TRANG CHỦ
TỪ ĐIỂN
TRA CỨU THƯ VIỆN
SƠ ĐỒ TRANG WEB
LIÊN HỆ
NGÔN NGỮ
 
 
Thu viện ảnh
 Thời tiết Minimize | Maximize
 Hà nội  ° 
 Hải phòng  ° 
 Đà nẵng  ° 
 Hồ chí minh  ° 
Truy cập : 9831161
 
QUAN HỆ VIÊT-TRUNG
Nhìn lại quan hệ Việt - Trung năm 2015 và dự báo năm 2016 (20/05/2016)

Trung Quốc đã có nhiều hành động xâm phạm chủ quyền của Việt Nam nghiêm trọng hơn, thực hiện bước đi mang tính chất quyết định trong lộ trình độc chiếm Biển Đông, biến Biển Đông thành một điểm nóng quốc tế, có khả năng dẫn đến xung đột. Năm 2014, Trung Quốc cùng lúc thực hiện việc đưa giàn khoan hiện đại nhất đến khoan thăm dò ở vùng biển Hoàng Sa và xây dựng các đảo nhân tạo với quy mô lớn, tốc độ nhanh chưa từng có ở Trường Sa, dùng hành động được cho là chủ yếu mang mục tiêu kinh tế để đánh lạc hướng dư luận, che đậy hành động mang tính chiến lược lâu dài. Chính học giả Trung Quốc đã khẳng định: “Để công trình quy mô lớn này tiến hành thuận lợi, cần phải có thao tác mang tính che đậy” và giàn khoan Hải dương 981 “đã phát huy tác dụng yểm trợ cho việc hút cát quy mô lớn ở các đảo Nam Sa (Trường Sa của Việt Nam)”(1).

Hành động này của Trung Quốc khiến tranh chấp Biển Đông có tác động đến quan hệ Việt - Trung nặng nề nhất kể từ khi hai nước bình thường hóa. Nó không chỉ tác động đến quan hệ chính trị ngoại giao mà còn lan rộng đến kinh tế thương mại, văn hóa giáo dục và du lịch, không chỉ dừng lại ở những tuyên bố phản đối lẫn nhau mà còn làm dấy lên làn sóng phản đối, bài xích nước này tại nước kia, ảnh hưởng nghiêm trọng đến bầu không khí chung, đến tình cảm và thái độ của nhân dân mỗi nước. Nhanh chóng đưa quan hệ Việt – Trung trở lại quỹ đạo phát triển bình thường, hạn chế tác động tiêu

cực của tranh chấp Biển Đông, tiếp tục thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực là yêu cầu đặt ra đối với hai nước trong năm 2015.

1. Cố gắng đưa quan hệ Việt - Trung ra khỏi cục diện “chính trị lạnh, kinh tế nóng” do ảnh hưởng của tranh chấp Biển Đông

Những hành động gây căng thẳng của Trung Quốc ở Biển Đông nêu trên cũng như các vấn đề tồn tại trong quan hệ Việt - Trung ngày càng nổi cộm do một số thỏa thuận hợp tác giữa hai nước không được thực hiện đầy đủ khiến lòng tin trong quan hệ hai Đảng, hai nước đã bị giảm sút nghiêm trọng. Có thể nói, quan hệ hai nước đã rơi vào tình trạng “chính trị lạnh, kinh tế nóng”. Từ năm 2009-2014, những chuyến thăm cấp cao giữa hai bên ít hẳn so với những năm trước, chỉ có 3 chuyến(2). Trong 4 năm (năm 2009, 2010, 2012, 2014), lãnh đạo cấp cao hai bên không thăm chính thức lẫn nhau, chỉ gặp gỡ bên lề các hội nghị quốc tế và suốt thời gian Đại hội 17 ĐCS Trung Quốc (từ năm 2007-2012), không có lãnh đạo cấp cao nào của Trung Quốc thăm Việt Nam.

Với sự nỗ lực của cả hai phía, quan hệ chính trị ngoại giao giữa Việt Nam và Trung Quốc năm 2015 đã được “làm nóng” trở lại bằng các chuyến thăm cấp cao và nhiều hoạt động khác. Đó là chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tháng 4-2015 và chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình tháng 11-2015. Trong năm 2015, 3 trong 4 lãnh đạo cấp cao của Việt Nam (Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội) đã thăm chính thức hoặc dự lễ kỷ niệm tại Trung Quốc, ngoài ra còn có chuyến thăm của 3 Phó Thủ tướng, phía Trung Quốc có chuyến thăm đầu tiên của người đứng đầu cao nhất đến Việt Nam sau 9 năm, ngoài ra còn có chuyến thăm của Phó Thủ tướng Trương Cao Lệ. Các chuyến thăm này chính là nỗ lực nhằm ổn định tình hình, đưa quan hệ Việt - Trung trở lại quỹ đạo phát triển bình thường sau những tác động nặng nề của tranh chấp Biển Đông. Chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được đánh giá là “chuyến thăm hàn gắn quan hệ”(3), còn chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình được đánh giá là “khởi động lại quan hệ với Việt Nam”, vực dậy quan hệ giữa Trung Quốc với Việt Nam, Singapore và ASEAN”(4).

So với các nước có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc như Nhật Bản, Philippines, cục diện “chính trị lạnh” giữa Trung Quốc với Việt Nam được cải thiện tích cực nhất. Sự cải thiện này nhằm đáp ứng đòi hỏi của bản thân mối quan hệ cũng như mong muốn của mỗi nước. Quan hệ Việt - Trung năm 2014 đã rơi xuống đáy kể từ khi bình thường hóa, phá vỡ cục diện phát triển ổn định, phá vỡ nhiều thành quả đã gây dựng trước đó. Vì vậy, năm 2015 cũng là năm kỷ niệm 65 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, hai bên cần có động thái để ngăn chặn ảnh hưởng tiêu cực của sự kiện giàn khoan, sớm đưa quan hệ ổn định, phát triển trở lại. “Nếu để cho quan hệ Việt - Trung trong năm 2015 xấu đi hơn nữa thì sẽ không thể cứu vãn nổi mối quan hệ song phương. Do vậy, lãnh đạo hai nước sẽ có các biện pháp để kiềm chế gia tăng căng thẳng”(5).

Sự cải thiện của quan hệ Việt – Trung năm 2015 cũng có liên quan đến sự phát triển nhanh chóng của quan hệ Việt - Mỹ và chiến lược xoay trục của Mỹ bước vào giai đoạn mới. Năm 2015 kỷ niệm 25 năm bình thường hóa quan hệ cùng một loạt biến chuyển tích cực như Mỹ nới lỏng lệnh cấm vận vũ khí, viện trợ tàu tuần tra cho Việt Nam, hoàn tất đàm phán Hiệp định TPP… Chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng diễn ra trước chuyến thăm Mỹ lịch sử, còn chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch Tập Cận Bình diễn ra khi có thông tin Tổng thống Mỹ có khả năng thăm Việt Nam vào cuối năm 2015. Thông qua các chuyến thăm, Trung Quốc muốn chuyển đi thông điệp: Trung Quốc và Việt Nam có nhiều điểm chung, là một mối quan hệ gắn bó đặc biệt, Mỹ hay bất kỳ thế lực nào cũng không thể xen vào. Trước thềm chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Tân Hoa xã bình luận, hai nước không cho phép ai chen vào giữa mối quan hệ này, tranh cãi giữa Việt Nam và Trung Quốc là điều không tránh khỏi và thật ngây thơ nếu như nghĩ rằng mối quan hệ sâu rễ bền gốc giữa hai nước sẽ sụp đổ vì bất đồng trên Biển Đông. Tiến sỹ Lê Đăng Doanh nhận định: “Sự nhiệt tình, những ngôn từ hữu nghị và thiện chí của Trung Quốc nên được xem xét trong bối cảnh họ muốn kéo Việt Nam về phía mình và ngăn cản Việt Nam xích về phía Mỹ”(6). Có thể nói, nhanh chóng ổn định quan hệ Việt - Trung cũng là cách ngăn chặn không cho Việt Nam nghiêng về phía Mỹ.

Về phía Trung Quốc, họ muốn đưa quan hệ Trung - Việt trở lại quỹ đạo phát triển ổn định sau khi đã tiến thêm một bước quan trọng làm thay đổi cục diện chiến lược ở Biển Đông, buộc Việt Nam phải coi đó là “sự đã rồi” không còn ảnh hưởng đến quan hệ song phương. Trong các cuộc gặp gỡ cấp cao, lãnh đạo Trung Quốc đặc biệt nhấn mạnh việc coi trọng đại cục (đại cục của quan hệ Trung - Việt và đại cục phát triển của hai nước), ngăn chặn quan hệ hai nước rời khỏi quỹ đạo phát triển đúng đắn, thực chất là muốn gắn duy trì đại cục của quan hệ Trung - Việt với vấn đề Biển Đông, tạo nên sự ràng buộc cho Việt Nam khi xử lý tình huống Trung Quốc gây căng thẳng ở Biển Đông. Ngoài ra, Trung Quốc muốn Việt Nam có thái độ ủng hộ và tham gia tích cực vào chiến lược “một vành đai, một con đường”. Việt Nam là một điểm nút quan trọng trong con đường tơ lụa trên biển nhưng lại là nước chủ yếu trong tranh chấp Biển Đông. Nếu Việt Nam tích cực ủng hộ sẽ góp phần củng cố vị thế của Trung Quốc đối với các nước xung quanh, tăng thêm sức mạnh tuyên truyền và ảnh hưởng của con đường tơ lụa trên biển(7).

Về phía Việt Nam, Trung Quốc luôn là nước quan trọng hàng đầu trong quan hệ đối ngoại, là đối tác kinh tế thương mại lớn nhất của Việt Nam. Quan hệ với Trung Quốc xấu đi hay không ổn định đều không có lợi cho sự phát triển, ổn định của Việt Nam. Trong bối cảnh chuẩn bị tổ chức Đại hội XII, Việt Nam cần có môi trường xung quanh và quốc tế thuận lợi. Ngoài ra, các cuộc gặp cấp cao là dịp để Việt Nam nêu rõ với Trung Quốc các vấn đề, đặc biệt vấn đề không quân sự hóa ở khu vực Biển Đông, hướng tới xây dựng một mối quan hệ thực chất và hiệu quả, thực hiện nghiêm túc các thỏa thuận cấp cao, khắc phục những vấn đề tồn tại.

Những thỏa thuận đã đạt được giữa lãnh đạo cấp cao hai nước, những kiến nghị cụ thể của mỗi bên đều nhằm củng cố, tăng cường sự tin cậy chính trị, gây dựng niềm tin trong nhân dân, phát triển quan hệ song phương theo hướng toàn diện, ổn định và lành mạnh. Tuy nhiên, những hành động trên thực tế của Trung Quốc diễn ra trong năm 2015, đặc biệt ngay trong thời gian có các chuyến thăm cấp cao đã làm cho quan hệ hai nước không có sự chuyển biến như mong muốn. Trung Quốc công khai kế hoạch xây dựng đảo nhân tạo ở Trường Sa khi hai nước vừa ra Thông cáo báo chí, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đang tiếp tục chuyến thăm Việt Nam một ngày. Ngay sau chuyến thăm không lâu, ngày 13-4-2015, tờ Hoàn cầu Thời báo đã công kích Việt Nam về sự lợi dụng quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc để hưởng lợi và tìm cách dùng ảnh hưởng của bên này để chống lại bên kia. Hay những phát biểu về vấn đề Biển Đông của Chủ tịch Tập Cận Bình tại Mỹ, tại Anh trước chuyến thăm và đặc biệt phát biểu này được lặp lại tại Singapore ngay sau chuyến thăm. Trong bối cảnh cần phải củng cố và xây dựng lòng tin, việc Trung Quốc có ứng xử kiểu hai mặt với Việt Nam, về ngoại giao tỏ ra hết sức trọng thị nhưng trên thực tế lại hành xử hoàn toàn ngược lại khiến những cam kết mà lãnh đạo Trung Quốc đã đưa ra với Việt Nam thiếu sức nặng, không hướng đến mục tiêu xây dựng lòng tin.

2. Các hợp tác trên bộ được tiếp tục thúc đẩy

Quan hệ kinh tế thương mại là sự thể hiện tập trung nhất “mặt hợp tác” mà Việt Nam đã đưa ra sau những căng thẳng ở Biển Đông năm 2014. Mặc dù tình hình tranh chấp Biển Đông vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp nhưng hợp tác kinh tế thương mại Việt - Trung Quốc vẫn được thúc đẩy và duy trì đà tăng trưởng.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê Việt Nam, tổng kim ngạch thương mại Việt Nam – Trung Quốc năm 2015 là 66,67 tỷ USD, tăng 13,7%. Xuất nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc bằng gần 1/3 với châu Á và cao hơn với cả khối ASEAN. Nhập siêu từ Trung Quốc ước tính đạt 32,3 tỷ USD, tăng 12,5% so với năm 2014 khiến cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam thâm hụt 3,54 tỷ USD, ngược lại so với xu hướng thặng dư 2,37 tỷ của năm trước(8).

(Còn nữa)

Bạn đọc có nhu cầu xin liên hệ với toà soạn

Tạp chí Nghiên cứu Trung Quốc

Phòng 1306 Tầng 13 Số 1 Liễu Giai – Ba Đình – Hà Nội

Điện thoại: 0462730459 – ext:1306 

Email: tapchitrungquoc@yahoo.com.vn




Các tin khác

Quan hệ hợp tác giữa các địa phương giáp biên của Việt Nam với Trung Quốc và một số giải pháp (18/05/2016)
Tác động của nhân tố Mỹ đối với quan hệ Việt - Trung (03/10/2015)
Đầu tư trực tiếp của Trung Quốc tại Việt Nam sau hơn 20 năm nhìn lại (05/10/2014)
Vấn đề Biển Đông - Những tác động của nó tới quan hệ thương mại Việt – Trung và nền kinh tế Việt Nam (27/08/2014)
Việt Nam và Biển Đông hiện trạng và khuynh hướng (31/05/2014)
Chuyến thăm Trung Quốc của Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang (01/04/2014)
Quan hệ Việt Nam - Trung Quốc năm 2012 (01/04/2014)
Điện mừng 64 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt-Trung (08/02/2014)
Tuyên bố chung làm sâu sắc thêm hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc trong thời kỳ mới (17/10/2013)
Điện mừng Quốc khánh Trung Quốc (02/10/2013)
 
TIN MỚI NHẤT
ẤN PHẨM - XUẤT BẢN
 
 
TRANG CHỦ
TỪ ĐIỂN
TRA CỨU THƯ VIỆN
SƠ ĐỒ TRANG WEB
LIÊN HỆ
 
 
BẢN QUYỀN THUỘC VIỆN NGHIÊN CỨU TRUNG QUỐC - INSTITUTE OF CHINESE STUDIES
Địa chỉ: Số 176 Thái Hà, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam
Điện thoại: 024.32171020; Email: vnics@vnics.org.vn