TRANG CHỦ
TỪ ĐIỂN
TRA CỨU THƯ VIỆN
SƠ ĐỒ TRANG WEB
LIÊN HỆ
NGÔN NGỮ
 
 
Thu viện ảnh
 Thời tiết Minimize | Maximize
 Hà nội  ° 
 Hải phòng  ° 
 Đà nẵng  ° 
 Hồ chí minh  ° 
Truy cập : 9830428
 
CHÍNH TRỊ-KT-XÃ HỘI
Trung Quốc xây dựng toàn diện xã hội khá giả: Quan điểm, giải pháp và thực trạng (19/12/2016)

Đại hội XVI Đảng Cộng sản Trung Quốc (11-2002) khẳng định mục tiêu chiến lược quan trọng của quốc gia này trong hai thập niên đầu thế kỷ XXI là “xây dựng toàn diện xã hội khá giả”, theo tiêu chí: kinh tế phát triển cao hơn, dân chủ kiện toàn hơn, khoa học giáo dục tiến bộ hơn, văn hóa phồn vinh hơn, xã hội hài hòa hơn, đời sống nhân dân sung túc hơn1. Có thể nói, đây là một nội dung cơ bản trong lý thuyết phát triển của Đặng Tiểu Bình, được bổ sung, hoàn thiện qua các kỳ đại hội Đảng, với các tiêu chí và giải pháp ngày càng đầy đủ, đa chiều, toàn diện,thích ứng với yêu cầu phát triển của Trung Quốc trong từng giai đoạn.

I. Quan điểm của các nhà lãnh đạo Trung Quốc về mục tiêu xây dựng toàn diện xã hội khá giả

“Xã hội khá giả” là khái niệm xuất hiện trong thư tịch cổ Trung Quốc, dùng để chỉ mức sống tương đối sung túc trong điều kiện kinh tế tự nhiên thời bấy giờ. Đó là trình độ sống cao hơn mức ấm no, nhưng lại thấp hơn mức giàu có”2. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc, kể từ thế hệ Đặng Tiểu Bình đã mượn khái niệm này để định vị mục tiêu phát triển đất nước, với nội dung ngày càng hoàn thiện.

1. Về tiêu chí xây dựng xã hội khá giả

Theo ông Đặng Tiểu Bình, Trung Quốc tiến hành hiện đại hóa theo “kiểu Trung Quốc”, với mục tiêu phấn đấu là “nhà nhà khá giả”3. Ý tưởng đó đã được cụ thể hóa trong văn kiện Đại hội XIII Đảng Cộng sản Trung Quốc (1987), bằng chiến lược phát triển “ba bước đi”. Bước 1: Đến năm 1990, tổng sản phẩm quốc dân (GDP) tăng gấp đôi so với năm 1980, giải quyết căn bản vấn đề no ấm cho nhân dân. Bước 2: Từ năm 1991 đến năm 2000, tổng giá trị sản phẩm quốc dân lại tăng gấp đôi, đưa đời sống nhân dân lên mức “khá giả”, biến Trung Quốc nghèo nàn thành Trung Quốc khá giả. Bước 3: Từ năm 2001 đến năm 2050, đưa tổng giá trị sản phẩm quốc dân bình quân đầu người lên mức các nước phát triển trung bình, đời sống nhân dân tương đối giàu có, cơ bản hoàn thành hiện đại hóa. Tiêu chuẩn xã hội khá giả được khái quát thêm một bước trong bản “Kiến nghị của Trung ương Đảng về quy hoạch 10 năm phát triển kinh tế - xã hội và kế hoạch 5 năm lần thứ 8”. Đó là: “Trình độ xã hội khá giả có nghĩa là trên cơ sở đảm bảo ấm no, sẽ nâng chất lượng cuộc sống nhân dân lên mức ăn ngon mặc đẹp. Tiêu chuẩn đó phải đáp ứng yêu cầu cải thiện cả về vật chất lẫn tinh thần; vừa nâng cao mức tiêu dùng của người dân, vừa cải thiện phúc lợi xã hội và điều kiện làm việc”4.

Như vậy là, từ ý tưởng của Đặng Tiểu Bình, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đã chính thức khẳng định các tiêu chí cơ bản về xã hội khá giả, trong đó quan trọng nhất là nâng cao đời sống người dân, với mức thu nhập bình quân đầu người  từ 800-1000 USD, giải quyết ổn thỏa vấn đề no ấm cho đông đảo cư dân trên phạm vi toàn quốc. Có thể nói, tiêu chuẩn  “xã hội khá giả” do Đặng Tiểu Bình đề xướng là tiền đề hết sức then chốt để các thế hệ lãnh đạo Trung Quốc tiếp tục bổ sung và hoàn thiện mục tiêu xây dựng toàn diện xã hội khá giả, dự định hoàn thành sau hai thập niên đầu thế kỷ XXI.

2. Quan điểm toàn diện trong xây dựng xã hội khá giả

Sau hơn 20 năm cải cách, tổng giá trị sản phẩm quốc dân Trung Quốc đã đạt 1.072 tỷ USD vào năm 2000; bình quân đầu người đạt trên 800 USD, hoàn thành vượt mức kế hoạch 5 năm lần thứ 9. Do vậy, Đại hội XVI Đảng Cộng sản Trung Quốc khẳng định, đời sống nhân dân về tổng thể đã đạt mức khá giả5. Tuy nhiên, tại Đại hội XVI, các nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng xác định rõ: “Mức sống khá giả đạt được còn rất thấp, thiếu toàn diện, phát triển rất không cân đối…”6. Vì thế, Trung Quốc xác định, trong 20 năm đầu thế kỷ XXI phải củng cố và nâng cao trình độ xã hội khá giả đã đạt được, với các tiêu chí toàn diện hơn: Tổng sản phẩm quốc dân 10 năm đầu thế kỷ (đến năm 2010) tăng gấp 2 lần so với năm 2000 và tiếp tục tăng gấp 2 lần vào năm 2020; thể chế kinh tế thị trường XHCN tương đối hoàn thiện; hệ thống an sinh xã hội tương đối kiện toàn; nền dân chủ và pháp chế XHCN hoàn bị hơn; tố chất văn hóa khoa học và sức khỏe toàn dân tộc được nâng cao; năng lực phát triển bền không ngừng được tăng cường, đưa toàn xã hội bước lên con đường văn minh: sản xuất phát triển, đời sống giàu có, môi trường trong lành7.

Như vậy là, so với ý tưởng ban đầu của Đặng Tiểu Bình thì mục tiêu xây dựng xã hội khá giả được thế hệ Giang Trạch Dân đề xuất đã có bước phát triển toàn diện hơn: chú trọng đến cả tiêu chí kinh tế lẫn chính trị, văn hóa giáo dục và môi trường sinh thái. Tuy nhiên, giữa thập niên đầu của thế kỷ, các vấn đề xã hội bức xúc ngày càng nảy sinh, nổi cộm, thậm chí tiềm ẩn nguy cơ đe dọa thành quả cải cách kinh tế của Trung Quốc. Thực trạng đó buộc các nhà lãnh đạo Trung Quốc không thể không nhìn nhận lại mục tiêu “toàn diện” của xã hội khá giả. Báo cáo chính trị Đại hội XVII Đảng Cộng sản Trung Quốc(10-2007) đã nêu 5 tiêu chí “đảm bảo chắc chắn việc thực hiện mục tiêu xây dựng toàn diện xã hội khá giả vào năm 2020”8. Đó là: Nỗ lực thực hiện kinh tế phát triển vừa tốt vừa nhanh; mở rộng dân chủ XHCN, đảm bảo tốt hơn quyền và lợi ích của nhân dân; tăng cường xây dựng văn hóa, nâng cao rõ rệt tố chất văn minh toàn dân tộc; thúc đẩy nhanh sự nghiệp phát triển xã hội, cải thiện toàn diện đời sống nhân dân; xây dựng văn minh sinh thái, tăng trưởng tiêu dùng theo hướng tiết kiệm năng lượng, tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường sinh thái. Sau khái niệm “văn minh vật chất” và “văn minh tinh thần” được nhấn mạnh từ Đại hội XII đến Đại hội XV, “văn minh chính trị” được nêu trong Đại hội XVI, khái niệm “văn minh sinh thái” chính thức được đưa vào văn kiện Đại hội XVII. Tiến thêm một bước, Đại hội XVIII Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đặt vấn đề sinh thái thành nội dung trọng tâm trong chiến lược phát triển đất nước đến năm 2020 và những năm tiếp sau. Kể từ đây, xã hội (theo nghĩa rộng) của Trung Quốc được xây dựng và phát triển theo mô hình “ngũ vị nhất thể”, bao gồm kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội và sinh thái.

Như vậy là, mục tiêu xây dựng xã hội khá giả được xác định tại Đại hội XVIII đã mang tính toàn diện hơn so với Đại hội XVI và XVII, bao trùm toàn bộ các lĩnh vực xây dựng và phát triển đất nước của Trung Quốc.

3. Quan điểm hài hòa trong xây dựng toàn diện xã hội khá giả

 Sau hơn 20 năm cải cách, mặc dù đạt được rất nhiều thành tựu rực rỡ về kinh tế, song Trung Quốc ngày càng lún sâu vào tình trạng phát triển thiếu hài hòa, bất bình đẳng giữa các vùng miền, giữa thành thị với nông thôn và giữa các tầng lớp cư dân. Tình hình đó đã tạo ra cục diện “một Trung Quốc bốn bầu trời”: Những khu vực như Thâm Quyến, Thượng Hải, Bắc Kinh đã có thể xếp ở trình độ các nước thu nhập cao (chiếm 2,2% toàn Trung Quốc); một số vùng ven biển như Quảng Đông, Chiết Giang, Tô Châu, Liêu Ninh đạt mức thu nhập trên trung bình (chiếm 21,8% toàn Trung Quốc); Hà Bắc, Đông Bắc, Hoa Nam và một số vùng thuộc khu vực miền Trung đạt mức thu nhập dưới trung bình (chiếm 26%) và khu vực miền Tây có thu nhập thấp (chiếm 50%). Trước thực trạng đó, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đã nhằm vào mục tiêu phát triển cân bằng, hài hòa lợi ích, hướng tới công bằng và bình đẳng xã hội.


Click xem tiếp




Các tin khác

Đánh giá hệ thống an sinh xã hội của Trung Quốc sau Đại hội XVII (13/12/2016)
 
TIN MỚI NHẤT
ẤN PHẨM - XUẤT BẢN
 
 
TRANG CHỦ
TỪ ĐIỂN
TRA CỨU THƯ VIỆN
SƠ ĐỒ TRANG WEB
LIÊN HỆ
 
 
BẢN QUYỀN THUỘC VIỆN NGHIÊN CỨU TRUNG QUỐC - INSTITUTE OF CHINESE STUDIES
Địa chỉ: Số 176 Thái Hà, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam
Điện thoại: 024.32171020; Email: vnics@vnics.org.vn