TRANG CHỦ
TỪ ĐIỂN
TRA CỨU THƯ VIỆN
SƠ ĐỒ TRANG WEB
LIÊN HỆ
NGÔN NGỮ
 
 
Thu viện ảnh
 Thời tiết Minimize | Maximize
 Hà nội  ° 
 Hải phòng  ° 
 Đà nẵng  ° 
 Hồ chí minh  ° 
Truy cập : 9354594
 
QUAN HỆ VIÊT-TRUNG
Quan hệ Việt Nam - Trung Quốc ngồi vào chỗ của nhau để cùng tìm giải pháp tăng cường hữu nghị, mở rộng hợp tác cùng nhau phát triển (17/07/2010)

    Nhìn lại 60 năm qua, quan hệ hữu nghị Việt Nam – Trung Quốc không ngừng phát triển, song cũng phải thừa nhận rằng, mối quan hệ đó cũng có lúc nóng, lúc lạnh; lúc đầm ấm, lúc cam go. Nhìn tổng thể, chúng ta có thể thấy, thời kỳ nào quan hệ hai nước nồng ấm, hữu hảo với nhau thì cả hai quốc gia dân tộc này đều gặt hái được những thành tựu to lớn trong công cuộc giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước phồn vinh; thời kỳ nào mâu thuẫn, xung đột nổi lên, cả hai nước đều chịu những tổn thất nặng nề, có những tổn thất kéo dài không dễ khắc phục một sớm một chiều, đó là sự mất lòng tin, sự nghi ngờ lẫn nhau, dễ dẫn đến những hành xử mất tình hữu nghị, mất nghĩa anh em, đồng chí.

Trong 60 năm đó có hơn 10 năm bình thường hóa quan hệ hai nước vừa qua, hai nước đã vun đắp được tình hữu nghị tốt đẹp, đã xây dựng được quan hệ hợp tác toàn diện với phương châm “16 chữ” và với tinh thần “4 tốt”. Đó là một giai đoạn phát triển tốt đẹp trong lịch sử quan hệ Việt – Trung cần tiếp tục phát huy.

Song cũng trong hơn 10 năm này, quan hệ Việt – Trung dần dần hình thành những vấn đề nổi cộm ảnh hưởng lớn đến lợi ích của mỗi bên, rất dễ dẫn đến mâu thuẫn, xung đột nếu chúng ta không nhanh chóng tìm ra các giải pháp hóa giải.

Hai lĩnh vực đang nổi lên nhiều mâu thuẫn là lĩnh vực kinh tế và lĩnh vực chủ quyền biển đảo.

Về lĩnh vực kinh tế, mặc dù quan hệ kinh tế thương mại Việt – Trung phát triển rất nhanh trong hơn 10 năm qua, song nhiều vấn đề mâu thuẫn giữa hai nền kinh tế cũng dần dần nổi lên theo các xu hướng sau đây:

- Cán cân thương mại Việt – Trung ngày càng mất cân đối nghiêm trọng, nhập siêu tăng không ngừng bất lợi cho phía Việt Nam. Thông qua quan hệ biên mậu, nhiều hàng nhái, hàng giả, hàng lậu tràn vào Việt Nam, gây khó khăn cho nhiều ngành sản xuất, đặc biệt các xí nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam.

- Xu hướng xuất khẩu nguyên liệu thô từ Việt Nam sang Trung Quốc ngày càng tăng, tỉ trọng xuất khẩu hàng chế biến của Việt Nam sang Trung Quốc hầu như ít được cải thiện, ngày càng khoét sâu sự bất bình đẳng thương mại kiểu Bắc – Nam trong quan hệ giữa hai nước.

- Xu hướng chuyển dịch đầu tư công nghệ thấp, gây ô nhiễm, ít cải thiện khả năng cạnh tranh của hàng Việt Nam từ Trung Quốc sang Việt Nam tăng mạnh do nhu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế Trung Quốc, đặc biệt ở các đặc khu kinh tế vùng duyên hải Trung Quốc liền kề với Việt Nam.

- Xu hướng tụt giảm khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam so với hàng hóa Trung Quốc, xu hướng tụt hậu quá nhanh của nền kinh tế Việt Nam so với nền kinh tế Trung Quốc.

Những xu hướng trên trong quan hệ kinh tế Việt Trung nếu không được hai nước cùng nhau tích cực tìm giải pháp khắc phục thì trong tương lai sẽ ngày càng khó khăn trong việc duy trì quan hệ hữu nghị, mở rộng hợp tác, cùng nhau phát triển mà hai bên mong muốn.

Về lĩnh vực chủ quyền biển đảo: sự tranh chấp, chủ quyền biển đảo giữa Việt Nam và Trung Quốc đã có từ lâu, song phía Việt Nam cố gắng nhẫn nhịn cho đến gần phút chót mới cùng Malaysia đưa ra Liên hợp quốc yêu cầu chính thức về chủ quyền biển đảo của hai nước và của nước mình(1). Yêu cầu này lập tức bị Trung Quốc phản đối, đồng thời Trung Quốc chính thức công bố chủ quyền biển đảo hầu như là toàn bộ Biển Đông thuộc về Trung Quốc. Nguy cơ Biển Đông nổi sóng đã đến sớm hơn dự báo lâu nay của chúng tôi. Quan hệ Việt Nam – Trung Quốc trong vấn đề giải quyết tranh chấp chủ quyền biển đảo ở Biển Đông sẽ ngày càng căng thẳng nếu hai bên không sớm tìm ra giải pháp hợp lý, quan hệ “hữu nghị hợp tác cùng phát triển” sẽ có nguy cơ đổ vỡ, làm tổn hại lớn đến lợi ích chính đáng của hai quốc gia, và nhân dân hai nước “núi liền núi, sông liền sông” này.

Làm thế nào giải quyết được các mâu thuẫn trên để hai bên thực hiện tốt khẩu hiệu “tăng cường hữu nghị, mở rộng hợp tác, cùng nhau phát triển”  trong thời gian tới? Trong buổi làm việc với giáo sư Cốc Nguyên Dương, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị thế giới Trung Quốc, khi giáo sư sang hội thảo với Bộ Ngoại giao Việt Nam về quan hệ Việt - Trung, ông đánh giá cao hội thảo này vì theo ông, các học giả Việt Nam đã phát biểu thẳng thắn nhiều vấn đề với tinh thần xây dựng. Tuy nhiên giáo sư Cốc Nguyên Dương cho rằng, ngoài ba nguyên tắc lớn mà các học giả Bộ Ngoại giao Việt Nam đưa ra, theo ông cần thêm một nguyên tắc quan trọng thứ tư mà tôi đã lấy làm tên cho bài viết này: “Ngồi vào chỗ của nhau để cùng tìm giải pháp tăng cường hữu nghị, mở rộng hợp tác, cùng nhau phát triển”.

Tôi thấy rằng nguyên tắc thứ tư này rất quan trọng vì một khi “ngồi vào chỗ của nhau để cùng tìm giải pháp tăng cường hữu nghị, mở rộng hợp tác, cùng nhau phát triển” hai bên sẽ dễ dàng thấu hiểu nhau, bớt nghi ngờ nhau, để cùng nhau tìm ra giải pháp thỏa đáng cho cả hai bên.

Chẳng hạn về lĩnh vực kinh tế, trong việc tìm giải pháp cải thiện cán cân thương mại Việt – Trung, các nhà khoa học Việt Nam mà tôi là một trong những người kiên trì giải pháp Việt Nam cần mở cửa, hội nhập quốc tế sâu rộng hơn, tìm cách mời các công ty xuyên quốc gia lớn của Mỹ, Nhật, EU vào đầu tư công nghệ mới, tạo ra các sản phẩm chế biến chất lượng cao có khả năng xuất sang thị trường rộng lớn của Trung Quốc, chỉ có như vậy mới tránh được tình trạng nhập siêu và xuất nguyên liệu thô, từng bước cải thiện cán cân thương mại với Trung Quốc. Song cũng trong vấn đề này, một số học giả Trung Quốc lại đưa ra giải pháp khác để cân bằng cán cân thương mại hai nước là “Chính phủ hai nước nỗ lực tìm cách xuất khẩu trọn gói dầu thô của Việt Nam sang Trung Quốc để cân bằng cán cân thương mại”. Tôi cho rằng, các học giả Trung Quốc đã không ngồi vào chỗ của Việt Nam để giải quyết vấn đề. Vì theo tôi, một lượng lớn dầu thô của Việt Nam lâu nay đã xuất cho Nhật Bản và đổi lại Nhật Bản là nước cung cấp ODA lớn nhất cho Việt Nam để cải tạo kết cấu hạ tầng của nền kinh tế Việt Nam. Và cũng vì không ngồi vào chỗ của nhau để tìm giải pháp khắc phục mâu thuẫn như ví dụ trên, nên dẫn đến việc hai nước nghi ngờ nhau, chẳng hạn dư luận Trung Quốc cho rằng “Việt Nam thân phương Tây”, thậm chí có ý kiến cực đoan hơn là “dựa vào phương Tây để chống Trung Quốc” v.v… do vậy cần phải “kiềm chế” Việt Nam.

Trên lĩnh vực tranh chấp chủ quyền biển đảo, vấn đề còn phức tạp hơn nhiều nếu hai bên không “ngồi vào chỗ của nhau để tìm giải pháp…”. Sự phức tạp và nhạy cảm lớn nhất là cả hai nước đều tuyên bố chủ quyền biển đảo ở Biển Đông, và đều giáo dục ý thức bảo vệ chủ quyền biển đảo ở Biển Đông theo quan điểm của mỗi nước. Trung Quốc tỏ rõ lập trường không quốc tế hóa vấn đề Biển Đông, không coi vấn đề Biển Đông là vấn đề giữa Trung Quốc với ASEAN mà kiên trì lập trường vấn đề tranh chấp chủ quyền biển đảo ở Biển Đông là vấn đề song phương, giữa Trung Quốc với từng nước ASEAN có liên quan. Ngược lại, Việt Nam mong muốn công khai hóa vấn đề tranh chấp chủ quyền Biển Đông, giải quyết vấn đề chủ quyền Biển Đông theo luật biển quốc tế.

Tôi cho rằng, nếu hai nước không ngồi vào chỗ của nhau để thấu hiểu những vấn đề của nhau thì sự va chạm, xung đột là khó tránh khỏi. Chẳng hạn, tôi đánh giá cao hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông tại Hà Nội trong hai ngày 26 – 27/ 11-2009, vì đó là cách để nhân dân hai nước hiểu được mọi chiều cạnh của vấn đề một cách khách quan,  không áp đặt ý chí chủ quan lên nhau, nhờ đó giảm bớt những bức xúc dân tộc cực đoan của cả hai phía. Chỉ trên cơ sở này, hai nước mới dễ dàng ngồi đàm phán với nhau tìm ra điểm đồng, xử lý khéo các điểm bất đồng, tìm kiếm giải pháp hợp lý được nhân dân hai nước chấp thuận, biến Biển Đông thành biển Hòa bình Hợp tác Hữu nghị. Đây là cơ sở quan trọng để Trung Quốc thực hiện thành công chiến lược “Một trục hai cánh” đặc biệt trong đó là chiến lược “Vịnh Bắc Bộ mở rộng”, tạo thế cho Trung Quốc chủ đạo liên kết kinh tế Đông á, vươn lên thành siêu cường thế giới.

                   GS. Lê Văn Sang

Tạp chí Kinh tế Châu á- Thái Bình Dương




Các tin khác

Phát triển quan hệ thương mại Việt Nam - Trung Quốc thành hình mẫu của quan hệ hữu nghịvà hợp tác trong thế kỷ XXI (17/07/2010)
Nghiên cứu hợp tác khu kinh tế Vịnh Bắc Bộ Quảng Tây (Trung Quốc) và hành lang kinh tế Lạng Sơn - Hà Hội - Hải Phòng - Quảng Ninh (Việt Nam) (07/07/2010)
Cùng nhau viết nên trang sử mới trong quan hệ hợp tác láng giềng hữu nghị giữa Vân Nam(Trung Quốc) và Việt Nam (07/07/2010)
Đầu tư trực tiếp của Trung Quốc tại Việt Nam trong 10 năm qua (07/07/2010)
Cùng nhau viết nên trang sử mới trong quan hệ láng giềng hữu nghĩ giữa Vân Nam Trung Quốc và Việt Nam (16/06/2010)
Hội hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc trong giao lưu hợp tác vì sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau (16/06/2010)
Sáng tạo lý luận của hai đảng Trung - Việt từ thập kỷ 90 trở lại đây và mô hình Bắc Kinh - Hà Nội (16/06/2010)
Hợp tác Việt - Trung nghiên cứu lý luận về chủ nghĩa xã hội (14/06/2010)
Bàn về hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và tỉnh Quảng Đông Trung Quốc (14/06/2010)
 
TIN MỚI NHẤT
ẤN PHẨM - XUẤT BẢN
 
 
TRANG CHỦ
TỪ ĐIỂN
TRA CỨU THƯ VIỆN
SƠ ĐỒ TRANG WEB
LIÊN HỆ
 
 
BẢN QUYỀN THUỘC VIỆN NGHIÊN CỨU TRUNG QUỐC - INSTITUTE OF CHINESE STUDIES
Địa chỉ: Số 176 Thái Hà, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam
Điện thoại: 024.32171020; Email: vnics@vnics.org.vn