TRANG CHỦ
TỪ ĐIỂN
TRA CỨU THƯ VIỆN
SƠ ĐỒ TRANG WEB
LIÊN HỆ
NGÔN NGỮ
 
 
Thu viện ảnh
 Thời tiết Minimize | Maximize
 Hà nội  ° 
 Hải phòng  ° 
 Đà nẵng  ° 
 Hồ chí minh  ° 
Truy cập : 9774468
 
DIỄN ĐÀN TRAO ĐỔI
Trung Quốc và Việt Nam phát huy ưu thế của hệ thống chính trị trong phòng chống COVID-19 (12/05/2020)

       TRUNG QUỐC VÀ VIỆT NAM PHÁT HUY ƯU THẾ CỦA HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ TRONG PHÒNG CHỐNG COVID-19

 Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam - Hùng Ba

 Dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra- COVID-19 là sự kiện y tế công cộng nghiêm trọng bùng phát bất ngờ có tốc độ lây lan nhanh nhất, phạm vi lây nhiễm rộng nhất và công tác phòng chống khó nhất kể từ khi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ra đời cho đến nay. Trước tình hình dịch bùng phát nhanh chóng và bất ngờ, Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc với hạt nhân là đồng chí Tập Cận Bình đã hết sức coi trọng. Tổng Bí thư Tập Cận Bình đích thân chỉ huy, phân công nhiệm vụ, nhấn mạnh phải đặt an toàn tính mạng và sức khỏe của quần chúng nhân dân lên vị trí cao nhất, coi việc phòng chống và kiểm soát dịch bệnh là công tác quan trọng nhất, nêu ra yêu cầu tổng thể là kiên định niềm tin, đồng sức đồng lòng, phòng chống khoa học, triển khai biện pháp chính xác, đã định hướng cho cuộc chiến phòng chống và đẩy lùi dịch bệnh không khói súng này. Dưới sự lãnh đạo kiên quyết của Đảng Cộng sản Trung Quốc, cùng với sự ủng hộ mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế, trong đó có Việt Nam, trải qua nỗ lực gian khổ vượt bậc trong hơn hai tháng, cuộc chiến đẩy lùi dịch bệnh của nhân dân Trung Quốc đã giành được thành quả mang tính giai đoạn quan trọng, thể hiện đầy đủ sự ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc.

Sự lãnh đạo tập trung của Đảng chính là đảm bảo chính trị quan trọng cho Trung Quốc đánh thắng trận chiến dịch bệnh lần này. Dịch bệnh với diễn biến phức tạp, khó lường, là một thách thức lớn đối với hệ thống quản trị và năng lực quản trị đất nước của Trung Quốc. Đối mặt với “cuộc khảo nghiệm” lần này, việc tăng cường sự lãnh đạo tập trung thống nhất của Đảng, phát huy vai trò hạt nhân lãnh đạo chi phối toàn diện của Đảng kết hợp với việc phối hợp cùng các bên, là điều then chốt để Trung Quốc đánh thắng trận chiến này. Từ khi dịch bệnh bùng phát, Tổng Bí thư Tập Cận Bình đã liên tục triệu tập, chủ trì hơn 10 hội nghị quan trọng, trong đó có 8 hội nghị Thường vụ Bộ Chính trị và hội nghị ban chỉ đạo Trung ương, thúc đẩy đồng thời hai công việc phòng chống, đẩy lùi dịch bệnh và đảm bảo phát triển kinh tế xã hội. Tổng Bí thư Tập Cận Bình cũng nhiều lần đến khảo sát tại địa phương, đưa ra các chỉ đạo quan trọng, quyết liệt và kịp thời trong phòng chống và kiểm soát dịch bệnh theo từng thời điểm. Dưới sự chỉ đạo thống nhất của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Đảng ủy và chính quyền các cấp nhanh chóng hưởng ứng, dốc toàn sức lực, khẩn trương chi viện tỉnh Hồ Bắc và thành phố Vũ Hán, đồng thời dồn lực làm tốt công tác phòng chống, tập hợp sức mạnh to lớn của toàn dân, đồng tâm đồng lòng, đưa ưu thế chính trị của việc Đảng tập trung thống nhất lãnh đạo thành sức mạnh lớn trong phòng chống và kiểm soát dịch bệnh.

Ưu thế của chế độ xã hội chủ nghĩa là tập trung lực lượng cùng làm việc lớn, là “vũ khí sắc bén” giúp Trung Quốc đánh thắng cuộc chiến phòng chống và đẩy lùi dịch bệnh này. Phòng chống và kiểm soát dịch bệnh không chỉ là vấn đề về y tế, mà phạm vi ảnh hưởng của dịch bệnh rất rộng, nhiều yếu tố bất ổn, tiềm ẩn nhiều rủi ro trong xã hội, cần quy hoạch ở tầm cao, bố trí sắp xếp thống nhất, hiệp đồng tác chiến mới có thể giành được thắng lợi. Trung Quốc đã phát huy đầy đủ ưu thế chế độ trong việc coi toàn quốc là một bàn cờ, tập trung lực lượng cùng làm việc lớn, xây dựng hệ thống chỉ huy hiệu quả cao cùng với cơ chế phòng chống liên hợp từ trên xuống dưới. Ban chỉ đạo công tác ứng phó dịch bệnh của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã thống nhất điều phối, kịp thời nghiên cứu, phân công nhiệm vụ. Tổ chức đảng và cán bộ đảng viên các cấp đóng vai trò là thành lũy của cuộc chiến, và là chiến sĩ tiên phong, đoàn kết dẫn dắt quần chúng nhân dân kiên quyết thực hiện nhiệm vụ, quyết sách của Trung ương Đảng, áp dụng chiến lược phòng chống khoa học, chính xác, tuân thủ pháp luật, xây dựng tuyến phòng ngự chặt chẽ với sự tham gia tích cực của nhân dân. Dưới sự điều phối, sắp xếp thống nhất của Trung ương Đảng, 42.600 y bác sĩ trên khắp mọi miền đất nước đã đến chi viện Hồ Bắc. Bệnh viện Hỏa Thần Sơn, Lôi Thần Sơn, các bệnh viện dã chiến nhanh chóng mọc lên. Các phương pháp khoa học kỹ thuật hiện đại như Big Data, AI giúp cho các biện pháp phòng chống càng phát huy tác dụng. Nhóm chuyên gia nghiên cứu khoa học đã xác định chuỗi gen virus trong thời gian ngắn nhất và nhanh chóng bắt tay vào nghiên cứu, điều chế vắc xin, sản lượng khẩu trang trên toàn quốc từ 20 triệu chiếc mỗi ngày được tăng lên 100 triệu chiếc mỗi ngày. 19 tỉnh thành trực tiếp hỗ trợ cho Hồ Bắc, ngày đêm cung cấp vật tư y tế và nhu yếu phẩm. Tốc độ, sức mạnh và phạm vi huy động lực lượng rộng khắp của Trung Quốc trong kiểm soát dịch được nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế đánh giá cao.

Phương châm chống dịch “vì nhân dân, dựa vào nhân dân” chính là vũ khí quan trọng giúp Trung Quốc đánh thắng trận chiến phòng chống và đẩy lùi dịch bệnh. Đảng và nhà nước Trung Quốc luôn đặt an toàn tính mạng và sức khỏe quần chúng nhân dân lên hàng đầu. Nhằm thực hiện yêu cầu “hai đảm bảo”, cụ thể là đảm bảo người bệnh không vì vấn đề chi phí mà ảnh hưởng đến việc thăm khám, đảm bảo cơ sở y tế không vì chính sách chi trả mà ảnh hưởng đến việc cứu chữa bệnh nhân. Trung Quốc đã thực hiện chính sách điều trị trước, thanh toán sau đối với tất cả người nghi nhiễm và người được chẩn đoán nhiễm, đồng thời “điều trị miễn phí” cho bệnh nhân Covid-19 dựa trên chính sách bảo hiểm y tế và hỗ trợ tài chính; đảm bảo người nhiễm bệnh cần khám chữa đều được khám chữa, người nghi nhiễm cần xét nghiệm đều được xét nghiệm, người tiếp xúc gần cần cách ly đều được cách ly. Tính đến ngày 30 tháng 3/2020, tổng chi phí điều trị cho bệnh nhân Covid-19 đã vượt qua con số 1 tỷ NDT. Nhằm chặn đứng một cách triệt để con đường lây lan của virus, trong tháng hai, cả nước Trung Quốc gần như đã ấn nút “tạm dừng”, nhưng tất cả mọi công tác vẫn được triển khai tuần tự. 1,4 tỷ dân Trung Quốc tích cực hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng và Nhà nước, tự giác cách ly tại nhà, rất nhiều cán bộ, chiến sĩ công an, cán bộ cấp cơ sở, thậm chí cả những công nhân xây dựng, nhân viên giao hàng, nhân viên vệ sinh, lái xe chở hàng... đều đã trở thành những người đi đầu đáng trân trọng trong tuyến đầu chống dịch, là hậu phương vững chắc cho công tác phòng chống và đẩy lùi dịch bệnh.

Bám sát phương châm cộng đồng chung vận mệnh nhân loại, tăng cường hợp tác quốc tế trong phòng chống dịch bệnh là kinh nghiệm quan trọng trong chiến thắng của Trung Quốc. Muốn chiến thắng dịch bệnh đang đe dọa sự an nguy của nhân dân các nước, đoàn kết hợp tác chính là vũ khí sắc bén nhất. Đối diện với dịch bệnh toàn cầu này, phía Trung Quốc ngay từ ban đầu đã coi trọng triển khai hợp tác quốc tế trong phòng chống và đẩy lùi dịch bệnh. Chủ tịch Tập Cận Bình hết sức coi trọng cuộc chiến đấu với dịch bệnh trên toàn cầu, đã nhiều lần giao lưu, trao đổi với nguyên thủ các nước và người phụ trách các tổ chức quốc tế thông qua hình thức hội đàm, điện đàm, kịp thời chia sẻ kinh nghiệm với cộng đồng quốc tế, cùng bàn thảo kế hoạch toàn cầu phòng chống và đẩy lùi dịch bệnh.

Tại hội nghị thượng đỉnh lãnh đạo các nước G20 ứng phó với dịch Covid-19, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nêu ra 4 đề xuất bao gồm “kiên quyết làm tốt công tác chiến đấu chống lại Covid-19 trên toàn cầu, triển khai cơ chế phòng chống liên hợp quốc tế một cách hiệu quả, tích cực ủng hộ các tổ chức quốc tế phát huy vai trò của mình, tăng cường điều phối chính sách kinh tế vĩ mô trên toàn cầu”, đóng góp trí tuệ của Trung Quốc trong việc ứng phó với dịch bệnh đang lây lan trên toàn cầu, ổn định kinh tế thế giới. Trên tinh thần công khai, minh bạch, trách nhiệm, Trung Quốc đã kịp thời công bố thông tin về dịch bệnh, tích cực phản hồi sự quan tâm từ các bên, ngay lập tức thông báo với WHO về tình hình dịch bệnh, chia sẻ thông tin về chuỗi gen virus.. có thể nói là đã có những nỗ lực tích cực trong việc bảo vệ an ninh y tế công cộng và sức khỏe của nhân dân trên toàn cầu. Phía Trung Quốc luôn ghi nhớ sự ủng hộ quý báu mà cộng đồng quốc tế dành cho Trung Quốc trong thời điểm dịch bệnh tại Trung Quốc bước vào giai đoạn khó khăn nhất. Trên cơ sở tiếp tục làm tốt công tác phòng chống và đẩy lùi dịch bệnh trong nước, với tinh thần chủ nghĩa nhân đạo quốc tế, Trung Quốc đã thực hiện hỗ trợ trong khả năng của mình cho các quốc gia và các tổ chức quốc tế liên quan theo đề nghị của phía bạn.

Theo số liệu thống kê không đầy đủ, Trung Quốc hiện đã viện trợ vật tư chống dịch cho 120 quốc gia và 4 tổ chức quốc tế, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm chống dịch cho hơn 180 quốc gia và hơn 10 tổ chức quốc tế, triển khai hành động chủ nghĩa nhân đạo khẩn cấp với thời gian tập trung nhất, phạm vi rộng nhất kể từ khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ra đời. Trung Quốc đã đẩy mạnh khôi phục sản xuất một cách tuần tự, bảo đảm cho an ninh và sự ổn định của chuỗi cung ứng vật tư y tế và vật tư phòng dịch trên toàn cầu, đồng thời cũng góp phần quan trọng ổn định kinh tế thế giới. Những điều này đã thể hiện trách nhiệm của một nước lớn là Trung Quốc.

Cuộc chiến chống lại dịch bệnh không có biên giới, Trung Quốc và Việt Nam chung tay hợp tác chống dịch bệnh, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế xã hội cũng như sự nghiệp y tế công cộng trong khu vực và trên thế giới. Việt Nam cũng là quốc gia Xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Khi dịch bệnh xảy ra, Đảng và nhà nước Việt Nam có thái độ trách nhiệm cao với nhân dân, phát huy tốt khả năng tổ chức động viên, huy động toàn bộ hệ thống chính trị và toàn dân tích cực tham gia cuộc chiến chống lại dịch bệnh, các biện pháp phòng chống dịch áp dụng có hiệu quả, cung cấp tư liệu tham khảo hữu ích cho các nước đang phát triển với mật độ dân số lớn và đang hội nhập quốc tế cao để đối phó với dịch bệnh, nhận được nhiều khen ngợi từ cộng động quốc tế, thể hiện đầy đủ tính ưu việt của chế độ Xã hội chủ nghĩa của Việt Nam.

 Khi điện đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Phú Trọng vào đầu năm nay, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhấn mạnh, Trung Quốc và Việt Nam là hai nước láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt, có tiền đồ vận mệnh tương quan. Đảng Cộng sản hai nước Trung - Việt vừa là hạt nhân lãnh đạo trong sự nghiệp Xã hội chủ nghĩa của mỗi nước, vừa phát huy vai trò dẫn dắt quan trọng trong quan hệ Trung - Việt. Hai Đảng cần chung tay nỗ lực, nâng tầm sự nghiệp Xã hội chủ nghĩa của hai nước cũng như quan hệ song phương Trung - Việt trong thời đại mới. Hiện tại, cuộc chiến phòng chống dịch của hai nước Trung Quốc và Việt Nam đang bước vào giai đoạn mới, hai bên càng cần tăng cường phối hợp hỗ trợ, chung tay xây dựng tuyến phòng ngự nghiêm ngặt chống dịch bệnh.

Khi dịch bệnh xảy ra, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã có điện đàm, trao đổi tình hình với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Thủ tướng Lý Khắc Cường nhấn mạnh: Trung Quốc sẵn sàng cung cấp giúp đỡ và hỗ trợ cần thiết trong khả năng cho phép của mình để Việt Nam phòng chống dịch; cám ơn Việt Nam đã hỏi thăm và trợ giúp vật tư y tế khi dịch bùng phát. Đồng thời, đề nghị tăng cường hợp tác phòng chống dịch và trao đổi kinh nghiệm, cùng ngăn chặn dịch bệnh lây lan trong khu vực, ổn định chuỗi cung ứng sản xuất, duy trì phát triển kinh tế trong khu vực. Thực hiện tốt nhận thức chung của lãnh đạo hai Đảng hai nước, chung tay đối phó với căn bệnh truyền nhiễm nghiêm trọng này là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của hai nước. Chúng tôi sẵn sàng nỗ lực cùng với Việt Nam, đồng tâm hiệp lực, giúp đỡ lẫn nhau, cố gắng giành thắng lợi cuối cùng trong cuộc chiến chống dịch, đóng góp tích cực nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội và sự nghiệp y tế của thế giới.

 

 




Các tin khác

"Một vành đai một con đường" - Nấc thang mới trong cạnh tranh chiến lược Trung Mỹ (20/05/2016)
Quân sự hóa các đảo - Mưu đồ và hành động của Trung Quốc ở Biển Đông (18/05/2016)
Sự hình thành cục diện địa chính trị mới tại Đông Á và vai trò của nước Nga (18/05/2016)
Cả thế giới bác bỏ cái gọi là "đường lưỡi bò" của Trung Quốc (11/01/2015)
Nhà nước phong kiến Việt Nam đã quản lý quần đảo Hoàng Sa và các vùng biển của Việt Nam ở Biển Đông trong nhiều thế kỷ (28/11/2014)
Xung đột Biển Đông qua nhìn nhận của một số học giả, chính khách Mỹ và phương Tây (27/08/2014)
Nhìn lại sự kiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương – 981 xâm phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam (27/08/2014)
Ghi nhận về quần đảo Hoàng Sa của nhà địa lý học Trung Hoa cuối thế ky XIX trong tác phẩm Việt Nam Địa dư đồ thuyết (15/07/2014)
Quốc tế công nhận Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam từ lâu. (15/07/2014)
Từ sự kiện giàn khoan nhìn lại Trung Quốc và quan hệ Việt - Trung (15/07/2014)
 
TIN MỚI NHẤT
ẤN PHẨM - XUẤT BẢN
 
 
TRANG CHỦ
TỪ ĐIỂN
TRA CỨU THƯ VIỆN
SƠ ĐỒ TRANG WEB
LIÊN HỆ
 
 
BẢN QUYỀN THUỘC VIỆN NGHIÊN CỨU TRUNG QUỐC - INSTITUTE OF CHINESE STUDIES
Địa chỉ: Số 176 Thái Hà, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam
Điện thoại: 024.32171020; Email: vnics@vnics.org.vn