Trong xu thuế toàn cầu hoá và khu vực hoá không ngừng phát triển như hiện nay, quan hệ quốc tế bước vào thời kỳ có nhiều thay đổi. Lý luận về quan hệ quốc tế truyền thống đứng trước những thách thức mới. Trong xu thế của tình hình thế giới mới, “Hợp tác Đông Á” không nằm ngoài xu thế này và việc nghiên cứu các vấn đề quốc tế của Trung Quốc cũng bước vào giai đoạn mới của sự phát triển về lý luận. Ngoại giao Trung Quốc bước vào thời kỳ điều chỉnh chiến lược mới, khái niệm “thế giới hài hoà” được hình thành và Trung Quốc chủ trương “Hợp tác Đông á là hợp tác hài hoà giữa các quốc gia”.
1. Về khái niệm “thế giới hài hoà”
Trong lịch sử tư tưởng Trung Quốc, khái niệm “hoà” luôn được coi trọng và ngày càng phát triển sát thực với nội hàm. Cổ nhân Trung Quốc coi “hoà” là nguyên tắc tốt nhất trong việc giải quyết xung đột giữa các quốc gia với chủ trương “dung hợp vạn bang”. “Hoà” là tư duy cơ bản trong quá trình xử lí nội chính cũng như ngoại giao của Trung Quốc.
Tại cuộc họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc năm 2005, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào lần đầu tiên đề xuất quan điểm xây dựng “thế giới hài hoà”. ý tưởng này được ông phát triển thêm tại Hội nghị toàn thể Trung ương 5 (khoá XVI) khi khởi xướng và đề cao nhân tố “hoà” theo chủ trương xây dựng xã hội hài hoà XHCN. Đây thực sự là một bước tiến về mặt lý luận trong quá trình phát triển của Trung Quốc.
Chủ tịch Diễn đàn cải cách mở cửa của Trung Quốc Trịnh Tất Kiên sau đó đã đưa ra thuật ngữ “tam hoà” trong bài viết: “Phương hướng của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong thế kỷ XXI” nói về sự “phát triển hoà bình” của Trung Quốc, cho rằng: Khái niệm hạt nhân của ngoại giao và nội chính Trung Quốc đang tiến hành là “mưu cầu hoà bình đối với bên ngoài; mưu cầu hoà bình đối với bên trong; mưu cầu hoà giải đối với tình hình vùng biển Đài Loan”. Khái niệm “tam hoà” này đã khái quát chính sách ngoại giao và nội chính của Trung Quốc trong giai đoạn hiện nay, mục đích là xây dựng môi trường tốt đẹp trong nước, trong khu vực và trên thế giới, tạo điều kiện thuận lợi cho Trung Quốc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của mình.
Cuối năm 2005, Trung Quốc công bố sách trắng về “Con đường phát triển hoà bình của Trung Quốc”. Trong các mục nói về vấn đề “thực hiện cùng có lợi, cùng thắng và cùng phát triển giữa các nước”, “xây dựng thế giới hài hoà, hoà bình lâu dài và cùng thịnh vượng”, đã đưa ra những dẫn chứng để chứng minh rằng, sự phát triển của Trung Quốc góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển chung của thế giới, và Trung Quốc thực sự có ý nguyện cùng nhân dân các nước xây dựng một “thế giới hài hoà”. Những nội dung cơ bản của “thế giới hài hoà” là: “một thế giới dân chủ, một thế giới thân thiện, một thế giới công bằng và một thế giới bao dung”.
Với khái niệm “thế giới dân chủ” được hiểu là một thế giới mà trong đó các nước có quyền bình đẳng, có quyền thông qua giao lưu đối thoại để cùng quyết định các vấn đề trong quan hệ quốc tế. Hiến chương Liên Hợp Quốc và Năm nguyên tắc chung sống hoà bình được Trung Quốc coi là cơ sở của mọi sự bình đẳng.
Với khái niệm “thế giới thân thiện” được Trung Quốc diễn giải là các nước phải đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau và cùng nỗ lực giải quyết những vấn đề khu vực và toàn cầu, thông qua các cơ chế bảo đảm an ninh để tránh xung đột, chiến tranh, khủng bố và các thảm hoạ thiên nhiên. Các nước hợp tác chống khủng bố, cùng nhau đối thoại để ngăn chặn phổ biến vũ khí giết người hàng loạt, giữ cho thế giới ổn định, an toàn, tạo điều kiện cho các dân tộc giao lưu hữu nghị.
Trong khái niệm “thế giới công bằng”, Trung Quốc cho rằng trong quan hệ giữa các nước phải đạt mục tiêu “cùng có lợi, cùng phát triển”. Đặc biệt trong bối cảnh kinh tế thế giới đang phát triển theo xu thế toàn cầu hoá hiện nay, không thể để diễn ra tình trạng các nước có nền kinh tế phát triển mạnh, lấn át hoặc làm tổn hại đến lợi ích của các nước đang phát triển hoặc kém phát triển. Toàn cầu hoá kinh tế không được làm cho khoảng cách giàu nghèo Bắc – Nam ngày một xa hơn. Để những mục tiêu trên được thực hiện, trước mắt các nước trên thế giới cần cùng nhau hoàn thiện hơn nữa hệ thống tài chính quốc tế, tăng cường hợp tác về năng lượng, đối thoại về nhân quyền, đem lại cơ hội phát triển toàn diện cho mọi người, tạo ra sự phát triển hài hoà giữa con người và giữa con người với thiên nhiên.
Về “thế giới bao dung”, Trung Quốc cho rằng các nước phải thông cảm lẫn nhau, nhân nhượng lẫn nhau thông qua đối thoại một cách văn minh, để hiểu biết, xoá bỏ ngăn cách, nghi kỵ lẫn nhau. Thực tế hiện đang tồn tại một thế giới đa dạng, gồm các nước có các nền văn minh khác nhau với bản sắc văn hoá dân tộc khác nhau. Để thế giới tiếp tục phát triển và phát triển bền vững, thì chính phủ và nhân dân các nước trên thế giới cần tôn trọng bản sắc văn hoá và chế độ chính trị xã hội của nhau, thông qua giao lưu để học hỏi lẫn nhau, bổ xung cho nhau, tạo ra một “thế giới hài hoà” trong đa dạng.
Hội nghị Trung ương 6 khoá XVI Đảng cộng sản Trung Quốc (ngày 11-10-2006) đã thông qua “Nghị quyết của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc về một số vấn đề quan trọng xây dựng xã hội hài hoà XHCN”
Sự khẳng định mang tính chính thống cao của ý tưởng “thế giới hài hoà” được thể hiện tại Đại hội lần thứ XVII Đảng Cộng sản Trung Quốc tháng 10 năm 2007. Đại hội đã khẳng định “phát triển khoa học, hài hoà xã hội là yêu cầu cơ bản của sự phát triển XHCN đặc sắc Trung Quốc” và chủ trương “Nhân dân các nước nắm tay nhau cùng cố gắng thúc đẩy xây dựng một thế giới hài hoà, hoà bình lâu dài và cùng thịnh vượng…”. “Trung Quốc kiên trì phát triển hợp tác hữu nghị với tất cả các nước trên cơ sở năm nguyên tắc cùng chung sống hoà bình… tiếp tục quán triệt phương châm ngoại giao thân thiện với láng giềng, làm bạn với láng giềng, tăng cường hữu hảo láng giềng và hợp tác thực chất với các nước xung quanh, tích cực triển khai hợp tác khu vực, cùng tạo môi trường khu vực hoà bình, ổn định, bình đẳng tin cậy lẫn nhau, hợp tác cùng thắng lợi…”
Như vậy, những ý tưởng và quan điểm về “thế giới hài hoà” của Trung Quốc đã được các nhà lãnh đạo Trung Quốc chính thức công bố. Vấn đề này đã và đang trở thành điểm quan tâm của các nhà lãnh đạo các nước cũng như của giới nghiên cứu về Trung Quốc trên toàn thế giới.
2. “Thế giới hài hoà” với tiến trình Hợp tác Đông á
Từ những năm 90 thế kỷ XX, hợp tác khu vực Đông á bước vào giai đoạn phát triển nhanh chóng. Hiện nay, các mối quan hệ về kinh tế, chính trị, an ninh … giữa các nước trong khu vực ngày càng được gắn bó. Đặc biệt, trong sự hỗ trợ lẫn nhau về kinh tế, khu vực Đông á đã hình thành được cơ cấu kinh tế nền tảng “hài hoà” trong khu vực. Nhưng giữa các nước trong khu vực vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề về lịch sử và những xung đột, mâu thuẫn về lợi ích. Mặc khác, khu vực Đông á còn chịu ảnh hưởng của những nhân tố “bất hoà” từ bên ngoài và đứng trước những thách thức an ninh phi truyền thống nghiêm trọng. Không những thế, sự hỗn loạn trong nội bộ của một nước nào đó cũng rất dễ gây ra sự không ổn định cho cả khu vực. Vì vậy, để khắc phục tình trạng này, Trung Quốc chủ trương: Hợp tác Đông á là “Hợp tác hài hoà giữa các quốc gia”, hợp tác giữa các nước Đông á là nhằm cùng nhau phát triển và cùng phồn vinh.
Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo tại Hội nghị Thượng đỉnh Đông á lần thứ hai đã có bài phát biểu: “Hợp tác cùng thắng. Nắm tay nhau cùng tiến”. Bài phát biểu nhấn mạnh: “Hợp tác Đông á cần phải thúc đẩy hợp tác hài hoà giữa các quốc gia. Chúng ta cần xây dựng một cộng đồng kiểu mới cùng chung số phận, có thể cùng phát triển trong thời bình, cùng ứng phó khi khủng hoảng. Mục đích hợp tác của chúng ta là nhằm thúc đẩy hoà bình, ổn định và phát triển trong khu vực. Thực hiện mục tiêu này đòi hỏi chúng ta phải giải quyết bất đồng thông qua đối thoại bình đẳng, hoà giải tranh chấp thông qua bàn bạc hữu nghị, tạo môi trường an ninh khu vực tin tưởng lẫn nhau, ổn định lâu dài”.
Vào tháng 10 năm 2007, tại Tế Nam, tỉnh Sơn Đông Trung Quốc đã diễn ra cuộc hội thảo khoa học về “Lý luận thế giới hài hoà với sự hợp tác Đông á”, do Trung tâm Nghiên cứu châu á, Tạp chí á – Thái đương đại, phòng Nghiên cứu châu á – Thái Bình dương, thuộc Viện KHXH Trung Quốc và Viện KHXH tỉnh Sơn Đông cùng phối hợp tổ chức. Hơn 40 học giả của các trường đại học và các cơ quan nghiên cứu trong cả nước đã tới dự. Các học giả đã đưa ra những quan điểm của mình và thảo luận các vấn đề nóng bỏng như sự hình thành và cơ sở hình thành lý luận “thế giới hài hoà”, những nhân tố có lợi và điều kiện bất lợi cho sự hình thành một Đông á hài hoà, chiến lược của Trung Quốc trong tiến trình xây dựng một Đông á hài hoà vv…
Trong cuộc hội thảo, nhiều học giả cho rằng, sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc, xu thế toàn cầu hoá và khu vực hoá không ngừng phát triển. Trong xu thế đó, ngoại giao Trung Quốc bước vào thời kỳ điểu chỉnh chiến lược mới và khái niệm “thế giới hài hoà” được hình thành. Có ý kiến nêu rõ nghĩa của từ “hoà” trong “thế giới hài hoà” là chỉ sự cùng tồn tại đa nguyên trong tính khác biệt, còn từ “hài” lại nhấn mạnh sự điều hoà mang tính cơ chế. Nội hàm chính của nó là thừa nhận tính đa dạng của thế giới, tính bình đẳng trong quan hệ giữa các nước, lợi ích chung giữa các dân tộc và sự phối hợp và hợp tác lẫn nhau vì lợi ích chung. Tư tưởng trọng tâm của khái niệm “thế giới hài hoà” có nguồn gốc từ tinh thần triết học, thái độ sống, quan niệm nhân sinh và quan niệm về thế giới truyền thống của Trung Quốc, nó đại diện cho tinh thần văn hoá Trung Hoa: coi trọng trung chính, quân bình, hài hoà và hoà bình.
Về ý nghĩa thực tiễn, nhiều ý kiến cho rằng, việc đưa ra khái niệm “thế giới hài hoà” là một sự phản kháng “nhẹ nhàng” của Trung Quốc - nước hiện có vị trí tương đối nhỏ bé so với những nước phương Tây có vị thế lớn mạnh trên vũ đài thế giới, là phản kháng về sự bá quyền của phương Tây và một trật tự thế giới không hợp lý, không công bằng hiện nay. Việc đưa ra hướng đi mới cho sự phát triển hoà bình cũng như việc đưa ra khái niệm “thế giới hài hoà” thể hiện Trung Quốc là một nước lớn trong khu vực có ảnh hưởng mang tính toàn cầu, Trung Quốc đang nỗ lực tự đổi mới mình để tăng cường sự cống hiến và ảnh hưởng trong việc giải quyết các vấn đề khu vực và quốc tế.
Nhiều học giả cho rằng, trong giai đoạn hiện nay, việc xây dựng hệ thống lý luận “thế giới hài hoà” trong thực tiễn đang còn gặp rất nhiều trở ngại. Những nghiên cứu hiện có vẫn chưa đạt được sự chấp nhận hầu hết ở cả phương diện nội hàm của khái niệm. Vì vậy, trong một thời gian tương đối dài nữa, lý luận “thế giới hài hoà” vẫn chưa thể trở thành một cơ chế thế giới theo đúng nghĩa của nó.
Có những ý kiến cho rằng, Trung Quốc chính thức tham gia hợp tác đa phương khu vực bắt đầu từ APEC, nhưng mục đích ban đầu của sự tham gia này là học tập những quy tắc quốc tế để thích ứng với cơ chế quốc tế. Các nước phương Tây có ý đồ đưa Trung Quốc gia nhập cơ chế quốc tế đa phương để ràng buộc và ép nước này chấp nhận những tiêu chuẩn quy định của họ. Để thực hiện lợi ích quốc gia của mình, Trung Quốc cần phải đưa ra ý tưởng sắp xếp khu vực của chính mình. Sau khi gia nhập WTO, Trung Quốc nhanh chóng tham gia thảo luận về chiến lược khu vực, tham gia xây dựng cơ chế hợp tác khu vực. Đặc biệt, Trung Quốc đã tích cực đề xướng và thúc đẩy tiến trình hợp tác Đông á, tiến trình này đã bước đầu hình thành khuôn khổ hợp tác khu vực linh hoạt, mở cửa. Hiện nay, quan điểm hợp tác khu vực của Trung Quốc vẫn không ngừng hoàn thiện và phát triển. Khu vực Đông á đã bước đầu hình thành cục diện cơ chế hợp tác khu vực đa dạng.
Có ý kiến cho rằng, với vai trò là khu vực tiền duyên triển khai hợp tác khu vực, thực chất Sơn Đông đã tích cực tham gia vào tiến trình hợp tác Đông á. Hiện nay, hợp tác thương mại giữa tỉnh Sơn Đông, đặc biệt là khu bảo hộ thuế Thanh Đảo với Hàn Quốc và Nhật Bản đã có những bước tiến rõ rệt. Kinh nghiệm của Sơn Đông cho thấy viễn cảnh tốt đẹp của việc xây dựng Đông á hài hoà. Tuy nhiên, không gian hợp tác giữa tỉnh Sơn Đông với Nhật Bản và Hàn Quốc phải được cải thiện, hợp tác thương mại giữa tỉnh Sơn Đông và Nhật Bản còn phải mở rộng hơn nữa. Là một tỉnh lớn giàu nguồn lực, một tỉnh công nghiệp, mở cửa, Sơn Đông còn cần phải phát huy vai trò lớn hơn trong tiến trình xây dựng hợp tác Đông á và xây dựng Đông á hài hoà.
Ngày 12-4-2008 trong diễn văn khai mạc “Diễn đàn châu á Bác Ngao” (Hải Nam, Trung Quốc), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã đánh giá tình hình châu á và đưa ra những kiến nghị về hợp tác khu vực như sau:
“Sự phát triển của châu á không chỉ can hệ tới vận mệnh của châu á, mà còn can hệ tới tiền đồ của thế giới. Trong mấy năm qua, tình hình châu á nói chung ổn định, kinh tế tăng trưởng tương đối nhanh, các nước thực hiện chính sách láng giềng hữu nghị, ý thức nỗ lực thông qua hiệp thương đối thoại xử lý mâu thuẫn và bất đồng đã được nâng cao, cơ chế hợp tác khu vực và tiểu vùng ngày càng phát huy vai trò quan trọng trong thúc đẩy kinh tế tăng trưởng và ổn định tình hình khu vực. Châu á vẫn là một trong những khu vực phát triển năng động nhất trên thế giới. Đồng thời châu á cũng đang tồn tại những thách thức gay gắt cần được ứng xử nghiêm túc trên các mặt phát triển kinh tế, xây dựng chính trị, ổn định an ninh… Thực hiện hoà bình lâu dài và cùng thịnh vượng ở châu á vẫn còn là nhiệm vụ khó khăn lâu dài. Trung Quốc sẵn sàng cùng các quốc gia châu á khác nắm bắt thời cơ, đối phó với thách thức, cùng nhau xây dựng một châu á hoà bình, phát triển, hợp tác, rộng mở…”. Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đã đề nghị các nước châu á tăng cường hợp tác trên 5 phương diện:
Một là, tăng cường tin cậy về chính trị, kiên trì tôn trọng lẫn nhau, đối xử bình đẳng, cầu đồng tồn dị, chung sống hoà bình.
Hai là, đưa hợp tác kinh tế vào chiều sâu, xúc tiến quy hoạch đầu tư thương mại, xây dựng cơ chế bảo đảm đầu tư, đưa hợp tác tài chính tiền tệ vào chiều sâu, đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng châu á để các nước liên thông nhau.
Ba là, cùng nhau đối phó thách thức.
Bốn là, tăng cường trao đổi văn hoá.
Năm là, kiên trì chính sách mở cửa.
Có thể thấy rằng, đối với Trung Quốc, hợp tác khu vực châu á và đặc biệt là hợp tác Đông á có một vai trò cực kỳ qua trọng trong bố trí chiến lược chung. Về chiến lược an ninh, hai phía Tây Bắc và Tây Nam Trung Quốc là những khu vực có trình độ phát triển còn hạn chế và gặp nhiều vấn đề khó khăn phức tạp trong quan hệ với Trung Quốc. Trong khi đó, hai phía Đông Bắc và Đông Nam (khu vực Đông á) là khu vực phát triển năng động, bao gồm nền kinh tế lớn là Nhật Bản và “bốn con rồng nhỏ” cùng các nước ASEAN đang phát triển rất năng động. Khu vực Đông á không những là hướng phòng thủ chủ yếu của Trung Quốc đối với cả khu vực châu á – Thái Bình Dương mà còn là hướng chính để Trung Quốc thực hiện chiến lược “đi ra ngoài” của mình. Vì vậy các quốc gia khu vực Đông á là những đối tác quan trọng của Trung Quốc trong quan hệ đối ngoại. Hợp tác Đông á đối với Trung Quốc là rất cần thiết. Trung Quốc luôn tích cực chủ động trên lộ trình hợp tác Đông á và chủ trương hợp tác Đông á là hợp tác hài hoà giữa các quốc gia.
Nhưng cũng phải thấy rằng, về khái niệm “thế giới hài hoà”, nhận thức ở trong nước (Trung Quốc) và ngoài nước còn có sự khác biệt rất lớn. ở ngoài nước, một số ít chuyên gia nghiên cứu sâu về vấn đề Trung Quốc nghiên cứu, còn lại không có nhiều người biết đến, càng không thể bàn đến việc hưởng ứng khi các nhà lãnh đạo Trung Quốc đề xuất khái niệm “thế giới hài hòa”, khiến cho “thế giới hài hoà” dễ bị coi như một thứ chủ nghĩa xã hội không tưởng. Vì vậy, muốn đề xướng thành công “thế giới hài hoà”, yếu tố quyết định đầu tiên vẫn là cách làm của chính Trung Quốc. Có những dư luận ở các nước chỉ trích Trung Quốc “tham lam” đi tìm dầu mỏ, khai thác khoáng sản ở khắp mọi nơi trên thế giới để thoả mãn nhu cầu kinh tế khổng lồ của mình. Không ít nước có ấn tượng rằng “người khổng lồ” Trung Quốc đang trỗi dậy với thế mạnh của nền kinh tế là đáng sợ và khó gần… Muốn cải thiện vấn đề này, điều quan trọng nhất là sao cho hành động kinh tế của Trung Quốc trong khu vực cũng như trên thế giới thực hiện đúng yếu tố “cùng thắng”, “cùng phát triển”. Mặt khác, Trung Quốc cần xem xét việc xây dựng quy chế lâu dài ở trong nước: phải làm rõ những vấn đề như xây dựng “thế giới hài hoà” gắn liền với việc trị nước theo pháp luật. “Thế giới hài hoà” muốn đi vào lòng người không thể tách rời việc xây dựng cơ sở pháp lý, có nghĩa là Trung Quốc cần phải làm việc dựa theo pháp luật quốc tế trong phạm vi thế giới một cách tự giác hơn nữa, đi đầu tuân thủ các quy chế quốc tế với trung tâm là hệ thống Liên Hợp Quốc, để có thể kết hợp thực tiễn về pháp chế hoá ở trong nước với thực tiễn pháp chế hoá trong các quan hệ đối ngoại của Trung Quốc. Xét một cách cơ bản và lâu dài thì khái niệm “thế giới hài hoà” được đề xướng và được thế giới thừa nhận cần phải là một bộ phận hữu cơ trong sự nghiệp cải cách và phát triển của Trung Quốc, là “nếp hình thành tự nhiên” sau khi sức mạnh tổng hợp quốc gia và hình ảnh quốc tế của Trung Quốc đã được nâng cao.
Như vậy, những quan điểm của Trung Quốc về một “thế giới hài hoà” và ý tưởng “Hợp tác Đông á là hợp tác hài hoà giữa các quốc gia” có một ý nghĩa rất tích cực. Chủ trương xây dựng “xã hội hài hoà XHCN” và xây dựng một “thế giới hài hoà” của Trung Quốc đã và đang ngày càng nhận được sự đồng tình và hưởng ứng của nhân dân Trung Quốc cũng như của các lực lượng yêu chuộng hoà bình trên thế giới. Nhưng làm thế nào để điều chỉnh mối quan hệ “hài hoà” giữa lợi ích trong nước của Trung Quốc với lợi ích của các quốc gia trong khu vực Đông á là nhiệm vụ chắc chắn còn vô vàn khó khăn của ngoại giao Trung Quốc trong một thời gian dài tới đây.