Tóm tắt: Những năm gần đây, sự cạnh tranh giữa Trung Quốc và Mỹ ngày càng khốc liệt, thể hiện trên tất cả các lĩnh vực: kinh tế, hình thái ý thức, thể chế, an ninh và địa chính trị. Ý tưởng xây dựng “Vành đai kinh tế con đường tơ lụa”(SREB) và “Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ XXI”(MSR) (gọi tắt là “Một vành đai, một con đường” (OBOR) do ông Tập Cận Bình đề xướng được coi là một kế hoạch dài hơi để ứng phó với chiến lược “xoay trục” và cơ chế TPP của Mỹ. Chiến lược “Một vành đai, một con đường” ra đời đã đẩy cạnh tranh Trung – Mỹ lên một nấc thang mới, nếu viễn cảnh mơ ước này trở thành hiện thực thì sẽ là một bước chuyển tiếp mềm mại cho quá trình chuyển giao quyền lực để sắp xếp lại bàn cờ chính trị thế giới. Bài viết từ góc độ phân tích sự giằng co trong vai trò điều khiển luật chơi quốc tế qua chiến lược “xoay trục” và sáng kiến OBOR, ý đồ chiến lược trong việc triển khai OBOR để làm nổi bật đặc điểm, tính chất của quan hệ Trung - Mỹ. Người viết cho rằng, cạnh tranh trong ràng buộc vẫn tiếp tục là xu thế chính của quan hệ Trung-Mỹ trong tương lai.
Sức mạnh tổng hợp quyết định vị trí quốc tế. Cùng với
việc thực lực của Trung Quốc không ngừng tăng lên và thực lực của Mỹ lại giảm
đi tương đối, Trung Quốc trở thành quốc gia duy nhất trên thế giới hiện nay có
khả năng thách thức vị trí bá chủ của Mỹ. Có rất nhiều quốc gia đã đưa ra nhận
định, Trung Quốc hoặc là sẽ thay thế, hoặc là đang thay thế vị trí của Mỹ để trở
thành nước lớn siêu cường dẫn đầu thế giới. Trung tâm nghiên cứu Pew thuộc kho
trí tuệ Hoa Kỳ đã chứng thực rằng, quan điểm này rất phổ biến tại Tây Âu, thông
qua công trình nghiên cứu điều tra dân ý thế giới. Những năm gần đây, sự cạnh
tranh giữa Trung Quốc và Mỹ ngày càng khốc liệt, thể hiện trên tất cả các lĩnh
vực: kinh tế, hình thái ý thức, thể chế, an ninh và địa chính trị. Ý tưởng xây
dựng “Vành đai kinh tế con đường tơ lụa”(SREB) và “Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ XXI”(MSR) (gọi tắt là “Một vành đai, một con đường”
(OBOR) do ông Tập Cận
Bình- Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đề xướng được coi là một kế hoạch
dài hơi để ứng phó với chiến lược “xoay trục” và cơ chế TPP (Hiệp định
đối tác xuyên Thái Bình Dương) của Mỹ.
Chiến lược “Một vành đai, một con đường” ra đời đã khiến cho cạnh tranh Trung –
Mỹ càng trở nên quyết liệt và nếu viễn cảnh mơ ước này trở thành hiện thực thì sẽ
là một bước chuyển tiếp dịu dàng cho quá trình chuyển giao quyền lực để sắp xếp
lại bàn cờ chính trị thế giới.
1.
Từ “giấu mình chờ thời” đến “tạo dấu ấn riêng”- giằng co với Mỹ trong
vai trò điều khiển luật chơi quốc tế
Kể từ khi lên nắm quyền đến nay,
bản thân ông Tập Cận Bình đã “tạo dấu ấn” cá nhân hết sức riêng biệt. Từ những bài hát lãng mạn, những câu chuyện hấp
dẫn về mối tình giữa ông Tập và bà Bành được coi là một “hiện tượng” bùng nổ mạng internet tại Trung Quốc, đến chính sách
chống tham nhũng “đả hồ diệt ruồi” quyết liệt và những hành động gây hấn trên
Biển Đông…, tất cả đều nhằm mục đích tập trung quyền lực và xây dựng hình ảnh
cá nhân lãnh đạo khác biệt của ông Tập Cận Bình, đồng thời ngầm tuyên bố với thế
giới rằng: Trung Quốc đã là một nước lớn và sẽ thể hiện tư thế của một nước lớn.
Dưới sự lãnh đạo của Tập Cận Bình, Trung Quốc đã nói lời từ biệt với lời giáo
huấn “giấu mình chờ thời” của vị lãnh đạo tiền bối Đặng Tiểu Bình được kiên trì thực hiện trong suốt mấy chục
năm qua, mà chính thức bước sang giai đoạn “tạo dấu ấn riêng”. Trong
suốt thời gian dài cải cách, Trung Quốc thực
hiện chiến lược “đi nhờ xe”(1) của Mỹ để rút ngắn
đoạn đường và thời gian phát triển của mình. Gần 40 năm tiến hành cải cách mở cửa,
Trung Quốc định vị mình là nước đang phát triển, cộng với việc thực hiện chiến
lược “đi nhờ xe”, nên Trung Quốc vô hình chung tiếp nhận và tuân thủ các quy tắc
và luật chơi quốc tế với vai trò là nước “ tham gia”, nước “đi theo”, mưu cầu
hưởng lợi tối đa từ sự phát triển của nền kinh tế toàn cầu. Ý tưởng “Một vành
đai, một con đường” được đưa ra trong hoàn cảnh thực lực nước Mỹ đang suy giảm
một cách tương đối, Trung Quốc đang muốn “tạo dấu ấn riêng” bằng cách từ một “kẻ
đi theo” trở thành “người dẫn dắt” luật chơi quốc tế, thông qua triển khai thực
hiện chiến lược này để đưa ra và áp dụng những quy tắc đầu tư, thương mại mới đối
với các nước xung quanh vừa phù hợp với lợi ích bản thân, vừa khẳng định mình với
vai trò là một nước lớn “có trách nhiệm” trong khu vực. Tháng 8-2014 trong chuyến
thăm Mông Cổ, Tập Cận Bình bày tỏ “hoan nghênh” các nước cùng đi chuyến tàu
phát triển của Trung Quốc, dù cho đó là tàu nhanh hay tàu chậm, với “mong muốn”
mang đến nhiều cơ hội và không gian phát triển cho các quốc gia khác. Điều này
cho thấy, đi kèm với chiến lược “Một vành đai, một con đường” sẽ là hàng loạt
các quy tắc ứng xử cũng như các định chế về thương mại đầu tư mới được áp dụng
với các nước tham gia.
Đáng chú ý là Ngân hàng đầu tư hạ tầng châu Á (AIIB) do Tập
Cận Bình đề xướng(2) thành lập vào cuối năm 2013 trong khuôn khổ của
chiến lược “Một vành đai, một con đường”. AIIB được coi là một định chế tài
chính, mang tính cạnh tranh với Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) và Ngân hàng
thế giới (WB), trong lĩnh vực hỗ trợ xây dựng hạ tầng cho các quốc gia châu Á.
Trung Quốc tuyên bố lập nguồn vốn pháp định ban đầu của AIIB là 100 tỷ USD,
trong đó nước chủ nhà sẽ nắm giữ 25-30% cổ phần; Ấn Độ là cổ đông lớn thứ hai,
với 10-15% cổ phần; Đức dự kiến sẽ có 4,1% cổ phần và trở thành cổ đông lớn thứ
tư, sau Trung Quốc, Ấn Độ và Nga; Úc cũng tuyên bố sẽ góp 719 triệu USD trong 5
năm và trở thành cổ đông lớn thứ 6 của AIIB(3). Sự ra đời của AIIB
là kết quả của việc Trung Quốc không có tiếng nói quan trọng trong một số định
chế tài chính quốc tế và khu vực như IMF hay ADB. Bất chấp sự quay lưng và phản ứng trái chiều của
Mỹ, các nước cơ bản đều ủng hộ
và tích cực tham gia AIIB do sức quyến rũ về lợi ích mà Ngân hàng này đem lại.
Đến tháng 4-2014, số thành viên sáng lập AIIB đã là 21 quốc gia. Một năm sau, vào
ngày 29-6, số nước tham gia lễ ký Điều lệ hoạt động của AIIB đã tăng đến con số
57, trong đó có 37 nước đến từ châu Âu và toàn bộ 10 thành viên ASEAN. Trung Quốc
đã thông qua hành động cụ thể và kịp
thời để chứng tỏ với Mỹ rằng Trung Quốc đã đủ lực và đủ thế để tự lập
ra một định chế tài chính quốc tế mới. Một điều nữa cần nhấn đến, đó là trong bối
cảnh ADB và WB không có khả năng đáp ứng nhu cầu phát triển hạ tầng của các quốc
gia trong khu vực, thì sự ra đời của AIIB như một nút gỡ, một điểm tựa đáng kể.
Thắng lợi ban đầu của AIIB là với 57 thành viên tham gia, đã khiến thái độ của Mỹ trở nên mềm mại hơn nhiều, cho
dù Mỹ vẫn không ngừng tỏ ra nghi ngại về tính
chuyên nghiệp và độ minh bạch của AIIB. Bên cạnh đó, Trung Quốc
còn tuyên bố thành lập Quỹ Con đường tơ lụa (Silk Road Fund), trị giá 40 tỷ
USD, với nguồn vốn huy động từ Cục dự trữ ngoại tệ Trung Quốc, Công ty trách
nhiệm hữu hạn đầu tư Trung Quốc, Ngân hàng xuất nhập khẩu Trung Quốc và Ngân
hàng khai phát nhà nước, chủ yếu là nguồn vốn mang tính chính sách quốc gia(4).
Đây là loại quỹ đầu tư khai phát, được thành lập trên nguyên tắc thị trường
hóa, quốc tế hóa, chuyên nghiệp hóa, theo “Luật công ty nước CHND Trung Hoa”. Mục
đích căn bản của Quỹ Con đường tơ lụa là hỗ trợ tìm kiếm cơ hội đầu tư và cung ứng
dịch vụ đầu tư tài chính trong tiến trình xây dựng kế hoạch “Một vành đai, một con đường”.
Như vậy, thông qua việc thành lập AIIB và Quỹ con đường tơ lụa theo phương
châm đầy lý tưởng là xây dựng “cộng đồng chung vận mệnh”, Trung Quốc đã đưa ra chế định tài chính mới đối trọng với WB, IMF và ADB
do Mỹ chi phối, mà ở đó tiếng nói của Trung Quốc là vô cùng yếu ớt. Điều này cũng khiến cho dư luận Mỹ ngày càng lo lắng về một Trung Quốc đang thách
thức vai trò lãnh đạo trật tự thế giới của mình bằng việc dẫn dắt thế giới đi
theo những quy tắc và luật chơi do họ đặt ra. Tổng thống Obama trong bản Thông
điệp Liên bang hồi đầu năm 2015 đã nhấn mạnh: Những quy tắc thương mại trong thế
kỷ 21 phải do nước Mỹ đặt ra chứ không phải đến từ Trung Quốc. Mỹ cũng là quốc
gia quay lưng dứt khoát nhất với sáng kiến “Một vành đai, một con đường” của
Trung Quốc. Theo Tạp chí Wall Street thì tháng
11-2014, Mỹ đã tích cực vận động hành lang để chống lại kế hoạch thành lập
AIIB, bao gồm cả cuộc hội đàm điện thoại với 7 quốc gia công nghiệp hàng đầu thế
giới(5) với lý do hoài nghi về tính minh bạch của AIIB khi đưa vào vận
hành. Qua sự hiện diện và triển khai của chiến lược “Một vành đai, một
con đường” có thể thấy, xu thế giằng co trong
vai trò điều khiển luật chơi quốc tế của cặp
nước lớn này sẽ ngày càng mạnh mẽ trong thời gian tới.
2.
Dải lụa nối Đông Tây- lời đáp trả cho chiến lược “Tái cân
bằng châu Á”
Trong khi Trung Quốc tập trung vào phát triển kinh tế và ráo riết tăng cường
phạm vi ảnh hưởng trên bản đồ chính trị quốc tế thì Mỹ dường như tốn nhiều tâm
sức cho công cuộc chống khủng bố toàn cầu và sa lầy vào những cuộc chiến tranh
cục bộ trong nhiều năm qua. Để củng cố vai trò của mình tại khu vực châu Á đầy
tiềm năng, trong bối cảnh Trung Quốc đang trỗi dậy, tháng 7-2009, Ngoại trưởng
Mỹ Hillary tuyên bố Mỹ “đang trở lại Đông Nam Á”. Tiếp đó, tháng 10-2011, bà
Hillary lại tiếp tục đề cập tới việc “xoay trục” chiến lược ngoại giao và quân
sự của Mỹ sang khu vực châu Á – Thái Bình Dương, như khúc nhạc dạo đầu cho “Thế
kỷ Thái Bình Dương” của nước Mỹ. Điều đó góp phần đáng kể tạo ra những cơ hội lớn
cho nước Mỹ, không chỉ ở việc khuếch trương tầm ảnh hưởng an ninh – chính trị,
duy trì các căn cứ quân sự, mà còn có khả năng tăng cường đầu tư, thương mại
trong khu vực(6). Chiến lược “xoay trục” tập trung vào 6 vấn đề
chính: Tăng cường sức mạnh cho các liên minh của Mỹ, tạo trụ cột duy trì hòa
bình và an ninh trong khu vực; cải thiện quan hệ với các đối tác và các cường
quốc đang nổi lên trong khu vực, trong đó Trung Quốc là đối tác và đối tượng
quan trọng nhất; tăng cường hợp tác kinh tế bằng việc thúc đẩy TPP, tạo nên
vành đai kinh tế lớn nhất thế giới; tăng cường tham dự các thể chế khu vực và
thúc đẩy các giá trị toàn cầu; và tăng cường sự hiện diện quân sự của Mỹ tại
khu vực này (mục tiêu quan trọng nhất)(7).. Nằm trong Chiến lược “Tái cân bằng châu Á” của Mỹ, có hai điểm mấu chốt khiến Trung Quốc lo ngại nhất, đó là: Mỹ tích cực thúc đẩy tiến trình đàm phán
đi đến thực hiện chính thức TPP và Mỹ can dự vào vấn đề lãnh hải trên biển Hoa
Đông và Biển Đông.
Về kinh tế: TPP được coi là thỏa thuận toàn diện, bao quát tất cả các khía
cạnh chính của một hiệp định thương mại tự do. Tháng 8-2008, Mỹ kết thúc tiến
trình đàm phán tham gia Hiệp định và trở thành người dẫn đầu, với mong muốn sử
dụng TPP như một thể chế hợp nhất các nền kinh tế trong khu vực, có khả năng đối
trọng với sự trỗi dậy về kinh tế của Trung Quốc. Mặc dù tiến trình đàm phán và
tham gia TPP diễn ra chậm chạp, nhưng sự hiện diện của Hiệp định này trở thành
nhân tố thách thức tiềm tàng đối với tham vọng dẫn dắt nền kinh tế khu vực của
Trung Quốc.
Về an ninh chính trị: Với tiêu chí củng cố và khuếch trương quyền lực ở
châu Á – Thái Bình Dương, Mỹ chú trọng hỗ trợ và hợp tác chặt chẽ với các nước
đồng minh hoặc thân cận như Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Philippines, bởi đây là các
nước đóng vai trò chủ chốt trong tiến trình “xoay trục” của Mỹ. Trong đó, Nhật
Bản là đồng minh quan trọng nhất của Mỹ tại Đông Bắc Á và Philippines là đồng minh
quan trọng nhất của Mỹ ở Đông Nam Á. Tháng 10-2013, Mỹ chính thức khởi động lại
đàm phán Hiệp định hợp tác phòng vệ Mỹ - Nhật và tuyên bố hai bên sẽ liên kết tạo
dựng diễn đàn hợp tác quốc tế nhằm tiếp tục đóng góp cho khu vực châu Á – Thái
Bình Dương và các khu vực khác trên thế giới. Điều đó đồng nghĩa với việc Trung
Quốc sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức gay gắt hơn trong các vấn đề an ninh
khu vực. Bên cạnh đó, Washington và Manila đã bước vào giai đoạn đàm phán cuối
cùng, nhằm ký kết một hiệp định quân sự mới. Theo đó, quân đội Mỹ được sử dụng
nhiều hơn nữa các cảng và sân bay quân sự của đồng minh”(8); Mỹ sẽ
tăng cường tập trận chung và giúp Philippines tiến hành hiện đại hóa quân sự. Cuối tháng 10 năm 2015, quân đội Mỹ lần đầu tiên điều động tàu khu trục
tên lửa USS Lassen tiến hành tuần tra trong 12 hải lý của đảo đá Xu Bi, Trường
Sa (Khánh Hòa, Việt Nam) hiện đang bị Trung Quốc chiếm đóng và xây dựng đảo
nhân tạo. Những động thái này đương nhiên gây
khó khăn nhiều hơn cho Trung Quốc trước mục tiêu xây dựng cường quốc biển, theo
nghĩa thực hiện vai trò bá chủ Biển Đông.
Trong bối cảnh đó, chiến lược “Một vành đai, một
con đường” được xem là một hành vi đối trọng với chương trình “xoay trục” của Mỹ,
với nội dung phong phú hơn, quy mô rộng lớn hơn và sức cắm rễ sâu hơn. Hướng đi
trọng điểm của “Vành đai kinh tế con đường tơ lụa” là nối thông Trung Quốc qua
Trung Á, Nga tới châu Âu (Biển Baltic); Trung Quốc qua Trung Á, Tây Á đến Vịnh
Ba Tư, Địa Trung Hải và Trung Quốc qua Đông Nam Á, Nam Á đến Ấn Độ Dương. Hướng
đi trọng điểm của “Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ XXI” là khởi đầu từ các bến
cảng ven biển của Trung Quốc xuyên qua Biển Đông đến Ấn Độ Dương, kéo dài tới châu
Âu; từ các bến cảng ven biển của Trung Quốc xuyên qua Biển Đông đến Nam Thái
Bình Dương(9). Mục tiêu chiến lược lâu dài của “Một vành đai, một
con đường” là kết nối Trung Quốc với toàn bộ các châu lục, các quốc gia, đặc biệt
là các quốc gia dọc tuyến đường, trên tất cả các phương diện: xây dựng hạ tầng,
đầu tư thương mại, văn hóa du lịch, an ninh chính trị, quân sự, ngoại giao v.v…
“Một vành đai, một con đường” men theo các tuyến đường
quốc tế lớn, lấy các thành phố trung tâm ven biển làm trụ cột, dùng các khu công
nghiệp kinh tế thương mại trọng điểm làm kênh hợp tác, tạo dựng những hành lang
hợp tác kinh tế lớn quan trọng như: Trung Quốc –
Pakistan; Trung Quốc – Bangladesh –Myanmar - Ấn Độ; Trung Quốc – Trung Á – Tây
Á và Trung Quốc – bán đảo Đông Dương. Trong ý tưởng của mình, Trung Quốc coi “Một
vành đai, một con đường” là hai “cây cầu” lớn, “kết nối” Á - Âu, với một đầu là
vành đai kinh tế Đông Á đầy năng động, một đầu là vành đai kinh tế châu Âu phát
triển, giữa nó là các nước có tiềm năng kinh tế lớn. Điểm khởi đầu của hai “cây
cầu” này đều xuất phát từ Trung Quốc, xuyên qua khu vực Trung Á và Đông Nam Á
trọng yếu, đều là các thực thể kinh tế có quan hệ hợp tác truyền thống, bền chặt
và hiệu quả – trong lịch sử cũng như hiện tại của Trung Quốc. Trung Quốc không
ngừng nhấn mạnh nguyên tắc hợp tác “mở”, “hài hòa bao dung” của chiến lược “Một
vành đai, một con đường”. Cũng có nghĩa, đây không phải là khung hợp tác loại
trừ, mà là hợp tác xuyên khu vực, không phân biệt các quốc gia có thể chế chính
trị và mô hình, trình độ phát triển khác nhau, không rào cản về đặc thù văn hóa
dân tộc, “cầu đồng tồn dị”, bao dung độ lượng, chung sống hòa bình. Về lĩnh vực
hợp tác, Trung Quốc đề xướng mô hình “ngũ thông”, trong đó chính sách thông
thoáng là yếu tố đảm bảo quan trọng; đường sá liên thông là lĩnh vực ưu tiên;
thương mại thông suốt là nội dung trọng điểm; tiền tệ lưu thông là trụ cột quan
trọng và lòng dân thông hiểu là cội gốc xã hội.
“Một vành đai, một
con đường” được xem là chiến lược “Tây tiến” của Trung Quốc, với hai “dải lụa”
nối thông châu Á với châu Âu, cả trên bộ lẫn trên biển, bằng các mối liên kết
toàn diện, đa chiều và dài hạn. Với cơ chế hoạt động không “khắt khe” như các
cơ chế hợp tác do Mỹ “cầm trịch”, hợp tác trong khuôn khổ “Một vành đai, một
con đường” có thể giúp Trung Quốc gia tăng quan hệ với nhiều quốc gia khác
nhau, kể cả những quốc gia có trình độ phát triển thấp, mở rộng và đi sâu phát
triển ngoại giao láng giềng, thúc đẩy quan hệ nhiều mặt với các nước Đông Nam Á, từ đó mở rộng hệ thống các quốc gia thân
tín. Điều này sẽ giúp Trung Quốc giảm tải được phần nào sức ép cạnh tranh từ
phía Mỹ và đồng minh trong khu vực, con đường vươn lên vị thế dẫn dắt toàn cầu
của Trung Quốc cũng sẽ rộng mở hơn.
1. Sự cạnh tranh trong
ràng buộc
Bàn về tính chất của quan hệ Trung-Mỹ, như đã phân tích ở trên, mặc dù đặc
điểm chủ đạo của mối quan hệ nước lớn này vẫn là sự cạnh tranh chiến lược, sự đối
kháng về địa chính trị do mối mâu thuẫn mang tính kết
cấu giữa đương kim quốc gia bá chủ thế giới và một quốc gia đang đe dọa
vị trí bá chủ này. Thế nhưng, mức độ phụ thuộc lẫn nhau giữa Trung Quốc và Mỹ lại
rất lớn, bao trùm lên tất cả các lĩnh vực, liên quan đến việc giải quyết các vấn
đề nội bộ hai nước và các vấn đề toàn cầu. Henry Kissinger đã khái quát mối
quan hệ mật thiết này bằng cụm từ “cùng tiến hóa” (coevolution) trong cuốn Bàn về Trung Quốc(10) của ông. David Shambaugh lại
định nghĩa đây là mối quan hệ “cạnh tranh mang tính hợp tác”(coopetition) và
“cùng tồn tại mang tính cạnh tranh (competitive coexis-tence)(11).
Zalmay Khalilzad thì cho rằng, đặc điểm của cặp quan hệ Trung - Mỹ là “tiếp xúc
xen kiềm chế” (congagement). Để nhấn mạnh sự gắn kết mật thiết giữa hai thực thể
kinh tế này, giáo sư sử học Niall Ferguson, trường Đại học Harvard đã “phát
minh” ra cụm từ “Trung Quốc Mỹ” (Chimerica), hiện đang được sử dụng khá rộng rãi. Quả thực chỉ cần nhìn vào những
con số hết sức trực quan, chẳng hạn mỗi ngày có khoảng hơn 9000 người đi lại giữa
Trung Quốc và Mỹ, hiện tại có khoảng 150.000 lưu học sinh Trung Quốc đang học tập
tại các trường đại học của Mỹ, hay hai quốc gia này có tới 169 cặp “thành phố kết
nghĩa”, tại Trung Quốc hiện có khoảng 3 triệu người đang học tiếng Anh và ở Mỹ
có tới 200.000 người đang nỗ lực trau dồi Hán ngữ… đã đủ thấy sự ràng buộc chặt
chẽ giữa cặp nước lớn này. Trung Quốc và
Mỹ là bạn hàng lớn thứ nhất và thứ hai của nhau, Mỹ là nguồn đầu từ nước ngoài
lớn nhất của Trung Quốc và Trung Quốc là “chủ nợ” lớn nhất của Mỹ. Nước Mỹ đã
góp công trạng lớn đối với Trung Quốc trên con đường hiện đại hóa để thực hiện
mục tiêu phục hưng dân tộc của mình (điều này ít được Trung Quốc nhắc tới) và
nước Mỹ hiện cũng đang được hưởng lợi không ít từ nền kinh tế đầy sức sống
Trung Quốc. Trong lịch sử, hai nước lớn chủ đạo thường chỉ tiến hành hợp tác ở mức độ hết sức hạn chế, mà cơ bản nằm trong trạng thái đối kháng, thù
địch hoặc cùng tồn tại trong các cơ chế đa phương. Nhà ngoại giao kỳ cựu Kissinger
đã khẳng định, mức độ phụ thuộc và ràng buộc lẫn nhau giữa hai nước lớn chủ đạo
như Trung Quốc và Mỹ là chưa từng có
trong lịch sử. Việc Mỹ quay lưng lại với
chiến lược “Một vành đai, một con đường” và Trung Quốc vắng bóng trong hợp tác
TPP đã thể hiện mâu thuẫn gia tăng trong nhận thức chiến lược về địa vị của bản
thân mỗi nước tại châu Á, một bên là ước vọng “hướng Tây”, vươn tới vai trò “dẫn
dắt” khu vực và thế giới, bằng chiến lược “Một vành đai, một con đường” của Tập
Cận Bình; và một bên là quyết tâm “hướng Đông”, bằng chiến lược “tái cần bằng châu
Á” của Chính phủ Obama, nhưng dù sao cũng không thể phủ nhận được tính chất “cạnh
tranh trong ràng buộc” của cặp quan hệ nước lớn này.
Mục tiêu bản chất của chiến lược “Một vành đai, một con đường” chính là tạo
dựng đầy đủ thế và lực cho Trung Quốc, nhằm cạnh tranh chiến lược “trở lại châu
Á – Thái Bình Dương” của Mỹ, từng bước hiện thực hóa ý đồ “dẫn dắt” khu vực, lập
lại trật tự thế giới. Đây là sự tiếp nối
của những cải cách kinh tế xã hội mạnh mẽ của Trung Quốc, thể hiện sự lớn mạnh
trong tương quan lực lượng giữa Trung Quốc với Mỹ trên bản đồ chính trị thế giới, đồng thời cũng là một nhân tố quan trọng khiến
cho quan hệ Trung - Mỹ được nâng cấp thành cặp quan hệ mang tính cạnh tranh
toàn cầu. Những toan tính cạnh tranh giữa Trung Quốc và Mỹ, trong cả hai đại
chiến lược “hướng Đông” và “hướng Tây” đều ảnh hưởng trực tiếp, mạnh mẽ đến Việt
Nam. Bởi thế, khai thác tối đa những nhân tố tích cực và hạn chế thấp nhất những
tác động tiêu cực từ mối quan hệ Trung – Mỹ, có lợi cho phát triển đất nước và
an ninh chủ quyền lãnh thổ quốc gia là điều hết sức quan trọng mà Việt Nam cần
tính đến, nhất là trong bối cảnh chúng ta phải cân nhắc chuẩn xác phạm vi và mức
độ tham gia hợp tác “Một vành đai, một con đường”.
TS. Hoàng Huệ Anh