Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tiến hành chuyến thăm 8 ngày
(13-19/11/2009) tới bốn nước Đông á: Nhật Bản, Xingapo, Trung Quốc, Hàn Quốc và
dự Hội nghị Thượng đỉnh APEC lần thứ 17 tại Xingapo. Thể là ngay trong năm đầu của
nhiệm kỳ Tổng thống, sau các chuyến thăm Mỹ La-ttinh, châu Phi, châu Âu, Liên Bang
Nga, chuyến thăm Đông á của ông Obama đã hoàn thành bước khởi động chính sách đối
ngoại mới của Mỹ trên phạm vi toàn cầu. Đối với châu á, chuyến thăm này là bản thông
điệp của nước Mỹ chính thức "trở lại châu á" mà Tân Tổng thống Barack
Obama và tân Ngoại trưởng Hallary Clinton đã nhiều lần đề cập từ nhiều tháng nay.
Đối với Trung Quốc, chuyến thăm này là bước khởi động mới của quan hệ Trung - Mỹ.
1. Chuyến thăm
lịch sử:
Trong các chuyến công du hải ngoại từ đầu
năm tới nay, chuyến "tây du" lần này của Tổng thống Obama là quan trọng
nhất và khó khăn nhất. Quan trọng nhất bởi lẽ từ nhiều năm nay Mỹ đã từng bước chuyển
trọng tâm chiến lược sang khu vực châu á - Thái Bình Dương, và khu vực này trở thành
trung tâm kinh tế sôi động nhất, ở đó có hai cường quốc kinh tế đứng thứ hai và
thứ ba thế giới, đang là động lực quan trọng kéo kinh tế thế giới ra khỏi khủng
hoảng. Khó khăn nhất bởi lẽ quan hệ vừa hợp tác vừa cạnh tranh giữa hai bờ Thái
Bình Dương rất phức tạp, sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc đặt nước Mỹ trước những
vấn đề không dễ giải quyết. Sự trỗi dậy và ảnh hưởng của Trung Quốc đã tác động
mạnh mẽ vào toàn bộ khu vực Đông á - Đông Bắc á và Đông Nam á. Do vậy, cuộc thăm của
Tổng thống Mỹ tới Nhật Bản, Xinhgapo, Hàn Quốc, và cả cuộc gặp với nguyên thủ các
quốc gia ASEAN, từ góc độ và mức độ nhất định, đều có liên quan tới quan hệ Mỹ
- Trung. Giới bình luận quốc tế có lý khi cho rằng "điểm nhấn" trong chuyến
thăm Đông á lần này của Tổng thống Obama là Trung Quốc.
Chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Mỹ là
"chuyến thăm lịch sử", không phải nhằm giải quyết những vấn đề cụ thể,
ký kết những hiệp định cụ thể, mà chủ yếu nhằm xác định những nguyên tắc trong quan
hệ Mỹ - Trung. Về điểm này, ông Barack Obama đã thành công, đã tạo được dấu ấn bước
khởi điểm mới của quan hệ Mỹ - Trung, mặc dầu ông đã không đạt được như mong muốn
sự đáp lại của phía Trung Quốc về một số vấn đề trong quan hệ Mỹ - Trung, chủ yếu
là trong lĩnh vực kinh tế - thương mại.
Điểm dừng chân đầu tiên của Tổng thống Obama
trong chuyến thăm Trung Quốc là Thượng Hải, khi ông từ Hội nghị APEC ở Xingapo bay
sang vào chiều 15/11/2009. Ngày hôm sau, 16/11, ông đã có cuộc "đối thoại"
với thanh niên Trung Quốc (tại Viện Bảo tàng khoa học - công nghệ Thượng Hải). Trong
bài nói chuyện trước cuộc đối thoại, Tổng thống Obama đã trình bày một cách thẳng
thắn, nhưng cũng rất tế nhị, quan điểm của ông về quan hệ Mỹ - Trung trong bối cảnh
lịch sử mới.
Điểm lại lịch sử quan hệ Mỹ - Trung, ông Obama
kết luận: "Quan hệ hai nước chúng ta không phải là không có bất đồng hay khó
khăn. Nhưng không có tiền định rằng chúng ta bắt buộc phải trở thành thù nghịch
- nhất là khi chúng ta nhìn lại quá khứ". Tổng thống Mỹ đánh giá cao quan hệ
hợp tác Mỹ - Trung: "nhờ sự hợp tác nên Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ thịnh vượng
hơn, an toàn hơn", và cho rằng sự hợp tác đó phải "trên cơ sở tôn trọng
lẫn nhau", "mỗi quốc gia phải tự tìm ra con đường riêng cho mình".
Nhưng vì "thế giới của chúng ta về cơ bản đang kết nối với nhau…" nên
"quyền lực trong thế kỷ XXI không còn
là cuộc chơi được ăn cả ngã về không nữa; một quốc gia thành công không nhất thiết
là khiến quốc gia khác thua thiệt. Đó là lý do vì sao nước Mỹ đang nhấn mạnh
rằng chúng tôi không tìm cách ngăn cản sự vươn lên của Trung Quốc. Trái lại chúng
tôi đón chào một nước Trung Quốc là thành viên thịnh vượng, thành công, trong cộng
đồng các quốc gia". Cuối cùng Tổng thống Obama bày tỏ tin tưởng tuổi trẻ Trung
Quốc cùng tuổi trẻ Hoa Kỳ "sẽ giúp một tay cho việc quyết định số phận của
thế kỷ XXI".
Văn kiện chính thức chuyến thăm Trung Quốc
lần này của Tổng thống Mỹ Obama là "Tuyên bố chung Trung - Mỹ" (công bố
tại Bắc Kinh ngày 17/11/2009), trong đó có mấy nội dung
đáng chú ý:
Hai bên cho rằng để quan hệ Trung - Mỹ phát
triển lành mạnh ổn định lâu dài, cần duy trì gặp gỡ cấp cao lãnh đạo hai nước, duy
trì cơ chế đối thoại chiến lược và kinh tế, đối thoại về nhân quyền. Hai bên nhấn
mạnh "các nước và nhân dân các nước đều có quyền chọn con đường phát triển
của mình. Các nước cần tôn trọng lẫn nhau sự lựa chọn mô thức phát triển của nước
khác…"
"Hai bên cho rằng đối với nhiều vấn đề
trọng đại liên quan đến ổn định và phát triển toàn cầu, Trung Quốc và Mỹ có cơ sở
hợp tác càng rộng rãi, gánh vác trách nhiệm chung càng quan trọng…". Do vậy,
"xây dựng và tăng cường sự tin cậy chiến lược giữa hai bên là vô cùng quan
trọng đối với việc phát triển quan hệ Trung - Mỹ trong thời kỳ mới…",
"… phía Trung Quốc cam kết Trung Quốc luôn đi con đường phát triển một cách
hoà bình… Phía Mỹ khẳng định lại: nước Mỹ hoan nghênh một Trung Quốc lớn mạnh, phồn
vinh, thành công, phát huy vai trò ngày càng lớn trong các công việc quốc tế…"
"… Hai bên thể hiện quyết tâm cùng nỗ
lực thúc đẩy kinh tế toàn cầu tăng trưởng bền vững và cân đối hơn. Nhằm mục đích
đó, hai bên lưu ý những biện pháp chính sách mạnh mẽ và kịp thời nhằm ngăn chặn
sản xuất toàn cầu suy giảm và ổn định thị trường tài chính…"
Đối với "những thách thức có tính khu
vực và toàn cầu", "hai bên nhận thức được rằng trước sự thay đổi sâu sắc,
phức tạp trong tình hình quốc tế hiện nay, hai nước Trung - Mỹ cùng có trách nhiệm
hợp tác khu vực và toàn cầu. Hai bên nhấn mạnh Trung Quốc và Mỹ có chung lợi ích
rộng rãi tại khu vực châu á - Thái Bình Dương, ủng hộ việc xây dựng và hoàn thiện
một khuôn khổ hợp tác khu vực rộng mở, bao dung, cùng thắng…". "Hai bên
khẳng định lại tầm quan trọng của tiến trình đàm phán 6 bên và thực hiện bản Tuyên
bố chung "19/9" (2005) bao gồm phi hạt nhân hoá bán đảo Triều Tiên, bình
thường hoá quan hệ và xây dựng cơ chế hoà bình vĩnh viễn tại khu vực Đông Bắc á…,
hai bên đồng ý căn cứ vào "Hiệp ước cấm phổ biến vũ khí hạt nhân", Iran
có quyền sử dụng năng lượng nguyên tử vào mục đích hoà bình, đồng thời Iran cũng
phải chấp hành những nghĩa vụ quốc tế tương ứng theo quy định trong Hiệp ước đó…"
Về vấn đề biến đổi khí hậu, năng lượng và
môi trường, hai bên cam kết sẽ thúc đẩy đối thoại và hợp tác trên cơ sở "Bản
ghi nhớ tăng cường hợp tác Trung - Mỹ về biến đổi khí hậu, năng lượng và môi trường"
(được soạn thảo trong đối thoại Trung - Mỹ về chiến lược và kinh tế, tháng
7/2009, và được ký kết trong dịp Tổng thống Obama thăm Trung Quốc lần này). Hai
bên cam kết cùng các nước khác để Hội nghị Quốc tế về biến đổi khí hậu tại Copenhagen
đạt được "Hiệp định có tính pháp luật, đồng thời tin tưởng rằng thoả thuận
sắp tới đạt được sẽ bao gồm mục tiêu giảm chất thải khí cacbon của các nước phát
triển và hành động giảm bớt thích đáng trong các nước đang phát triển…".
2. Bình luận
về kết quả chuyến thăm:
Đã có nhiều bình luận trong giới truyền thông
ở Trung Quốc và quốc tế về chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Obama. Vấn đề chủ yếu được
đề cập là mục tiêu đích thực của chuyến thăm liên quan tới chính sách của chính
quyền mới ở Mỹ đối với Trung Quốc và mức độ đạt được mục tiêu đó trong chuyến thăm;
tác động của chuyến thăm đối với triển vọng quan hệ Trung - Mỹ và tình hình khu
vực, tình hình quốc tế trong thời gian tới.
Đài Bắc Kinh (17/11/09) dẫn lời Chủ tịch Hồ
Cẩm Đào cho rằng trong Hội đàm cấp cao lần này hai bên Trung - Mỹ "đã đi sâu
trao đổi ý kiến và đạt được nhận thức chung rộng rãi về phát triển quan hệ song
phương, các vấn đề quốc tế và khu vực trọng đại cùng quan tâm. Cuộc hội đàm đã diễn
ra trong bầu không khí thẳng thắn, xây dựng và đạt được nhiều thành quả". Hãng
AP (Bắc Kinh, 17/11/09) ví "thế thượng phong" của Trung Quốc và sự lép
vế của Mỹ lần này như một hiện tượng "sao đổi ngôi", và cho rằng
"trở về nước sau chuyến công du châu á mang lại kết quả ít ỏi, ngoài việc đặt
nền tảng cho sự hợp tác tốt hơn, có thể là nỗi "chua cay" đối với Obama
và người Mỹ". Đài BBC (tối 17/11/09) nhận định: "Mỹ không
cần thiết phải tạo mối quan hệ đối đầu với Trung Quốc, mà nên là đối tác thì tốt
hơn nhiều. Nhưng tất nhiên, đối tác ở đây cũng chỉ là những đối tác tìm kiếm
"hợp tác thực dụng", chứ khó có thể là đối tác hữu hảo của nhau".
Trước hết, cần đánh giá chuyến thăm
Trung Quốc của Tổng thống Obama chủ yếu là nhằm khẳng định cơ sở chính trị, chứ
không phải nhằm giải quyết những vấn đề cụ thể trong quan hệ Trung - Mỹ. Với ý nghĩa
đó, chuyến thăm đã thành công, đánh dấu khởi điểm mới của quan hệ Trung - Mỹ, mặc
dầu chưa tạo được đột phá nào cho các vấn đề còn tồn tại trong quan hệ giữa hai
nước.
Thứ hai, trong cuộc tiếp xúc cấp cao
lần này, khác với các cuộc tiếp xúc dưới thời các Tổng thống Mỹ trước kia, phía
Trung Quốc ở thế bình đẳng hơn. Đó là hệ quả tất nhiên của sự thay đổi cán cân so
sánh lực lượng giữa hai cường quốc.
Thứ ba, rõ ràng quan hệ Trung -
Mỹ hiện nay mang tính "hợp tác thực dụng", có lợi cho cả hai bên, và đứng
trước nhiều cơ hội phát triển. Tuy nhiên, quan hệ Trung - Mỹ hiện nay cũng đang
ẩn chứa nhiều mâu thuẫn, cạnh tranh sẽ không tránh khỏi trên tất cả các lĩnh vực
kinh tế, chính trị, quân sự. Có thể nói rằng qua cuộc viếng thăm Trung Quốc lần
này, Tổng thống Obama đã thành công trong việc gửi đi bản thông điệp về "chính
sách ngoại giao thông minh" của ông đối với Trung Quốc và đối với khu vực Đông
á nói chung.
Sự điều chỉnh trong chính sách đối ngoại của
chính quyền Obama là một thực tế, đặc biệt trong chính sách đối với Trung Quốc.
Sự điều chỉnh đó chủ yếu thể hiện trong ba phương diện. Một là Mỹ không lấy "kiềm chế" sự trỗi dậy của Trung Quốc
làm mục tiêu chính sách, hơn thế nữa, Mỹ chủ trương tăng cường hợp tác với Trung
Quốc, coi đó là biện pháp không thể thiếu để giải quyết các vấn đề song phương,
khu vực và toàn cầu. Hai là, Mỹ không
còn coi việc áp đặt những quan niệm giá trị như dân chủ, nhân quyền v.v… là mục
tiêu chính sách trong quan hệ với Trung Quốc, tôn trọng mô thức phát triển mà Trung
Quốc lựa chọn. Ba là, chủ trương thông
qua đối thoại, xây dựng lòng tin, và tăng cường hợp tác, để giải quyết các vấn đề
song phương, cũng như các vấn đề khu vực và quốc tế liên quan đến hai bên.
Sự điều chỉnh chính sách của Tổng thống Obama
đối với Trung Quốc phản ánh xu thế chung trong chính sách đối ngoại của Mỹ trong
bối cảnh quốc tế mới, khi Mỹ vẫn giữ được vị thế siêu cường duy nhất nhưng không
còn đủ sức một mình thao túng trật tự thế giới. Trong khi đó, sự trỗi dậy mạnh mẽ
của Trung Quốc về kinh tế, quân sự, và ngoại giao là một hiện tượng gây tác động
mạnh tới khu vực và quốc tế mà Mỹ không thể "kiềm chế" được. Sự sa lầy
trong các cuộc chiến "chống khủng bố quốc tế" và sự bùng nổ khủng hoảng
tài chính - kinh tế vừa qua đã làm giảm sút sức mạnh trong nước và ảnh hưởng quốc
tế của nước Mỹ. Sự thay đổi cán cân so sánh lực lượng đòi hỏi nước Mỹ phải có sự
điều chỉnh thái độ ứng xử, phương pháp tiếp cận trong quan hệ với các đối tác, nhất
là trong quan hệ với các nước lớn, các tổ chức khu vực quan trọng. Trong Diễn văn
khai mạc đối thoại Mỹ - Trung về chiến lược và kinh tế tiến hành tại Mỹ tháng
7-2009, Tổng thống Obama đã dùng câu chuyện bóng rổ để ẩn dụ chính sách ngoại giao
mới của mình: "Tôi là một Tổng thống mới, cũng là một người mê bóng rổ, từ
Diêu Minh (một cầu thủ bóng rổ người Hoa nổi tiếng thế giới) tôi đã thấy sáng tỏ
một đạo lý, anh ta nói rằng: dù là một cầu thủ mới hay là một cầu thủ lâu năm, bạn
cũng phải dành thời gian điều chỉnh mình, thích ứng với người khác. Thông qua lần
đối thoại này, tôi tin là mình sẽ đạt tiêu chuẩn của Diêu Minh". Ông Obama
đã vận dụng triết lý bóng rổ vào triết lý ngoại giao: mình thay đổi, đối tác thay
đổi, phương pháp tiếp cận, thủ pháp cạnh tranh cũng phải thay đổi thích ứng mới
đạt kết quả. Thực ra chính sách ngoại giao truyền thống của các chính phủ Mỹ đối
với Trung Quốc là vừa kiềm chế vừa hợp tác. Nhưng nhấn mạnh hợp tác hơn hay nhấn
mạnh kiềm chế hơn là vấn đề từng diễn ra tranh luận.
Xuất phát từ lợi ích của nước Mỹ trong bối
cảnh quốc tế và so sánh lực lượng Mỹ - Trung hiện nay, Tổng thống Obama tuyên bố
thẳng thắn "không tìm cách kiềm chế Trung Quốc" cũng là điều dễ hiểu.
Tuy nhiên, nói cho cùng đó là sự thay đổi cách tiếp cận chứ không phải là thay đổi
mục tiêu, tăng cường hợp tác không có nghĩa là từ bỏ cạnh tranh. Trong xu thế toàn
cầu hoá, cuộc cạnh tranh hiện nay không phải là "một mất một còn",
"được ăn cả, ngã về không", nhưng mỗi cường quốc vẫn tìm cách giành vị
thế có lợi hơn, trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, quân sự, ngoại giao. Đảng Dân
chủ ở Mỹ vốn có chính sách cứng rắn trong bảo hộ mậu dịch và những va chạm trong
quan hệ kinh tế Mỹ - Trung sẽ là vấn đề khó tránh khỏi và không loại trừ nguy cơ
bùng nổ chiến tranh thương mại giữa hai nước. Nhân tố ý thức hệ dần phai mờ trong
quan hệ giữa Mỹ với Trung Quốc và các nước khác, sự áp đặt quan niệm giá trị Mỹ
cho các quốc gia dân tộc khác tỏ ra không mấy hiệu quả. Do vậy mà Tổng thống Obama
đã phải trịnh trọng tuyên bố: "Nền dân chủ không thể đưa vào bất cứ quốc gia
nào từ bên ngoài. Mỗi nước cần phải tìm cho mình một con đường riêng, và trên thực
tế cũng chẳng có con đường nào được coi là hoàn thiện"5). Từ sau
ngày lên cầm quyền và trong chuyến thăm Trung Quốc lần này ông Obama không hề đề
cập vấn đề "dân chủ", "nhân quyền" của Trung Quốc. Thế nhưng
ông Obama lại cho rằng những giá trị dân chủ, nhân
quyền ở Mỹ, những lý tưởng mà Lincon, Martin Luther King đề xướng và tôn thờ không
phải là cái nước Mỹ đặc hữu, mà là những "quyền phổ quát" cần được bảo
vệ "trên khắp thế giới". Có thể nói, về lĩnh vực ý thức hệ trong hoạt
động ngoại giao, ông Obama không từ bỏ, mà là thay đổi cách tiếp cận.
Sự điều chỉnh chính sách đối với Trung Quốc
trong hợp tác giải quyết các vấn về khu vực và toàn cầu cũng xuất phát từ tình hình
mới và vị thế mới của hai bên. Tổng thống Obama cùng Ngoại trưởng Hillary Clinton
đang sử dụng chiến thuật "ngoại giao thông minh" để "trở lại châu
á", lấy lại ảnh hưởng của Mỹ đã phần nào để mất mát dưới thời Tổng thống G.W.Bush.
Nhưng sự "trở lại" của Mỹ không nhất định là đẩy lùi ảnh hưởng của Trung
Quốc. Tổng thống Obama đã nhiều lần nhắc lại rằng nhiều vấn đề khu vực và quốc tế
hiện nay sẽ khó có thể giải quyết được nếu không có sự phối hợp giữa hai cường quốc
Mỹ và Trung Quốc. Tuy nhiên, sự phối hợp đó vừa có mặt hợp tác, vừa có mặt cạnh
tranh, và không loại trừ những thoả hiệp có lợi cho cả hai bên nhưng lại bất lợi
đối với các bên thứ ba.
3. Khởi điểm
mới của quan hệ Trung - Mỹ
Nếu quan hệ Mỹ - Trung sẽ "định hình
thế kỷ XXI" như Tổng thống Obama đã nói, thì chuyến thăm Trung Quốc vừa qua
của ông với những thoả thuận đã đạt được giữa hai bên sẽ "định hình quan hệ
Mỹ - Trung" trong những thập niên đầu thế kỷ XXI. Tuy nhiên, thế giới trong
thế kỷ XXI không chỉ có Mỹ và Trung Quốc, cũng như ở Mỹ và Trung Quốc không chỉ
có đường lối đối ngoại của các nhà lãnh đạo hiện nay. Những nhân tố khác sẽ tác
động vào quan hệ Mỹ - Trung và quan hệ Mỹ - Trung sẽ tác động vào quan hệ quốc tế
và khu vực, dẫn đến những hệ quả khó dự báo một cách chính xác. Tuy nhiên, trong
tương lai gần, quan hệ Mỹ - Trung có khả năng sẽ diễn biến theo hướng chủ yếu sau
đây:
1. Quan hệ Mỹ - Trung sẽ chuyển
sang một thời kỳ ổn định tương đối, quan hệ song phương sẽ diễn ra một cách
"tích cực, hợp tác, toàn diện". "Tích cực, hợp tác, toàn diện"
là phương châm do Tổng thống Obama đề xuất, được phía Trung Quốc chấp nhận, và đưa
vào "Tuyên bố chung". Xu thế "tích cực" thể hiện tầm quan trọng
và tính cấp bách của việc tăng cường quan hệ Mỹ - Trung đối với mỗi nước. Hiện Trung
Quốc là nước chủ nợ lớn nhất của Mỹ, với 800 tỷ USD trái phiếu chính phủ, trong
khi Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của
Trung Quốc (năm 2008 Trung Quốc xuất siêu 268 tỷ USD và trong 8 tháng đầu 2009 xuất
siêu 143 tỷ USD). Trong bối cảnh khủng hoảng tài chính và kinh tế toàn cầu hiện
nay, Trung Quốc quan tâm đến từng nhịp thở của nền kinh tế Mỹ, từng khoản chi tiêu
của chính phủ Mỹ, trong khi phía Mỹ quan tâm từng gói kích cầu của chính phủ và
mức tiêu thụ của người dân Trung Quốc trên thị trường nội địa, bởi mỗi động thái
của bên này sẽ tác động ngay vào bên kia, như có người đã ví với hình ảnh
"môi hở răng lạnh" trong quan hệ giữa hai nền kinh tế đã gắn chặt vào
nhau trong bối cảnh toàn cầu hoá. Hợp tác Mỹ - Trung cũng cực kỳ quan trọng và cấp
bách trong việc ứng phó với các hiểm hoạ toàn cầu, nhất là mối đe doạ từ biến đổi
khí hậu. Mỹ và Trung Quốc là hai quốc gia thải khí cacbon gây hiệu ứng nhà kính
lớn nhất và thứ hai thế giới (tổng cộng 40% lượng khí thải của toàn thế giới). Nếu
Mỹ và Trung Quốc tiếp tục từ chối Nghị định thư Kyoto và đùn đẩy nhau như trong
những năm qua, thì khi nước biển dâng lên, hai thành phố Thượng Hải và Los Angeles
sẽ bị ngập chìm cùng một lúc. Đó là lý do gần đây hai bên đã tăng cường hợp tác
về lĩnh vực này. Tháng 7-2009 hai nước ký "Hiệp định Trung - Mỹ hợp tác về
năng lượng sạch" và nhượng bộ đáng kể trong quá trình chuẩn bị "Hội nghị
về vấn đề biến đổi khí hậu" của Liên Hợp Quốc tại Copenhagen trung tuần tháng
12/2009. Cuộc chiến chống khủng bố ở Iraq và Afghanistan đã đặt nước Mỹ lên lưng
hổ và hiện đang sa lầy, rất cần có sự ủng hộ của phía Trung Quốc, cũng như Trung
Quốc cũng đang rất cần sự thông cảm của Mỹ trong việc trấn áp các thế lực ly khai
gây bạo loạn ở Tây Tạng và Tân Cương. Vì những lý do trên, và những vấn đề khác,
hai bên đang rất cần nhau, và quan hệ Mỹ - Trung trong thập niên tới sẽ đi vào thế
ổn định tương đối. hợp tác song phương sẽ được triển khai tích cực và toàn diện
hơn.
2. Những mâu thuẫn và cạnh
tranh về kinh tế - thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ vẫn tồn tại, có những vấn đề
sẽ sâu sắc và gay gắt hơn, quá trình "đối thoại" Trung - Mỹ sẽ diễn ra
khó khăn, phức tạp.
Trong hội đàm cấp cao Mỹ - Trung nhân chuyến
thăm Trung Quốc của Tổng thống Obama vừa qua cũng đã bộc lộ những khó khăn sắp tới
trong quan hệ giữa hai nước. Phía Mỹ đã đề cập vấn đề tỷ giá giữa đồng USD và đồng
NDT, nhắc lại cam kết của phía Trung Quốc trước đây sẽ căn cứ vào tình hình cụ thể
để điều chỉnh tỷ giá hối đoái một cách thích hợp, nhưng không được sự hồi âm của
phía Trung Quốc (tỷ giá 1 USD = 8,3 NDT năm 2005 được điều chỉnh dần đến 1 USD
= 6,8 NDT năm 2008, nhưng một năm nay Trung Quốc vẫn giữ nguyên tỷ giá đó). Trong
khi phía Trung Quốc muốn phía Mỹ cam kết rõ ràng hơn việc từ bỏ " bảo hộ mậu
dịch", nhưng đã không được hồi âm thực sự, ngoài văn tự trong tuyên bố chung.
Trên thực tế thì trong vấn đề "bảo hộ mậu dịch" Trung Quốc và Mỹ
"người tám lạng, kẻ nửa cân", vừa nói vừa làm, vừa cáo buộc lẫn nhau.
Ngay trước chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Obama, hai bên đã đứng bên bờ
"chiến tranh thương mại" khi Mỹ áp thuế 35% cho mặt hàng lốp ô tô, và
mức thuế cao cho mặt hàng thép ống nhập khẩu từ Trung Quốc, Trung Quốc đã đáp lại
tương ứng đối với mặt hàng thịt gà, linh kiện ô tô, và ô tô nguyên chiếc nhập từ
Mỹ. Theo truyền thống, Đảng Dân chủ có xu hướng cứng rắn trong vấn đề "bảo
hộ mậu dịch" nhằm bảo vệ sản xuất trong nước. Sau khủng hoảng tài chính, người
dân Mỹ phải thắt chặt chi tiêu, chính phủ Mỹ phải cân đối ngân sách, lao động Mỹ
cần có việc làm, thị trường Mỹ không thể tràn ngập mãi các mặt hàng "Made in
China" giá rẻ nữa, trong khi việc chuyển hướng tiêu thụ hàng hoá Trung Quốc
từ xuất khẩu sang nội địa là chính phải trải qua một quá trình khó khăn và lâu dài.
Va chạm thương mại Mỹ - Trung trong thời gian tới là không tránh khỏi, "đối
thoại chiến lược và kinh tế" có thể làm cho hai bên tránh được "chiến
tranh thương mại" hay không còn là vấn đề phải chờ xem.
3. Trên lĩnh vực chính trị
- an ninh, vấn đề Đài Loan vẫn là trở ngại lớn trong quan hệ Mỹ - Trung.
Trong tuyên bố chung Mỹ - Trung lần này, vấn
đề Đài Loan được đề cập như sau: "Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của vấn
đề Đài Loan trong quan hệ Trung - Mỹ. Phía Trung Quốc nhấn mạnh, vấn đề Đài Loan
can hệ tới chủ quyền và toàn bộ lãnh thổ của Trung Quốc, hy vọng phía Mỹ tuân thủ
những điều đã cam kết, thông cảm với lập trường của Trung Quốc về vấn đề này. Phía
Mỹ tuyên bố thi hành chính sách "một nước Trung Quốc", tuân thủ những
nguyên tắc trong "ba bản Thông cáo chung Trung - Mỹ". Phía Mỹ hoan nghênh
quan hệ hai bờ eo biển Đài Loan phát triển một cách hoà bình, hy vọng hai bờ tăng
cường đối thoại, thúc đẩy lẫn nhau về kinh tế, chính trị, và các lĩnh vực khác,
xây dựng quan hệ tích cực, ổn định hơn"(6). Có thể nói, qua chuyến
thăm Trung Quốc lần này của Tổng thống Obama, vấn đề Đài Loan trong quan hệ Trung
- Mỹ vẫn dẫm chân tại chỗ. Đài RFA gọi vấn đề Đài Loan vẫn là một "khúc xương"
khó gặm. Dư luận quốc tế đánh giá trong tương quan lực lượng hiện nay, Trung Quốc
hoàn toàn có khả năng đánh bại Đài Loan về quân sự. Do vậy, trong ba năm qua chính
quyền Đài Loan đã ba lần đề nghị phía Mỹ bán vũ khí đợt mới (gồm 66 chiếc F16, cùng
tên lửa Patriot và trực thăng Black Hawk) nhưng cả ba lần chính quyền Mỹ chỉ hứa
mà chưa thực hiện, do ngại ảnh hưởng tới quan hệ Mỹ – Trung(7). Về vấn
đề này, trong thời gian tới Tổng thống Obama phải có quyết định cuối cùng. Từ ngày
ông Mã Anh Cửu của Đảng Quốc dân lên cầm quyền tại Đài Loan tới nay, quan hệ hai
bờ eo biển Đài Loan chuyển sang hướng hoà dịu và đi vào thế ổn định. Nhưng trong
vấn đề Đài Loan, hai bên Trung - Mỹ "đồng sàng" mà "dị mộng".
Đài Loan vẫn là vấn đề quan trọng nhất, nhạy cảm nhất, cũng là vấn đề khó khăn phức
tạp, ẩn chứa nhiều nguy cơ xung đột nhất trong quan hệ Trung - Mỹ.
4. Các điểm nóng khác tại
khu vực Đông á, như vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên, vấn đề tranh chấp trên biển
Hoa Đông và Biển Đông v.v… vẫn là những địa bàn cạnh tranh Trung - Mỹ.
Về vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên, "Tuyên
bố chung Trung - Mỹ" lần này đã khẳng định tầm quan trọng của việc "tiếp
tục thúc đẩy đàm phán 6 bên và thực hiện Tuyên bố chung ngày 19/9/2005...". Không ai nghi
sự thống nhất giữa Mỹ và Trung Quốc về lập trường một bán đảo Triều Tiên không có
vũ khí hạt nhân. Nhưng người ta vẫn nghi ngờ về ý đồ thực sự của Trung Quốc và Mỹ
trong việc giải quyết vấn đề, dẫn tới tiến trình đàm phán 6 bên diễn ra như một
màn kịch "mèo vờn chuột", qua nhiều năm mà vẫn chưa có hồi kết. Vụ đụng
độ trên biển giữa lực lượng hải quân Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên trong tháng
10/2009 vừa qua cho thấy bán đảo Triều Tiên đang ẩn chứa những nguy cơ xung đột
khó lường trước.
Tranh chấp chủ quyền và tài nguyên biển đảo
tại Đông Hải giữa Trung Quốc và Nhật Bản trong những năm tới có khả năng sẽ lắng
dịu. Từ trước tới nay nhân tố Mỹ vẫn có vai trò quan trọng trong quan hệ Trung
- Nhật. Nhưng nước Nhật ngày nay đang có xu hướng "thoát Mỹ nhập á". Mặc
dầu hai bên Mỹ - Nhật khẳng định quan hệ Mỹ - Nhật vẫn là "hòn đá tảng"
trong chính sách đối ngoại của hai nước, nhưng vai trò của Mỹ trong quan hệ Nhật
- Trung chắc chắn sẽ suy giảm, Trung Quốc sẽ tăng cường quan hệ với Nhật Bản. Tại
khu vực Đông Nam á, sự "trở lại" của Mỹ là một thách thức đối với Trung
Quốc trong quá trình tăng cường thế lực phát huy ảnh hưởng xuống vùng này. Việc
Mỹ tham gia Hiệp ước thân thiện và hợp tác với ASEAN, hình ảnh Tổng thống Mỹ Obama
nối vòng tay thân hữu với 10 nhà lãnh đạo ASEAN, trong đó có cả Thủ tướng Myanma
Thein Sein tại Hội nghị các nhà lãnh đạo ASEAN - Mỹ lần đầu tiên (Xingapo,
15/11/2009) đã chứng tỏ Mỹ "trở lại Đông Nam á". Tình hình mới đòi hỏi
các nước ASEAN phải tăng cường sự nhất trí trong chính sách đối ngoại, có cách ứng
xử phù hợp với hai đối tác quan trọng hàng đầu là Mỹ và Trung Quốc trong bối cảnh
mới của quan hệ Mỹ - Trung.
PGS. Nguyễn Huy Quý