TRANG CHỦ
TỪ ĐIỂN
TRA CỨU THƯ VIỆN
SƠ ĐỒ TRANG WEB
LIÊN HỆ
NGÔN NGỮ
 
 
Thu viện ảnh
 Thời tiết Minimize | Maximize
 Hà nội  ° 
 Hải phòng  ° 
 Đà nẵng  ° 
 Hồ chí minh  ° 
Truy cập : 9830462
 
THƯỜNG THỨC TQ HỌC
Tập tục "tảo trần" trong dịp tết của Trung Quốc: truyền thuyết và ý nghĩa (21/03/2013)

Sau nghi thức tế lễ Táo quân, người dân Trung Quốc chính thức bắt đầu tiến hành việc chuẩn bị mừng đón năm mới. Mỗi năm, quãng thời gian từ 23 tháng Chạp đến đêm trừ tịch được dân gian gọi là "Những ngày đón xuân" (Nghênh xuân nhật). Phần lớn các địa phương ở Trung Quốc chọn ngày 24 tháng Chạp là ngày "Tảo trần". Tảo trần chính là ngày quét dọn nhà cửa, tổng vệ sinh cuối năm, miền Bắc gọi là "Tảo phòng", "Tảo khôi"; miền Nam gọi là "Đản trần".

Tảo trần, chủ yếu là chỉ hoạt động quét dọn, vệ sinh nhà cửa thật sạch sẽ vào dịp cuối năm. Vào ngày này, nữ gia chủ thường trùm khăn lên đầu, dùng giấy hoặc những tấm áo đi mưa bằng lá, phủ lên đồ dùng trong nhà và giường chiếu trong phòng, rồi dùng phất trần lông gà loại lớn hoặc chổi, quét sạch tường vách từ trên xuống dưới. Sau đó, lau bàn ghế, cọ rửa sàn nhà. Tảo trần xong, nhiều cửa hàng cửa hiệu và nhà ở của bách tính lập tức đem lại cho người ta cảm giác hoàn toàn mới mẻ. Khắp nơi trong cả nước, đâu đâu cũng tràn ngập bầu không khí trong lành, niềm hân hoan đón chào năm mới.

Tập tục tảo trần đã có từ lâu ở Trung Quốc. Tập tục này ra đời từ một nghi thức tôn giáo khử bệnh trừ dịch. Theo ghi chép trong sách Chu lễ thời Tiên Tần, mỗi năm đến tết, các địa phương đều phải tiến hành tổng vệ sinh; sách Lễ ký thì ghi: "Kê sơ minh, sái tảo thất cập đình" (Gà vừa gáy sáng, (cần) vảy nước quét nhà và sân). Điều này chứng tỏ từ hơn 2000 năm trước, người Trung Quốc đã biết cách quét dọn phù hợp với yêu cầu vệ sinh.

Đến thời kỳ Đường - Tống (618 - 1297), phong tục "Tảo trần" thịnh hành. Theo ghi chép trong tác phẩm Mộng lương lục của học giả Ngô Tự Mục thời Tống, mỗi năm khi đến hạ tuần tháng Chạp, dù là ở những căn nhà đơn sơ chật hẹp của bình dân, hay trong những tòa nhà rộng rãi nguy nga của quý tộc và quan lại, người ta đều phải quét dọn vô cùng cẩn thận để cầu cho năm mới được may mắn, bình an.

Theo cách nói trong dân gian ở Trung Quốc, vì chữ "trần" () là "bụi bặm" đồng âm với chữ "trần" () là "cũ kỹ", nên quét bụi (tảo trần) khi Xuân về có hàm ý là "Bỏ cũ đón mới" (trừ trần bố tân). Người dân hi vọng, bằng việc "tảo trần" thì mọi chuyện buồn vận rủi sẽ được "quét" sạch ra khỏi nhà. Tập tục này tượng trưng cho nguyện vọng của người dân, muốn gột sạch mọi điều nhơ bẩn trong năm; đồng thời cũng gửi gắm kì vọng vào một năm mới vạn sự như ý, người và gia súc đều được bình an vô sự.

Về nguồn gốc của tập tục tảo trần, ở Trung Quốc từ xa xưa đã lưu truyền trong dân gian một câu chuyện khá lạ lùng:

Theo cổ nhân, trên thân thể mỗi người đều có một vị "thần Tam thi" hình dáng giống nhau, luôn song hành cùng con người. Tuy nhiên, "thần Tam thi" lại là kẻ thích a dua nịnh nọt, xui nguyên giục bị. Ông ta thường bịa đặt nhiều chuyện nhảm nhí trước mặt Ngọc hoàng đại đế, nói nhân gian là chốn cùng cực xấu xa. Nghe mãi thì tin, nên Ngọc hoàng luôn có  ấn tượng nhân gian là một thế giới bẩn thỉu, ngập tràn tội ác.

Một lần, "Thần Tam thi" mật báo, dưới nhân gian đang nguyền rủa Ngọc hoàng, mưu  phản thiên đình. Nghe thế, Ngọc hoàng đùng đùng nổi giận, lập tức giáng chỉ cho Vương Linh quan xuống hạ giới trong đêm trừ tịch, tra xét rõ âm mưu phản loạn; nhà nào căm phẫn các vị thần, khinh nhờn thần linh thì "thần Tam thi" hãy treo mạng nhện lên góc tường dưới mái hiên nhà để đánh dấu. Sau đó, phàm là những nhà có mạng nhện thì cả nhà sẽ bị bắt và chém chết.

Âm mưu của "thần Tam thi" trót lọt, hắn bèn hùng hổ treo mạng nhện lên bức tường dưới mái hiên mỗi nhà. May mắn là, Táo quân đã phát hiện ra âm mưu của "thần Tam thi". Thế là Táo quân bèn nghĩ ra một biện pháp: Kể từ ngày 23 tháng Chạp cúng Táo quân đến đêm trừ tịch đón Táo quân, mỗi gia đình tất phải dọn dẹp sạch sẽ nhà cửa. Nếu hộ nào dọn không sạch, Táo quân sẽ không vào nhà. Mọi người làm theo lời dặn của Táo quân: nhà nhà quét dọn mạng nhện, bụi bặm; lau chùi bàn ghế, cửa sổ; tổng vệ sinh trong nhà ngoài sân…, khiến căn hộ của mỗi gia đình mới mẻ sạch sẽ khác thường.

Đến đêm trừ tịch, khi Linh Vương quan xuống hạ giới tra xét, thấy nhà nhà đều sạch sẽ ngăn nắp, đèn nến rực rỡ, mọi người đang đoàn tụ chúc tụng nhau vui vẻ, cảnh tượng vô cùng thanh bình. Vương Linh quan bèn trở về thiên đình, báo cho Ngọc hoàng đại đế biết tình hình tốt đẹp an lành, khi mọi người dưới hạ giới đều đang cầu mong cho năm mới được như ý. Nghe xong, Ngọc hoàng vô cùng sửng sốt, lập tức giáng chỉ, bắt "thần Tam thi" đầu thai làm kiếp chó vĩnh viễn, rồi nhốt vào chuồng ở trên thiên đình. Lần này, nhờ được Táo quân cứu giúp, nhân gian mới may mắn thoát khỏi tai ương. Từ đó, mỗi năm sau khi tế lễ Táo quân, mọi nhà đều phải tiến hành tổng vệ sinh.

Không những phải quét dọn nhà cửa, người ta còn phải tắm gội, cắt tóc để mừng đón năm mới. Thế nên, sau ngày 24 tháng Chạp, các cửa hiệu cắt tóc đều đồng loạt dán tờ giấy đỏ, ghi: "Ngày thường giá cũ, nay theo tục lệ, tăng giá gấp đôi".

Sau ngày tảo trần, nhà nhà vẫn tiếp tục bận rộn chuẩn bị tết. Tết còn chưa đến thì người ta vẫn luôn có nhu cầu mua sắm. Mọi nhà, ngoài việc mua sắm hương, nến, ngựa giấy để cúng lễ tổ tiên, thánh thần, còn phải mua các loại hoa quả, rau xanh, bánh ngọt, các loại rượu, tranh thần tài, bánh bao hấp, hoa văn dán trên cửa sổ, tranh tết, v.v…

Ngày nay, nhiều loại thực phẩm dùng trong dịp tết, người ta có thể đến siêu thị mua; ngày xưa, người ta phải tự chế biến. Đặc biệt ở nông thôn, hầu hết mọi nhà đều tự làm lấy thức ăn cho gia đình vào dịp tết. Ví như, sau khi giết lợn mổ dê, cần phải ninh, hầm hay kho - tùy từng loại thịt. Sau đó, phân loại các bộ phận nội tạng để chế biến thành các món khác nhau; người ta cũng dùng tiết lợn hoặc thịt lợn trộn với gia vị để làm món dồi rán, hoặc dùng thịt tươi để làm món thịt muối; Lại cần phải xay đậu để làm đậu phụ, xay sát lúa mạch để lấy bột làm bánh bao, mỳ sợi, sủi cảo, v.v…. Tuy mọi nhà đều bận rộn không dứt ra được, nhưng không khí vui vẻ, tưng bừng nhộn nhịp tràn ngập khắp nơi, từ thành thị đến những miền quê xa xôi hẻo lánh.

Đến ngày 25 tháng Chạp, ở một số địa phương của Trung Quốc còn lưu truyền tập tục "Tiếp Ngọc hoàng". Tục cũ cho rằng, sau khi Táo quân về trời ngày 23 tháng Chạp thì ngày 25, Ngọc hoàng sẽ đích thân xuống hạ giới tra xét việc thiện - ác ở chốn nhân gian, qua đó định ra phúc - họa cho năm mới. Vì thế, ngày 25 tháng Chạp mỗi năm nhà nhà đều phải tế lễ Ngọc hoàng, cầu xin được ban phúc, gọi là "Tiếp Ngọc hoàng". Trong ngày này, việc ăn ở, sinh hoạt và cách nói năng của mọi người đều phải hết sức thận trọng, nhằm tranh thủ cảm tình của Ngọc hoàng. Như vậy, Ngọc hoàng sẽ vui vẻ, giáng phúc cho năm mới.

DUY ĐẠT biên khảo

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Trung Quốc xuân tiết tập tục

     (http://www.360doc.com/content/07/1201/16/9787 862394.shtml).

2. Vương Kiến Huy - Dịch Học Kim chủ biên: Tinh hoa tri thức văn hóa Trung Quốc (sách dịch), Nxb Thế giới, H.2004.

3. Nhiều tác giả: Trung Quốc thành  ngữ đại từ điển, Thượng Hải từ thư xuất bản xã, 1987.

4. Nhiều tác giả.: Từ hải, Thượng Hải từ thư xuất bản xã, 1998.




Các tin khác

Nguồn gốc tết nguyên đán cổ truyền của Trung Quốc (05/03/2012)
Về bốn loại sách sử lớn trong nền sử học Trung Quốc: chính sử, biệt sử, tạp sử và dã sử (05/03/2012)
Tác phẩm sử học xuân thu và xuân thu tam truyện (05/03/2012)
Quan điểm Dĩ nhân vi bản (03/03/2012)
Hoà nhi bất đồng gia tài tinh hoá văn hoá Trung Quốc (03/03/2012)
Học thuyết Âm dương Ngũ hành với Y học cổ truyền phương Đông (03/03/2012)
Quá trình truyền bá cơ đốc giáo và văn hoá cận đại phương tây ở Trung Quốc (03/03/2012)
Quan niệm phát triển khoa học (03/03/2012)
Ngày xuân tìm hiểu Di lặc Tôn Phật (03/03/2012)
Bàn về ngữ nghĩa đất nước học trong hai ngôn ngữ Hán - Việt (07/10/2010)
 
TIN MỚI NHẤT
ẤN PHẨM - XUẤT BẢN
 
 
TRANG CHỦ
TỪ ĐIỂN
TRA CỨU THƯ VIỆN
SƠ ĐỒ TRANG WEB
LIÊN HỆ
 
 
BẢN QUYỀN THUỘC VIỆN NGHIÊN CỨU TRUNG QUỐC - INSTITUTE OF CHINESE STUDIES
Địa chỉ: Số 176 Thái Hà, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam
Điện thoại: 024.32171020; Email: vnics@vnics.org.vn