Trung Quốc và Việt Nam là hai nước có nhiều
điểm tương đồng về mô hình phát triển. Mặc dù đến nay chưa có một công trình
nào tiến hành nghiên cứu so sánh một cách có hệ thống về sự phát triển của khoa
học xã hội (KHXH) tại hai nước, song nếu nhìn lại chặng đường phát triển của Viện
KHXH Trung Quốc (CASS) và Viện KHXH Việt Nam (VASS)
- hai cơ quan Chính phủ đầu ngành về nghiên cứu khoa học xã hội của mỗi nước -
sẽ dễ dàng nhận thấy có nhiều điểm tương đồng về cơ cấu tổ chức, cơ chế hoạt động,
chức năng nhiệm vụ chung trong quá trình phát triển và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, bên trong sự tương đồng cũng có không
ít điểm khác biệt rõ rệt về tính hiệu quả trong quá trình hội nhập quốc tế của
hai Viện nghiên cứu. Trong bài viết này, chúng tôi hi vọng có thể tìm ra một số
gợi mở về hội nhập quốc tế đối với KHXH Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
1. Mở
rộng cơ cấu tổ chức, hoàn thiện cơ chế hoạt động, nâng cao chất lượng nguồn
nhân lực
Trước khi được thành lập vào tháng 5-1977, tiền thân Viện KHXH Trung
Quốc là Ban Khoa học xã hội Triết học. Ban có 14 đơn vị nghiên cứu trực thuộc
gồm: Viện Nghiên cứu kinh tế, Viện Nghiên cứu triết học, Viện Nghiên cứu Tôn
giáo thế giới, Viện Nghiên cứu Khảo cổ, Viện Nghiên cứu Lịch sử, Viện Nghiên
cứu sử cận đại, Viện Nghiên cứu lịch sử thế giới, Viện Nghiên cứu Văn học, Viện
Nghiên cứu Văn hóa nước ngoài, Viện Nghiên cứu Ngôn ngữ, Viện Nghiên cứu Pháp
luật, Viện Nghiên cứu Dân tộc, Viện Nghiên cứu Kinh tế thế giới, Phòng Tư liệu
tình báo, với tổng số hơn 2.200 cán bộ. Tuy nhiên, do bị “trói buộc” của tư duy
đóng cửa, đặc biệt là sự tách rời, thậm chí chà đạp nghiêm trọng của cuộc Đại
cách mạng văn hóa đối với KHXH, trong một thời gian dài, 14 đơn vị nghiên cứu
trên không có khả năng tạo nên những cống hiến nổi bật cho sự phát triển của
KHXH Trung Quốc.
Để thích ứng với công cuộc cải cách và mở cửa, từ năm 1977 đến nay CASS
từng bước tăng cường khả
năng nghiên cứu bằng việc tích cực mở rộng và hoàn thiện cơ cấu tổ chức. Viện
đã lần lượt thành lập thêm 17 đơn vị nghiên cứu và xuất bản, 4 trung tâm nghiên
cứu.Với cơ cấu tổ chức bao gồm 31 sở, 4 trung tâm nghiên cứu mang tính chuyên ngành cao ở hầu
khắp các lĩnh vực KHXH, cùng tổng số cán bộ của viện là 4.200 người, trong số 3.200
người có chuyên môn nghiên cứu khoa học, 1.676 người có trình độ chuyên môn
cao, 1.200 người có trình độ trung bình, CASS đã mở rộng định hướng nghiên cứu theo hai hướng cơ bản nghiên cứu sự phát triển của bản thân khoa học xã hội và nghiên cứu khả năng chuyển đổi phương thức
phục vụ thực tiễn của khoa học xã hội. Theo đó, 4 chức năng hội nhập nổi bật
của CASS được xác lập:
(1). Kết hợp thực tiễn KHXH thế giới thế kỉ XXI với chủ nghĩa Mác
(2). Kết hợp giữa kế thừa và sáng tạo cái mới
(3). Kết hợp giữa tính phân hóa và tính tích hợp cao độ
(4). Kết hợp tính đặc sắc địa phương, tính dân tộc với tính thế giới
Quá trình chuyển đổi từ bên
trong cơ cấu tổ chức và tính năng hoạt động đã tạo ra những ưu thế cần và đủ để CASS hoàn thiện cơ chế hội
nhập quốc tế mở, linh hoạt thông qua việc gắn hoạt động nghiên cứu KHXH với đào
tạo nguồn nhân lực. Sự gắn kết này thể hiện
rõ trong việc thực hiện và phân bổ các đề tài nghiên cứu. Một cách cụ thể, Viện
đã giao quyền cho các Sở nghiên cứu trực thuộc đảm nhận nhiều dự án nghiên cứu
trọng điểm thuộc quy hoạch KHXH quốc
gia; tích cực đảm nhận nhiệm vụ nghiên cứu các vấn đề lí luận trọng đại và vấn
đề thực tiễn có ý nghĩa toàn cục trong phát triển kinh tế và xã hội quốc gia do
ban ngành có liên quan của quốc gia đưa ra hoặc ủy thác.
Dự án nghiên cứu trọng điểm thường
tiến hành dưới hình thức nhóm đề tài khoa học, người tham gia lựa chọn đề tài
nghiên cứu dựa vào thế mạnh chuyên môn của mình hoặc được sự ủy thác của Viện,
Sở nghiên cứu, đồng thời cán bộ nghiên cứu cũng có thể nghiên cứu độc lập dựa
vào phương hướng và sở thích của mình. Các nghiên cứu này có sự phối hợp ở các
mức độ khác nhau với các tổ chức khoa học trong và ngoài nước. Ngoài ra, các Sở nghiên cứu trực thuộc ở những
mức độ khác nhau đã kết hợp với các doanh nghiệp thực hiện các dự án cụ thể đáp
ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra.
Thừa nhận khoảng trống
thế hệ trong cộng đồng các nhà KHXH dưới tác động của Đại cách mạng văn hóa,
CASS đã tập trung tái tạo lại sự cân bằng cần thiết giữa nghiên cứu và đào tạo
thông qua kết hợp khôi phục đội ngũ nghiên cứu lão thành từng bị thanh trừng với
việc tăng cường đội ngũ cán bộ trẻ có tố chất nổi trội. Trên cơ sở nhận thức rõ sức mạnh KHXH phụ thuộc quyết định vào đội ngũ
các nhà khoa học trẻ tuổi – thế hệ có khả năng sáng tạo mạnh mẽ và sung sức nhất,
Viện đã tăng mạnh ngân sách cho việc đào tạo chuyên gia đầu ngành trẻ ở ba lĩnh
vực: Phương pháp nghiên cứu, khả năng phối hợp nghiên cứu, trình độ ngoại ngữ.
Đây là những tiêu chuẩn cần và đủ để hội nhập quốc tế, vốn bị coi là điểm yếu
nhất của giới nghiên cứu KHXH Trung Quốc. Kết quả ban đầu cho thấy, sự đầu tư đã
làm trẻ lại ít nhất hai Sở nghiên cứu gần như suy sụp vì tốc độ già hóa của đội ngũ các nhà nghiên cứu
KHXH hàng đầu. Trong quá trình đào tạo, các nhà khoa học trẻ xuất sắc có cơ hội
khẳng định mình bằng việc tham dự và tạo nên những đóng góp nổi bật của họ ở tầm
quốc gia và quốc tế. Trách nhiệm tương đương với thành tích, họ phải xây dựng
được các nhóm nghiên cứu, quyết định việc gì phải làm trong môi trường độc lập,
công bố những sáng kiến của họ qua mạng lưới các đồng nghiệp trong và ngoài nước(1).
Trong giai đoạn hội nhập, các nghiên cứu do CASS tiến hành cũng cảnh
báo tình trạng “chảy máu chất xám”, một tỷ lệ lớn các nhà khoa học của viện bị
già hóa và thiếu tính sáng tạo, trong khi đó
một tỷ lệ không nhỏ các chuyên gia trẻ có khả năng đề xuất những ý tưởng mới vẫn
tiếp tục lưu chuyển sang các trung tâm nghiên cứu nước ngoài. Lý do của
tình trạng này là do các nhà nghiên cứu trẻ bị áp lực khi phải đối diện với các
vấn đề như thiếu thốn nhà ở, nguồn tài chính và duy trì sự hòa hợp trong gia
đình. Để khắc phục tình trạng trên, Viện đã tích cực đẩy mạnh tính dân chủ,
sáng tạo và độc lập trong khoa học vốn là những yêu cầu thiết trong hội nhập quốc
tế.
Viện đã nỗ lực tạo dựng môi trường khoa học lành mạnh thông qua chiến
lược Nhân tài làm mạnh viện. Chiến lược
đã từng bước hoàn thiện cơ chế quản lí, sử dụng nhân tài linh hoạt, hợp lí. Đặc biệt chiến lược đã thiết lập được một cơ chế khuyến
khích cạnh tranh có hiệu quả, trong đó cho phép cùng một chức vụ nhưng lương có
thể khác nhau, cán bộ có thể vào làm việc tại Viện nhưng cũng có thể rời Viện,
phát huy tính tích cực của đội ngũ cán bộ viên chức, nhằm hướng tới mục tiêu bảo
đảm nhân tài có năng lực cho khoa học xã hội(2). Năm 2010, Viện KHXH Trung Quốc đã đề ra phương
án cải cách cơ chế đào tạo nguồn lực, theo đó, Ban Đào tạo nhân sự dựa trên
tinh thần Hội nghị công tác hàng năm năm 2010, phương án thực hiện chiến lược Nhân tài làm mạnh viện và công tác cải
cách cơ chế tuyển dụng đã từng bước được triển khai, thực hiện, và đã đạt được
một số kết quả nhất định.
Bên cạnh đó, Ban Đào tạo nhân sự của CASS còn liên tục làm tốt công tác
đào tạo chung cho đội ngũ cán bộ, tăng cường quản lý sự di chuyển nhân tài sau
khi có bằng tiến sĩ, kết hợp với thực tế cải cách chế độ tuyển dụng của Viện,
thực hiện chế độ thử việc đối với lãnh đạo cấp ban và phòng, xây dựng cơ chế
dùng người linh hoạt. Mặt khác, do tính đặc thù của nghiên cứu, các nhà khoa học
thường không muốn dính quá nhiều vào hoạt động xã hội và hành chính, nên CASS
đã cho phép cán bộ nghiên cứu có thể chủ động quyết định thời gian làm việc
hàng ngày tại công sở.
Về phương diện đãi ngộ nhân tài, trong thời kỳ trước cải cách mở cửa, đội
ngũ tri thức nói chung và đội ngũ cán bộ KHXH thuộc CASS nói riêng không được
hưởng chế độ đãi ngộ tốt, đời sống còn nhiều thiếu thốn, khó khăn. Tuy nhiên,
khi kinh tế Trung Quốc ngày càng phát triển mạnh mẽ, thu nhập của cán bộ thuộc
Viện KHXH Trung Quốc đã được cải thiện đáng kể. Nếu trước năm 1999, chỉ một số
ít giáo sư đạt mức lương 2000 NDT/ tháng thì đến những năm đầu thế kỉ XXI mức
đãi ngộ đã từng bước được cải thiện và tương xứng hơn với trình độ và cống hiến. Con số thống kê gần đây
cho thấy, mức lương của các giáo sư KHXH đã tăng đều và liên tục, năm 2001 mức
lương này dao động từ 3000
- 4000 NDT/ tháng lên đến 5000 NDT năm 2006.
Các nhà
khoa học có tài ngoài việc hưởng lương cơ bản theo chức danh khoa học
và phụ cấp chức vụ, phụ cấp nghiên cứu, còn được nhận thêm hỗ trợ
nhà ở khoảng 30.000 USD trong ba năm nếu đang thực hiện dự án nghiên
cứu. Bên cạnh việc đảm bảo quyền lợi vật chất, Viện còn chú trọng
tới việc đảm bảo quyền lợi tinh thần cho trí thức là nhân tài cao cấp.
Cùng với chế độ lương, thưởng theo năng lực, cống hiến, chính phủ còn
có những hình thức khen thưởng và tôn vinh khác như: Danh hiệu công huân cấp Nhà nước đối với nhân tài
có cống hiến nổi bật trong và ngoài nước.
Việc ý thức được những lợi thế phát triển và hội nhập quốc tế của KHXH được
dựa trên việc tập hợp và thu hút được giới tinh hoa. Đặc biệt, trong quá trình
phát triển, CASS luôn nhấn mạnh tới vấn đề đãi ngộ chuyên gia cao cấp từ nước
ngoài trở về. Viện đã thực hiện chương trình đưa nhân tài giỏi nhất từ nước
ngoài trở về với mức đãi ngộ cao nhất. Từ năm 1994 đến năm 1997 Viện đã thực hiện
chương trình “Trăm người” và lần lượt mời 177 chuyên gia cao cấp trở về công
tác tại các Sở nghiên cứu. Ngoài ra, chương trình Sáng kiến đổi mới tri thức của Viện với lời mời chào 240.000 USD (2
triệu NDT) bao gồm tiền phục vụ nghiên cứu, trợ cấp nhà ở và mức lương thỏa
đáng đã giúp tuyển mới được 300 nhà khoa học dưới 45 tuổi từ hải ngoại trở về(3).
Sáng kiến này được coi là bước đi đúng đắn của CASS trong việc thu hút nhân tài
về Viện làm việc.
2. Đẩy mạnh
chiến lược KHXH Trung Quốc “đi ra ngoài”
Trong lộ trình hội nhập quốc tế, CASS đã chú trọng thiết lập mối quan hệ hợp tác khoa học với
các tổ chức, các Viện nghiên cứu trên quy mô toàn cầu. Trong đó, triển
khai rộng khắp các hoạt động trao đổi học thuật với nước ngoài là một phương
châm được Viện kiên trì thực hiện. Những năm gần đây, cùng với trào lưu mở cửa
hơn với thế giới, các hoạt động trao đổi giao lưu học thuật với nước ngoài của
CASS cũng không ngừng phát triển. Về quy mô, Viện đã có hoạt động giao lưu học
thuật với hơn 80 quốc gia và khu vực, lập quan hệ giao lưu và hợp tác với hơn
200 cơ quan nghiên cứu khoa học xã hội, đoàn thể học thuật, các trường đại học
và cao đẳng, các quỹ và các ban ngành chính phủ có liên quan. Viện đã ký hiệp định
hợp tác trao đổi với hơn 20 quốc gia và khu vực, đón tiếp nhiều đoàn đại biểu
nguyên thủ, Thủ tướng Chính phủ, người đứng đầu nội các và nhiều nhân vật nổi
tiếng trong giới học giả đến thăm. Viện đã triển khai nhiều hình thức giao lưu
đối ngoại như trao đổi học giả, thăm viếng và khảo sát song phương, triển khai
hợp tác nghiên cứu, trao đổi nghiên cứu sinh, tổ chức hội thảo quốc tế, mời các
học giả đến nói chuyện…
Thông qua giao lưu trao đổi học
thuật, CASS đã thúc đẩy các dự án nghiên cứu khoa học trọng điểm và ngành khoa
học phát triển. Các cán bộ tham gia không chỉ mở rộng được cách nhìn về học thuật,
mà còn nâng cao chuyên môn. Rất nhiều người đã trở thành lực lượng nòng cốt
trong nghiên cứu khoa học hoặc trở thành chuyên gia đầu ngành ở các lĩnh vực khoa
học đó.
Bước sang thế kỷ XXI, để có thể bắt
nhịp với tốc độ mở cửa nhanh chóng của Trung Quốc, CASS đã đề ra chiến lược “đi
ra ngoài”. Trong chiến lược này, năm 2010 Ban Hợp tác quốc tế của Viện đã ban
hành “Dự thảo thực hiện chiến lược “đi ra ngoài” của Viện KHXH Trung Quốc”, nhằm
phát huy tính tích cực của Viện, các Sở nghiên cứu, các phòng nghiên cứu và người
làm nghiên cứu. Bản dự thảo đã đưa ra mục tiêu dẫn dắt các sở nghiên cứu quan
trọng và các ngành khoa học trọng điểm trong Viện thực hiện chiến lược “đi ra
ngoài” trong 5-10 năm tới.
Bên cạnh đó, CASS đã xây dựng và
hoàn thiện cơ chế quản lý hợp tác quốc tế nhằm thực hiện tốt hơn chiến lược “đi
ra ngoài”. Viện lần lượt ban hành và sửa đổi nhiều cơ chế quy định có liên quan
như: “Quy định quản lý cán bộ cấp Sở, Ban
thuộc Viện KHXH Trung Quốc được cử đi nước ngoài”, xây dựng dự thảo thực hiện
“Diễn đàn KHXH Trung Quốc”, “Kế hoạch ủng hộ xuất bản ấn phẩm bằng tiếng nước
ngoài của viện KHXH Trung Quốc”, “Kế hoạch hỗ trợ tài chính cho học giả trẻ và
trung niên Viện KHXH Trung Quốc ra nước ngoài về chuyên môn và ngoại ngữ”, “Biện
pháp quản lý hỗ trợ tài chính đối với các dự án nòng cốt trong trao đổi học thuật
với nước ngoài”, “Quy định về việc hỗ trợ tài chính cho học giả nước ngoài đến
thăm Trung Quốc”, v.v…
3.
Một
số kinh nghiệm hội nhập quốc tế đối với Viện KHXH Việt Nam
So với Viện KHXH Việt Nam (VASS), cơ cấu tổ chức của
CASS hầu như không có sự khác biệt, song rõ ràng việc gắn kết giữa cơ cấu tổ chức
và cơ chế hoạt động của CASS lại thể hiện rõ hơn tính hiệu quả của CASS. Chúng
tôi cho rằng, điều này có được là do trong quá trình chuyển đổi cơ chế tổ chức,Viện
đã xác định rõ hai định hướng và bốn tính năng hội nhập. Đây là cơ sở để chỉ đạo
xuyên suốt và tăng cường liên kết các hoạt động nghiên cứu và đào tạo của các Sở,
Trung tâm nghiên cứu trực thuộc và với các Ban chức năng. Đây là một kinh nghiệm
có ý nghĩa gợi mở đối với VASS nhằm khắc phục một số bất cập về thiết chế cũng
như cơ chế hội nhập quốc tế.
Phát huy “nội lực”, “ngoại lực”
Mặc dù,
trong mũi nhọn phát triển của chiến lược “Nhân tài cường quốc” không có nhân
tài KHXH, song CASS đã nỗ lực chủ động phát triển đội ngũ nghiên cứu của mình
thông qua việc kết hợp xây dựng và thực hiện song song hai chiến lược “nhân tài
làm mạnh viện” và “đi ra ngoài”. Quá trình hoàn thiện khung lí luận và đưa vào
thực tiễn của hai chiến lược chủ đạo trên cùng hàng loạt các Chương trình, dự
án hợp tác nghiên cứu, đào tạo, một mặt, đã tạo điều kiện cho đội ngũ nghiên
cứu trong nước có cơ hội mở rộng kiến thức, nâng cao phương pháp nghiên cứu và
giảng dạy mới của thế giới, mặt khác, còn xây dựng nên môi trường lành mạnh để
thu hút nhân tài nước ngoài trở về. Sự trở về của các nhà khoa học đầu ngành từ
hải ngoại được coi là một thành công mang tính đột phá của CASS trong việc phát
huy “ngoại lực” mà VASS cần phải tham khảo.
Trẻ hóa
cơ cấu và đào tạo thế hệ kế cận một cách bài bản
Cơ
cấu tổ chức của CASS trước đây không có được sự cân đối như VASS do sự thiếu vắng
của các nhà khoa học đầu ngành bị bức hại trong Đại cách mạng văn hóa. Tuy
nhiên, những nỗ lực đào tạo chuyên gia trẻ, đặc biệt là những người có năng lực
nổi bật thông qua các chương trình đào tạo, nghiên cứu trong nước và quốc tế đã
giúp cho CASS khôi phục lại trình trạng đứt gãy trong cơ cấu cán bộ. Mặt khác,
việc tái tạo lại cơ cấu lãnh đạo thông qua việc trao quyền quản lí cho những ứng
viên trẻ được “ươm mầm” và thử thách có bài bản đã khiến cho CASS tăng cường được
tính sáng tạo và thích ứng đối với quá trình hội nhập quốc tế. Đây là một kinh
nghiệm mang tính đột phá VASS có thể tham khảo. Thực tế cho thấy vai trò của đội
ngũ cán bộ trẻ còn quá mờ nhạt trong cơ cấu lãnh đạo của VASS. Trong khi đó,
các nhà nghiên cứu trẻ chưa được đào tạo bài bản nên phần nhiều còn hụt hẫng kiến
thức cơ bản, yếu về ngoại ngữ, kém về khả năng phối hợp nghiên cứu, còn quá yếu
so với chuẩn quốc tế. Đây là một thách thức lớn đối với VASS trong việc hình
thành nên đội ngũ kế cận có trình độ về KHXH.
Xây dựng môi trường lành mạnh
Tại CASS cũng như VASS, ở
cấp độ khác nhau đang tồn tại thực tế bất bình đẳng mới trong cộng đồng nghiên
cứu. Sự xung đột trong tư duy và ứng xử giữa những người được đào tạo trong nước
với cán bộ được đào tạo từ nước ngoài đang hình thành. Sự ỳ trệ của cơ chế quản
lí khoa học xã hội khiến cho nhu cầu sáng tạo và mong muốn bứt phá của không ít
nhà khoa học trở nên yếu thế trước áp lực của trào lưu “ăn xổi”, “học chơi, bằng
thật” khá phổ biến trong một bộ phận giới nghiên cứu. Do đó, xây dựng một môi
trường nghiên cứu lành mạnh là một đòi hỏi cần thiết nếu như cả hai Viện đều muốn
tiếp cận gần hơn với các chuẩn mực khoa học quốc tế.
Nới lỏng thông tin, nâng mức đầu tư, mở rộng không
gian chính trị và xã hội, tăng cường tính chủ động trong nghiên cứu khoa học
CASS là một trung tâm nghiên cứu
mạnh của châu Á song vẫn còn khoảng cách khá xa so với các KHXH phương Tây. Ở một
mức độ thấp hơn, VASS đang đứng trước nguy cơ tụt hậu khá xa so với mặt bằng
chung của khu vực và thế giới. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do đội
ngũ nghiên cứu còn bị hạn chế trong quá trình cập nhật thông tin, tư liệu, và
phương pháp nghiên cứu.
Ngoài ra, sự đầu tư của Chính phủ
đối với KHXH chưa được quan tâm đúng mức, các nhà khoa học của cả CASS và VASS
chưa có nhiều không gian cho tranh luận và phản biện xã hội, các công trình
nghiên cứu vẫn mang tính minh hoạ và nói theo chính sách. Đặc biệt các công
trình khoa học mang tính đề xuất, hoạch định chính sách chưa nhận được sự coi
trọng đúng mức trong các quyết sách quan trọng của đất nước. Do đó, nới lỏng
thông tin, nâng mức đầu tư, mở rộng không gian và tăng cường tính chủ động
trong hoạt động nghiên cứu khoa học là một nhu cầu cần được Chính phủ hai nước
quan tâm nhằm tạo nên sự khởi sắc thật sự của KHXH Trung Quốc và Việt Nam trong
quá trình hội nhập quốc tế.
Cải thiện lương và cơ chế đãi ngộ đối với người
làm nghiên cứu
Tại Việt Nam, cũng như Trung Quốc,
khoa học xã hội hàn lâm là một lĩnh vực rủi ro cao dễ bị cách ly với sự phát
triển nhanh của xã hội. Mức lương của một giáo sư làm việc tại VASS hiện nay
khoảng 200 USD/tháng, vào loại thấp nhất trên thế giới, thậm chí thấp hơn các
nghề như trợ lý doanh nghiệp, phiên dịch, trưởng phòng nhân sự, giám đốc công
ty tư nhân tại Việt Nam(4).
Trong khi đó, lương giáo sư CASS hiện cũng chỉ xấp xỉ 1000 USD/ tháng,
tương đương hạng trung bình tại châu Á. Tình trạng “ăn đong” trở nên quen thuộc
trong đời sống của các nhà nghiên cứu trẻ Việt Nam và Trung Quốc(5).
Nếu đồng lương của người làm nghiên cứu không được cải thiện, cơ chế đầu tư cho
hoạt động nghiên cứu không được tăng cường, chắc chắn cả hai Viện CASS và VASS
sẽ hứng chịu những hậu quả khôn lường do tình trạng chảy máu chất xám từ các Viện,
Sở, Trung tâm nghiên cứu sang các khu vực tư nhân và nước ngoài ngày càng
nghiêm trọng và nguy cơ tụt hậu trong lộ trình hội nhập quốc tế ngày một rõ rệt.
Kết luận
Sau hơn 30
năm cải cách và mở cửa, Viện KHXH Trung Quốc đã từng bước tạo nên những biến đổi
sâu sắc cho sự phát triển và hội nhập của KHXH Trung Quốc. Sự gắn kết giữa
nghiên cứu với đào tạo, giữa xu thế phát triển bản thân ngành KHXH với xu thế
phát triển của đất nước và quốc tế đã khiến cho những kết quả nghiên cứu của Viện
đã được Chính phủ Trung Quốc đánh giá cao, góp phần quan trọng cho việc xây dựng
cơ sở khoa học cho việc hoạch định đường lối, chiến lược chính sách của Trung
Quốc, đồng thời rút ngắn sự cách biệt về trình độ phát triển khoa học xã hội so
với thế giới.
Tuy nhiên,
bên cạnh những thành công ban đầu, trong chiến lược hội nhập quốc tế của mình,
CASS đang phải đối diện với rất nhiều thách thức và nguy cơ tụt hậu so với thế
giới. Do vậy, từ thực tiễn hội nhập của CASS để rút ra ra những kinh nghiệm có
tính gợi mở, cũng như cần tránh đối với VASS là một nhiệm vụ hữu ích để tham khảo
và vận dụng trong quá trình hội nhập và phát triển của KHXH Việt Nam giai đoạn
10 năm tiếp theo của thế kỉ XXI.
PGS.Ts. ®Æng
nguyªn anh
TS. nguyÔn thÞ
thu ph¬ng
th.s ph¹m hång
yÕn