TRANG CHỦ
TỪ ĐIỂN
TRA CỨU THƯ VIỆN
SƠ ĐỒ TRANG WEB
LIÊN HỆ
NGÔN NGỮ
 
 
Thu viện ảnh
 Thời tiết Minimize | Maximize
 Hà nội  ° 
 Hải phòng  ° 
 Đà nẵng  ° 
 Hồ chí minh  ° 
Truy cập : 9352463
 
NGHIÊN CỨU
Xã hội Trung Quốc năm 2013 và phương hướng phát triển năm 2014 (25/05/2014)

Năm 2013, thế giới đứng trước nhiều biến động. Kinh tế thế giới đã bước đầu phục hồi nhưng tốc độ tăng chậm, dù sao cũng là tín hiệu tốt cho các nước có thị trường xuất khẩu lớn như Trung Quốc, cơ hội việc làm được mở rộng. Tình hình bạo động vẫn diễn ra ở nhiều nơi, những vụ xả súng luôn rình rập tính mạng của người dân Mỹ, bạo động vẫn tiếp diễn ở Trung Đông…., gây lo ngại tâm lý cho dân chúng Trung Quốc về tình hình trị an xã hội trong nước khi nước này cũng vừa diễn ra vụ đâm xe ở Thiên An Môn mà giới chức nước này cho là do bàn tay của nhóm khủng bố Tân Cương. Thiên tai lũ lụt cướp đi sinh mạng của hàng chục nghìn người Phillippin khiến Chính phủ Trung Quốc cũng không khỏi lo lắng về tình hình bão lũ ở các vùng miền trong nước, đặc biệt là thời tiết sương mù, môi trường ô nhiễm gần đây. Ngoài ra, chiến thắng đầy thuyết phục của bà Merkel đưa bà lên làm Thủ tướng Đức lần thứ ba, cũng như chiến thắng lần thứ hai của Thủ tướng Australia- ông Kevin Rudd do đưa ra được chính sách an sinh xã hội thoả mãn người dân, giúp các quốc gia này thoát khỏi nợ công, điều đó khiến thế hệ lãnh đạo mới của Trung Quốc hết sức quan tâm đến việc thực hiện một chính sách an sinh xã hội bao phủ toàn dân, thúc đẩy từng bước cải thiện dân sinh nhằm củng cố địa vi chính trị của mình. Đứng trước những vấn đề xã hội khó khăn và nhiều thách thức phải vượt qua, Hội nghị Trung ương 3 khoá XVIII ĐCS Trung Quốc vừa diễn ra vào tháng 11-2013 đã chỉ ra, Trung Quốc cần phải thúc đẩy sáng tạo cải cách sự nghiệp xã hội và sáng tạo thể chế quản lý xã hội, nhằm duy trì an ninh quốc gia, để người dân an cư lạc nghiệp, xã hội ổn định, có trật tự(1).

I. MỘT SỐ VẤN ĐỀ XÃ HỘI ĐÁNG CHÚ Ý Ở TRUNG QUỐC NĂM 2013

1.         Thu nhập của người dân tăng ổn định

Năm qua, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng khá ổn định, giá cả tiêu dùng của người dân theo đó duy trì ổn định. Giá nhiều mặt hàng trên thị trường quốc tế giảm, nông sản phẩm trọng yếu trong nước được đáp ứng đầy đủ, hàng tiêu dùng công nghiệp giá cả hạ thấp, môi trường vĩ mô vận hành giá cả tương đối nới lỏng. Nhưng giá mặt hàng nông phụ ở một số khu vực chịu ảnh hưởng của yếu tố mùa vụ và thời tiết vẫn rất cao. Chính quyền các cấp ở nhiều địa phương đưa ra nhiều biện pháp kiềm chế tăng giá cả và đã bảo đảm hiệu quả cung ứng thị trường và ổn định giá cả ở các khu vực trọng điểm và vào các thời điểm trọng điểm. Bảy tháng đầu năm 2013, tổng giá cả tiêu dùng cư dân ở Trung Quốc tăng trung bình 2,4%, giảm 0,7% so với thời điểm này năm ngoái(2). Nhìn chung, giá cả tiêu dùng của cư dân tăng vừa phải và có thể kiểm soát, tạo cơ sở tốt cho mục tiêu dự kỳ về tổng mức giá cả toàn năm.

Thu nhập của người dân tăng cùng với sự phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc. Xét từ các yếu tố như thu nhập từ lương, thu nhập từ tài sản, thu nhập mang tính chuyển dịch tăng nhanh, số lao động nông thôn ra ngoài làm thuê tăng mạnh, 6 tháng đầu năm, thu nhập của nông dân tiếp tục tăng cao, thu nhập bằng tiền mặt bình quân của người dân nông thôn tăng11,9%, trừ đi yếu tố giá cả, tăng thực tế 9,2%. Trong đó, thu nhập của lao động ngoại tỉnh bình quân là 2477 NDT/tháng, tăng 12,6%. Do tác động của các yếu tố như một bộ phận doanh nghiệp cắt giảm thưởng cuối năm trước và lương của công nhân viên chức giảm, thu nhập có thể chi phối bình quân của người dân thành phố tăng chậm, 6 tháng đầu năm tăng 9,1% so với cùng kỳ, tăng thực tế là 6,5%(3). Tính cả năm 2013, thu nhập thuần của người dân nông thôn là 8896 NDT, tăng 12,4% so với năm trước, trừ đi yếu tố giá cả, tăng thực tế 9,3%; thu nhập có thể chi phối của người dân thành phố là 26.599 NDT, tăng 9,7% so với năm trước, trừ đi yếu tố giá cả, tăng thực tế 7,0%(4). Theo điều tra các hộ gia đình thành thị và nông thôn năm 2012 cho thấy, thu nhập có thể chi phối bình quân đầu người của người dân toàn quốc là 18.311 NDT, tăng 10,9% so với năm trước, trừ đi yếu tố giá cả, tăng thực tế 8,1%(5).

2. Tình hình việc làm bớt căng thẳng

Trung Quốc quán triệt đi sâu thực hiện chiến lược ưu tiên việc làm và chính sách việc làm tích cực hơn, mở rộng các kênh tạo vị trí việc làm, nỗ lực thúc đẩy lập nghiệp lôi kéo việc làm, tăng cường dịch vụ việc làm công cộng, dốc hết sức làm tốt công tác việc làm cho nhóm trọng điểm, đã duy trì được sự ổn định chung về tình hình việc làm. Minh chứng là đến cuối năm 2013, cả nước có 769,77 triệu vị trí việc làm, trong đó số việc làm ở thành thị là 382,4 triệu việc làm. Số việc làm tăng mới ở thành thị là 13,1 triệu. Tỉ lệ thất nghiệp đăng ký ở thành thị là 4,05%, giảm nhẹ so với tỉ lệ 4,09% cuối năm ngoái. Cả nước có tổng cộng 268,94 triệu nông dân công, tăng 2,4% so với năm trước, trong đó nông dân công ra ngoài làm thuê là là 166,1 triệu người, tăng 1,7%; nông dân công bản địa là 102,84 triệu người, tăng 3,6%(6). Năm 2013, thị trường lao động ở thành phố Trung Quốc xuất hiện tình trạng cầu lớn hơn cung về lao động. Đến quý III năm 2013, tỉ lệ này ở các khu vực miền Đông, miền Trung và miền Tây là 1,06:1; 1,08:1 và 1,13:1(7). Do kết cấu dân số Trung Quốc có sự biến đổi nhanh và mạnh, hàng năm nông dân công đều tăng, nông thôn vốn được coi là kho dự trữ lao động rơi vào tình trạng nông dân rời quê “một đi không trở lại”. Trong tình hình trình độ kỹ thuật và kết cấu ngành nghề ngày một nâng cao, những công nhân xuất thân từ nông dân với trình độ thấp, thiếu chuyên môn đã dẫn tới việc người lao động khó đáp ứng vị trí công việc, tình trạng khó tìm lao động đáp ứng nhu cầu công việc ngày một tăng, hay nói cách khác cục diện cầu lớn hơn cung về lao động đang diễn ra đối với lao động phổ thông ở Trung Quốc.

Tình hình việc làm cho sinh viên tốt nghiệp đại học và cao đẳng không mấy lạc quan khi quy mô sinh viên tốt nghiệp ngày càng mở rộng, trong khi số lượng việc làm lại bị giảm bớt do tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại. Bộ Giáo dục Trung Quốc mới đây công bố số liệu cho thấy, năm 2013, Trung Quốc cả thảy có 6 triệu 990 nghìn sinh viên tốt nghiệp đại học và cao đẳng, tăng 190 nghìn người so với năm trước, lập mức cao kỷ lục. Trong 2 năm qua, cùng với tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm dần từng quý, vị trí  việc làm của Trung Quốc có xu hướng giảm thiểu. Kết quả giám sát tình hình cung cầu thị trường qua các tổ chức dịch vụ việc làm công cộng do Trung tâm giám sát thông tin thị trường nguồn nhân lực Trung Quốc thực hiện cho thấy, trong 84 thành phố lớn và vừa, quý I năm 2013, nhu cầu tuyển chọn nhân viên giảm 163 nghìn người so với cùng kỳ năm trước, giảm 2,9%(8). Nhu cầu tìm việc tăng lên trong khi tình hình số lượng việc làm giảm thiểu. Năm 2013 được coi là năm tìm việc làm khó nhất mà báo giới, sinh viên tốt nghiệp đại học và cao đẳng đánh giá, cũng là nội dung được Chính phủ Trung Quốc đưa vào chương trình nghị sự. Như vậy, thị trường lao động ở Trung Quốc diễn ra hai trạng thái song song tồn tại là tình trạng “thiếu lao động phổ thông” và “việc làm khó” đối với sinh viên tốt nghiệp.

3. Hệ thống an sinh xã hội tiếp tục được hoàn thiện, số người tham gia ngày càng đông đảo

Trước xu thế về một nền chính trị ổn định nhờ vào chính sách an sinh xã hội hoàn thiện tại nhiều nước trên thế giới, Trung Quốc xác định cải tổ hệ thống an sinh xã hội với việc lập ra gói an sinh xã hội mở rộng hệ thống này phủ rộng khắp toàn quốc, cơ bản cho mọi người dân nhằm thoả mãn đòi hỏi về quyền lợi an sinh của nhân dân, từng bước tăng cường địa vị lãnh đạo của đảng cầm quyền.

Diện che phủ của chế độ an sinh xã hội tiếp tục được mở rộng, tính đến hết năm 2013, tổng số công nhân viên chức ở thành thị tham gia bảo hiểm dưỡng lão là 322,12 triệu người, tăng 17,85 triệu so với cùng kỳ; tổng số người tham gia bảo hiểm dưỡng lão cư dân thành thị và nông thôn đạt 497,50 triệu người, tăng 13,81 triệu người. Số người tham gia bảo hiểm y tế cơ bản đạt 573,22 triệu người, tăng 36,80 triệu người. Trong đó, số người tham gia bảo hiểm y tế công nhân viên chức là 274,16 triệu người, tăng 9,3 triệu người; tham gia bảo hiểm y tế cư dân đạt 299,06 triệu người, tăng 27,5 triệu. Số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp là 164,17 triệu người, tăng 11,92 triệu. Số người tham gia bảo hiểm tai nạn lao động là 198,97 triệu người, tăng 8,87 triệu. Trong đó, nông dân công tham gia là 72,66 triệu, tăng 860.000. Số người tham gia bảo hiểm thai sản là 163,97 triệu người, tăng 9,68 triệu người. Đến cuối năm 2013, cả nước có 2489 huyện (thành phố, khu vực) thực hiện chế độ y tế hợp tác nông thôn mới, tỉ lệ tham gia đạt 99%. Tính theo tiêu chuẩn nghèo ở nông thôn (căn cứ vào mức thu nhập thuần bình quân đầu người là 2300 NDT), thì năm 2013, Trung Quốc còn 82,49 triệu người nghèo ở nông thôn, giảm 16,5 triệu so với năm trước(9). Việc xây dựng các công trình mang tính an cư bảo đảm ở thành thị tiến hành thuận lợi, tính đến cuối tháng 7 đã khởi công 5 triệu công trình, xây cơ bản 2,8 triệu công trình, lần lượt đạt nhiệm vụ mục tiêu là 79% và 59%(10).  Công tác cứu trợ xã hội từng bước được tăng cường, các đối tượng được bảo đảm ở thành phố và nông thôn đều cơ bản được bảo đảm, công tác cứu trợ vùng thiên tai phát huy tác dụng, đảm bảo cuộc sống cơ bản cho người dân vùng thiên tai, như đã thực hiện ban bố quy hoạch tổng thể khôi phục vùng Lỗ Sơn tỉnh Tứ Xuyên sau động đất.

Tính đến năm 2013, Trung Quốc chi ngân sách là 11 tỷ NDT cho công tác người khuyết tật trong 5 năm qua, đã thúc đẩy mạnh mẽ công tác đảm bảo quyền lợi cho người khuyết tật. Trong 5 năm tới, nước này sẽ tiếp tục phân bổ ngân sách mạnh hơn cho xây dựng cơ sở phục vụ người khuyết tật, không ngừng mở rộng diện che phủ, nâng cao năng lực và trình độ phục vụ, dành sự bảo đảm mạnh mẽ cho người khuyết tật để hoà nhập và vào đời sống xã hội. Mới đây, nước này đã chi ngân sách 9 tỉ 541 triệu NDT để giúp những người yếu thế khó tiếp cận việc làm và vốn vay lập nghiệp, tăng 55% so với cùng kỳ. Từ năm 2003 đến nay, Trung Quốc đã chi ngân sách 25, 836 tỷ NDT để giúp những người yếu thế khó tiếp cận việc làm và vốn vay, cả thảy đã cho vay khoảng 400 tỉ NDT, nếu tính trung bình mỗi người được vay 50.000 NDT, như vậy đã giúp hơn 8 triệu người vay vốn lập nghiệp(11), đã phát huy vai trò quan trọng và tích cực trong việc cải cách doanh nghiệp nhà nước, tìm lại việc làm cho những công nhân viên chức bị mất việc vì tái cơ cấu ngành nghề, phục vụ toàn cục hài hoà ổn định của xã hội, thay đổi quan niệm việc làm của xã hội v.v.. Hiện tại Trung Quốc được coi là quốc gia chi mạnh tay vào sự nghiệp an sinh xã hội với việc xây dựng mạng lưới an sinh xã hội che phủ dân số nhiều nhất thế giới.     

4. Vấn đề nhà ở vẫn khó giải quyết

Nhà ở và giá nhà ở luôn là vấn đề đau đầu người dân và Chính phủ Trung Quốc khi dân số cứ phình rộng mà quỹ đất có hạn. Tháng 3-2013, Quốc vụ viện Trung Quốc ban bố “Năm biện pháp tăng cường điều tiết thị trường bất động sản” nhằm khống chế và ổn định giá nhà đất đang tăng cao. Nhưng trong năm 2013, giá nhà luôn ở xu thế tăng không giảm, đặc biệt ở các thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải, Thiên Tân… Số liệu công bố đến quý 3 năm 2013 điều tra trên 70 thành phố lớn và vừa ở Trung Quốc cho thấy, chỉ có 1 thành phố có giá nhà thương phẩm mới xây giảm giá, còn lại 69 thành phố giá nhà ở xu thế tăng không giảm. Trong tháng 9, có 13 thành phố giá nhà tăng trên 10% so với cùng kỳ, thậm chí Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu giá nhà còn tăng ở mức 20,6%, 20,4% và 20,2%. Thị trường nhà cũ ở 70 thành phố đến tháng 9 cũng tăng giá, chỉ có 2 thành phố có giá nhà cũ giảm, còn lại 68 thành phố giá tăng mạnh, tăng mạnh nhất tới 17,8% so với cùng kỳ(12). Bên cạnh đó, giá nhà cho thuê ở các thành phố cũng tăng, là khó khăn lớn cho các hộ gia đình thu nhập thấp và nông dân ra thành phố làm thuê. Mặc dù thu nhập của nông dân làm thuê có tăng nhưng do giá nhà tăng mạnh, giá cả hàng hoá dao động tăng tạo áp lực tiêu dùng gia tăng ở thành phố. Khả năng thuê được nhà giá rẻ hay sở hữu một căn hộ giá rẻ là vô cùng khó khăn đối với đối tượng thu nhập thấp và nông dân làm thuê. Giá nhà đất tăng được coi là một vấn đề xã hội ở Trung Quốc hiện nay. Nhiều chuyên gia cho rằng, vấn đề lớn nhất hiện nay không phải là chênh lệch tài sản giữa người giàu và người nghèo, giữa quan chức và dân thường, mà là đang hình thành sự phân biệt của các giai cấp, giai tầng. Do giá nhà tăng cao, giai tầng thu nhập trung bình sẽ nảy sinh cảm giác bị cướp đoạt, giai tầng mới nổi lại xuất hiện khuynh hướng di dân mạnh mẽ, các tập đoàn lợi ích có sự cấu kết giữa quan chức và thương nhân sẽ rơi vào lũng đoạn chưa từng thấy(13).

Để từng bước giải quyết tốt vấn đề nhà ở cho người dân, Bộ Chính trị TW ĐCS Trung Quốc đã tổ chức buổi học tập tập thể về tăng cường xây dựng hệ thống bảo đảm và cung ứng nhà ở. Trong đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho rằng cần xử lý tốt quan hệ giữa Chính phủ cung cấp dịch vụ công với thị trường hóa, xử lý tốt quan hệ giữa chức năng kinh tế và chức năng xã hội về phát triển nhà ở, xử lý tốt quan hệ giữa nhu cầu và khả năng cũng như quan hệ giữa đảm bảo nhà ở với đề phòng cạm bẫy phúc lợi, thực hiện nhiệm vụ mục tiêu quan trọng toàn dân có nhà ở(14).

Các chuyên gia học giả cho rằng, bài phát biểu của Chủ tịch Tập Cận Bình đã đưa ra thông tin mới về chính sách nhà ở Trung Quốc. Ông Phùng Tuấn, Vụ trưởng Vụ Đảm bảo nhà ở của Bộ Nhà ở và Phát triển thành thị-nông thôn Trung Quốc cho rằng, vấn đề nhà ở chỉ là một khía cạnh của rất nhiều mâu thuẫn trong phát triển kinh tế, xã hội hiện nay. Xây dựng và hoàn thiện hệ thống đảm bảo và cung ứng nhà ở là yêu cầu khách quan nhằm đảm bảo và cải thiện dân sinh cũng như thúc đẩy kinh tế và xã hội phát triển một cách cân đối. Trong Quy hoạch 5 năm lần thứ 12, Chính phủ Trung Quốc đặt mục tiêu, cả nước Trung Quốc sẽ xây dựng và cải tạo 36 triệu căn hộ nhà ở chính sách và nhà cấp bốn, phấn đấu đến năm 2015, diện che phủ của nhà ở chính sách sẽ lên tới khoảng 20%(15).

5. Tốc độ già hoá dân số diễn ra khá nhanh

Trung Quốc đang đứng trước sự chuyển biến dân số mang tính bước ngoặt, lợi ích dân số đang dần thu hẹp. Trong những năm tới, lao động Trung Quốc sẽ biến động theo hướng giảm dần, xuất hiện xu thế tăng âm. Trong khi đó, tốc độ già hoá dân số đang diễn ra nhanh. Trước nguy cơ già hoá dân số đang đến gần, Chính phủ Trung Quốc hết sức quan tâm lo lắng vấn đề người già và cuộc sống lúc tuổi già. Đến cuối năm 2013, số người trên 60 tuổi ở Trung Quốc đã đạt 200 triệu người. Ước tính đến năm 2020, con số này là 243 triệu người, và đến năm 2025 tăng lên 300 triệu người(16). Người già tăng nhanh trong khi kinh tế Trung Quốc đang gặp nhiều khó khăn, đặt xã hội Trung Quốc trước bối cảnh “già trước khi giàu”. Tổng lượng dân số già tăng tức là số người phải sống dựa vào gia đình và  xã hội tăng, hiện số người già phải sống dựa đã vượt quá 37 triệu người, dự tính đến năm 2015 sẽ đạt gần tới 40 triệu người(17).

Để tích cực ứng phó với vấn đề già hoá dân số, đáp ứng nhu cầu dịch vụ dưỡng lão và phát triển ngành dịch vụ, tháng 8.2013, Chính phủ nước này đã ban hành Văn kiện “Ý kiến của Quốc vụ viện về tăng cường phát triển ngành dịch vụ dưỡng lão”(18). Đây được coi là nhiệm vụ cấp bách để xây dựng toàn diện xã hội khá giả, vừa có lợi bảo đảm lợi ích của người già, cùng chung hưởng thành quả của cải cách phát triển, vừa có lợi để thúc đẩy tiêu dùng, mở rộng việc làm, cũng giúp bảo đảm và cải thiện dân sinh, thúc đẩy xã hội hài hoà và kinh tế xã hội phát triển lành manh, bền vững. Mục tiêu đến năm 2020, Trung Quốc sẽ xây dựng một hệ thống dịch vụ dưỡng lão toàn diện lấy gia đình là nền tảng, khu dân cư làm chỗ dựa, tổ chức làm trụ cột, chức năng hoàn thiện, quy mô hợp lý, bao phủ cả thành phố và nông thôn.

6. Vấn đề ô nhiễm môi trường đang trở nên nghiêm trọng

Ô nhiễm không khí và ô nhiễm nguồn nước đang trở thành vấn đề ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng sống ở Trung Quốc. Hiện nay, 70% thành phố ở Trung Quốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng không khí môi trường. Bắc Kinh được coi là một trong 10 thành phố (gồm Bắc Kinh, Thiên Tân, Hà Bắc, Sơn Tây, Cáp Nhĩ Tân, Thẩm Dương, ….) có mức độ đo lượng ô nhiễm không khí nặng nhất ở Trung Quốc năm 2013. Theo Trung tâm theo dõi môi trường Bắc Kinh, từ ngày 1-1 đến ngày 10-4-2013, số ngày sương mù trong cả nước là 12,1 ngày, nhiều hơn mức bình thường 4,3 ngày. Trong khi đó ở Bắc Kinh, số ngày sương mù lên tới 46 ngày, nhiều hơn 5,5 lần so với mức bình thường là 7,1 ngày, là thời kỳ sương mù nhiều nhất trong gần 60 năm trở lại đây(19). Tình hình trên buộc cơ quan dự báo thời tiết phải đưa ra cảnh báo màu vàng, cấp cảnh báo cao thứ ba, về việc sẽ vừa có sương mù, vừa có khói bụi. Khói bụi đã khiến số người nhập viện vì bệnh hô hấp tăng vọt. Lượng bệnh nhân nhập viện vì vấn đề với đường hô hấp tăng 54% so với cùng kỳ 2012, chủ yếu là trẻ em và người già. Trong một khảo sát được thực hiện mới đây, số ca ung thư phổi tại thủ đô Bắc Kinh đã tăng hơn 50% trong thập kỷ qua, mà tác nhân không nhỏ là do ô nhiễm không khí(20). Theo Bộ Bảo vệ Môi trường Trung Quốc thông báo, nhiều thành phố tại Trung Quốc sẽ phải đóng cửa các trường học, giảm giờ làm việc và ngừng mọi hoạt động ngoài trời do nạn ô nhiễm không khí hoành hành. Bên cạnh đó, ô nhiễm nguồn nước các con sông cũng đang là vấn đề báo động. Hiện nay 70% các con sông ở Trung Quốc bị ô nhiễm, 90% các khúc sông đi qua các thành phố bị ô nhiễm nặng. Theo công số của Bộ Tài nguyên quốc gia Trung Quốc, khảo sát đo lường tại 4929 điểm thuộc 198 khu vực hành chính cấp thành phố trên toàn quốc cho thấy, 60% nguồn nước ngầm là kém chất lượng, 16,8% trong đó là ở mức rất kém(21).

Chính phủ Trung Quốc xác định, vấn đề môi trường sinh thái là vấn đề dân sinh quan trọng, mọi công tác liên quan đến môi trường sinh thái nói chung và môi trường không khí nói riêng đều phải được quan tâm chặt chẽ. Tại Hội nghị TƯ 3 khoá 18 ĐCS Trung Quốc vừa diễn ra, Trung Quốc nhấn mạnh, cùng với việc thực hiện “Quy hoạch 5 năm lần thứ 12” về xử lý ô nhiễm không khí tại các khu vực trọng điểm, các bộ ngành chuyên môn của Chính phủ sẽ từng bước tăng cường công tác xử lý ô nhiễm không khí, giảm thiểu xả thải vật gây ô nhiễm, kiểm soát chặt chẽ năng lực sản xuất tăng cao của các ngành nghề ô nhiễm cao, thúc đẩy sản xuất sạch, xây dựng cơ chế liên kết giám sát phòng chống giữa các khu vực, đưa việc xử lý ô nhiễm không khí vào điều thứ 10 về quản lý ứng cứu các sự kiện đột xuất của chính quyền địa phương, thực thi quy hoạch về phòng và trị ô nhiễm nguồn nước lưu vực trọng điểm, ô nhiễm kim loại nặng, công tác xử lý tổng thể môi trường nông thôn. Các công trình hai kỳ về bảo vệ tài nguyên rừng tự nhiên, công tác xử lý tổng hợp sa mạc hoá ở Thiên Tân và xây dựng hệ thống rừng phòng hộ trọng điểm đã được thiết thực triển khai(22).

Để cụ thể hoá công tác bảo vệ môi sinh, Ủy ban Y tế và Kế hoạch hóa gia đình Nhà nước Trung Quốc công bố "Phương án công tác về giám sát sự ảnh hưởng đối với sức khoẻ của ô nhiễm không khí năm 2013", đề xuất sẽ xây dựng mạng lưới giám sát sự ảnh hưởng đối với sức khoẻ của ô nhiễm không khí che phủ cả nước trong vòng 3-5 năm(23). Theo phương án, năm 2013 tập trung triển khai giám sát sự ảnh hưởng đối với sức khoẻ của thời tiết sương mù ô nhiễm tại một số thành phố thuộc 16 tỉnh, thành có thời tiết sương mù ô nhiễm cao.

7. Vấn đề trị an xã hội đang đứng trước nhiều thách thức

Tình trạng an ninh xã hội năm 2013 ở Trung Quốc đang đứng trước nhiều thách thức, đe doạ trật tự xã hội và gây lo ngại trong dân chúng. Trong số những vụ bạo loạn xảy ra năm nay phải kể đến ba vụ điển hình.

Một là, bạo loạn ở khu tự trị Tân Cương ở Tây Bắc của Trung Quốc hồi tháng 6-2003 làm ít nhất 24 dân thường và cảnh sát thiệt mạng. Theo Tân Hoa Xã, các hành động bạo loạn không phải là kết quả của việc xung đột sắc tộc hay tôn giáo ở Tân Cương, mà vụ việc là ý định chia rẽ tính đoàn kết dân tộc, phá vỡ sự ổn định xã hội và phá hoại toàn bộ Trung Quốc của những kẻ cực đoan.

Hai là vụ đâm xe ở quảng trường Thiên An Môn. Vụ việc diễn ra vào hôm 28-10-2013 ngay tại quảng trường nổi tiếng Thiên An Môn ở trung tâm thủ đô Bắc Kinh được cho là do nhóm người đến từ dân tộc Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi tại khu tự trị Tân Cương. Vụ việc nhằm vào dân thường gây sự chú ý quốc tế đã khiến người dân hết sức hoang mang, lo lắng về bất ổn đã lan rộng vào các khu trung tâm hành chính.

Ba là, vụ đánh bom ở Thái Nguyên cho thấy những đợt sóng khủng bố đang đe doạ sự an toàn của Trung Quốc. Ông Andrei Karneev, Phó giám đốc Viện Nghiên cứu các nước Á-Phi thuộc Đại học Tổng hợp Matxcơva nhận định, trong vụ nổ bom tại Bắc Kinh có thể thấy rõ nguyên nhân xuất phát từ khu vực “không bình yên“ là khu tự trị Tân Cương-Uigur, liên quan tới vấn đề ly khai. Còn trong vụ việc mới đây nguyên nhân khủng bố có thể tiềm ẩn trong lĩnh vực kinh tế-xã hội. Trong quá khứ, đã từng có không ít trường hợp khi cảm nhận về bất công xã hội đã thúc đẩy công dân tới hành động phản kháng có sử dụng chất nổ(24).

Những hành động này có lẽ xuất phát từ cục diện xã hội đầy căng thẳng và mâu thuẫn nội bộ rất gay gắt. Những căng thẳng và mâu thuẫn xã hội đã châm ngòi nổ cho các cuộc biểu tình, đánh bom, đâm xe liều chết nhằm chống phá nhà nước, đòi ly khai, gây thêm bất ổn và bạo loạn xã hội.

8. Vấn đề an toàn thực phẩm, dược phẩm vẫn rất đáng lo ngại

Tờ Mercury News của Mỹ cho biết, gần một thập niên qua, Trung Quốc chiếm 90% thị trường vitamin C tại Mỹ và công nghiệp dược Trung Quốc cũng chiếm thị phần thế giới một cách đáng kể ở các sản phẩm kháng sinh, thuốc giảm đau, enzyme và amino acid(25). Gần đây, người ta phát hiện ra, vitamin C vây bạc sản xuất từ Trung Quốc có chứa thạch tím độc tính cao và dư lượng thuỷ ngân, nguyên liệu của nó không chỉ được tẩy độc bằng lưu huỳnh công nghiệp, mà thành phần trên sản phẩm không phù hợp với thực tế(26). Một báo cáo thống kê cho biết, trong năm 2013 có ít nhất 30 vụ thực phẩm liên quan tới vấn đề an toàn thực phẩm, từ sữa bột giả, rượu giả, dầu ăn thải loại, vây cá mập giả, thức ăn nhanh, sữa bột trẻ em giả, rượu trắng giả, thịt giả cừu, gừng giả, hạt dưa chiên chứa nhôm gây tổn hại não, đến gạo chứa thành phần cadmium vượt mức cho phép, tinh bột nhiễm độc(27).

Không thể kể hết những vụ việc liên quan tới vệ sinh an toàn thực, dược phẩm ở Trung Quốc. Đầu năm 2013, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) từng đưa ra báo cáo cho thấy vấn đề kiểm soát vệ sinh an toàn thực, dược phẩm ở Trung Quốc đã đến mức báo động. Cơ quan Quản lý thực- dược phẩm Trung Quốc cũng công bố khảo sát đầu năm 2013 cho thấy người tiêu dùng Trung Quốc đều lo ngại về mức độ an toàn thực phẩm. Lo sợ trước sự gia tăng của thực phẩm bẩn, người Trung Quốc đang tìm đến ngày càng nhiều với các nguồn thực phẩm được quảng cáo là sạch bán trên mạng. Bán thực phẩm trực tuyến nhờ đó đang trở thành một loại hình tiếp thị phát triển mạnh ở nước này.

Có thể nói thêm rằng, việc kiểm soát vệ sinh an toàn thực - dược phẩm Trung Quốc gặp trở ngại bởi yếu tố cơ chế quản lý chồng chéo. Có đến 10 cơ quan nhà nước liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến vệ sinh an toàn thực - dược phẩm và sức khỏe người tiêu dùng (Bộ Y tế; Cơ quan Quản lý thực, dược phẩm; Cơ quan Quản lý dược phẩm; Bộ Nông nghiệp; Tổng cục Kiểm dịch, Thanh tra và Giám sát chất lượng; Bộ Thương mại; Bộ Khoa học Kỹ thuật, Viện An toàn thực phẩm và dinh dưỡng…). Đó cũng chính là kẽ hở để những doanh nghiệp hám lợi, bất chấp sinh mạng người dân thực hiện hành vi phi pháp. Ở đây, vai trò và trách nhiệm của nhà quản lý và kiểm soát vệ sinh an toàn thực, dược phẩm cần được nhấn mạnh, nếu bưng bít thông tin, họ chính là những kẻ gián tiếp xâm hại đến sức khoẻ và tính mạng của người dân.

II. ĐÁNH GIÁ CỦA NGƯỜI DÂN VỀ ĐỜI SỐNG XÃ HỘI

1. Về  chất lượng cuộc sống

Nếu đánh giá bằng thang cấp độ 5 thì năm 2013, mức độ hài lòng cuộc sống của người dân thành phố Trung Quốc đạt cấp 3,49, tuy thấp hơn một chút so với năm 2011 và năm 2012 nhưng nhìn chung người dân khá hài lòng về cuộc sống. Trong số người dân thành phố được hỏi, có 58% bày tỏ hài lòng về chất lượng cuộc sống, tỉ lệ không hài lòng là 11,4%. Lấy năm 2008 làm mốc phân giới, từ năm 2000- 2007, mức độ hài lòng khá thấp, ngoại trừ năm 2006 đạt 3,3%, còn từ năm 2008- 2013, mức độ hài lòng đã nâng cao, đặc biệt trong 3 năm trở lại đây.

Xét về các phương diện cuộc sống, mức độ hài lòng của người dân thành phố cũng có nhiều thay đổi. So với năm 2012, trong 17 chỉ tiêu của năm 2013 thì 5 hạng mục là mức độ hài lòng tình trạng công việc, kỳ vọng vào sức cạnh tranh trong tương lai, vị thế quốc tế của quốc gia, cảm giác an toàn xã hội, lo lắng tuổi già đều giảm 0,1 điểm. Các chỉ số của các lĩnh vực đời sống xã hội, mức độ hài lòng của người dân thành phố luôn tăng ổn định, như chỉ số về mức độ hài lòng về đời sống vui chơi giải trí, tình hình kinh tế cá nhân, an sinh xã hội, sức chịu đựng biến đổi vật giá, chỉ số lòng tin tiêu dùng, mức độ lạc quan về thu nhập trong tương lai, mức độ lạc quan về cuộc sống tương lai đều tăng so với năm 2012, lần lượt là 3,38; 3,28; 3,26; 3,26; 3,33; 3,55; 3,61(28).

2. Về những vấn đề đáng lo ngại

Theo số liệu điều tra hàng năm về vấn đề được người dân thành phố quan tâm nhất, nhìn chung chia làm ba giai đoạn: Từ năm 2000- 2006, việc làm và an sinh xã hội luôn là vấn đề được người dân quan tâm nhất. Nhưng từ năm 2007-2012, vật giá, giá nhà ở là vấn đề được quan tâm hơn cả. Sang năm 2013, vấn đề công bằng xã hội thể hiện ra ở phương diện phân hoá giàu nghèo lại là vấn đề được quan tâm nhất.



Như vậy, số liệu bảng cho thấy, đã có sự thay đổi trong nhận thức của người dân về tình hình xã hội Trung Quốc. Nếu trong vài năm trước, vấn đề vật giá luôn là mối lo ngại của người dân, đặc biệt là người thu nhập thấp, thì hiện nay đó không còn là mối lo hàng đầu do tình hình kinh tế ở nước này đã có biến chuyển tốt, các biện pháp bình ổn giá cả được thực hiện hiệu quả. Tuy nhiên, sự phát triển kinh tế chưa cân đối, mức độ chênh lệch vùng miền ngày một lớn khiến cho mức độ phân hoá giàu nghèo ở Trung Quốc càng rõ rệt. Phân hoá giàu nghèo ảnh hưởng đến công bằng xã hội và sự phát triển bền vững của Trung Quốc, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người dân trong phân phối lợi ích xã hội. Do vậy, đây là vấn đề được người dân và Chính phủ Trung Quốc hết sức quan tâm, lo lắng.

III. PHƯƠNG HƯỚNG PHÁT TRIỂN XÃ HỘI CỦA TRUNG QUỐC NĂM 2014

Nhìn chung, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội quốc dân của Trung Quốc năm 2013 tiến triển thuận lợi, kinh tế tăng trưởng, giá cả tăng ổn định, tình hình việc làm tương đối ổn, công tác điều chỉnh kết cấu, thúc đẩy cải cách, ưu đãi dân sinh đạt bước tiến nhất định, phù hợp với yêu cầu ổn định cầu tiến, khởi đầu vững chắc. Bên cạnh những thành tựu đạt được về kinh tế xã hội trong năm 2013, Trung Quốc vẫn tiếp tục phải đối diện với nhiều vấn đề xã hội, mà nếu không từng bước giải quyết sẽ gây bất ổn xã hội, là cơ hội để nhiều nhóm tổ chức chống phá nhà nước hoạt động gây chia sẽ sự thống nhất đất nước.

Năm 2014, công tác xã hội được chia làm hai hạng mục là xây dựng xã hội và cải thiện dân sinh, thay vì một hạng mục là cải thiện dân sinh như Báo cáo công tác Chính phủ Trung Quốc năm 2013. Điều này cho thấy, vai trò của công tác xây dựng xã hội, mà nội dung hạt nhân là quản lý xã hội có vai trò quan trọng ngang bằng với công tác cải thiện dân sinh. Có thể coi xây dựng xã hội là cơ sở quan trọng để thực hiện cải thiện dân sinh. Trong Báo cáo công tác Chính phủ Trung Quốc năm 2014, nội dung chính về lĩnh vực xã hội tập trung xoay quanh những vấn đề sau:

Thứ nhất, về xây dựng xã hội, Báo cáo nhấn mạnh vào vấn đề giáo dục, y tế, văn hóa, coi đó là trọng tâm và là cơ sở để Trung Quốc thực hiện xây dựng xã hội. Trong đó, sự nghiệp giáo dục chú trọng phát triển ưu tiên và phát triển công bằng, tức là tăng cường nguồn lực giáo dục nghiêng về phía khu vực miền Trung và miền Tây, khu vực nông thôn, thúc đẩy phát triển cân bằng giáo dục nghĩa vụ. Đối với sự nghiệp y tế, Trung Quốc nhấn mạnh cải cách theo chiều sâu, củng cố bảo đảm y tế cơ bản toàn dân, thông qua cải cách điều chỉnh chế độ bảo hiểm y tế cơ bản cư dân thành thị và nông thôn, thúc đẩy toàn quốc thực hiện bảo hiểm y tế bệnh nặng cho người dân thành thị và nông thôn, kiên trì chính sách sinh đẻ kế hoạch, thực hiện chính sách sinh hai con đối với cặp vợ chồng là con một. Văn hoá là huyết mạch của dân tộc, bồi dưỡng và thực hiện giá trị quan hạt nhân của chủ nghĩa xã hội, tăng cường xây dựng đạo đức công dân và văn minh tinh thần, tiếp tục đi sâu cải cách thể chế văn hoá, hoàn thiện chính sách kinh tế văn hoá, tăng cường thực lực và sức cạnh tranh chỉnh thể của văn hoá.

Để làm tốt công tác xây dựng xã hội, việc sáng tạo trong quản lý xã hội hết sức được coi trọng. Báo cáo nhấn mạnh tới việc chú trọng vận dụng phương thức pháp trị, thực hiện đa dạng chủ thể cùng quản lý, kiện toàn chế độ quản lý công khai và dân chủ công tác thôn, công tác khu dân cư, phát huy tốt vai trò của tổ chức xã hội trong dịch vụ công cộng và quản lý xã hội. Vấn đề báo động lúc này ở Trung Quốc đó là sự trỗi dậy của các phần tử mà người ta gọi là khủng bố, đe doạ an ninh xã hội và ổn định chính trị, gây lo lắng trong dân chúng ở nước này. Giải quyết vấn đề này là cả một quá trình tìm hiểu, hoá giải các mâu thuẫn sâu tầng, các mối quan hệ giữa quần chúng và lãnh đạo, giữa các nhóm lợi ích trong xã hội Trung Quốc. Điều đó nằm ở công tác quản lý xã hội, mà hiện nay Trung Quốc mới bắt đầu coi trọng và đưa vào báo cáo tại Đại hội 18 ĐCS. Phương thức quản lý xã hội ở nước này chưa bắt kịp với sự phát triển của đời sống xã hội, những mâu thuẫn, vấn đề mới nảy sinh mà không có biện pháp giải quyết. Chính vì vậy, đẩy mạnh công tác đổi mới phương thức quản lý xã hội cũng như xây dựng và hoàn thiện hệ thống an ninh công cộng là biện pháp tất yếu nhằm củng cố trật tự trị an và cảnh báo bạo động xã hội ở nước này.

Thứ hai, về bảo đảm và cải thiện dân sinh, Báo cáo vẫn tập trung vào một số lĩnh vực chủ yếu của đời sống dân sinh, liên quan mật thiết tới cuộc sống của người dân Trung Quốc. Một là vấn đề việc làm, với nhiệm vụ đặt ra trong năm nay là kiên trì thực hiện chiến lược ưu tiên việc làm và chính sách việc làm tích cực hơn, ưu hoá môi trường sáng nghiệp, lấy sáng tạo để sáng nghiệp, lấy sáng nghiệp để lôi kéo việc làm, đặc biệt là việc làm cho sinh viên tốt nghiệp. Hai là vấn đề thu nhập. Nếu việc làm là cái gốc dân sinh thì thu nhập được coi là nguồn sống của dân sinh. Trong năm nay, Trung Quốc sẽ đi sâu cải cách thể chế phân phối thu nhập, nỗ lực thu hẹp khoảng cách về thu nhập, kiện toàn quyết định lương công nhân viên chức doanh nghiệp và cơ chế tăng lương thông thường, tăng mọi cách thu nhập cho người thu nhập thấp, mở rộng tỉ trọng người thu nhập trung bình. Ba là, vấn đề an sinh xã hội. Trọng tâm công tác là thúc đẩy cải cách chế độ cứu trợ xã hội, tiếp tục nâng cao mức bảo đảm tối thiểu ở thành thị và nông thôn, thực hiện toàn diện chế độ cứu trợ tạm thời, xây dựng thống nhất chế độ bảo hiểm dưỡng lão cơ bản cho người dân thành thị và nông thôn, hoàn thiện chế độ bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm tai nạn lao động, phát triển sự nghiệp tuổi già, phát triển sự nghiệp từ thiện bảo đảm quyền lợi phụ nữ, quan tâm phát triển thanh thiếu niên, công tác dịch vụ và phòng ngừa tàn tật. Bốn là, vấn đề cơ chế bảo đảm nhà ở. Trung Quốc chủ trương kiên trì phân loại chỉ đạo, phân bước thực hiện,  phân cấp phụ trách, tăng cường xây dựng công trình nhà ở xã hội, trong năm nay sẽ xây mới trên 7 triệu căn hộ, kiểm soát nhu cầu nhà ở mang tính đầu tư đầu cơ, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh bền vững. Năm là vấn đề an toàn sản xuất. Đây được coi là vấn đề mới được đề cập trong Báo cáo lần này trong tình hình Trung Quốc phát hiện nhiều vụ làm hàng giả, kém chất lượng, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống và sinh mạng người dân. Báo cáo nhấn mạnh phải nghiêm chỉnh chấp hành quy định pháp luật về an toàn sản xuất, thực hiện toàn diện cơ chế chịu trách nhiệm về an toàn sản xuất, kiên quyết xử lý các sự cố đặc biệt nghiêm trọng về an toàn, tấn công các hoạt động buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, kiên toàn cơ chế giám sánt quản lý an toàn thực phẩm dược phẩm từ Trung ương tới địa phương(29).

Nhìn chung, phương hướng phát triển xã hội trong năm 2014 của Chính phủ Trung Quốc khá toàn diện, bao quát hầu hết các vấn đề vừa liên quan trực tiếp đến đời sống dân sinh, vừa là nội dung quan trọng của kế hoạch phát triển kinh tế xã hội. Giải quyết tốt những vấn đề xã hội đặt ra là nhiệm vụ khó khăn và lâu dài mà Trung Quốc phải đối mặt.

KẾT LUẬN

Năm 2013 vẫn có thể coi là thời gian “êm đềm” của giai đoạn chuyển giao quyền lực ở Trung Quốc. Một năm sau Đại hội 18 ĐCS Trung Quốc, nước này đã đạt được những thành tựu bước đầu trên mọi phương diện, khởi đầu tốt đẹp cho nhiệm kỳ của Chủ tịch Tập Cận Bình. Nhưng khó khăn, thách thức còn nhiều ở phía trước, đời sống dân sinh còn nhiều vấn đề cần phải giải quyết ổn thoả, bởi chính người dân không ai khác vừa có thể là một công dân tốt nhưng mặt khác lại trở thành những phần tử chống đối nhà nước nếu một khi quyền lợi của họ bị xâm hại hoặc không được đáp ứng thoả đáng. Do vậy, ổn thoả lòng dân phải bảo đảm lợi ích thiết thân, trực tiếp và được nhân dân quan tâm nhất, đó chính là nhiệm vụ mục tiêu mà Hội nghị TƯ 3 khoá 18 ĐCS Trung Quốc đặt ra và từng bước thực hiện trong thời gian tới. Để người dân có cuộc sống hài lòng, hạnh phúc chính là nền tảng cho một xã hội ổn định, một nền chính trị vững mạnh mà Trung Quốc luôn hướng tới.

ThS. Nguyễn Mai Phương

Viện Nghiên cứu Trung Quốc





Các tin khác

Kinh tế Trung Quốc năm 2013 và triển vọng năm 2014 (23/05/2014)
Chương trình khoa học của Viện Nghiên cứu Trung Quốc thực hiện (16/12/2011)
 
TIN MỚI NHẤT
ẤN PHẨM - XUẤT BẢN
 
 
TRANG CHỦ
TỪ ĐIỂN
TRA CỨU THƯ VIỆN
SƠ ĐỒ TRANG WEB
LIÊN HỆ
 
 
BẢN QUYỀN THUỘC VIỆN NGHIÊN CỨU TRUNG QUỐC - INSTITUTE OF CHINESE STUDIES
Địa chỉ: Số 176 Thái Hà, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam
Điện thoại: 024.32171020; Email: vnics@vnics.org.vn