Bảo trợ xã hội trong phong trào xây dựng nông thôn mới (Điều tra tại nông thôn tỉnh Giang Tây, Trung Quốc) (17/07/2010)
|
|
|
Chế độ Bảo trợ xã hội ở nông
thôn Trung Quốc được xây dựng vào thập niên 50 thế kỷ XX, trải qua mấy chục năm
phát triển, hoàn thiện, đã từng bước hình thành nên chế độ cứu trợ và phúc lợi XHCN
có đặc sắc Trung Quốc nhằm bảo trợ quyền lợi sinh hoạt cơ bản cho người già, trẻ
nhỏ, trẻ mồ côi, người tàn tật, người không nơi nương tựa ở nông thôn. Từ ngày được
xây dựng và thực hiện đến nay, chế độ này đã giúp cho nhóm người khó khăn nhất,
yếu thế nhất ở nông thôn Trung Quốc hoàn toàn thoát khỏi cảnh ngộ khổ cực không
nơi nương tựa trong xã hội Trung Quốc cũ, có được sự bảo trợ cơ bản trong cuộc sống.
Kể từ khi
xây dựng nông thôn mới đến nay, công tác Bảo trợ xã hội của Trung Quốc bất luận
là trên phương diện sắp xếp nguồn lực bảo trợ hay qui mô và tiêu chuẩn bảo trợ đều
đạt được những bước đột phá mới. Trên phương diện nguồn lực bảo trợ, ban đầu từ
kinh phí được lấy từ “Thôn hoặc xã trù tính chung” thay đổi thành chi trả từ các
khoản phụ thu thuế nông nghiệp. Năm 2005, phần lớn các khu vực trên cả nước đã xoá
bỏ thuế nông nghiệp và các khoản phụ thu, toàn bộ nguồn vốn bảo trợ do tài chính
cấp trên chi trả, được sắp xếp trong ngân sách tài chính các cấp địa phương. Trên
phương diện qui mô và tiêu chuẩn bảo trợ, theo thống kê của Bộ Dân chính, tính đến
cuối năm 2008, số người già trong diện bảo trợ ở nông thôn trên cả nước nhận được
cứu trợ Bảo trợ xã hội là 5,486 triệu người, 5,219 triệu hộ. Trong đó, bảo trợ theo hình thức
tập trung là 1,556 triệu người, tiêu chuẩn bình quân bảo trợ theo hình thức tập
trung ở nông thôn là 2176,1 NDT/ người/năm, mức chi trả bình quân là 2055,7 NDT/
người; bảo trợ theo hình thức phân tán là 3,93 triệu người, tiêu chuẩn bình quân
bảo trợ theo hình thức phân tán ở nông thôn là 1624,4 NDT/ người/năm; mức chi trả
bình quân là 1121 NDT/ người(2). Nhưng, vẫn tồn tại một số vấn đề tương
đối nổi bật, như: đối tượng 5 bảo trợ vẫn chưa được thực hiện một cách toàn diện
“cần bảo trợ, ra sức bảo trợ”, tiêu chuẩn bảo trợ vẫn còn thấp hơn trình độ phát
triển kinh tế địa phương và vấn đề về sự gắn kết giữa chế độ bảo trợ ở nông thôn
với các chế độ cứu trợ xã hội khác ở nông thôn.
Bài viết này
là một nghiên cứu mang tính chất tìm tòi, miêu tả, lấy Bảo trợ xã hội ở nông thôn
tỉnh Giang Tây làm đối tượng quan sát, mục đích là tìm hiểu, làm rõ hiện trạng công tác
Bảo trợ xã hội ở nông thôn sau khi nông thôn đi sâu cải cách kinh tế và cải cách
thuế phí, phân tích tình hình mới và vấn đề mới mà Bảo trợ xã hội đang phải đối
mặt, tìm tòi nghiên cứu trong tình hình mới, làm thế nào để thúc đẩy Bảo trợ xã
hội phát triển ổn định, liên tục, đồng thời giúp nó thống nhất với xu thế nhất thể
hoá cứu trợ xã hội thành thị và nông thôn.
I. Khái quát và số liệu điều
tra về 5 bảo đảm ở nông thôn tỉnh Giang Tây
Tỉnh Giang
Tây nằm ở miền Trung của Trung Quốc đại lục, là một tỉnh có tỉ trọng ngành nông
nghiệp tương đối lớn, mặc dù kể từ khi cải cách mở cửa đến nay, ngành công nghiệp
và nhóm ngành nghề thứ 3 (dịch vụ) đã đạt được bước phát triển nhanh chóng, nhưng
tỉ trọng dân số nông nghiệp và nông thôn vẫn chiếm tương đối cao. Tính đến cuối
năm 2006 dân số toàn tỉnh Giang Tây là
43.391.300 người, trong đó dân
số nông thôn là 26.607.500 người, chiếm 61,32%.
Theo thống
kê dân chính của tỉnh Giang Tây, tổng số người thuộc diện bảo trợ năm 2007 là
225.480 người. Trong đó, người già là 184.258 người, người tàn tật là 33.778 người,
vị thành niên là 20.638 người, bảo trợ theo hình thức tập trung là 182.307 người,
bảo trợ theo hình thức phân tán là 43.173 người. Năm 2007, tổng cộng đã thu xếp
nguồn vốn bảo trợ là 374.697.000 NDT, trong đó nguồn vốn do cấp trên hỗ
trợ trong năm đó là 327.430.000 NDT, ngân sách tài chính địa phương
thu xếp là 47.267.000 NDT. Tiêu chuẩn bảo trợ
bình quân của toàn tỉnh được công bố là: bảo trợ theo hình thức tập trung là
1800 NDT/năm/người, bảo trợ theo hình thức phân tán là 1200NDT/năm/người. Số tiền
bảo trợ phải chi trả thực tế bình quân đầu người của toàn tỉnh năm 2007 là: bảo
trợ theo hình thức tập trung là 1913NDT/người, bảo trợ theo hình thức phân
tán là 1268NDT/người. Toàn tỉnh có 1.692 đơn vị phục vụ bảo trợ, số giường là
189.799 giường, nhân viên công tác là 7.027 người.
Bài viết này
sử dụng nguồn tư liệu “Nghiên cứu vấn đề an sinh xã hội cho nhóm người yếu thế ở
thành phố và nông thôn tỉnh Giang Tây” thuộc “Dự án viện trợ kỹ thuật thực hiện
cải cách mở cửa Trung Quốc” (TCCA) của Ngân hàng Thế giới. Chúng tôi đã tiến hành
phỏng vấn chính quyền các cấp, các bộ ngành có liên quan khác, Viện dưỡng lão (Viện
phúc lợi), Uỷ ban thôn, tiến hành điều tra phỏng vấn các hộ thuộc diện bảo trợ.
Lần điều tra phỏng vấn này lấy bảo trợ ở nông thôn thuộc 11 thành phố tỉnh Giang
Tây làm đối tượng nghiên cứu tổng thể, tổng cộng phát ra 1500 phiếu điều tra, thu
về 1466 phiếu điều tra, sau khi loại trừ các hộ bảo trợ không còn hiệu lực và không
lâu dài, cuối cùng thu được 1006 phiếu điều tra.
II. Tình hình thực hiện chế độ Bảo trợ xã hội ở nông
thôn tỉnh Giang Tây
1. Đối tượng và hình thức 5 bảo đảm
Căn cứ theo
quy dịnh “Điều lệ công tác Bảo trợ xã hội
ở nông thôn” (năm 2006), đối tượng bảo trợ là cư dân nông thôn bao gồm người
già, người tàn tật hoặc vị thành niên chưa đủ 16 tuổi, người không có năng lực lao
động, người vừa không có nguồn sống vừa không có người có nghĩa vụ phụng dưỡng,
chăm sóc nuôi dưỡng theo pháp luật, hoặc người có nghĩa vụ phụng dưỡng, nuôi dưỡng,
chăm sóc theo pháp luật của họ không có năng lực chăm sóc, phụng dưỡng và nuôi dưỡng.
Trong số các đối tượng bảo trợ được điều tra, người già chiếm 88,7%, người tàn tật chiếm 7,4%, vị thành niên chiếm
4%; quần chúng phổ thông chiếm 90,6%, đảng viên chiếm 9,4%; trình độ văn hoá mù
chữ hoặc tiểu học chiếm khoảng 97%, thu nhập bình quân đầu người hàng năm là
658,3 NDT, có 57,5% người được điều tra ở dưới chuẩn nghèo đói (683 NDT)
Bảo trợ xã
hội ở nông thôn Trung Quốc chủ yếu áp dụng 2 phương thức là bảo trợ tập trung và
bảo trợ phân tán. Bảo trợ theo hình thức tập trung là chỉ những đối tượng bảo trợ
trong các viện dưỡng lão ở nông thôn. Còn bảo trợ theo hình thức phân tán là chỉ
tất cả những người già, người tàn tật và vị thành niên có đủ điều kiện được hưởng
bảo trợ, sinh hoạt tại nhà, có người thân chăm sóc hoặc có người khác uỷ thác chăm
sóc v.v… Bảng 1 cho thấy, trong số đối tượng bảo trợ được điều tra, bảo trợ theo
hình thức tập trung chiếm 80,1%, bảo trợ theo hình thức phân tán chiếm 19,9%. Trong
số các hộ bảo trợ theo hình thức phân tán được điều tra ở 11 thành phố của tỉnh
Giang Tây, chúng ta thấy rõ hình thức bảo trợ phân tán của đối tượng Bảo trợ xã
hội chủ yếu có 3 loại:
(1) Thôn cung
cấp thôn nuôi dưỡng, tức là sinh hoạt cơ bản của đối tượng bảo trợ do thôn xã nơi
họ sinh sống bảo trợ một cách thống nhất;
(2) Thôn cung
cấp người thân nuôi dưỡng, tức là thôn xã nơi đối tượng bảo trợ sinh sống hàng năm
cấp một khoản trợ cấp sinh hoạt nhất định, khẩu phần lương thực lại được giải quyết
trong phần ruộng khoán của đối tượng thuộc diện bảo trợ, hoặc do họ tự làm ruộng,
hoặc uỷ thác người thân làm thay, hoặc cho người khác thuê để làm ruộng sau sẽ thu
về một khoản tiền cho thuê nhất định;
(3) Người thân cung cấp, người thân nuôi dưỡng, bao gồm
người thân nuôi dưỡng và lấy ruộng thay cho đảm bảo, vế thứ nhất tức là trong gia
đình đối tượng bảo trợ có chỗ ở hoặc có phòng ở tương đối tốt,
người thân muốn thừa hưởng chủ động yêu cầu nuôi dưỡng đối tượng thuộc diện bảo
trợ; vế sau là chỉ thôn xã nơi đối tượng bảo trợ sinh sống phân chia đều phần ruộng
khoán, cho dù không có năng lực canh tác, tất cả chỉ nằm trong phần ruộng khoán.
Từ tỉ lệ số người trong các phương thức có thể thấy, chủ yếu lấy phương thức người
thân nuôi dưỡng là chính. Lấy khu Lâm Xuyên thành phố Phủ Châu làm ví dụ, tính đến
cuối tháng 6- 2007, trong số 2818 đối tượng phân tán của toàn khu, thôn cấp thôn
nuôi dưỡng chiếm 16,4% tổng số, thôn cấp người thân nuôi dưỡng chiếm 29,4%, người
thân cung cấp người thân nuôi dưỡng chiếm 54,2%.
2. Đãi ngộ và nhu cầu bảo trợ
Theo thống
kê của Sở Dân chính tỉnh Giang Tây, số người được nhận bảo trợ của tỉnh Giang Tây
năm 2007 khoảng 226.000 người, bảo trợ theo hình thức tập trung là 182.000 người,
bảo trợ theo hình thức phân tán là 44.000 người, tỉ lệ bảo trợ tập trung đạt
80,85%, tổng nguồn vốn đầu tư là gần 400 triệu NDT; số tiền bảo trợ chi trả thực
tế bình quân đầu người của toàn tỉnh là: bảo trợ theo hình thức tập trung là
1913NDT/người, bảo trợ theo hình thức phân tán là 1268 NDT/ người.
Thứ tự đãi
ngộ bảo trợ mà đối tượng điều tra được hưởng lần lượt như sau: cung cấp đồ dùng
sinh hoạt như quần áo, chăn đệm và tiền tiêu vặt (74,1%), cung cấp lương thực dầu
ăn, thực phẩm phụ (cá thịt rau quả) và chất đốt dùng cho sinh hoạt (67,9%), cung
cấp chỗ ở có đủ điều kiện sinh sống cơ bản (50,8%), cung cấp khám chữa bệnh/ chăm
sóc cho người không thể tự lo cho cuộc sống (50,8%), giải quyết việc mai táng chôn
cất (34,8%), cung cấp chi phí cần thiết cho giáo dục nghĩa vụ (13,1%), mức đãi ngộ
nuôi dưỡng tính theo NDT tương đương với 91,5 NDT/ 1 tháng (xem Bảng 1). Các số
liệu trên cho thấy, nội dung bảo trợ ở nông thôn hiện nay chủ yếu là chi cho việc
duy trì ăn, ở, mặc sinh hoạt cơ bản của cá nhân.
Trong số các
hộ bảo trợ được phỏng vấn, 3 nội dung đãi ngộ mà họ hy vọng được giúp đỡ đó là “đồ dùng sinh hoạt và
tiền tiêu vặt” (chiếm 79,5%), “những quan tâm chăm sóc khi họ không thể tự lo liệu”
(chiếm 72%) và “chữa bệnh” (chiếm 71,2%), vị trí thứ 4 và thứ 5 lần lượt là “lương
thực, dầu ăn, thực phẩm phụ và chất đốt dùng cho sinh hoạt” (chiếm 52,4%) và “chỗ
ở” (chiếm 41,3%). Điều đáng chú ý đó là, có 35,3% số người được phỏng vấn đã lựa chọn
“an ủi tâm lý”, điều đó cho thấy các đối tượng thuộc diện bảo trợ có nhu
cầu giúp đỡ tâm lý từ những người làm công tác tâm lý và những người có liên quan
khác.
3. Đánh giá của
hộ thuộc diện bảo trợ xã hội đối với công tác bảo trợ của Chính phủ
Đánh giá thực tiễn công tác
bảo trợ ở tỉnh Giang Tây và các tỉnh thành khác trong cả nước hiện nay, bảo trợ
theo hình thức tập trung đã nhận được sự chú ý rộng khắp của các cấp chính quyền
và đang được ra sức thúc đẩy. Trong khi thực hiện phỏng vấn, chúng tôi dựa trên
hình thức phỏng vấn theo bảng hỏi thu thập các đánh giá có liên quan đến hình thức bảo trợ
tập trung của các hộ thuộc diện bảo trợ, còn thông tin về đánh giá hình thức bảo trợ
phân tán lại chủ yếu thông qua hình thức phỏng vấn tự do hoặc bán tự do để thu thập
thông tin.
(1). Đánh giá bảo trợ theo hình
thức tập trung
Đánh giá hình thức bảo
trợ theo hình thức tập trung chủ yếu bao gồm 6 phương diện là tiêu chuẩn bảo trợ,
tình hình ăn ở, tố chất nhân viên công tác, tình hình khám chữa bệnh, quản lý sử
dụng nguồn vốn và sự trợ giúp đầu tư của chính phủ, áp dụng 7 mức độ hài lòng, tức
là “mức độ 1 = rất không hài lòng, mức độ 2 = tương đối không hài lòng, mức độ
3 = không hài lòng, mức độ 4 = không rõ/ bình thường, mức độ 5 = hài lòng, mức độ
6 = tương đối hài lòng, mức độ 7 = rất hài lòng”, bảng 2 là đánh giá mức độ hài lòng của các hộ thuộc diện bảo trợ đối với
công tác bảo trợ theo hình thức tập trung và các phương diện có liên quan. Từ bảng
2 có thể thấy, tổng cộng đánh giá “hài lòng”, “tương
đối hài lòng” và “rất hài lòng” đối với tiêu chuẩn bảo trợ, tình hình ăn ở, tố chất
nhân viên công tác, tình trạng y tế khám chữa bệnh, quản lý sử dụng nguồn vốn
và trợ giúp đầu tư của chính phủ lần lượt là 52,8%, 59,3%, 56,7%, 52,9%, 57,5% và
52,6%. Nếu “không rõ/ bình thường” cũng được coi là đánh giá
tích cực thì xét về tổng thể, có đến gần 70% những người được điều tra có thái độ
khẳng định đối với công tác bảo trợ tập trung.
(2). Đánh giá bảo trợ theo hình thức phân tán
Từ trước tới
nay, bảo trợ theo hình thức tập trung là hình thức chủ thể của bảo trợ ở nông thôn.
Căn cứ theo thống kê của Bộ Dân chính, tháng 2-2008 số người trong diện bảo trợ
ở nông thôn trên cả nước Trung Quốc là 5.290.056 người, trong đó bảo trợ theo hình thức tập
trung là 1.494.222 người, bảo trợ theo hình thức phân tán là 3.795.834 người, tỉ lệ bảo trợ tập trung là 28,25%, tỉ
lệ bảo trợ phân tán là 71,75%. Như trên đã nói, tỉ lệ bảo trợ phân tán cùng kỳ của
cả tỉnh Giang Tây (19,15%) thấp hơn nhiều so với mức trung bình của cả nước. Khi
chúng tôi điều tra 23 huyện thuộc 11 thành phố của tỉnh Giang Tây, tổng cộng đã
phỏng vấn được 116 hộ thuộc diện bảo trợ phân tán.
Những đánh giá của những hộ thuộc
diện bảo trợ được phỏng vấn về hình thức bảo trợ phân tán chủ yếu là so sánh đối
chiếu với hình thức bảo trợ tập trung, hoặc do không muốn xa gia đình, xa quê hương bản quán,
xa đất đai, hoặc do lo lắng sau khi chết bị hoả thiêu sẽ bị mang tiếng tuyệt tử
tuyệt tôn, hoặc do các Viện dưỡng lão tại quê nhà không có đủ điều kiện, hoặc do
không muốn phải chịu ràng buộc bởi sự quản lý của Viện dưỡng lão, trong số các hộ
thuộc diện bảo trợ phân tán được phỏng vấn, có nhiều người muốn lựa chọn hình thức
đang sống như hiện tại. Tiêu biểu như, cách nói của một người
thuộc diện bảo trợ ở thôn Tiên Phong xã Tân Giới Phụ thành phố Nghi Xuân: “Năm nay tôi đã 73 tuổi, sức khoẻ vẫn còn tàm tạm,
tuy tai nghe không rõ, họ nói tôi điếc (ông chỉ tay về phía nhân viên công tác của
huyện đi cùng chúng tôi). Tôi rất hài lòng khi được ở nhà, các anh nói xem có đúng hay không. Nhà tôi cũng đã cũ rồi, nhưng hiện tại vẫn còn
có thể ở được, hơn nữa tôi ở cũng đã quen rồi. Còn nữa, quan tài đã đóng xong rồi, phải chôn xuống đất, chứ không muốn hoả thiêu….
Nhiều người thân cũng không đồng ý, nói tổ tiên cũng sẽ không đồng ý (ý nói việc
hoả thiêu và việc vào Viện dưỡng lão ở - Chú thích của người viết)… ruộng vườn trong
nhà cho người thân cày cấy rồi, mỗi tháng họ cũng cho khoảng 10 cân gạo, các anh
(tức chỉ nhân viên công tác dân chính của huyện xã) còn cho 70 NDT, ngoài ra còn
mảnh đất trồng rau. Cơm ăn đủ no rồi, chỉ có điều hiện tại vẫn chưa có thịt ăn….
Đã vào đó (Viện dưỡng lão) ở vài ngày, ở đó thật phiền hà, ăn cơm phải có giờ, giường đệm phải lấy theo
số, đồ đạc gì cũng phải
sắp xếp ngăn nắp, tắm giặt phải theo định kỳ, đi ra ngoài phải xin phép (Chuyên
viên Dân chính nói chen vào: “Cụ ý à, những ngày nóng nực như thế cụ còn không tắm,
người bốc mùi chua, thế mà còn nói chuyện vệ sinh cá nhân?”. Chúng tôi đều bật cười,
ông già cũng cười như đứa trẻ)…. à, đúng rồi, tôi còn thích sống ở nhà, các anh
xem có đúng không?….. Tôi vẫn thích
sống ở nhà, các anh đừng khuyên tôi nữa”.
IV. Vấn đề tồn tại của công tác bảo trợ ở nông thôn
Trên cơ sở
điều tra hộ bảo trợ, viện dưỡng lão và ban ngành dân chính huyện thị, đồng thời
kế thừa những thành quả nghiên cứu liên quan đến chế độ bảo trợ của các học giả
trong nước, chúng tôi đã khái quát những vấn đề tồn tại phổ biến trong công tác
bảo trợ của tỉnh Giang Tây, đồng thời quy nó thành một số vấn đề như “kinh tế tập
thể nông thôn yếu kém”, “thiếu dự toán đầu tư của chính quyền”…. Một mặt, chúng
tôi muốn thông qua điều tra thực chứng để tìm hiểu mức độ phổ biến và nghiêm trọng
của những vấn đề này, mặt khác cũng muốn thông qua điều tra nhóm vấn đề để phát
hiện vấn đề mới của hộ bảo trợ ở tỉnh Giang Tây.
1. Kinh tế tập thể nông thôn yếu kém
Trước cải
cách thuế nông thôn, kinh phí và vật chất cần cho hộ bảo trợ chủ yếu do thôn trích
ra hoặc trong dự toán do hương trấn trù tính. Sau cải cách thuế phí, kinh phí của
hộ bảo trợ được giải quyết bởi phụ cấp từ hai loại thuế (tức là thuế nông nghiệp
và thuế bổ sung thuế nông nghiệp) và khoản chi mà tài chính cấp trên chuyển cho.
Trên cơ sở đó đã giải quyết vấn đề khó
về vốn đầu tư cho hộ bảo trợ khó khăn ở nông thôn trong thời gian dài, thậm chí
là cơ bản không dựa vào kinh tế tập thể nông thôn, có người còn hình tượng rằng
“hộ bảo trợ được ăn “lương thực của vua”. Nhưng điều tra của chúng tôi phát hiện
ra, có 68,3% hộ bảo trợ được phỏng vấn cho rằng công tác bảo trợ chịu ảnh hưởng
bởi kinh tế tập thể nông thôn yếu kém (Biểu đồ 1). Chúng tôi lựa chọn một số điểm để tiến hành phân
loại chung giữa hình thức bảo trợ và kinh tế tập thể nông thôn yếu kém, như Bảng
3 cho thấy, trong số những hộ bảo trợ tập trung được phỏng vấn có 68,7% cho rằng
vấn đề tồn tại của bảo trợ có liên quan tới kinh tế tập thể nông thôn yếu kém, trong
số những hộ bảo trợ phân tán có 60% cho rằng có liên quan tới kinh tế tập thể nông
thôn.
Xét về hình
thức bảo trợ tập trung, vê cơ bản thôn không trực tiếp lo kinh phí của Viện dưỡng
lão, nhưng vẫn có một khoản kinh phí“động viên đóng góp ở thôn”. Chẳng hạn như một số thị trấn
khi tu sửa Viện dưỡng lão đã yêu cầu mỗi thôn phải cử lao động hoặc cung cấp vật
liệu xây dựng theo quy định (như gỗ, đá, gạch) và đất xây dựng. Về bảo trợ phân tán,
các hình thức như thôn cung câp thôn nuôi
dưỡng, thôn cung câp người dân nuôi dưỡng như trên đã nói có liên quan mật thiết
tới kinh tế tập thể ở nông thôn, hơn nữa một số huyện thị còn quy định khi hộ bảo
trợ sửa nhà thì uỷ ban thôn và tổ nông dân phải chịu trách nhiệm cung cấp gỗ, lao
động, lo liệu, quản lý hàng ngày cho hộ bảo trợ phân tán, vì thế trình độ phát triển
và trình độ quản lý của kinh tế nông thôn, đặc biệt là kinh tế tập thể được nâng
cao tất sẽ có vai trò thúc đẩy và bảo trợ tích cực đối với công tác bảo trợ.
2. Thiếu dự toán đầu tư của chính quyền
Sau khi cải
cách thuế phí nông thôn, ngân sách bảo trợ chủ yếu được trích từ hai loại thuế
(tức là thuế nông nghiệp và thuế bổ sung thuế nông nghiệp) và khoản chi chuyển dịch
của tài chính cấp trên. Cách làm cụ thể thường là: tài chính cấp trên chuyển chi
cho quỹ bảo trợ, ban ngành tài chính các cấp mở “tài khoản quỹ bảo trợ ở nông thôn”
thuộc “tài khoản chuyên về ngân sách an sinh xã hội tài chính”, quỹ thực hiện điều
tiết các công việc, vận hành kín, do huyện thống nhất giao tài khoản tài chính cho
chính quyền huyện (thị trấn) đó, cuối cùng phân bổ hết cho các Viện dưỡng lão và các uỷ ban
thôn, hộ bảo trợ tập trung do Viện dưỡng lão lo liệu, hộ bảo trợ phân tán do uỷ
ban thôn chi trả hoàn toàn. Nhưng, do việc cải cách thuế đối với quỹ bảo trợ chỉ
đưa ra quy định trên nguyên tắc trong phụ cấp trích từ hai loại thuế, không có yêu
cầu tỉ lệ rõ ràng, vì thế cần phải đưa nguồn vốn bảo trợ vào phạm vi bao đam chính
xác.
Theo “ý kiến của chính quyền nhân dân tỉnh Giang Tây
về việc hoàn thiện hê thống cứu trợ xã hội thành thị, nông thôn” (Văn kiện số
13 của chính quyền Giang Tây ban hành năm 2006) và “Thông báo về việc thiết thực làm tốt công tác nâng cao tiêu chuẩn trợ giúp
cho đối tượng bảo trợ ở nông thôn” (Văn kiện số 21 của Dân chính Giang Tây ban
hành năm 2006) quy định, tiêu chuẩn bảo trợ bình quân hàng năm của hộ bảo trợ tập
trung toàn tỉnh là 1800 NDT/người, bảo trợ phân tán là 1200 NDT/người (bao gồm cả
khoản tiền 200 NDT tiền sửa chữa nhà ở mỗi người mỗi năm thuộc hình thức bảo trợ
phân tán), số tiền cần chi cho tiêu chuẩn bảo trợ do tỉnh, huyện chi theo tỉ lệ
9:1. Hai văn bản này còn quy định, ngân sách chi cho cứu trợ khám chữa bệnh nặng
của hộ được bảo trợ dựa vào số người được cứu trợ, bình quân mỗi người mỗi năm nhận
mức 160 NDT, tỉ lệ chi của tỉnh, thành phố, huyện là 5:2,5:2,5, có 21 huyện trọng
điểm xoá đói
giảm nghèo tỉnh huyện chi theo tỉ lệ 7,5:2,5 của tinh. Nhưng, trong điều tra, chúng tôi
đã phát hiện thấy, có 65,8% đối tượng được giúp đỡ cho rằng “chính quyền thiếu dự
toán đầu tư”, dẫn đến kinh phí bảo trợ rất eo hẹp, khó mà hoàn toàn được bảo trợ.
Thông qua điều tra ở một số huyện thị cho thấy, chính quyền cơ sở rất ủng hộ và
quán triệt mạnh mẽ đối với chính sách liên quan của Trung ương và chính quyền địa
phương về bảo trợ, nhưng thực tế chấp hành vân còn nhiều khó khăn. Chẳng hạn như,
kinh tế khu vực phát triển không cân đối, năng lực tài chính của chính quyền địa
phương có hạn, khó mà hoàn toàn đáp ứng yêu cầu “cần bảo trợ phải bảo trợ”, cứu trợ y tế hộ bảo
trợ khó hài hoà với các chế độ cứu trợ khác ở nông thôn. Trong tình hình khả năng
tài chính có hạn, bảo trợ như thế nào việc cung cấp tiền cứu trợ xã hội, trong đó có công tac bảo trợ của chính
quyền địa phương là một công việc rất khó
khăn và phức tạp.
3. Thiếu sự ủng hộ và đầu
tư của xã hội đối với công tac bảo trợ
Hiện nay, chủ thể trợ giúp xã hội ở nông thôn là chính quyên,
chính quyên gần như bao trọn toàn bộ quá trình trợ giúp xã hội, chính quyên không
chỉ là chủ thể chịu trách nhiệm số một về đầu tư và quản lý, mà về cơ bản còn đơn
độc gánh vác trách nhiệm giúp đỡ quần thể khó khăn ở nông thôn, mức độ tham gia
của lực lượng xã hội là rất hạn chế. Chúng tôi điều tra thấy rằng, có 62,4% người
được hỏi cho rằng một trong những vấn đề tồn tại trong bảo trợ ở nông thôn đó là bảo
trợ thiếu sự ủng hộ và đầu tư của xã hội. Khi người điều tra hỏi về việc tổ chức
từ thiện và các đoàn thể xã hội khác ngoài đoàn thanh niên cộng sản, liên hiệp phụ
nữ có giúp đỡ các bạn không”, có 92,8% trả lời “không”, chỉ có 7,2% trả lời “có”.
Như vậy thiếu sự tham gia của tổ chức xã đối với công tac cứu trợ xã hội nông thôn
là đặc trưng nổi bật của công tác bảo trợ ở Giang Tây, thậm chí là của cả nước.
4. Hiện tượng quỹ bảo trợ bị lạm dụng, giữ lại chưa
được ngăn chặn
Mấy năm gần
đây, chính quyền các cấp ra sức tăng cường và hoàn thiện chế độ quản lý tài chính
của tổ chức dịch vụ bảo trợ. Về quỹ bảo trợ, ban ngành tài chính các cấp đã cho
mở “tài khoản quỹ bảo trợ ở nông thôn” thuộc “tài khoản chuyên về ngân sách an sinh
xã hội”, lập tài khoản cá nhân bảo trợ, điều phối các công việc của quỹ, vận hành
kín, không chỉ đã nâng cao hiệu quả sử dụng của quỹ, mà còn giảm mạnh tỉ lệ phát
sinh tham ô, lạm dụng, giữ lại hoặc tư túi nguồn quỹ. Nhưng trong quá trình sử dụng
thực tế quỹ bảo trợ, các địa phương vẫn có thông tin về việc sử dụng bất hợp pháp
quỹ bảo trợ, chính quyền các cấp và các giới trong xã hội cũng rất quan tâm tới
vấn đề sử dụng quỹ, mà bản thân các hộ bảo trợ còn quan tâm hơn. Điều tra cho thấy,
có 58,7% hộ bảo trợ được phỏng vấn cho rằng một trong những vấn đề tồn tại của bảo
trợ hiện nay là “quỹ bảo trợ bị tham ô, lạm dụng, giữ lại hoặc tư túi”.
5. Tổ chức dịch vụ 5 bảo đảm phân bố không đều, việc
quản lý chưa được bảo đảm
Theo số liệu
thống kê của Sở Dân chính tỉnh Giang Tây, tháng 1-2008, toàn tỉnh có tổng cộng
1692 tổ chức dịch vụ bảo trợ, số giường nằm là 189.799 giường, số người thuộc hình
thức bảo trợ tập trung là 182.307 người, bình quân mỗi tổ chức có khoảng 107 người,
bình quân mỗi người một giường. Về tổng thể đã giải quyết vấn đề thiếu sót của tổ
chức dịch vụ bảo trợ ở nông thôn, thị trấn trước đây. Nhưng theo điều tra, vẫn có
52,7% số người được hỏi cho rằng dịch vụ bảo trợ hiện nay phân bố không đều. Do
nhân tố vốn, đất dùng và số lượng tuyệt đối hộ bảo trợ, ở một số thành phố hoặc
huyện, hai, ba thôn hoặc nhiều hơn cùng xây dựng một Viện dưỡng lão, nhưng một số
hộ bảo trợ thích được dưỡng lão ở thôn mình, không muốn rời thôn hoặc hương (làng)
của mình, không muốn sang Viện dưỡng lão của địa phương khác, là hiện tượng khá
phổ biến của bảo trợ nông thôn ở Giang Tây.
Về việc quản
lý tổ chức dịch vụ bảo trợ, các huyện thị dựa vào yêu cầu của “Quy tắc xây dựng
và quản lý dịch vụ viện dưỡng lão nông thôn tỉnh Giang Tây” của Sở Dân chính tỉnh
Giang Tây, đã lập ra một loạt các cơ chế, phương pháp, biện pháp quản lý và phục
vụ Viện dưỡng lão nông thôn. Chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn đối với một số Viện
dưỡng lão, thấy rằng, những trách nhiêm và cơ chế quy định này đều được treo đầy
đủ trong phòng hội nghị, phòng ăn và cửa chính của Viện dưỡng lão, trong viện rất
sạch sẽ gọn gàng, ngăn nắp trật tự, nhưng có một số Viện dưỡng lão lại quản lý quá
nghiêm ngặt, vân chưa căn cư vao thực tế nhận thức và tư tưởng của công tac bảo
trợ, điều này đã gây ra tư tưởng chống đối công tac bảo trợ.
6. Tiêu chuẩn 5 bảo đảm thấp, mức bảo đảm tương đối
giảm
Từ sau tháng
7-2006, tỉnh Giang Tây đã nâng cao tiêu chuẩn bảo trợ trên toàn tỉnh. Chúng tôi
hiểu rằng, từ tháng 7-2006 đến tháng 4 -2007, tiêu chuẩn bảo trợ mới đã thực sự
nâng cao mức sống của hộ bảo trợ, nhưng chỉ hạn chế ở vấn đề ăn cơm. Theo giới thiệu
của nhân viên làm việc trong Viện dưỡng lão, điều quan tâm nhất của người già chính
là thịt, không có thịt họ sẽ tưởng bạn cắt
bớt khẩu phần ăn của họ. Năm 2007, vật giá tăng nhất là giá thịt lợn, từ 7,8 NDT
hồi đầu năm tăng lên 14 NDT (thời điểm chúng tôi thực hiện cuộc phỏng vấn ngày
16-8-2006), khiến cho các Viện dưỡng lão vốn không có khả năng chống rủi ro lại
hoàn toàn dựa vào phụ cấp tài chính của cấp trên càng gặp khó khăn hơn. Điều tra
cho thấy, một số đối tượng được bảo trợ mỗi tháng được hưởng mức trợ cấp khoảng
0- 60 NDT, trên (56,2%) đươc hương mưc trơ
câp trong khoảng 61-120 NDT, hương mưc trơ câp trên 120 NDT chỉ có 18,9%, đa số
mỗi ngày chỉ được nhận 2-3 NDT sinh hoạt phí. Những khoản chi này chỉ có thể duy
trì sinh hoạt cơ bản của hộ bảo trợ, trong tình hình vật giá liên tục tăng, thì
cuộc sống của họ càng khó duy trì. Trong phòng ăn của một số Viện dưỡng lão được
tổ điều tra phỏng vấn, cơm thì đầy đủ, nhưng rau thiếu cơ bản, chỉ có một bát canh, như canh bí
đao, bí ngô; thịt thì một tháng chỉ được ăn một lần, mà chỉ là thịt bèo nhèo.
V. Kết luận
Bảo trợ xã hội ở nông thôn
là một bộ phận quan trọng của hệ thống an sinh xã hội nông thôn đặc sắc Trung Quốc,
nó đã tạo sự bảo đảm đời sống cơ bản cho nhóm những người không có khả năng kinh
tế, không có nguồn sống như già yếu, cô quả, tàn tật ở nông thôn, đồng thời cũng
cung cấp phúc lợi xã hội bao gồm giáo dục, y tế, dưỡng lão. Nghiên cứu trên đây
cho thấy, sau khi nông thôn đi sâu cải cách kinh tế và cải cách thuế, cùng với việc
quán triệt thực hiện các chính sách, biện pháp về xây dựng nông thôn mới, hợp tác
y tế loại mới, 5 bảo đảm ở nông thôn đã phần nào bảo đảm hiệu quả cho quyền lợi
và nhu cầu cơ bản về sinh hoạt, giáo dục, dưỡng lão và y tế của đối tượng được bảo
trợ. Những hộ được bảo trợ nhìn chung hài lòng về đãi ngộ và hình thức bảo đảm,
như ăn, ở, y tế khám chữa bệnh, tư cách và quản lý nhân viên làm việc cùng với việc
đầu tư của chính quyền, nhưng họ cũng có nhu cầu về nhiều mặt như được an ủi về
mặt tinh thần, sự quan tâm của gia đình. Hơn nữa, bảo trợ nuôi dưỡng ở nông thôn
trong tình hình mới còn tồn tại một số vấn đề cần nỗ lực khắc phục hoặc giải quyết,
như các vấn đề về đầu tư ngân sách của chính phủ tương đối thiếu, kinh tế tập thể
nông thôn yếu kém và thiếu sự ủng hộ của xã hội cũng như tiêu chuẩn đãi ngộ chưa
phù hợp với trình độ phát triển kinh tế khu vực.
Như vậy, việc xây dựng kiện
toàn cơ chế cứu trợ xã hội thống nhất giữa thành phố với nông thôn, bảo đảm cho
người dân nông thôn được hưởng thành quả phát triển kinh tế xã hội một cách công
bằng, đồng thời dựa vào điều kiện cho phép của phát triển kinh tế tiếp tục cung
cấp dịch vụ cứu trợ bình đẳng cho các đối tượng cần sự giúp đỡ là cần thiết. Điều
này vừa là chức năng quan trọng và trách nhiệm luật pháp của chính phủ hiện nay,
đồng thời cũng là đặc trưng bản chất của cứu trợ xã hội hiện đại.
PGS.TS. Ngô Quân Dân
Học viện Quản lý Công cộng, tài chính và thuế
Đại học
Tài chính Giang Tây
|
|
|
|