TRANG CHỦ
TỪ ĐIỂN
TRA CỨU THƯ VIỆN
SƠ ĐỒ TRANG WEB
LIÊN HỆ
NGÔN NGỮ
 
 
Thu viện ảnh
 Thời tiết Minimize | Maximize
 Hà nội  ° 
 Hải phòng  ° 
 Đà nẵng  ° 
 Hồ chí minh  ° 
Truy cập : 9830705
 
THƯỜNG THỨC TQ HỌC
Đổi mới mô hình đào tạo đại học và xây dựng các trường đại học đẳng cấp quốc tế ở Trung Quốc (19/07/2010)

  

 Trước tác động mạnh mẽ của nhiều nhân tố mang tính khu vực và toàn cầu, gần đây phát triển kinh tế bền vững đãđang trở thành mục tiêu được nhiều quốc gia theo đuổi, trong đó có Việt Nam. Thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, Nhà nước ta chủ trương coi trọng hơn, quan tâm đầu tư nhiều hơn cho giáo dục đào tạo. Nhiều trường đại học lớn (như đại  học Kinh tế, đại học Quốc gia Hà Nội và một số trường khác) đã đưa ra mục tiêu trong 10-12 năm tới sẽ trở thành một trong những trường đại học hàng đầu Việt Nam và có đưa tên vào danh sách các trường đại học có uy tín trong khu vực và thế giới. Tìm hiểu kinh nghiệm của Trung Quốc từ đổi mới chính sách giáo dục và mô hình đào tạo đại học đến xây dựng các trường đại học đẳng cấp quốc tế là mục tiêu của bài viết.



I. Đổi mới chính sách giáo dục và mô hình đào tạo đại học ở Trung Quốc

Sự phát triển nhanh của kinh tế Trung Quốc từ năm 1978, đặc biệt là giai đoạn từ đầu những năm 1990 - khi Trung Quốc chủ trương phát triển kinh tế thị trường - đến nay đã và đang đặt ra nhiều yêu cầu cải cách, đổi mới chính sách giáo dục ở nước có dân số lớn nhất thế giới này. Gần đây, khi mà vấn đề chất lượng tăng trưởng được Trung Quốc đề cao thì giáo dục càng được coi trọng.

Các chính sách giáo dục trước kia đều phục vụ vận hành mô hình đào tạo đại học cũ. Mô hình này có mấy đặc trưng như: 1/ Trong một thời gian dài cơ cấu môn học không thay đổi. 2/ Các môn học nặng về đào tạo lý thuyết, thiếu thực tiễn. 3/ Hạn chế khả năng sáng tạo của cả thày và trò. 4/ Cán bộ giảng viên trong nhiều trường đại học hầu chư chỉ có giảng dạy mà không tham gia nghiên cứu, người học lại càng ít có cơ hội tham gia nghiên cứu sâu, đặc biệt là nghiên cứu các vấn đề mới đang đặt ra trong đời sống kinh tế xã hội. 5/ Kinh phí cho đào tạo hầu như chỉ chờ vào nhà nước. 6/ Thiếu mối quan hệ hợp tác liên kết giữa các trường đại học với nhau cũng như mối liên kết giữa các trường đại học với các doanh nghiệp. Trước những dòi hỏi cấp thiết của thực tiễn, mô hình này ngày càng bộc lộ nhiều bất cập.

Cho đến nay, hệ thống giáo dục ở Trung Quốc gồm có 2 phần và 4 cấp. Hai phần là giáo dục phổ cập và giáo dục nghề nghiệp. Bốn cấp là: 1/ Giáo dục mầm non. 2/ Giáo dục tiểu học. 3/ Giáo dục trung học 4/ Giáo dục đại học và sau đại học. Trẻ em từ 3 đến 6 tuổi theo học giáo dục mầm non. Trẻ từ 6 đến 12 tuổi theo học giáo dục tiểu học. Giáo dục trung học dành cho lứa tuổi 12-18 chia thành 2 cấp: cấp sơ trung 3 năm, và cao trung 3 năm tiếp theo. Giáo dục đại học có 3 loại: đại học ngắn hạn, đại học chính quy và sau đại học. Học viên sau đại học đều gọi là nghiên cứu sinh, trong đó có nghiên cứu sinh thạc sỹ và nghiên cứu sinh tiến sỹ. Học hết trung học, nếu không vào được đại học thì học viên có thể theo học chương trình trung học chuyên nghiệp và kỹ thuật, thực chất là học nghề trước khi đi làm một nghề nào đó. Như vậy, giáo dục đại học là bộ phận quan trọng trong hệ thống giáo dục vì sản phẩm của bộ phận này là phần tinh hoa nhất, được tranh bị nhiều kiến mới thức mới nhất, rất có ý nghĩa đối với phát triển đất nước.

Sự phát triển kinh tế nhanh ở Trung Quốc trong 30 năm cải cách mở cửa đã đặt ra những yêu cầu mới cho ngành giáo dục đại học: sử dụng tốt hơn, có hiệu quả hơn cơ sở vật chất, khai thác các nguồn lực đầu tư cho đào tạo, đồng thời sản phẩm đào tạo phải là các cán bộ có trình độ văn hoá, khoa học kỹ thuật cao, biết sáng tạo và dám nghĩ dám làm. Tất cả các biện pháp cải cách mà các trường đã và đang thực hiện đều trực tiếp và gián tiếp phục vụ mục đích đào tạo được nhiều nhân tài đáp ứng các nhu cầu cấp thiết của xã hội. Đổi mới chính sách giáo dục và mô hình đào tạo đại học ở Trung Quốc trong 30 năm qua được thấy ở những khía cạnh chính sau đây:

1. Chấn chỉnh, sắp xếp lại hoạt động ở các trường đại học

Từ đầu những năm 1990, Trung Quốc chính thức theo đuổi mục tiêu phát triển kinh tế thị trường, điều này đặt ra yêu cầu phải thay đổi, cải cách trong các trường đại học ở nước này. Vào thời gian đó, hầu như tất cả các trường đại học và cao đẳng ở Trung Quốc đều được chấn chỉnh, lập lại kế hoạch, sắp xếp các hoạt động phù hợp với nhu cầu của kinh tế thị trường và phát triển khoa học kỹ thuật, với những nội dung chính như sau:

1/ Bỏ các khóa học, môn học không cần thiết, ít sinh viên theo học. Nhiều trường đã đổi mới chương trình giảng dạy, thay đổi cơ cấu các môn học, bỏ các môn học trùng lặp, ít học sinh theo học, đưa thêm vào các môn mới đáp ứng các yêu cầu cấp thiết của xã hội.

2/ Biên soạn sách giáo khoa mới, đưa thêm vào chương trình đào tạo các môn học như: tài chính, quản lý, luật và tin học nhằm đáp ứng các yêu cầu cấp thiết  của công cuộc hiện đại hóa đất nước. Trong cải cách và xây dựng các môn học mới, các trường luôn hướng vào mục tiêu phục vụ việc xây dựng và phát triển kinh tế đất nước. Trong những năm cuối thập niên 1990, cơ cấu kinh tế nông thôn Trung Quốc thay đổi rất mạnh mẽ, các trường đại học nông nghiệp đều củng cố, làm giàu thêm các nội dung giảng dạy để đáp ứng các yêu cầu cao hơn về khoa học kỹ thuật nông nghiệp hiện đại.

Trên cơ sở của 2 yêu cầu như trên, năm 1993, Uỷ ban giáo dục nhà nước Trung Quốc đã công bố “Danh sách các khoa chuyên môn cho các trường đại học và cao đẳng hệ chính quy”. Số chuyên khoa lúc đầu là 813, sau đó giảm còn 504. Kể từ cuối năm 1994, Uỷ ban giáo dục nhà nước Trung Quốc tiếp tục thực hiện “Kế hoạch cải cách nội dung giảng dạy cho thế kỷ XXI” gồm 60 - 70 đề án. Uỷ ban cũng lập kế hoạch biên soạn 300- 400 bộ sách giáo khoa mới và xây dựng  đội ngũ chuyên gia trong nhiều lĩnh vực cùng giải quyết các khó khăn trong quá trình cải cách.

3/ Kết hợp việc giảng dạy với nghiên cứu, gắn kết giữa khoa học với kỹ thuật, chăm lo bồi dưỡng và đào tạo cán bộ cho các ngành khoa học mới, các ngành mũi nhọn.

4/ Thuê chuyên gia giỏi người  nước ngoài vì mục đích đào tạo của trường. Ngày càng nhiều các trường đại học ở Trung Quốc thuê chuyên gia, giảng viên nước ngoài vào làm việc phục vụ mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo của trường. Việc các giáo viên nước ngoài giảng dạy ở các trường đại học, cao đẳng ở Trung Quốc rất phổ biến kể từ đầu những năm 2000. Cho đến nay, trong số các trường tuyển nhiều giảng viên nước ngoài và trả thù lao cao cho họ phải kể đến là: đại học Hồng Kông, đại học Macao, đại học giao thông Thượng Hải, đại học Thẩm Quyến, đại học Bắc Kinh, đại học Triết Giang, đại học Hạ Môn... Có trường trả lương cho giáo viên nước ngoài lên đến vài ngàn USD/ tháng.

2. Đẩy mạnh hợp tác giữa các trường đại học với các doanh nghiệp và hợp tác giữa các trường đại học với nhau - một hướng đi phù hợp với thực tiễn  Trung Quốc

Đất nước Trung Quốc rộng lớn, mỗi địa phương, mỗi tỉnh có điều kiện riêng, do vậy áp dụng theo một khuôn mẫu chung là rất khó. Một khía cạnh đáng quan tâm trong giáo dục đại học là cải cách diễn ra theo hướng thay đổi chức năng của Chính phủ từ đảm bảo mọi thứ cho trường học sang kiểm soát và điều phối vĩ mô. Theo hướng này, các trường đại học và cao đẳng ở Trung Quốc không còn dựa hoàn toàn vào việc phân bổ tài chính cũng như mọi quyết định của Chính phủ nữa mà họ phải tự tìm kiếm các phương thức hoạt động và phát triển mới dựa theo các điều kiện của riêng mình. Do vậy, việc liên kết, hợp tác cùng hỗ trợ lẫn nhau giữa các trường đại học cũng như giữa các trường đại học với các tổ chức khác là một phương thức mới, có hiệu quả trong cải cách hệ thống các trường đại học. Trên thực tế ở Trung Quốc đã diễn ra các hình thức hợp tác sau đây:

2.1. Hợp tác giữa các trường đại học với các cấp chính quyền trung ương và địa phương để tăng nguồn tài chính xây dựng trường lớp và bổ sung đội ngũ cán bộ chính quyền.

Để mở rộng các kênh phục vụ, chính quyền các cấp ở cả trung ươngđịa phương Trung Quốc cùng tham gia xây dựng và đóng góp cho hoạt động của các trường đại học. Năm 1997, Trung Quốc có 327 cơ sở đào tạo sau đại học đặt đưới sự chỉ đạo của các bộ thuộc Chính phủ. Trước đó, hoạt động của các cơ sở này chỉ thông qua một kênh, thiếu điều kiện để phát triển. Cuối những năm 1990, có vài chục trong số các cơ sở trên đã đổi mới trong đó kết hợp quản lý, kết hợp đóng góp các nguồn lực của cả chính quyền trung ươngđịa phương. Nhờ đó hoạt động đào tạo gắn liền với nhu cầu của địa phương hơn, nguồn tài chính cũng phong phú hơn. Hiệu quả đào tạo tăng lên, nhiều cơ sở khác cũng làm theo. Điển hình trong thời kỳ này là trường hợp trường Đại học Hàng không và Vũ trụ Bắc Kinh. Trường đã thành lập phòng thí nghiệm cho một số trường đại học, cao đẳng, các viện nghiên cứu và xí nghiệp của Bắc Kinh. Trường còn mở một số khoá học đào tạo cán bộ mà Bắc Kinh đang thiếu. Bắc Kinh cũng trợ giúp một số hoạt động cải tạo và xây dựng mới trường này, giúp trường tuyển dụng cán bộ có năng lực để giải quyết các vấn đề khoa học cho một số xí nghiệp địa phương.

2.2. Hợp tác giữa các trường đại học với các doanh nghiệp và các tổ chức xã hội để cùng sử dụng các lợi thế chung, gắn học với hành, gắn lý luận với thực tiễn.

Trong những năm 1990, Đại học Bách khoa Tứ Xuyên đã từng thiết lập quan hệ hợp tác với 160 xí nghiệp lớn và vừa. Từ những năm cuối thập kỷ 1980, trường này đã ký cam kết hợp tác với hơn 60 cơ quan ở nhiều địa phương. Nhờ đó đã thu được kết quả cao trong đào tạo cán bộ, trong tư vấn và giải quyết các vấn đề kỳ thuật và phát triển sản phẩm mới. Ban lãnh đạo của trường chịu trách nhiệm lập các kế hoạch tổng thể về cải cách, xây dựng và phát triển của trường, đồng thời đưa ra các mục tiêu, nhiệm vụ và đề xuất các biện pháp thực hiện. Tham gia trong ban lãnh đạo trường có cả lãnh đạo của một vài xí nghiệp và tổ chức xã hội.

Đại học Thanh Hoa đã có sự cộng tác với nhiều công ty đa quốc gia (MNC) trong hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D). Hợp tác giữa đại học Thanh Hoa và các MNC được đẩy mạnh trong giai đoạn từ sau năm 1993, sau khi Trung Quốc công bố “Luật khoa học và công nghệ của Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa”. Luật này khuyến khích đẩy mạnh các hoạt động hợp tác R&D giữa các viện nghiên cứu, các trường đại học Trung Quốc với đối tác nước ngoài. Hưởng ứng luật mới này, đại học Thanh Hoa đã đưa ra kế hoạch 27 năm với 3 giai đoạn hợp tác (1993-2020). Hai giai đoạn đầu mục tiêu đưa ra là đến năm 2011 được công nhận là trường đại học đẳng cấp quốc tế. Từ năm 1996 đại học Thanh Hoa đã có 155 dự án cộng tác về R&D với các công ty đa quốc gia, số vốn cam kết đạt 803 ngàn USD, trong đó số vốn thực tế đã nhận đuợc là 387.000 USD. Đến năm 2003, các số liệu tương ứng về số dự án, số vốn cam kết và vốn thực tế nhận được là 180; 1814.000 USD và 985.000 USD. Lĩnh vực hợp tác giữa đại học Thanh Hoa với các MNC nước ngoài cũng được mở rộng hơn, từ chỗ chỉ tập trung ở một số khoa như cơ khí, xây dựng... đã mở rộng ra các khoa khác như: Cơ khí điện tử, khoa học máy tính, hạt nhân và năng lượng mới, cơ nhiệt và cơ khí chế tạo. Tổng số vốn mà đại học Thanh Hoa cam kết cùng với các MNC trong R&D trong 4 năm 2000-2003 đã lên đến 29.3 triệu USD.

2.3. Hợp tác giữa các trường đại học với nhau để phối hợp cùng sử dụng các nguồn lực như cán bộ giảng dạy, lớp học, thư viện... cũng như nâng cao chất lượng dạy và học.

Hệ thống cũ trong đó các trường đại học biệt lập nhau về hoạt động, trong cơ cấu khép kín dẫn đến tình trạng một số trường thừa thầy, có vốn nhưng diện tích nhỏ không biết đầu vào đâu còn một số trường không đủ thầy lại thiếu kinh phí giảng dạy và nghiên cứu. Điều này dẫn đến chất lượng, hiệu quả đào tạo thấp.

Khắc phục tình trạng trên, nhiều trường đại học, cao đẳng ở Trung Quốc đã liên kết, hợp tác với nhau để cùng sử dụng các thế mạnh của nhau và tăng hiệu quả đào tạo. Có thời gian, 6 trường đại học ở Quảng Châu đã hợp tác, cùng điều phối chung các cán bộ giảng dạy, sử dụng chung các thư viện, phòng thí nghiệm và phối hợp cùng giải quyết các nhiệm vụ đào tạo. Với một số môn, sinh viên theo học có thể chọn danh mục nhiều hơn các khoá học ở 6 trường. Tương tự, ở Bắc kinh, 5 trường là: trường May mặc, trường Tài chính, trường Ngoại thương, trường Công nghiệp hoá học, trường Y học dân tộc cũng có cơ chế hợp tác chặt chẽ. Xu hướng này đã khuyến khích các lực lượng xã hội cùng tham gia xây dựng và quản lý trường học, cùng tìm ra các kênh huy động tài chính để tăng hiệu quả đào tạo.

3. Đào tạo các nhà khoa học đầu ngành

Những năm 1990 là thời kỳ quan trọng trong xây dựng và phát triển kinh tế Trung Quốc. Cho nên Trung Quốc cần có nhiều các nhà khoa học trẻ tuổi, có năng lực, có tri thức mới để nắm các cương vị chủ chốt. Các trường đại học và cao đẳng đều đặc biệt coi trọng điều này, họ đã cân nhắc, bổ nhiệm nhiều cán bộ trẻ vào những chức vụ xứng đáng.

Đồng thời, để khuyến khích các giáo viên trẻ thực sự trở thành lực lượng trụ cột trong các ngành khoa học, tất cả các trường đều cải tiến các hình thức kiểm tra, đánh giá và tạo ra nhiều cơ hội cho lớp trẻ được thử thách, rèn luyện họ thông qua các khoá học giảng dạy mở rộng, nâng cao trong các trường nổi tiếng hoặc tại các viện nghiên cứu ở nước ngoài.

Nhiều trường đại học được sự đồng ý và hỗ trợ của Chính phủ đã thành lập nhiều quỹ làm phần thưởng cho các học giả trẻ tuổi. Đó là “Quỹ thưởng cho các tài năng của thế kỷ XXI”, “Quỹ tài năng xuyên thế kỷ”, “Trợ cấp cho các nghiên cứu sinh” hay “Phần thưởng cho các nhà khoa học trẻ”. Bên cạnh đó, các trường đại học đều có chính sách ưu tiên trong phân phối nhà ở để động viên các tài năng trẻ.

Tất cả những cải cách, đổi mới chính sách giáo dục và mô hình đào tạo đại học trên đây là cơ sở quan trọng để Trung Quốc thực hiện mục tiêu xây dựng các trường đại học của họ thành những trường đại học đẳng cấp quốc tế.

II. Xây dựng các trường đại học đẳng cấp quốc tế.

1. Những nỗ lực ban đầu

Đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực cho sản xuất và phát triển, trong 30 năm qua, số trường đại học, cao đẳng của Trung Quốc tăng rất nhanh. Năm 1978, cả nước Trung Quốc chỉ có 1,2 triệu sinh viên đại học. Đến cuối năm 1995, Trung Quốc có hơn 1000 trường đại học và cao đẳng. Đến cuối năm 2004, cả nước Trung Quốc có 2236 trường đại học và cao đẳng (so với con số gần 400 trường của Việt Nam) với hơn 20 triệu sinh viên theo học. Số sinh viên tốt nghiệp từ các trường đại học đạt hơn 6 triệu năm 2008.  

Quá trình xây dựng các trường đại học đẳng cấp quốc tế ở Trung Quốc  được khởi động từ đầu những năm 1990 và được đẩy nhanh từ đầu những năm 2000. Năm 1991, Trung Quốc lập “dự án 211”, với mục tiêu đưa 100 trường đại học vào danh sách các trường tiên tiến nhất của thế giới. ít nhất Trung Quốc có một số trường đạt đẳng cấp quốc tế vào trước năm 2020.

Việc thực hiện dự án bắt đầu từ tháng 2-1993. Có 10 trường đại học được cung cấp tài chính bổ sung từ Dự án trọng điểm Quốc gia (tức Dự án 211) là: Đại học Bắc Kinh, Đại học Thanh Hoa, Đại học Phúc Đán, Đại học Giao thông Thượng Hải, Đại học Giao thông, Đại học Bách khoa Trung Quốc, Đại học Y khoa Bắc Kinh, Đại học Nhân dân, Đại học Sư phạm Bắc Kinh, Đại học Nông nghiệp Trung Quốc. Đại học Bắc Kinh và Đại học Thanh Hoa được xem là hai trường hàng đầu trong số các trường trọng điểm. Hai trường này nhận được khoản ngân sách lớn trị giá hơn 200 triệu USD, thực hiện trong 3 năm, để thực hiện các mục tiêu trở thành trường đại học đăng cấp quốc tế .


Bảng 1: Nguồn vốn đầu tư vào các cơ sở đào tạo đại học công lập, 2001, %

Chính quyền trung ương

Chính quyền tỉnh

Từ vốn của trường

Đóng góp tự nguyện của các cá nhân

Nguồn trường tự khai thác

Các nguồn khác

11

6

41

3

22

17

Nguồn: Yuan Fujie, Expansion and Evolution through marketization Chinese Higher Education since 1998. National Institute for Multimedia education and Graduate university for Advanced studies


Ngoài nguồn tài chính do nhà nước cung cấp, Trung Quốc khuyến khích chính quyền địa phương tạo điều kiện hỗ trợ tài chính để các trường đại học thực hiện được mục tiêu quốc gia. Năm 1995, Chính quyền Thượng Hải đã đóng góp cho các trường Đại học Giao thông Thượng Hải và Đại học Phúc Đán mỗi trường  tương đương 15 triệu USD để cải thiện điều kiện giảng dạy và nghiên cứu. Bên cạnh đó, Chính phủ Trung Quốc đã thực hiện các nỗ lực tái cấu trúc các trường đại học và coi đó như một biện pháp nâng cao hiệu quả của các trường  phục vụ cho việc xây dựng những trường đại học đẳng cấp quốc tế. Từ năm 1992, đã có hơn 200 trường đại học chuyên ngành được sáp nhập lại thành các trường đại học tổng hợp và đa ngành.

Một nỗ lực đáng chú ý của Trung Quốc là việc tiến hành xếp hạng quốc gia và quốc tế cho các trường đại học nhằm xác định khoảng cách giữa các trường đại học Trung Quốc và các trường đại học đẳng cấp quốc tế. Tìm ra những nhân tố tạo nên đẳng cấp quốc tế cho một trường đại học. Viện Nghiên cứu Giáo dục Đại học của Đại học Giao thông Thượng Hải đã tiến hành thu thập dữ liệu của 500 trường đại học trên toàn thế giới theo những tiêu chí xác định, có thể xác minh được, và tiến hành xếp hạng. Thông thường, một số tiêu chí được tính đến là: số bài nghiên cứu của cán bộ trong trường đăng trên tạp chí danh tiếng thế giới; số lượng các khoa, số sinh viên theo học, số khoa quốc tế; số sinh viên quốc tế theo học tại trường....

2. Thu hút nhiều sinh viên nước ngoài theo học ở các trường đại học Trung Quốc

Có một số thuận lợi để Trung Quốc thu hút nhiều sinh viên nước ngoài theo học ở các trường đại học của nước này, đó là:           

Thứ nhất, Trung Quốc có một số lượng lớn cán bộ, giảng viên các trường đại học  đã từng được đào tạo ở nước ngoài. Theo công bố, trong 25 năm (1978-2003), Trung Quốc có khoảng 680.000 sinh viên đi học ở nước ngoài, và khoảng 1/3 số sinh viên đi du học trở về nước mỗi năm. Nhiều người trong số này đã trở thành cán bộ giảng dạy, hơn thế còn là cán bộ chủ chốt trong các trường đại học Trung Quốc. Số này có ảnh hưởng trực tiếp và rất tích cực đến giáo dục đại học ở Trung Quốc. Đã có một thống kê đưa ra là khoảng một nửa số hiệu trưởng và hiệu phó các trường đại học ở Trung Quốc đã từng đi nghiên cứu hoặc học tập ở nước ngoài. Những người này không những làm tăng ảnh hưởng của giáo dục phương Tây ở Trung Quốc mà còn tạo ra nhiều mối quan hệ làm thuận lợi hơn các hoạt động giao lưu hợp tác trong giảng dạy và thu hút sinh viên nước ngoài đến các trường đại học của Trung Quốc học tập.

Thứ hai, nhu cầu buôn bán, kinh doanh làm ăn giữa Trung Quốc với nước ngoài ngày càng lớn, cho nên số người đến Trung Quốc học kiến thức và học tiếng Trung Quốc ngày càng nhiều. Điều này được thấy ở hai khía cạnh sau đây. Một là,, số công ty nước ngoài đến Trung Quốc đầu tư ngày một lớn khiến cho nhu cầu sinh viên nước ngoài đến Trung Quốc học nhiều hơn. Người nước ngoài đến học đại học ở Trung Quốc sau đó làm việc ngay cho chính các công ty nước họ đang kinh doanh ở Trung Quốc. Hai là, chủ trương mở cửa, tăng cường các hoạt động buôn bán ở các khu biên giới giữa Trung Quốc với các nước láng giềng mở rộng khiến nhiều doanh nhân nước ngoài - và con em của họ - muốn đến Trung Quốc học tiếng Hán vì họ hiểu rằng muốn làm ăn lâu dài với Trung Quốc thì không thể không biết tiếng Trung Quốc.


Theo tính toán, số sinh viên ngoại quốc theo học ở Trung Quốc tăng từ hơn 43 ngàn năm 1998 lên hơn 52 ngàn năm 2000 và đạt khoảng 120 ngàn năm 2007. Những nước có nhiều sinh viên học ở Trung Quốc là: Hàn Quốc, Nhật bản, Mỹ, Việt Nam, Indonêsia. Năm 2003, trong tổng số 77.715 sinh viên nước ngoài theo học ở Trung Quốc  thì có đến 35.353 sinh viên Hàn Quốc (chiếm 45,5%); có 12.765 sinh viên Nhật bản (16,4%); có 3.693 sinh viên Mỹ; 3487 sinh viên Việt Nam và 2.563 sinh viên đến từ Inđonêsia.

Trung Quốc đã có nhiều chương trình tăng cường trao đổi sinh viên quốc tế, điển hình là hợp tác trao đổi sinh viên giữa Trung Quốc và Mỹ. Trước năm 1978, hầu như chưa có sinh viên Trung Quốc sang học ở Mỹ. Nhưng từ năm học 1988-1989, lần đầu tiên số sinh viên Trung Quốc vượt số sinh viên Đài Loan sang học ở Mỹ. Năm 1998-1999, điều này lại diễn ra với trường hợp Nhật Bản. Theo số liệu thống kê chính thức, năm 1994-1995, mới chỉ có 39.403 sinh viên Trung Quốc sang học ở Mỹ. Đến năm 2003-2004, con số đã tăng lên đến 64.757. Trong khi đó, cùng thời gian này, số sinh viên Mỹ đến Trung Quốc học tập tăng từ 1257 lên 3911 sinh viên (5.) Hiện có khoảng 450 trường đại học ở Trung Quốc tiếp nhận sinh viên nước ngoài theo học. Phần lớn tập trung ở một số trường ở Bắc Kinh và Thượng Hải(6). Đó là các trường: Đại học Văn hoá và Ngôn ngữ Bắc Kinh, Đại học  Phúc Đán, Đại học  Bắc Kinh, Đại học  Thanh Hoa, Đại học Giao thông Thượng Hải, Đại học  Bắc Kinh. Tính đến năm 2003, Đại học Văn hoá và Ngôn ngữ Bắc Kinh tiếp nhận 7109 sinh viên và học giả nước ngoài. Con số của trường Đại học Phúc Đán là 3085; của trường Đại học Bắc Kinh là 2682, của Đại học  Thanh Hoa là 2502.

3. Cải cách khuôn mẫu đào tạo sinh viên và quản lý giảng dạy

Để trở thành một trường đại họcđẳng cấp quốc tế, phải có uy tín và uy tín không chỉ về giảng dạy lý thuyết, mà phải có thực tế để nâng cao chất lượng sinh viên tốt nghiệp. Nhiều trường đại học nhấn mạnh đến gắn lý thuyết với thực tiễn. Một số trường đại học lớn đang từng bước thực hiện loại hình giảng dạy tư vấn (advisory teaching), ở đó chuyên gia tư vấn thuyết trình những chỉ dẫn khoa học cho sinh viên, còn sinh viên tiếp thu và học cách truyền cảm hứng. Giảng viên chuẩn bị bài giảng dưới hình thức thảo luận và gợi mở vấn đề cho người học suy nghĩ, từ đó khơi dậy sáng kiến và lòng nhiệt tình của sinh viên.

Đáng chú ý là có một số biện pháp đưa ra nhằm cải thiện chất lượng sinh viên tốt nghiệp. Đó là việc trợ cấp cho những nghiên cứu sinh xuất sắc xuất bản luận án tiến sỹ có chất lượng và cải thiện các tiêu chuẩn về hệ thống thông tin và đánh giá chất lượng để đảm bảo độ tin cậy trong đánh giá tốt nghiệp để cấp bằng cho các cấp như tiến sỹ, thạc sỹ và đại học. Trung Quốc đưa ra các chuyên ngành mới, mở các khóa học mới, với cách thức giảng dạy mới là các phần cấu thành của cách thức quản lý giảng dạy hiện nay. Thêm vào đó, Bộ Giáo dục Trung Quốc cũng đã đưa ra một số yếu tố khác để nâng cao chất lượng giảng dạy như: đổi mới cập nhật sách giáo khoa cũng như tư liệu giảng dạy các khóa học, đa dạng hoá cách giảng dạy, sử dụng các cách giảng dạy hiện đại trên cơ sở tiếp xúc với sinh viên, gợi mở cho họ đưa ra những ý tưởng mới kết hợp với tư vấn giảng dạy trong đó giảng viên, sinh viên và các nhà quản lý kỳ cựu cùng chịu trách nhiệm và tham gia nâng cao chất lượng sinh viên tốt nghiệp.

Sau đây là một ví dụ về các khóa học mới ở Trung Quốc. Đầu năm 2005, tại Trường Cao đẳng Phát triển và Nhân văn (COHD), Đại học Nông nghiệp Trung Quốc (CAU) ở Bắc Kinh đã tổ chức một khoá học sau đại học đầu tiên về “Quản lý tài nguyên thiên nhiên cộng đồng”. Sau nhiều tháng chuẩn bị, một nhóm các giảng viên, các nhà nghiên cứu và sinh viên trường Cao đẳng Phát triển và Nhân văn bắt đầu khoá học. Bên cạnh đó, một nhóm gồm 24 thạc sỹ và nghiên cứu sinh tham gia vào khoá học này. Có 10 giảng viên và nghiên cứu viên có chuyên môn về khoa học tự nhiên và xã hội từ nhiều cơ quan nghiên cứu và đào tạo cũng tham gia vào khoá học mới mẻ, tiên phong này. Ngôn ngữ sử dụng là cả tiếng mẹ đẻ và tiếng Anh. Khoá học sử dụng nhiều công cụ nghiên cứu và giảng dạy, trong đó có phân tích trường hợp (case study), có so sánh, có một nhóm viết đề xuất, nhóm chuyên phản biện, nhóm viết báo cáo nghiên cứu thực nghiệm có hình ảnh minh hoạ, trong đó nhiều sinh viên trực tiếp tiếp xúc thực tế, có phỏng vấn cá nhân và phỏng vấn cả nhóm, có vẽ sơ đồ nơi có tài nguyên, cho các thành viên trong nhóm quan sát, thảo luận nhóm, chụp ảnh và làm băng video, sau đó đánh giá kết quả.

Dựa trên kết quả của khoá học ở trường Cao đẳng Phát triển và Nhân văn, năm 2006, một khoá học tương tự cũng được mở trường Đại học Cát Lâm, Trường Xuân. Sau đó nhiều trường đại học ở Trung Quốc cũng nhân rộng và phổ biến mô hình này ra toàn quốc. Thậm chí mô hình này sau đó còn được biến đổi, cải biến cho thích ứng với tình hình, điều kiện và những yêu cầu, đòi hỏi tại nhiều nơi khác ở Trung Quốc.

4. Đánh giá xếp hạng các trường, đẩy nhanh quá trình xây dựng các trường đại học đẳng cấp quốc tế

Từ nửa cuối những năm 1990, việc xếp hạng các trường đại học đã trở thành phổ biến ở Trung Quốc. Kết quả xếp hạng được coi là một nguồn thông tin quan trọng có sức hấp dẫn đối với sinh viên trong nước và phụ huynh cũng như đối với sinh viên quốc tế đang tìm đến học tập ở một trường đại học của Trung Quốc. Các trường đều muốn đứng ở hạng cao để tạo ra uy tín, thu hút được nhiều hơn sinh viên theo học, do vậy, các cán bộ trong mỗi trường, từ giáo viên đến lãnh đạo đều cỗ gắng hết sức để nâng hạng của trường mình năm sau cao hơn năm trước. Đây cũng là một cuộc ganh đua làm nâng cao chất lượng đào tạo của mỗi trường.

Năm 1998 tại lễ kỷ niệm 100 năm thành lập Đại học Bắc Kinh, Chủ tịch nước Trung Quốc tuyên bố Trung Quốc cần có những trường đẳng cấp quốc tế, ngay sau đó Dự án 985 ra đời nhằm thực hiện chủ trương này. Dự án 985 cung cấp cho Đại học Bắc Kinh và Đại học Thanh Hoa, hai trường trọng điểm hàng đầu của Trung Quốc một ngân sách trọn gói trong ba năm là 1,8 tỷ nhân dân tệ (234 triệu USD) cho mỗi trường như một khoản tài trợ đặc biệt nhằm xây dựng đại học đẳng cấp quốc tế.

Năm 2005, Trung Quốc thành lập Dự án 111. Dự án 111 là dự án do Bộ Giáo dục và Bộ Ngoại giao Trung Quốc cùng tài trợ, dự án kéo dài trong 5 năm, bắt đầu từ năm 2006 với khoản kinh phí bỏ ra lúc đầu là 600 triệu nhân dân tệ, dành cho 100 trường đại học của Trung Quốc thu hút 1000 giảng viên nước ngoài vào giảng dạy ở Trung Quốc ở 100 lãnh vực nghiên cứu trong vòng vài tuần đến tối đa 6 tháng

Trong 5 năm (2000-2005), số lượng các công trình khoa học công bố của các trường đại học Trung Quốc đã tăng gấp đôi. Riêng năm 2003 Đại học Thanh Hoa có khoảng 2700, bài báo khoa học liệt kê trong danh sách SCI (các công trình khoa học nổi tiếng). Nhiều trường đại học nghiên cứu hàng đầu của Trung Quốc đã coi trọng chất lượng của các công trình khoa học công bố bằng cách khen thưởng các bài báo có tỷ lệ trích dẫn cao hoặc đăng tải trên các tạp chí chuyên môn danh tiếng.

Mặt khác, đến năm 2005, ở nhiều trường đại học lớn, số giảng viên có bằng tiến sỹ đã lên đến trên dưới 50%, một số trường đưa ra mục tiêu vào năm 2010 sẽ đưa tỷ lệ này lên 75%. ở Đại học Bắc Kinh có khoảng 40% cán bộ giảng dạy được đào tạo ở nước ngoài mà chủ yếu là đào tạo ở Hoa Kỳ.

Năm 2004, theo xếp hạng của THES - QS World University Rankings Quacquarelli Symonds, xếp hạng dựa theo 6 tiêu chí, với những tương ứng như sau:

1.         Điểm về bài đăng trên tạp chí danh tiếng: 40%.

2.         Điểm về số khoa, số vinh viên theo học: 20%

3.         Điểm về sự nổi tiếng của các khoa: 20%

4.         Điểm về cách tuyển dụng cán bộ, sinh viên : 10%

5.         Điểm về số khoa quốc tế: 5%

6.         Điểm về số sinh viên quốc tế: 5%

Theo đó, Trung Quốc có 3 trường lọt vào danh sách 50 trường đại học uy tín nhất thế giới về khoa học tự nhiên, đó là :

1. Đại học Bắc Kinh xếp thứ 15, với 67,5 điểm/ 100 điểm

2. Đại học Thanh Hoa xếp thứ 34 với 48 điểm / 100

3. Đại học khoa học và kỹ thuật Trung Quốc xếp thứ 40 với 44,6 điểm.

Tuy nhiên, năm 2009, cũng theo xếp hạng của Times Higher Education-QS World University Rankings thì Đại học Thanh Hoa lại đứng thứ 49 trong số 200 trường.  Năm 2005, trong bảng xếp hạng của Đại học Giao thông Thượng Hải (SJTU) Trung Quốc chưa có trường nào có tên trong danh sách 100 trường đại học hàng đầu thế giới. Nhưng có 8 trường đại học Trung Quốc có tên trong danh sách 500 trường hàng đầu thế giới với thứ bậc từ 151 đến 200. Năm 2008, cũng với các tiêu chí xếp hạng tương tự của Đại học Giao thông Thượng Hải, chưa có một đại học nào của Trung Quốc có tên trong 100 trường đại học hàng đầu thế giới. Nhưng ở thứ hạng thấp hơn 100, có 5 trường có tên trong danh sách là: Đại học Bắc Kinh, Đại học Thanh Hoa,  Đại học Nam Kinh, Đại học Giao thông Thượng Hải và Đại học Chiết Giang.

Các viện quốc tế, hay các tạp chí nổi tiếng thế giới thường căn cứ vào một số tiêu chí để xếp hạng các trường đại học nổi tiếng thế giới như: số sinh viên theo học, số các sản phẩm, công trình khoa học được quốc tế công bố rộng rãi, số sinh viên quốc tế theo học, số khoa/ chuyên ngành học mang tính quốc tế mức chi tiêu cho hoạt động của thư viện... tất cả các nhân tố này tạo ra uy tín quốc tế của một trường đại học. Theo xếp hạng của Tạp chí “The Times Higher” số ra 5.11.2004 thì trong danh sách 200 trường đại học đứng đầu thế giới,  Trung Quốc (không kể các trường của Hồng Kông) có 5 trường là:

1.         Đại học  Bắc Kinh, đứng thứ 17. Trong đó xét theo tiêu chí điểm của tạp chí FEER thì đạt 322/1000 điểm (Đại học  Harvard đứng số 1, đạt 643 điểm). Xét theo tiêu chí điểm về các khoa quốc tế thì đạt 9/100. Xét theo tiêu chí điểm sinh viên quốc tế đạt 11/100. Điểm tổng cộng đạt 391,8/1000.

2.         Đại học  Thanh Hoa, đứng thứ 62. Trong đó xét theo tiêu chí điểm của tạp chí FEER thì đạt 140/ 1000 điểm. Xét theo tiêu chí điểm về các khoa quốc tế thì đạt 9/100. Xét theo tiêu chí điểm sinh viên quốc tế đạt 7/100. Điểm tổng cộng đạt 188,9/1000.

3.         Đại học  Khoa học kỹ thuật Trung Quốc đứng thứ 154. Trong đó xét theo tiêu chí điểm của tạp chí FEER đạt 85/ 1000 điểm. Xét theo tiêu chí điểm về các khoa quốc tế thì đạt 5/100. Xét theo tiêu chí điểm sinh viên quốc tế đạt 1/100. Điểm tổng cộng đạt 125,2/1000.

4.         Đại học Nam Kinh ở Tỉnh Giang Tô xếp thứ 192 với 106,3 điểm. Trong đó xét theo tiêu chí điểm của tạp chí FEER đạt 73/ 1000 điểm. Xét theo tiêu chí điểm về các khoa quốc tế thì đạt 4/100. Xét theo tiêu chí điểm sinh viên quốc tế đạt 2/100.

5.         Đại học Phúc Đán xếp thứ 196 với 104,5 điểm. Trong đó xét theo tiêu chí điểm của tạp chí FEER đạt 61/ 1000 điểm. Xét theo tiêu chí điểm về các khoa quốc tế thì đạt 8/100. Xét theo tiêu chí điểm sinh viên quốc tế đạt 13/100.

Như vậy với nhiều nỗ lực, chỉ ngay sau 4-5 năm đầu thế kỷ XXI, Trung Quốc đã đưa nhiều trường đại học của họ vào danh sách những trường đại học có đẳng cấp quốc tế, về đích sớm hơn nhiều so với mục tiêu đặt ra. Trong khoảng 10 năm nữa, chắc chắc nhiều trường đại học Trung Quốc sẽ có được thứ hạng cao hơn trong số những trường đại học có đẳng cấp quốc tế.

Kết luận

Nước ta đã gia nhập WTO được hơn 3 năm, nền kinh tế có nhiều chuyển biến rất mạnh đòi hỏi giáo dục, đặc biệt là giáo dục đại học phải có những thay đổi cơ bản để đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực cho đất nước. Trong quá trình chuyển sang phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, đổi mới mô hình đào tạo đại học là rất cần thiết, là bước quan trọng để xây dựng các trường đại học đẳng cấp quốc tế. Để làm được điều này, điều quan trọng hàng đầuquyết tâm hết sức lớn lao của Nhà nước, quyết tâm này được thể hiện ở các chủ trương đúng đắn, mạnh bạo cũng như ở các quyết định đầu tư có trọng điểm. Bên cạnh đó, để làm được nhiệm vụ lớn lao này, bản thân các trường đại học cũng phải tìm kiếm những nguồn tài chính khác, không hoàn toàn thụ động phụ thuộc vào nguồn đầu tư của Chính phủ cho ngân quỹ hoạt động hàng năm của mình. Kinh nghiệm Trung Quốc cho thấy đầu tư ban đầu của Chính phủ rất quan trọng, từ chỗ dùng tiền để “mua”, để “gọi” các chuyên gia giỏi gốc Hoa và người nước ngoài về giảng dạy đến chỗ khiến các trường phải tự đào tạo chuyên gia giỏi cho chính mình. Muốn vậy, các trường cần đầu tư mạnh vào xây dựng các phòng thí nghiệm và trang thiết bị phục vụ nghiên cứu. Bên cạnh đó, điều quan trọng là cần tạo được môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các trường đại học để tự họ phải vận động, ganh đua và vươn lên. Hiệu quả thu được khá rõ trong thu hút đầu tư nước ngoài do từ nhiều năm nay, chúng ta đã xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Trong xây dựng các trường đại học đẳng cấp quốc tế, Nhà nước cần xúc tiến việc xếp hạng các trường đại học, bao gồm cả xếp hạng quốc gia và bước đầu xếp hạng khu vực dựa trên những tiêu chí nhất địnnh. Chúng ta đều tin tưởng và hy vọng rằng nền giáo dục đại học nước nhà sẽ có những đổi mới thận trọng nhưng mạnh mẽ và chắc chắn khi chúng ta bước sang thập kỷ thứ hai của thế kỷ XXI.

PGS. TS. Phạm Thái Quốc

Viện Kinh tế và Chính trị thế giới





Các tin khác

Trung Quốc gia tăng sức mạnh mềm văn hoá ở khu vực Đông Nam Á (14/06/2010)
Phương thức cấu tạo từ xưng hô gia đình trong tiếng Việt, tiếng Hán và sự khác nhau về văn hoá hai nước từ góc độ hai nước (04/01/2012)
Khoa học xã hội Trung Quốc trong quá trình phát triển và hội nhập quốc tế một số kinh nghiệm cho khoa học xã hội Việt Nam (04/01/2012)
Tình hình kinh tế Trung Quốc năm 2010 (04/03/2011)
Sự nhất quán phát triển kinh tế thị trường XHCN trong xây dựng xã hội hài hoà của Trung Quốc và đổi mới của Việt Nam (08/09/2010)
Bảo trợ xã hội trong phong trào xây dựng nông thôn mới (Điều tra tại nông thôn tỉnh Giang Tây, Trung Quốc) (17/07/2010)
Liên kết phát triển vùng miền ở trung quốc Nhìn từ hợp tác Vùng Chu Giang mở rộng (08/07/2010)
Trung Quốc trong khu vực: Vị thế và thách thức (16/06/2010)
 
TIN MỚI NHẤT
ẤN PHẨM - XUẤT BẢN
 
 
TRANG CHỦ
TỪ ĐIỂN
TRA CỨU THƯ VIỆN
SƠ ĐỒ TRANG WEB
LIÊN HỆ
 
 
BẢN QUYỀN THUỘC VIỆN NGHIÊN CỨU TRUNG QUỐC - INSTITUTE OF CHINESE STUDIES
Địa chỉ: Số 176 Thái Hà, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam
Điện thoại: 024.32171020; Email: vnics@vnics.org.vn