I. Tình hình kinh tế Trung Quốc tháng 7- 2012
Mặc dù Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã liên tục hạ lãi suất cơ bản (hạ 2 lần chỉ trong vòng 28 ngày) để chặn đà giảm tốc nhưng những số liệu vĩ mô chủ yếu đều cho thấy kinh tế Trung Quốc trong tháng 7 tiếp tục đà suy giảm.
Chỉ số giá tiêu dùng CPI trong tháng 7 thấp dưới mức 2%, đạt 1,8%, giảm 0,4 điểm phần trăm so với tháng trước. Đây là mức thấp nhất trong hơn 2 năm trở lại đây. Tính chung cả 7 tháng đầu năm CPI đạt 3,1%.[1]
CPI không ngừng giảm đã tạo không gian cho Ngân hàng Trung ương nới lỏng chính sách tiền tệ để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, việc đảm bảo ổn định tăng trưởng sẽ được đưa lên vị trí quan trọng hơn. Dự kiến, từ nay đến cuối năm, chính phủ sẽ đưa ra chính sách nới lỏng hơn. Cùng quan điểm, nhà kinh tế trưởng của ngân hàng ANZ phụ trách thị trường Trung Quốc cho rằng: “Việc nới lỏng chính sách tiền tệ cần phải quyết liệt hơn trong thời gian còn lại của năm nay”[2]
Sản xuất công nghiệp có quy mô trong tháng 7 tăng trưởng thực tế 9,2%, giảm 0,3 điểm phần trăm so với tháng 6. Đây là mức tăng chậm nhất kể từ tháng 5/2009. Tính chung cả 7 tháng đầu năm sản xuất công nghiệp tăng trưởng 10,3%.[3]
Lợi nhuận của các doanh nghiệp công nghiệp tiếp tục giảm, 6 tháng đầu năm, lợi nhuận của các doanh nghiệp công nghiệp có quy mô đạt 2311,7 tỉ NDT, giảm 2,2% so với cùng kỳ năm trước, mức độ giảm thu hẹp 0,2 điểm phần trăm so với mức 2,4% của 5 tháng đầu năm.
Về xuất nhập khẩu, theo số liệu công bố ngày 10/8 của Tổng cục Hải quan Trung Quốc[4], tháng 7-2012 kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 328,73 tỉ USD chỉ tăng trưởng 2,7%; Trong đó tăng trưởng xuất khẩu chỉ nhích nhẹ 1% so với cùng kỳ năm trước và thấp hơn nhiều so với mức kỳ vọng 8% của các nhà kinh tế. Ngay cả khi loại trừ nhân tố lễ Tết, tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc vẫn đang ở mức thấp nhất kể từ năm 2009.
Kim ngạch nhập khẩu trong tháng 7 cũng chỉ tăng trưởng 4,7%, giảm 1,6 điểm phần trăm so với mức tăng 6,3% trong tháng 6. Trước đó các chuyên gia được Bloomberg khảo sát dự báo mức tăng trưởng nhập khẩu đạt 7%; để đạt mục tiêu tăng trưởng thương mại cả năm 10% sẽ không dễ dàng.
Thặng dư thương mại tháng 7/2012 đạt 25,15 tỷ USD, giảm 16,8% so với mức 31,7 tỷ USD trong tháng 6. Con số này thấp xa so với dự báo 35,2 tỷ USD của các chuyên gia.
Hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc tiếp tục bị tác động mạnh bởi khủng hoảng tại châu Âu khi kim ngạch tới thị trường này giảm 16,2% trong tháng 7. Tính chung bảy tháng đầu năm 2012, kim ngạch thương mại hai chiều Trung Quốc – EU đạt 315,75 tỉ USD, giảm 0,9%.
Tháng 7 xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ tăng nhẹ 0,6%, thấp hơn nhiều so với mức 10,6% trong tháng 6. Bảy tháng đầu năm 2012, kim ngạch thương mại hai chiều Trung – Mỹ đạt 271,4 tỉ USD, tăng trưởng 10,5%.[5]
Chỉ số quản lý thu mua PMI tháng 7 cũng giảm 0,1 điểm phần trăm so với tháng trước, đạt 50,1%. Trong đó, PMI của các doanh nghiệp lớn là 50,3%; của các doanh nghiệp vừa là 50,2% và ở các doanh nghiệp nhỏ, mặc dù đã tăng 0,9 điểm phần trăm so với tháng trước nhưng PMI vẫn là 48,1%, liên tiếp 4 tháng liền dưới ngưỡng 50% (ngưỡng cho thấy sản xuất đang thu hẹp). Như vậy các doanh nghiệp nhỏ ở Trung Quốc vẫn gặp rất nhiều khó khăn.
Tháng 7-2012, trong 5 chỉ số cấu thành PMI thì có đến 4 chỉ số giảm (trong đó, chỉ số sản xuất thấp nhất kể từ tháng 12-2011; chỉ số đơn đặt hàng mới liên tiếp 3 tháng liền thấp dưới ngưỡng 50%; chỉ số về số việc làm cũng liên tiếp 2 tháng liền dưới ngưỡng 50%;…) và chỉ có 1 chỉ số tăng, nhưng đó lại là chỉ số tồn kho nguyên vật liệu thô.[6]
Điều này cho thấy các doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn, hoạt động sản xuất kinh doanh thu hẹp, lượng tồn kho nguyên vật liệu tăng, lượng lao động sử dụng vì thế cũng giảm…
* Xuất hiện hiện tượng tiền nóng rút khỏi Trung Quốc
Theo số liệu công bố mới nhất của Cục Ngoại hối nhà nước Trung Quốc, nửa đầu năm nay thâm hụt của các hạng mục tiền tệ và tư bản của Trung Quốc tới 20,3 tỉ USD. Trong đó, quý I mức thặng dư lại vượt quá 50 tỉ USD, quý II thâm hụt tới 71,4 tỉ USD. Điều này có nghĩa là quý II xuất hiện hiện tượng tiền nóng rút khỏi Trung Quốc đến trên 70 tỉ USD.[7]
Theo tính toán của người trong ngành, với công thức “tiền nóng = lượng dự trữ ngoại tệ tăng mới - FDI - thặng dư thương mại” thì sơ bộ riêng trong tháng 7 lượng tiền nóng rút ra khỏi Trung Quốc vượt 30 tỉ USD, có tính toán thậm chí lên tới 34 tỉ USD.[8]
Đối với hiện tượng này, người có trách nhiệm của Cục Quản lý ngoại hối nhà nước Trung Quốc nhấn mạnh rằng đây không phải là vốn nước ngoài tập trung rút khỏi Trung Quốc với quy mô lớn, sự thay đổi tình hình ngoại hối chủ yếu là do tài sản, tiền tệ nước ngoài từ Ngân hàng trung ương nắm giữ chuyển hướng sang các tổ chức trong nước và cá nhân, không có dấu hiệu rõ ràng cho thấy vốn nước ngoài chủ động rút khỏi Trung Quốc.
Mặc dù vậy thì hiện tượng này cũng làm tăng áp lực giảm giá đồng NDT; tiền nóng rút khỏi có thể dẫn đến giảm dự trữ ngoại tệ, và cuối cùng có thể mang lại sự thay đổi sâu sắc trong phương thức cung tiền của Trung Quốc. Có ý kiến cho rằng nếu xuất hiện xu thế lượng gia tăng ngoại hối tiếp tục giảm, để bảo đảm tính thanh khoản đầy đủ trên thị trường, Ngân hàng Trung ương sẽ phải tiếp tục cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc để ứng phó.[9]
Trước mắt, việc cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc chưa được sử dụng, nhưng để giải quyết tình trạng thiếu hụt thanh khoản trên thị trường tiền tệ, Ngân hàng Trung ương đã thực hiện nghiệp vụ thị trường mở. Ngày 21-8-2012, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã tiến hành nghiệp vụ mua lại (trái phiếu, giấy tờ có giá…) với tổng lượng lên tới 220 tỉ NDT, đây là lượng mua với quy mô cao nhất trong 1 ngày từ trước đến nay.[10]
II. Dự báo kinh tế Trung Quốc nửa cuối năm 2012
Tính từ đầu năm 2011 đến quý II- 2012, tăng trưởng GDP của Trung Quốc đã liên tục giảm trong 6 quý liền. Song theo ý kiến của các chuyên gia, GDP ở quý II-2012 đã chạm đáy, sang quý III sẽ có xu hướng tăng. Dự báo quý III GDP sẽ vào khoảng 8%, quý IV là khoảng 8,3% và cả năm sẽ đảm bảo mức 8%.[11]
Tuy vậy, với số liệu vĩ mô mới nhất về tình hình kinh tế tháng 7, một số dự báo về mức tăng trưởng đã điều chỉnh thấp hơn so với trước. Ma Jun, chuyên gia kinh tế của ngân hàng Deutsche Bank cho rằng với tình hình này tốc độ tăng trưởng GDP quý III của Trung Quốc khó cải thiện so với quý II. Ngày 9-8 ngân hàng hàng đầu nước Anh Barclays Plc đã hạ mạnh dự báo tăng trưởng của Trung Quốc trong quý III từ 8,2% xuống còn 7,7%; Deutsche Bank cũng điều chỉnh dự báo từ 7,9% xuống 7,5%.[12]
Merrill Lynch Mỹ trong báo cáo công bố ngày 13-8 cũng giảm dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc năm 2012 từ 8% xuống 7,7%. Ngày 14-8, Barclays cũng hạ dự báo tăng trưởng GDP sáu tháng cuối năm của Trung Quốc từ 8,1% xuống 7,9%; cùng ngày Morgan Stanley cũng điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc năm 2012 từ 8,5% xuống 8,0%.[13]
Thu Hiền
[1] Tình hình biến động chỉ số giá tiêu dùng tháng 7-2012, Cục Thống kê nhà nước Trung Quốc, ngày 9-8-2012, http://www.stats.gov.cn/tjfx/jdfx/t20120809_402826212.htm
[2] Kinh tế Trung Quốc vẫn xấu đi nhanh chóng bất chấp kích cầu, ngày 13-8-2012, http://www.hpsc.com.vn/News/Default.aspx?c2=15&id=17545&d=
[3] Tình hình vận hành sản xuất công nghiệp có quy mô tháng 7-2012, Cục Thống kê nhà nước Trung Quốc, ngày 9-8-2012, http://www.stats.gov.cn/tjfx/jdfx/t20120809_402826318.htm
[4] Xuất nhập khẩu của Trung Quốc trong tháng 7 tăng trưởng 2,7%, mạng Tân Hoa, ngày 10-8-2012, http://news.xinhuanet.com/fortune/2012-08/10/c_112689932.htm
[5] Xuất nhập khẩu của Trung Quốc trong tháng 7 tăng trưởng 2,7%, mạng Tân Hoa, ngày 10-8-2012, http://news.xinhuanet.com/fortune/2012-08/10/c_112689932.htm
[6] Tháng 7-2012, chỉ số quản lý thu mua (PMI) của Trung Quốc là 50,1%, mạng Tin tức Thống kê Trung Quốc, ngày 1-8-2012, http://www.stats.gov.cn/tjfx/jdfx/t20120801_402823487.htm
[7] Quý II 71,4 tỉ USD tiền nóng rút khỏi Trung Quốc, Ngân hàng Trung ương có thể sẽ tiếp tục giảm tỉ lệ dự trữ bắt buộc, nguồn: Nhật báo Nam Phương, ngày 22-8-2012, http://news.xinhuanet.com/fortune/2012-08/22/c_123615161.htm
[8] Quý II 71,4 tỉ USD tiền nóng rút khỏi Trung Quốc, Ngân hàng Trung ương có thể sẽ tiếp tục giảm tỉ lệ dự trữ bắt buộc, nguồn: Nhật báo Nam Phương, ngày 22-8-2012, http://news.xinhuanet.com/fortune/2012-08/22/c_123615161.htm
[9] Quý II 71,4 tỉ USD tiền nóng rút khỏi Trung Quốc, Ngân hàng Trung ương có thể sẽ tiếp tục giảm tỉ lệ dự trữ bắt buộc, nguồn: Nhật báo Nam Phương, ngày 22-8-2012, http://news.xinhuanet.com/fortune/2012-08/22/c_123615161.htm
[10] 220 tỉ NDT mức cao nhất trong lịch sử Ngân hàng Trung ương mua lại trong một ngày , ngày 22-8-2012, http://news.xinhuanet.com/fortune/2012-08/22/c_123613057.htm
[11] Đối thoại với Chủ tịch ngân hàng Giao thông, nhà kinh tế học Liên Bình: các dấu hiệu của nền kinh tế đã ổn định, mạng Tân Hoa, ngày 19-7-2012, http://news.xinhuanet.com/fortune/2012-07/19/c_112479853.htm
[12] Kinh tế Trung Quốc vẫn xấu đi nhanh chóng bất chấp kích cầu, ngày 13-8-2012, http://www.hpsc.com.vn/News/Default.aspx?c2=15&id=17545&d=
[13] Nhiệm vụ ổn định tăng trưởng vẫn còn nặng, chính sách tiền tệ có xu hướng nới lỏng, nguồn: Thời báo kinh tế Trung Quốc, ngày 16-8-2012, http://news.xinhuanet.com/fortune/2012-08/16/c_123590601.htm