Trong khuôn khổ Chương trình nghiên cứu cấp Bộ số 324/KHXH-HĐKH-CT09-26 “Một số vấn đề nổi bật của Trung Quốc trong 10 năm đầu thế kỷ XXI và triển vọng đến 2020”, Đoàn cán bộ Viện Nghiên cứu Trung Quốc gồm 6 người do PGS.TS Đỗ Tiến Sâm, Viện trưởng, làm Trưởng đoàn đã sang Trung Quốc làm việc, trao đổi khoa học từ ngày 8 đến ngày 14 tháng 12 năm 2009. Đoàn đã làm việc với Viện Nghiên cứu Trung Quốc đương đại, Viện KHXH Trung Quốc, Viện KHXH thành phố Trùng Khánh, Đại học Trùng Khánh, và Viện KHXH thành phố Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Mục đích của chuyến đi là tìm hiểu về những đột phá của Trung Quốc từ năm 2000 tới nay và dự báo sự phát triển của Trung Quốc đến năm 2020, việc thực hiện nhất thể hóa thành thị nông thôn ở Trùng Khánh và thí điểm cải cách hành chính ở Thâm Quyến
Sáng ngày 9 tháng 11 năm 2009, Đoàn cán bộ Viện Nghiên cứu Trung Quốc đã có buổi trao đổi khoa học với các cán bộ Viện Nghiên cứu Trung Quốc đương đại do GS. Viện trưởng Chu Giai Mộc, trưởng đoàn, tiếp xoay quanh chủ đề về những đột phá của Trung Quốc từ năm 2000 đến nay và dự báo đến năm 2020. Theo các nhà nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Trung Quốc đương đại, từ năm 2000 đến nay Trung Quốc đã có bốn đột phá lớn trên lĩnh vực chính trị. Thứ nhất, là xây dựng xã hội pháp trị. Thứ hai, là lý luận mới về con đường chính trị đặc sắc Trung Quốc. Thứ ba, là mở rộng dân chủ trong Đảng, lấy dân chủ trong Đảng để lôi kéo dân chủ trong xã hội. Thứ tư, đưa dân chủ cơ sở vào hệ thống dân chủ xã hội. Dự báo đến năm 2020 đối với cải cách chính trị của Trung Quốc được thể hiện qua các động lực thúc đẩy/hạn chế cải cách chính trị, với hai động lực rõ nét. Thứ nhất là việc thực hiện dân chủ trong Đảng, thông qua đó lôi kéo dân chủ trong xã hội. Nếu như dân chủ trong Đảng bị phá hoại, thì dân chủ trong xã hội cũng sẽ suy giảm. Thứ hai là việc thực hiện dân chủ cơ sở. Từ khi Trung Quốc tiến hành cải cách mở cửa, việc thực hiện dân chủ cơ sở cũng có nhiều bước tiến. Đến Đại hội 17 đã được chính thức đưa vào văn kiện Đảng, trở thành một trong bốn chế độ căn bản của xã hội. Trong bối cảnh hiện nay Đảng Cộng sản và Nhà nước Trung Quốc đang có nhiều nỗ lực nhằm thúc đẩy dân chủ trong Đảng và thực hiện dân chủ cơ sở. Do đó, cải cách chính trị của Trung Quốc sẽ tiếp tục tiến về phía trước.
Các đột phá trên lĩnh vực ngoại giao của Trung Quốc được cho là tập trung ở việc thay đổi chính sách từ ngoại giao song phương sang đa phương và việc đề ra “thế giới hài hòa” trong chủ trương chung về chiến lược ngoại giao của Trung Quốc. Các nhà khoa học của Viện Nghiên cứu Trung Quốc đương đại đã điểm lại các mốc phát triển của chính sách ngoại giao của Trung Quốc, từ đó làm rõ hai điểm đột phá trên.Hai điểm đột phá trên được cho là có tầm quan trọng to lớn trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc, được thể hiện qua nhiều chính sách và chủ trương đề ra gần đây.
Sáng ngày 11/12/2009, đoàn làm việc với Viện KHXH Trùng Khánh do GS Trương Ba, Phó Viện trưởng và các cán bộ của Viện tiếp. Tại buổi làm việc, GS Trương Ba đã giới thiệu về tình hình phát triển của Trùng Khánh trong những năm gần đây và rất chú trọng tới nhu cầu hợp tác giữa Trùng Khánh và Việt Nam. Chiều ngày 11/12/2009, đoàn làm việc với Đại học Trùng Khánh, do GS Trần Đức Vũ, Bí thư Đảng ủy Đại học Trùng Khánh, Viện trưởng Viện nghiên cứu Nhất thể hóa thành thị nông thôn tiếp. Tại buổi làm việc, GS Trần Đức Vũ đã nhấn mạnh tới nhu cầu hợp tác giữa Đại học Trùng Khánh với Viện KHXH Việt Nam. Hai bên sau đó đã trao đổi về chủ trương mới của Trung Quốc về vấn đề nhất thể hóa thành thị và nông thôn.
Trùng Khánh với 20 triệu nông dân trong tổng số 32 triệu dân, được coi là một Trung Quốc thu nhỏ trong vấn đề tam nông. Thành phố Trùng Khánh được chính quyền Trung ương Trung Quốc lựa chọn làm nơi thí điểm cải cách nhất thể hóa nông thôn thành thị. Để phối hợp chặt chẽ giữa thực tiễn và lý luận, Viện Nghiên cứu nhất thể hóa nông thôn thành thị đã được thành lập tại Đại học Trùng Khánh theo yêu cầu của Trung ương.
Tại Trùng Khánh, việc thực hiện nhất thể hóa nông thôn thành thị được thực hiện trên những khía cạnh sau: Thứ nhất, là phối hợp quy hoạch thành thị với nông thôn nhằm khắc phục vấn đề trước đây là nông thôn không có quy hoạch, còn quy hoạch thành phố không tính đến nông thôn. Thứ hai là cải cách chế độ đất đai. Đất xây dựng nông thôn có thể lưu chuyển. Đất khai hoang có thể dành một phần cho công nghiệp hóa, đô thị hóa. Thứ ba, xây dựng khuôn khổ an sinh xã hội cho người dân ở cả nông thôn và thành thị. Thứ tư, đầu tư mở rộng cho nông thôn. Thứ năm là đưa ra các quy định quản lý người lao động từ nông thôn vào đô thị làm thuê. Và thứ sáu là cải cách hành chính theo hướng xây dựng các cơ quan quản lý đa ngành. Về tổng thể, Trùng Khánh đang thay đổi phương thức phát triển, từ phát triển chủ yếu là trên cơ sở chú trọng tăng trưởng kinh tế, song tiêu hao nhiều năng lượng và ảnh hưởng lớn tới môi trường, sang phát triển kinh tế tiêu hao nhiên liệu thấp, ảnh hưởng ít tới môi trường.
Chiều ngày 12/12/2009, Đoàn cán bộ Viện Nghiên cứu Trung Quốc rời Trùng làm việc với Viện KHXH Thâm Quyến, do GS Vương Sĩ Ngụy, Phó Viện trưởng, và các cán bộ của Viện tiếp. Hai bên đã trao đổi về vấn đề cải cách hành chính của Thâm Quyến được tiến hành gần đây. Thâm Quyến được coi là phòng thí nghiệm lớn của Trung Quốc trong cải cách mở cửa. Từ thập niên 1980 đến năm 2003 đều lấy Thâm Quyến làm nơi thử nghiệm cải cách kinh tế, sau đó nhân rộng ra toàn quốc. Cùng với cải cách kinh tế, Trung Quốc đang tiến hành cải cách trên các lĩnh vực khác, trong đó có cải cách hành chính.
Từ tháng 8/2009, Thâm Quyến được lựa chọn làm nơi thí điểm cải cách hành chính, mục tiêu là xây dựng chính phủ phục vụ. Số ban ngành cải cách hành chính được giảm từ 46 xuống còn 31. Việc cải cách hành chính này chủ yếu tập trung vào chuyển biến chức năng. Trong cải cách hành chính, các ban ngành được sắp xếp lại theo 3 bộ phận: quyết sách, chấp hành và giám sát. Việc thực hiện cải cách hành chính lần này, Thâm Quyến cũng đang gặp một số khó khăn. Thứ nhất là việc phân luồng cán bộ vào các cơ quan. Trong khi việc cải cách chủ yếu tập trung vào chuyển biến chức năng, thì số lượng biên chế chưa được tinh giảm. Có cơ quan, số lượng cấp phó lên tới 16 người. Thứ hai, một số ban ngành sau khi sáp nhập do thực hiện thêm chức năng mới nên vận hành còn chưa tốt. Do chỉ mới tiến hành cải cách từ tháng 8/2009, nên Thâm Quyến vẫn trong quá trình theo dõi những vấn đề phát sinh mới để giải quyết.
Qua chuyến công tác ngắn ngày này, Đoàn công tác đã tiếp tục tăng cường sự hợp tác với các cơ quan đối tác ở Trung Quốc và cập nhật được một số thông tin về cải cách của Trung Quốc. Đoàn đã có những trao đổi khoa học thực chất với các cơ quan đối tác theo những nội dung nghiên cứu đã được đề ra trong khuôn khổ Chương trình nghiên cứu cấp Bộ của Viện, góp phần nhận diện rõ hơn về Trung Quốc, đồng thời cũng gợi mở ra nhiều vấn đề nghiên cứu có ý nghĩa thực tiễn đối với Việt Nam.
Ngọc Thạch