xin liên hệ với toà soạn
Tạp chí Nghiên cứu Trung Quốc
Phòng 1306 Tầng 13 Số 1 Liễu Giai – Ba Đình – Hà Nội
Điện thoại: 0462730459 – ext:1306
Email: tapchitrungquoc@yahoo.com.vn