TRANG CHỦ
TỪ ĐIỂN
TRA CỨU THƯ VIỆN
SƠ ĐỒ TRANG WEB
LIÊN HỆ
NGÔN NGỮ
 
 
Thu viện ảnh
 Thời tiết Minimize | Maximize
 Hà nội  ° 
 Hải phòng  ° 
 Đà nẵng  ° 
 Hồ chí minh  ° 
Truy cập : 9777637
 
THƯỜNG THỨC TQ HỌC
Liên kết phát triển vùng miền ở trung quốc Nhìn từ hợp tác Vùng Chu Giang mở rộng (08/07/2010)

I. Chiến lược phát triển vùng miền của Trung Quốc

Toàn cầu hoá kinh tế và nhất thể hoá kinh tế khu vực đang trở thành xu thế lớn. Năm 2001, Trung Quốc chính thức gia nhập WTO, đẩy nhanh tiến trình hội nhập quốc tế. Đối với khu vực Đông Nam á, quan hệ đối tác chiến lược Trung Quốc – ASEAN không ngừng được tăng cường, việc xây dựng khu vực thương mại tự do Trung Quốc – ASEAN đang được đẩy nhanh. Hiện nay, khu thương mại tự do Trung Quốc – ASEAN đã được khởi động.

Tới năm 2000, GDP của Trung Quốc đã vượt qua 1000 tỷ USD, hoàn thành mục tiêu bước thứ hai trong chiến lược “ba bước” của Đặng Tiểu Bình. Năm 2008, GDP của Trung Quốc đạt 30.067 tỉ NDT, tăng trưởng 9,0% so với năm trước. Tính theo ngành nghề, giá trị gia tăng nhóm ngành nghề thứ nhất (nông nghiệp) là 3.400 tỉ NDT, tăng trưởng 5,5%; giá trị gia tăng nhóm ngành nghề thứ hai (công nghiệp, xây dựng) là 14.618,3 tỉ NDT, tăng trưởng 9,3%; giá trị gia tăng nhóm ngành nghề thứ 3 là 12.048,7 tỉ NDT, tăng trưởng 9,5%. Tỷ lệ giá trị các nhóm ngành trong GDP lần lượt là nhóm ngành nghề thứ nhất 11,3%: nhóm ngành nghề thứ hai 48,6%: nhóm ngành nghề thứ ba chiếm tỉ trọng 40,1%.

 Bước sang thế kỷ XXI, Trung Quốc đã xây dựng được cục diện cải cách mở cửa toàn phương vị, đa tầng nấc. Trung Quốc cũng đã hình thành các cực tăng trưởng, tiêu biểu như Quảng Châu-Thâm Quyến (tiểu Chu Giang), Thượng Hải, Thiên Tân. Tiểu Chu Giang với nòng cốt là Quảng Châu, Thâm Quyến được coi là cực tăng trưởng thứ nhất của Trung Quốc, hình thành trong giai đoạn đầu cải cách mở cửa với việc Trung Quốc xây dựng 4 đặc khu (Thâm Quyến, Chu Hải, Sán Đầu, Hạ Môn). Tiếp đó, từ năm 1984, Trung Quốc tiến hành mở cửa 14 thành phố ven biển. Tiếp nữa, Trung Quốc tiến hành mở cửa các thành phố ven sông, ven biên giới. Từ năm 1990, Trung Quốc đẩy mạnh xây dựng Phố Đông, coi đây là “đầu tàu” lôi kéo và kết nối các điểm tăng trưởng ở hạ lưu Trường Giang và ven biển Hoa Đông. Sự ra đời của Phố Đông-Thượng Hải đánh dấu sự xuất hiện cực tăng trưởng thứ hai của Trung Quốc. Ngày 6-6-2006, Chính phủ Trung Quốc đã công bố “ý kiến về mấy vấn đề thúc đẩy mở cửa phát triển Khu mới Tân Hải Thiên Tân”, đánh dấu việc chủ trương đưa Thiên Tân vươn lên trở thành cực tăng trưởng thứ ba của Trung Quốc, gắn liền các điểm tăng trưởng xoay quanh vịnh Bột Hải. Tiếp đó, vùng Thành Đô-Trùng Khánh (Xuyên Du), Khu kinh tế Vịnh Bắc Bộ (Quảng Tây), Khu kinh tế bờ Tây (Phúc Kiến) đang phấn đấu trở thành cực  tăng trưởng thứ tư ở Trung Quốc. Đặc biệt, năm 2008, Quốc vụ viện Trung Quốc đã phê chuẩn “Cương yếu quy hoạch Khu kinh tế Vịnh Bắc Bộ”, thể hiện quyết tâm của Trung Quốc trong việc xây dựng cực tăng trưởng thứ tư, cũng là cực tăng trưởng kết nối giữa Trung Quốc và ASEAN.

Chiến lược phát triển vùng miền của Trung Quốc đã trải qua nhiều lần điều chỉnh kể từ khi thành lập nước CHND Trung Hoa (1949), thực hiện cải cách mở cửa (từ năm 1978) và đặc biệt hơn là từ khi bước sang thế kỷ XXI. Chiến lược phát triển vùng được hoạch định chính thức sau khi nước CHND Trung Hoa thành lập, thực hiện kế hoạch “5 năm lần thứ nhất” (1953-1957). Mao Trạch Đông trong “Bàn về mười quan hệ” đã luận trình rõ những vấn đề chiến lược to lớn trong quá trình xây dựng kinh tế Trung Quốc. Trong 10 quan hệ mà Mao Trạch Đông bàn tới đó là quan hệ giữa duyên hải và nội địa. Mao Trạch Đông đã yêu cầu bố trí các hạng mục công nghiệp lớn (156 hạng mục do Liên Xô giúp) tại vùng Đông Bắc và nội địa. Từ đó hình thành cục diện các yếu tố sản xuất được dịch chuyển từ miền duyên hải phía Đông vào nội địa. Đầu những năm 60 thế kỷ XX, quan hệ Trung-Xô xấu đi, các hạng mục viện trợ của Liên Xô bị dừng lại, quá trình xây dựng kinh tế của Trung Quốc gặp nhiều khó khăn. Trước tình hình đó, Mao Trạch Đông đã đưa ra chủ trương xây dựng ba tuyến chiến lược. Đây là lần điều chỉnh bố cục phát triển vùng miền đầu tiên và lớn nhất ở Trung Quốc.

Từ khi thực hiện cải cách mở cửa (1978), chiến lược phát triển các vùng duyên hải, trọng điểm chiến lược dịch chuyển về phía Đông. Đặng Tiểu Bình đã nêu ra chủ trương “cho phép cho một bộ phận người giàu lên trước, cho phép một số vùng phát triển lên trước, giàu có lên trước, giàu có trước lôi kéo giàu có sau, thực hiện sự giàu có chung”. Đặng Tiểu Bình đưa ra chủ trương chuyển dịch trọng điểm chiến lược từ miền Tây sang miền duyên hải phía Đông, bắt đầu thực hiện chính sách đặc biệt tại Quảng Đông, Phúc Kiến, xây dựng 5 đặc khu kinh tế, sau đó là mở cửa 14 thành phố ven biển, tiếp đó thực hiện khai phát Phố Đông Thượng Hải, hình thành nên cục diện mở cửa đối ngoại nhiều tầng nấc, hình thành nên điểm-tuyến-diện, hình thành hai vành đai, hai cực tăng trưởng của Trung Quốc, đó là Quảng Đông và Thượng Hải.

Năm 2003, ĐCS Trung Quốc đưa ra “Quyết định về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường XHCN”, trong đó nhấn mạnh “5 tính toán chung”: Quy hoạch tính toán chung giữa phát triển kinh tế và xã hội, giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng miền, giữa con người với thiên nhiên, giữa cải cách và mở đối ngoại. “5 tính toán chung” nhấn mạnh sự phát triển nhịp nhàng, cân đối. Cương yếu Quy hoạch 5 năm lần thứ 11 đã chỉ rõ chiến lược phát triển vùng của Trung Quốc : Kiên trì thúc đẩy đại khai phát miền Tây, chấn hưng các cơ sở công nghiệp vùng Đông Bắc, thúc đẩy miền Trung trỗi dậy, khuyến khích miền Đông đi trước phát triển, đẩy mạnh sự tương tác tốt giữa miền Đông-miền Trung-miền Tây”. Đây chính là bố cục tổng thể của chiến lược phát triển vùng miền của Trung  Quốc.

Năm 2003, Trung Quốc tiếp tục đẩy mạnh đại khai phát miền Tây. Năm 2003, Trung Quốc nêu chủ trương chấn hưng các cơ sở công nghiệp vùng Đông Bắc. Năm 2003, Quảng Đông đưa ra chủ trương Hợp tác vùng Chu Giang mở rộng (9+2). Hợp tác vùng Chu Giang kết nối giữa các tỉnh thuộc miền duyên hải phía Đông với các tỉnh miền Trung (Hồ Nam, Giang Tây) và các tỉnh phía Tây (Tứ Xuyên, Vân Nam, Quí Châu, Quảng Tây). Năm 2004, Trung Quốc nêu ra chủ trương “miền Trung trỗi dậy”. Tháng 1-2008, Trung Quốc công bố “Quy hoạch phát triển khu kinh tế Vịnh Bắc Bộ Quảng Tây”, đưa hợp tác Vịnh Bắc Bộ mở rộng lên tầm chiến lược quốc gia, phấn đấu xây dựng cực tăng trưởng mới giữa Trung Quốc và ASEAN. Tháng 10-2008, Trung Quốc công bố “Cương yếu quy hoạch cải cách và phát triển vùng Chu Giang”, khuyến khích Quảng Đông tiếp tục đi đầu cải cách mở cửa. Tháng 2-2009, Trung Quốc công bố “ý kiến về cải cách và phát triển phối hợp thành thị nông thôn của Trùng Khánh”, đưa mô hình phát triển phối hợp thành thị nông thôn Trùng Khánh trở thành chiến lược quốc gia, phấn đấu xây dựng cực tăng trưởng mới ở miền Tây Trung Quốc. Ngày 14-5-2009, Quốc vụ viện Trung Quốc công bố “Mấy ý kiến về khuyến khích tỉnh Phúc Kiến đẩy nhanh xây dựng Khu kinh tế bờ Tây hai bờ eo biển”(5).  Ngày 10-6-2009, Quốc vụ viện Trung Quốc thông qua “Quy hoạch phát triển vùng ven biển Giang Tô”. Ngày 25-6-2009, Quốc vụ viện Trung Quốc công bố “Quy hoạch phát triển Khu kinh tế Quan Trung-Thiên Thủy” giữa hai tỉnh miền Tây là Thiểm Tây và Cam Túc. Ngày 1-7-2009, Quốc vụ viện Trung Quốc thông qua “Quy hoạch phát triển vành đai kinh tế ven biển Liêu Ninh”. Ngày 14-8-2009, Quốc vụ viện Trung Quốc phê chuẩn “Quy hoạch phát triển tổng thể khu Hoàng Cầm” (khu kết nối giữa Chu Hải –Ma Cao và Hồng Kông).  Ngày 30-8-2009, Quốc vụ viện Trung Quốc thông qua “Cương yếu Quy hoạch phát triển hợp tác khu vực Đồ Môn Giang” (tỉnh Cát Lâm).  Ngày 23-9-2009, Quốc vụ viện thông qua “Quy hoạch thúc đẩy miền Trung trỗi dậy”. Ngày 2-12-2009, Quốc vụ viện thông qua “Quy hoạch phát triển khu kinh tế sinh thái cao lưu vực Hoàng Hà”.

thể thấy, chủ trương phát triển vùng miền của Trung Quốc tập trung vào ba phương diện: (1). Phối hợp phát triển giữa các vùng miền; (2). Xây dựng các cực tăng trưởng mới; (3). Các điểm tăng trưởng men theo vùng duyên hải phía Đông và các dòng sông lớn ở Trung Quốc.

II. Hợp tác vùng Chu Giang mở rộng

1.         Quá trình hình thành

Trước bước tiến mạnh mẽ của toàn cầu hóa kinh tế và nhất thể hóa kinh tế khu vực, đặc biệt quan hệ đối tác chiến lược Trung Quốc – ASEAN không ngừng được tăng cường, việc xây dựng khu vực thương mại tự do Trung Quốc – ASEAN được đẩy nhanh; trước đòi hỏi mới trong tiến trình cải cách mở cửa, với sự đề xướng của tỉnh ủy và chính quyền tỉnh Quảng Đông, 9 tỉnh miền Nam Trung Quốc bao gồm: Quảng Đông, Phúc Kiến, Giang Tây, Hồ Nam, Quảng Tây, Quí Châu, Tứ Xuyên, Vân Nam, Hải Nam và hai khu hành chính đặc biệt Hồng Kông, Ma Cao đã nhất trí tiến hành Hợp tác vùng Chu Giang mở rộng. Tháng 6-2004, Diễn đàn hợp tác và phát triển vùng đồng bằng Chu Giang mở rộng lần đầu tiên được tổ chức lần lượt tại Hồng Kông, Ma Cao và Quảng Châu. Lãnh đạo của 9 tỉnh và hai khu hành chính đặc biệt Hồng Kông, Ma Cao (9+2) đã kí “Hiệp định khung hợp tác vùng đồng bằng Chu Giang mở rộng”, đánh dấu hợp tác vùng đồng bằng Chu Giang mở rộng chính thức khởi động.

Hợp tác vùng Chu Giang mở rộng bao gồm hai khuôn khổ (khung hợp tác), bốn cơ chế (vận hành) chính: (1). Hai khuôn khổ hợp tác: Diễn đàn hợp tác và phát triển vùng Chu Giang mở rộng Hội nghị đàm phán kí kết  kinh tế thương mại vùng Chu Giang mở rộng.  (2). Cơ chế phối hợp: gồm 4 cơ chế phối hợp chính (a) Chế độ hội nghị liên tịch; (b).Chế độ công tác của Ban Thư kí Hội nghị liên tịch; (c). Chế độ phối hợp giữa Tổng thư kí (chính quyền) của các tỉnh, khu; (d). Chế độ Văn phòng chuyên trách. Các lĩnh vực hợp tác bao gồm: Cơ sở hạ tầng; Ngành nghề và đầu tư; Thương mại và mậu dịch; Du lịch; Nông nghiệp; Lao động; Khoa học giáo dục văn hoá; Trao đổi thông tin; Bảo vệ môi trường(13).

Hợp tác vùng Chu Giang mở rộng được chính thức khởi động vào tháng 6 – 2004 và đạt được những tiến triển trong xây dựng cơ chế hợp tác, triển khai các lĩnh vực hợp tác trọng điểm và không ngừng mở rộng các lĩnh vực và đối tượng hợp tác.

2. Thành quả và khó khăn

a. Những thành quả của Hợp tác vùng Chu Giang mở rộng

Hợp tác Chu Giang mở rộng được triển khai toàn diện. Tới năm 2009, các bên tham gia hợp tác đã lần lượt tổ chức được 5 cuộc tiếp xúc và diễn đàn tầm cỡ khu vực tại Quảng Châu, Hồng Kông, Ma Cao, Tứ xuyên, Vân Nam, Hồ Nam, Quảng Tây. Diễn đàn và hội nghị đàm phán và kí kết đã thúc đẩy sự hợp tác toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế mậu dịch, giao thông vận tải, nguồn năng lượng, du lịch, lao động, dân sinh và những lĩnh vực khác. Năm đầu tiên các bên tham gia hợp tác đã ký được hiệp định khung, đạt được sự nhất trí cao về nhận thức. Năm thứ hai đã đưa ra được cương yếu quy hoạch, phương hướng hợp tác đã được xác định rõ ràng hơn. Năm thứ ba đưa ra được những hạng mục cụ thể và tổ chức thực hiện một cách chu đáo. Năm thứ tư các lĩnh vực hợp tác được mở rộng, xúc tiến thực thi các hạng mục một cách thực chất, do đó Hợp tác vùng Chu Giang mở rộng đã có được nhiều thành quả, qua mỗi năm đều có được những bước tiến lớn.

Các bên tham gia hợp tác thông qua Diễn đàn đã xác lập được hiệp nghị khung, nguyên tắc cơ bản, con đường hợp tác và trọng điểm hợp tác của hợp tác khu vực, đồng thời qua từng diễn đàn lại được bổ sung, hoàn thiện và phát triển thêm; thông qua hình thức tổ chức diễn đàn, đã thúc đẩy các tỉnh (khu vực) mở rộng giao lưu kinh tế mậu dịch và hợp tác, mang lại lợi ích thiết thực cho các tỉnh các khu vực. Từ khi Hợp tác vùng Chu Giang mở rộng được thực thi, sự tăng trưởng kinh tế của các tỉnh (khu vực) trong vùng hợp tác đã và đang ở xu thế tăng nhanh. Năm 2005, tốc độ tăng trưởng GDP của các tỉnh (khu vực) trong vùng hợp tác là trên 9%. Năm 2006, GDP của 9 tỉnh  đạt khoảng 6658 tỷ NDT, tăng trưởng 13,5%, vượt bình quân tăng trưởng toàn quốc là 2,4%, năm 2007 tăng trưởng là 14,1% so với bình quân toàn quốc cao hơn 2,7%(14).

Hợp tác Chu Giang mở rộng từng bước đi vào chiều sâu, hoàn thiện khung và cơ chế hợp tác. Các bên đã ký “Hiệp định khung hợp tác vùng tam giác Chu Giang mở rộng”, đã chế định được chế độ hội nghị liên tịch của người đứng đầu chính quyền các bên tham gia hợp tác. Chế định quy hoạch phát triển vùng, phối hợp với kế hoạch 5 năm lần thứ 11 của quốc gia, biên soạn đồng thời tiến hành thực thi “Cương yếu quy hoạch phát triển của vùng Hợp tác Chu Giang mở rộng 2006 – 2020”, xây dựng Quy hoạch chuyên ngành giao thông vận tải,  năng lượng, khoa học kỹ thuật, tin học, bảo vệ môi trường và những quy hoạch chuyên đề khác, thúc đẩy sự phát triển vùng hợp tác một cách có trật tự. Tích cực xúc tiến việc giao lưu hợp tác với hai vùng lớn là đồng bằng Trường Giang và vành đai Bột Hải, thông qua việc ký kết “Hiệp nghị về giao lưu và hợp tác khu vực”, triển khai công tác thăm viếng và giao lưu lẫn nhau, mời nhau tham gia vào các hoạt động lớn của các tổ chức khu vực, thúc đẩy sự liên kết giữa 3 vành đai kinh tế của Trung Quốc.

 Hợp tác với Hồng Kông, Ma Cao trên các lĩnh vực kinh tế mâu dịch, ngành phục vụ, hàng hoá bán lẻ, du lịch và các lĩnh vực khác. Năm 2006 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Hông Công và Ma Cao với 9 tỉnh (khu) là 121,5 tỷ USD, chiếm 72,1% kim ngạch mậu dịch giữa các tỉnh (khu) với Hồng Kông và Ma Cao. Dựa vào sức thúc đẩy mạnh mẽ của mặt bằng Hợp tác Chu Giang mở rộng, Hồng Kông đã củng cố hơn nữa địa vị trung tâm quốc tế về tài chính mậu dịch và giao lưu vật tư của mình; Ma Cao cũng đã củng cố thêm trung tâm du lịch quốc tế và mặt bằng thương mại hàng hoá mang tính khu vực của mình.

Các bên tham gia hợp tác đã tích cực tham gia việc xây dựng “khu mậu dịch tự do” Trung Quốc – ASEAN. Mấy năm gần đây hợp tác về đầu tư, mậu dịch giữa các tỉnh (khu) vùng Chu Giang mở rộng với ASEAN đã được phát triển với tốc độ nhanh. Năm 2006 mậu dịch giữa 9 tỉnh (khu) với ASEAN đã đạt 56,03 tỷ USD, tăng 21,2% so với năm trước. Các tỉnh (khu) còn mở rộng sự hợp tác với châu Âu, Bắc Mỹ, châu Phi, Trung Đông, Nga(15).

b. Những khó khăn trong hợp tác vùng Chu Giang mở rộng 

Tuy đang thể hiện xu thế phát triển mạnh, nhưng trước mắt Hợp tác Chu Giang mở rộng cũng đang phải đối mặt với nhiều vấn đề cần được giải quyết, đặc biệt là việc tạo ra một cơ chế làm sao để các thành viên trở thành những nhân tố gắn kết với nhau và cùng nhau phát triển, những nhân tố đó chủ yếu được biểu hiện ở mấy vấn đề chủ yếu dưới đây: (a). Thiếu một cơ chế điều phối có hiệu quả. Các thành viên trong vùng Chu Giang mở rộng đã tự nguyện tham gia vào hợp tác, cùng có địa vị bình đẳng và cùng được hưởng thụ quyền lợi như nhau, tuy nhiên tính ràng buộc không cao. Hợp tác hiện nay được xây dựng trên cơ sở tự chủ tự nguyện, điều này đã    đang tạo nên sự buông lỏng đối với việc xây dựng cơ chế điều phối và giám sát chặt chẽ. Hợp tác Chu Giang mở rộng vận hành trên cơ sở “đồng thuận”, thiếu tổ chức điều phối quyền uy. Điều phối hợp tác chưa nhịp nhàng, lợi ích cục bộ của các bên tham gia vẫn chi phối, đặc biệt là vai trò của Quảng Đông. Quảng Đông dường như đóng vai trò “anh cả” trong Hợp tác Chu Giang mở rộng. Các bên vẫn cạnh tranh nhau về ngành nghề, thu hút đầu tư,… (b). Mục tiêu chung của Hợp tác Chu Giang  mở rộng vẫn chưa được các bên nhất trí cao,  các biện pháp hữu hiệu để đẩy nhanh tiến trình hợp tác vẫn còn thiếu. Nếu như hợp tác EU là hướng tới mục tiêu nhất thể hóa về kinh tế và cuối cùng là thực hiện nhất thể hóa về chính trị; mục tiêu của Hợp tác Bắc Mỹ (NAFTA) là thực hiện tự do mậu dịch và có lộ trình nhất định; Hợp tác châu á-Thái Bình Dương (APEC) hướng tới mục tiêu tự do và mở cửa mậu dịch, còn Hợp tác Chu Giang mở rộng đưa ra mục tiêu tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng hệ thống thị trường công bằng, mở cửa và cạnh tranh. Mục tiêu này chưa hình thành nhận thức chung rộng rãi, thiếu các biện pháp và bố trí dài lâu để thực hiện các mục tiêu chung. Do vậy, hợp tác hiện nay chủ yếu là hoạt động kêu gọi đầu tư, hợp tác kinh tế thương mại, còn thiếu những nỗ lực xây dựng cơ chế nhất thể hóa kinh tế trong vùng. Tiếp đó, cơ chế và các tổ chức trong Hợp tác Chu Giang mở rộng thiếu tính quyền uy và ràng buộc chặt chẽ. Lợi ích cục bộ của các tỉnh và lợi ích toàn cục trong hợp tác vùng vẫn chưa được giải quyết. Mục tiêu của Hợp tác Chu Giang mở rộng chủ yếu là tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng hệ thống thị trường công bằng, mở cửa và cạnh tranh. Điều này chưa tạo nên sự nhất trí cao giữa các thành viên tham gia hợp tác. Hợp tác vẫn chưa vận hành trong cơ chế nhất thể hóa kinh tế vùng.  Sự phân cách về hành chính, Vùng Chu Giang mở rộng bao gồm 9 tỉnh và 2 đặc khu hành chính, chiếm 20% diện tích toàn quốc, dân số chiếm 42% dân số toàn quốc. Về mặt hành chính, có sự khác biệt giữa miền duyên hải phía Đông với các tỉnh trong nội địa, phía Tây như Quảng Tây, Vân Nam, Tứ Xuyên,.. Sự phân cách về hành chính đã có được bước cải tiến rất lớn, tuy nhiên, “khu biệt hành chính” vẫn tồn tại. Về trình độ phát triển, đặc biệt là trình độ phát triển kinh tế có sự chênh lệch lớn, ví như Hồng Kông, Ma Cao có trình độ phát triển nhất, tiếp đó là nhóm Quảng Đông, Phúc Kiến. Nhóm tiếp theo là Giang Tây, Hồ Nam, Tứ Xuyên; nhóm nữa là Quảng Tây, Vân Nam, Quí Châu. Về chế độ pháp luật và chính trị: Các thành viên tham gia Hợp tác Chu Giang mở rộng có sự khác biệt, ví như Hồng Kông theo hệ Anh-Mỹ, Macao theo hệ Bồ Đào Nha-Pháp, còn 9 tỉnh khác thì theo chế độ XHCN đặc sắc Trung Quốc. Có thể thấy, Hợp tác Chu Giang mở rộng là hợp tác giữa các khu thuế quan khác nhau nằm trong cùng một nước, giữa các thành viên có sự khác biệt về chế độ chính trị, pháp luật, thể chế kinh tế và trình độ phát triển.

Hợp tác vùng Chu Giang mở rộng có nghĩa là mở cửa và dỡ bỏ rào cản khu vực, thúc đẩy mở cửa thị trường, mở cửa đối với những tập đoàn doanh nghiệp tỉnh khác. Điều này trái với hành động của một số tập đoàn hay địa phương trước đây là thực hiện rào cản địa phương và bài ngoại đối với các tập đoàn.  Việc mở cửa, tháo bỏ rào cản địa phương làm cho các doanh nghiệp và các thành viên tham gia hợp tác phải hướng tới mục tiêu hợp tác cùng nhau.

Do nền văn hoá của các thành viên khác nhau, mục đích cũng khác nhau, làm cho quan niệm chung có biểu hiện sự không đồng nhất. Trong quá trình xây dựng chế độ nhất thể hoá nền kinh tế của hợp tác vùng Chu Giang mở rộng, các thành viên tham gia hợp tác dần từng bước phải thu hẹp thị phần, tài nguyên, thuế phí của mình cho các thành viên trong vùng. Các tỉnh có nền kinh tế tương đối phát triển chủ trương xây dựng một thể cộng đồng có trình độ tương đối cao, các tỉnh còn lạc hậu thì có khuynh hướng duy trì hiện trạng “chế độ mềm”. Do thiếu sự thống nhất về lý tưởng chung nên rất dễ tạo nên sự không thống nhất trong các hành động tập thể trong quá trình hợp tác.

c. Phương hướng Hợp tác vùng Chu Giang mở rộng

Hợp tác Chu Giang mở rộng bao gồm 11 thành viên, đại diện cho các lợi ích khác nhau. Do vậy, phải có cơ chế và cơ quan điều phối lợi ích. Thêm nữa, cơ chế Hợp tác Chu Giang mở rộng hiện nay dựa theo nguyên tắc đồng thuận. Nguyên tắc này phát huy tác dụng trong giai đoạn khởi động, song khi hợp tác đi vào chiều sâu, đối với một số vấn đề lớn hoặc hiệu quả nhanh, nếu căn cứ theo nguyên tắc đồng thuận sẽ mất đi cơ hội hoặc giá thành cao, không hiệu quả và hình thức. Do vậy cũng cần xây dựng cơ chế “đa  số quyết định”.

Tại Diễn đàn hợp tác kinh tế vùng Chu Giang mở rộng lần thứ V được tổ chức tại Nam Ninh, tỉnh trưởng tỉnh Quảng Đông-Hoàng Hoa Hoa đưa ra các biện pháp để thúc đẩy hơn nữa Hợp tác Chu Giang mở rộng: (1). Tăng cường hợp tác thị trường, thúc đẩy mở cửa hơn nữa thị trường; (2). Tăng cường hợp tác ngành nghề, đẩy mạnh chuyển giao và tiếp nhận ngành nghề; (3). Tăng cường hợp tác du lịch; (4). Tăng cường hợp tác giao thông; (5). Đổi mới hợp tác, ra sức phát huy Quy hoạch cải cách và phát triển chiến lược của Chu Giang, Vịnh Bắc Bộ, khu kinh tế bờ Tây (giữa hai bờ eo biển của Phúc Kiến).

Bí thư Đảng ủy Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây-Quách Thanh Côn đề xướng các biện pháp đẩy nhanh Hợp tác Chu Giang mở rộng: (1). Xây dựng mạng lưới giao thông tổng hợp hiện đại; (2). Đi sâu hợp tác ngành nghề khu vực; (3). Xây dựng thị trường mở cửa thống nhất; (4). Cùng chia sẻ chính sách phát triển vùng của Nhà nước; (5). Hoàn thiện cơ chế hợp tác theo phương châm “Nhà nước hướng dẫn, thị trường vận hành, doanh nghiệp chủ đạo, hợp tác toàn diện”; (6). Thúc đẩy kết nối Hợp tác Chu Giang mở rộng và hợp tác Vịnh Bắc Bộ mở rộng.

Đứng trước thách thức vai trò “hạt nhân” trong Hợp tác Vùng Chu Giang, Quảng Đông đã đưa ra “định vị chiến lược” thể hiện rõ trong “Cương yếu Quy hoạch cải cách phát triển vùng Chu Giang” được Quốc vụ viện Trung Quốc phê chuẩn và công bố ngày 19-12-2008. Định vị chiến lược của Quảng Đông trong thời gian tới được xác định bao gồm 5 phương diện: Khu thí nghiệm tìm kiếm mô hình phát triển khoa học; khu thí điểm đi sâu cải cách; cửa ngõ quốc tế quan trọng mở rộng mở cửa; cơ sở chế tạo tiên tiến và dịch vụ hiện đại của thế giới; trung tâm kinh tế quan trọng của toàn quốc. Cương yếu nêu mục tiêu tới năm 2012, vùng Chu Giang đi trước cả nước trong việc thực hiện toàn diện xã hội khá giả, GDP bình quân đầu người đạt 80000 NDT, giá trị nhóm ngành dịch vụ đạt 53%. Tới năm 2020, vùng Chu Giang đi trước trong việc “cơ bản thực hiện hiện đại hóa”, GDP bình quân đầu người đạt 135.000 NDT, giá trị nhóm ngành dịch vụ đạt tới 60%. Thông qua thực hiện “Quy hoạch”, vùng Chu Giang sẽ thực hiện bước chuyển biến mạnh mẽ từ “chế tạo tại Quảng Đông” sang “thiết kế tại Quảng Đông”.

Có thể thấy, Hợp tác Chu Giang mở rộng đang nỗ lực hướng tới việc xây dựng một thị trường mở cửa thống nhất, hợp tác ngành nghề không ngừng đi sâu và mở rộng, cơ chế chính sách không ngừng được hoàn thiện. Sự hợp tác giữa các tỉnh và khu được tăng cường. Quan hệ tương tác giữa Hợp tác Chu Giang mở rộng, Hợp tác Vịnh Bắc Bộ mở rộng và các hợp tác vùng khác sẽ càng gắn bó và được thúc đẩy mạnh mẽ hơn.

III. Kinh nghiệm và gợi mở đối với Việt Nam

Hợp tác Chu Giang mở rộng là sự tìm tòi, thử nghiệm của Trung Quốc trong cải cách mở cửa và xây dựng hiện đại hóa, đặc biệt là tìm tòi thử nghiệm về chuyển đổi phương thức tăng trưởng kinh tế. Quá trình cải cách mở cửa gắn liền với quá trình không ngừng tìm tòi, phát triển của vùng Chu Giang, từ “Tiểu Chu Giang” tới “Đại Chu Giang”. Quá trình phát triển của “Đại Chu Giang” gắn liền với mô hình “tam lai nhất bổ, lưỡng đầu tại ngoại”, tức mô hình gia công, xuất khẩu.

Từ cải cách mở cửa đến nay, Trung Quốc đã không ngừng điều chỉnh chiến lược phát triển vùng miền. Từ phát triển “dàn đều” trước đây chuyển sang phát triển “ưu tiên”, mở cửa các tỉnh và thành phố ven biển, làm cho miền duyên hải phía Đông giàu có lên trước (những năm 1978-1995). Tiếp đó, Trung Quốc tiến hành điều chỉnh chiến lược phát triển vùng miền (những năm 1996-2000), quan tâm tới sự phát triển của miền Tây, miền Trung và vùng Đông Bắc. Bước sang thế kỷ XXI, với “Quy hoạch 5 năm lần thứ XI”, Trung Quốc chú trọng sự phát triển phối hợp nhịp nhàng giữa các vùng miền,  thúc đẩy xây dựng các cực tăng trưởng mới.

Hợp tác vùng Chu Giang mở rộng là bước tìm tòi mới của 9 tỉnh và 2 khu hành chính nói riêng và Trung Quốc nói chung trong việc tìm kiếm bước phát triển mới sau hơn 30 năm cải cách và mở cửa. Đây là sự nắm bắt thời cơ, bước đi chủ động trong bối cảnh toàn cầu hóa và nhất thể hóa kinh tế khu vực được đẩy mạnh. Hợp tác Chu Giang mở rộng là hợp tác vùng lớn nhất của Trung Quốc, vừa có sự liên kết giữa các tỉnh (9 tỉnh) với hai khu hành chính đặc biệt (Hồng Kông, Ma Cao), vừa có mối quan hệ rộng rãi với các nước ASEAN. Hợp tác vùng Chu Giang đã cho chúng ta một số gợi mở đáng quý:

Kinh nghiệm về tự chủ sáng tạo, nắm bắt thời cơ. Hợp tác Chu Giang mở rộng được coi là sự sáng tạo của các tỉnh miền Nam (Quảng Đông) trong việc vận dụng chủ trương, chính sách của Nhà nước Trung Quốc về phát triển vùng miền, quán triệt thực hiện “quan điểm phát triển khoa học”, là bước đi chủ động trong tiến trình toàn cầu hóa kinh tế và nhất thể hóa kinh tế khu vực. Việc xây dựng Hợp tác Vùng Chu Giang mở rộng vừa có tác dụng thắt chặt quan hệ giữa các tỉnh trong nước, giữa các tỉnh tham gia hợp tác với Hồng Kông, Ma Cao, vừa có tác dụng thúc đẩy quan hệ với các nước ASEAN và các nước khác. Hợp tác Chu Giang mở rộng có tác dụng lôi kéo và lan tỏa trong và ngoài nước.

Kinh nghiệm về xây dựng cơ chế, chính sách. Hợp tác Chu Giang mở rộng nhận được sự ủng hộ tích cực của chính quyền các địa phương tham gia. Hợp tác Chu Giang mở rộng đã xác định hai khuôn khổ lớn: Diễn đàn hợp tác và phát triển vùng Chu Giang mở rộng và Hội nghị đàm phán kí kết kinh tế thương mại vùng Chu Giang mở rộng. Diễn đàn và Hội nghị đàm phán kí kết do chính quyền nhân dân của 9 tỉnh và hai Đặc khu hành chính (Hồng Kông, Ma Cao) đồng chủ trì, luân phiên thực hiện, ủy ban phát triển và cải cách, Bộ Thương mại, Văn phòng Hồng Kông - Ma Cao, Trung tâm nghiên cứu phát triển thuộc Quốc vụ viện chỉ đạo. Trong khuôn khổ Diễn đàn, Hội nghị liên tịch được tổ chức giữa những người đứng đầu chính quyền của 9 tỉnh và 2 khu hành chính, xác định phương hướng, nội dung hợp tác. Tiếp đó là Ban thư kí, Tổng thư kí và Văn phòng thường trực. Diễn đàn đóng vai trò xây dựng cơ chế và thiết kế chính sách cho Hợp tác Chu Giang mở rộng. Tiếp đó, Hội chợ thương mại đóng vai trò thúc đẩy hợp tác và trao đổi giữa các tỉnh/khu. Tiếp nữa, nội dung và các lĩnh vực hợp tác được chính quyền và giới doanh nghiệp các các tỉnh/khu không ngừng thúc đẩy và mở rộng.

Một trong những thành tựu nổi bật của Hợp tác Chu Giang mở rộng là nâng cấp và chuyển dịch ngành nghề trong khu vực. Trên cơ sở “Hiệp định khung về hợp tác” và “Cương yếu Quy hoạch hợp tác và phát triển vùng Chu Giang mở rộng”, các tỉnh và khu tham gia hợp tác đã tiến hành hoạch định bố cục cho các ngành nghề. Hợp tác Chu Giang mở rộng đã thể hiện ưu thế của các tỉnh về ngành nghề: Quảng Đông có ưu thế về chế tạo, thiết bị thông tin, máy móc điện tử, cơ giới, văn phòng. Phúc Kiến về đồ giầy da, lông vũ, các sản phẩm mỹ nghệ, may mặc; Giang Tây tập trung các ngành gia công kim loại màu; Hồ Nam về gia công kim loại, dược; Quảng Tây về gia công thực phẩm, khai thác kim loại màu; Hải Nam về chế tạo giấy; Tứ Xuyên về chế tạo đồ uống; Quí Châu về thuốc lá, dược phẩm; Vân Nam về dược liệu, thuốc lá, kim loại màu. Một đặc thù quan trọng trong Hợp tác vùng Chu Giang mở rộng là phát huy vai trò của Hồng Kông và Ma Cao trong liên kết quốc tế.

Hợp tác Chu Giang mở rộng phát huy vai trò quan trọng trong đẩy mạnh quan hệ giữa Trung Quốc và ASEAN. Hợp tác Chu Giang mở rộng với ASEAN là bước đột phá của Trung Quốc  trong xây dựng khu vực mậu dịch tự do giữa Trung Quốc và ASEAN. Vùng Chu Giang mở rộng là điểm kết nối chiến lược giữa Trung Quốc với Đông Nam á, giữa Trung Quốc với ấn Độ Dương, giữa Trung Quốc với Thái Bình Dương, là giao điểm chiến  lược của khu vực mậu dịch tự do Trung Quốc-ASEAN; khu vực mậu dịch tự do Hàn Quốc-ASEAN; khu vực mậu dịch tự do Nhật Bản-ASEAN; khu vực mậu dịch tự do ấn Độ-ASEAN. Hợp tác giữa vùng Chu Giang mở rộng và ASEAN có vai trò quan trọng trong hình thành bố cục kinh tế thế giới. Các tỉnh trong Hợp tác vùng Chu Giang mở rộng đóng vai trò nòng cốt trong quan hệ giữa Trung Quốc và ASEAN. Quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư giữa các tỉnh vùng Chu Giang mở rộng với ASEAN chiếm tỷ trọng cao trong quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư giữa Trung Quốc và ASEAN.

Hợp tác Chu Giang mở rộng và Hợp tác kinh tế Vịnh Bắc Bộ mở rộng có mối quan hệ tương tác lẫn nhau và phát huy vai trò nòng cốt trong việc xây dựng cực tăng trưởng mới giữa Trung Quốc và ASEAN. Nhìn từ hợp tác vùng miền của Trung Quốc, Hợp tác Chu Giang mở rộng và hợp tác Vịnh Bắc Bộ mở rộng là sự hợp tác giữa miền duyên hải phía Đông và miền Trung, miền Tây, trong đó trọng điểm là hợp tác giữa Quảng Đông và Quảng Tây. Đồng thời, Hợp tác Chu Giang mở rộng và hợp tác Vịnh Bắc Bộ mở rộng đều chung hướng tới các nước ASEAN. Như vậy, Hợp tác Chu Giang mở rộng và Hợp tác Vịnh Bắc Bộ mở rộng có thể  nhìn nhận từ nhiều tầng nấc: trước hết là hợp tác giữa Khu kinh tế Vịnh Bắc Bộ, Quảng Tây và phía Tây của tỉnh Quảng Đông (Trạm Giang, Mạo Danh,..). Tiếp đó là hợp tác giữa Quảng Đông và Quảng Tây. Sự phát triển của bán đảo Lôi Châu, thành phố Trạm Giang có quan hệ nhất định tới Khu kinh tế Vịnh Bắc Bộ. Phát triển bán đảo Lôi Châu và miền phía Tây của Quảng Đông có vai trò phối hợp quan trọng với Khu kinh tế Vịnh Bắc Bộ. Tiếp nữa, Quảng Đông và Quảng Tây đã có quan hệ mật thiết và triển khai nhiều hợp tác sâu rộng. Tiếp đó, Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam và các tỉnh miền Nam Trung Quốc có quan hệ gắn bó với các nước ASEAN.

Nhìn từ hợp tác vùng miền của Trung Quốc, Hợp tác Chu Giang mở rộng và hợp tác Vịnh Bắc Bộ mở rộng là sự hợp tác giữa miền duyên hải phía Đông và miền Trung, miền Tây, trong đó trọng điểm là hợp tác giữa Quảng Đông và Quảng Tây. Tiếp nữa là quan hệ giữa Hợp tác Vịnh Bắc Bộ mở rộng và ASEAN. Đồng thời, Hợp tác Chu Giang mở rộng và hợp tác Vịnh Bắc Bộ mở rộng đều hướng tới các nước ASEAN. Hợp tác Chu Giang mở rộng và hợp tác Vịnh Bắc Bộ mở rộng là sự kết hợp hữu cơ của hợp tác nhiều vùng. Một tầng nấc nữa là quan hệ giữa Hợp tác Chu Giang mở rộng với ASEAN và xa hơn là hợp tác Đông á và hợp tác APEC. Nhìn từ quan hệ, có thể thấy các cặp quan hệ như các tỉnh Quảng Đông,  Quảng Tây và các tỉnh khác với ASEAN, quan hệ của Hợp tác Chu Giang mở rộng với ASEAN và cao hơn là quan hệ giữa Trung Quốc và ASEAN.

Hợp tác Chu Giang mở rộng cho thấy sự chủ động, tích cực của các địa phương (Quảng Đông) trong việc tìm kiếm bước phát triển mới, thể hiện sự nhạy bén của Trung Quốc trong nắm bắt xu thế phát triển, lợi dụng thời cơ và tạo dựng thời cơ phát triển. Hợp tác Chu Giang cũng gợi mở cho chúng ta một số điểm như sau:

(1) Nắm bắt xu thế phát triển của thế giới và khu vực, không ngừng tìm kiếm con đường, phương thức mới thúc đẩy sự phát triển. Khuyến khích các địa phương chủ động, sáng tạo trong cải cách và phát triển.

(2) Xây dựng vùng hợp tác vừa có tác dụng liên kết vùng trong nước, vừa có tác dụng trong nhất thể hóa kinh tế khu vực và quốc tế.

(3) Nghiên cứu và đưa ra các biện pháp ứng xử với những tác động của Hợp tác Chu Giang mở rộng, Hợp tác Vịnh Bắc Bộ mở rộng tới Việt Nam.


TS.Nguyễn Xuân Cường

Viện Nghiên cứu Trung Quốc





Các tin khác

Trung Quốc trong khu vực: Vị thế và thách thức (16/06/2010)
 
TIN MỚI NHẤT
ẤN PHẨM - XUẤT BẢN
 
 
TRANG CHỦ
TỪ ĐIỂN
TRA CỨU THƯ VIỆN
SƠ ĐỒ TRANG WEB
LIÊN HỆ
 
 
BẢN QUYỀN THUỘC VIỆN NGHIÊN CỨU TRUNG QUỐC - INSTITUTE OF CHINESE STUDIES
Địa chỉ: Số 176 Thái Hà, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam
Điện thoại: 024.32171020; Email: vnics@vnics.org.vn