TRANG CHỦ
TỪ ĐIỂN
TRA CỨU THƯ VIỆN
SƠ ĐỒ TRANG WEB
LIÊN HỆ
NGÔN NGỮ
 
 
Thu viện ảnh
 Thời tiết Minimize | Maximize
 Hà nội  ° 
 Hải phòng  ° 
 Đà nẵng  ° 
 Hồ chí minh  ° 
Truy cập : 9288823
 
THƯỜNG THỨC TQ HỌC
Bàn về ngữ nghĩa đất nước học trong hai ngôn ngữ Hán - Việt (07/10/2010)

Tóm tắt: Một số biểu hiện tương đồng và khác biệt văn hóa Hán – Việt đã được chuyển tải trong nội hàm ngữ nghĩa đất nước học của hai cộng đồng ngôn ngữ. Kết quả phân tích đối chiếu nhằm tăng cường tài liệu tham khảo cho việc dạy học ngôn ngữ, nghiên cứu và giao tiếp liên văn văn hóa Việt Nam và Trung Quốc.

Từ khóa: Ngữ nghĩa; từ ngữ đất nước học; đối chiếu ngôn ngữ

1.Dẫn nhập

Nghiên cứu ngữ nghĩa đất nước học trong lớp từ vựng tiếng Hán và tiếng Việt không những có tác dụng đối với việc phát triển lý luận ngôn ngữ học, mà còn cung cấp nhiều tri thức hữu ích đối với việc dạy ngoại ngữ, phiên dịch, góp phần quan trọng trong việc nâng cao tính hiệu quả của việc sử dụng ngôn ngữ trong giao tiếp liên văn hoá. Trong bài viết này, chúng tôi muốn trình bày những nội dung cơ bản về ngữ nghĩa đất nước học, bước đầu liên hệ với tiếng Việt và tiếng Hán, chỉ ra những mô thức tương đồng và khác biệt. Nhằm mục đích tăng cường tài liệu tham khảo cho việc dạy học, phiên dịch, giao tiếp và nghiên cứu đối chiếu ngôn ngữ văn hóa Hán – Việt.

 

2.Nội hàm ngữ nghĩa đất nước học trong hai ngôn ngữ Hán – Việt

2.1.Văn hóa dân tộc và nội hàm ngữ nghĩa đất nước học

Ngữ nghĩa đất nước học là phần cốt lõi của ngôn ngữ học văn hoá. Ngôn ngữ học văn hoá xuất phát từ góc độ của văn hoá, thông qua bản thân nhân tố văn hoá để nghiên cứu ngôn ngữ. Ngôn ngữ là một hệ thống phức thể, kết hợp âm và nghĩa để phản ánh, biểu đạt, ghi nhận và truyền bá văn hoá dân tộc.

Hệ thống ngữ nghĩa của ngôn ngữ được tạo dựng từ các loại hình ý nghĩa, như: ý nghĩa từ vựng, ý nghĩa ngữ pháp, ý nghĩa tu từ... Trong đó, ý nghĩa tu từ của ngôn ngữ được phân ra thành sắc thái biểu cảm, sắc thái phong cách và sắc thái liên tưởng. Từ ý nghĩa tu từ quá độ sang lĩnh vực phát ngôn còn chia ra ý nghĩa ngữ cảnh và ý nghĩa văn hoá xã hội. Sắc thái liên tưởng của từ ngữ tạo ra do liên tưởng ý nghĩa từ vựng, có khi là liên tưởng trực tiếp tạo ra từ ngữ nghĩa, có khi là liên tưởng gián tiếp tạo ra do môi giới ngữ âm. Những liên tưởng này lại phần nhiều có liên quan đến văn hoá dân tộc. Đó chính là ngữ nghĩa đất nước học.

Liên tưởng được tạo ra từ mặt thuộc tính ngữ nghĩa khách thể trong ngôn ngữ. Chẳng hạn “老狐狸/cáo già” trong tiếng Hán và “cáo già” trong tiếng Việt, đều gợi liên tưởng “giảo hoạt, tinh ma”. Trường hợp này hai từ đều có ý nghĩa liên tưởng tương đương.

Có loại hình ngữ nghĩa đất nước học được tạo ra do tính đa nghĩa của từ. Chẳng hạn, từ “芙蓉/phù dung” trong tiếng Hán và “phù dung” trong tiếng Việt đều có ý nghĩa liên tưởng “người con gái đẹp”. Song do các ngôn ngữ không có hệ thống từ ngữ tương đương ngữ nghĩa hoàn toàn, nên không thể có sự liên tưởng hoàn toàn giống nhau. Từ “ả phù dung” và “nàng tiên nâu(thuốc phiện), trong tiếng Việt là ngữ nghĩa đất nước học mà không có ngữ nghĩa tương ứng trong từ “芙蓉/phù dung” tiếng Hán.

Còn có những loại hình ngữ nghĩa đất nước học được tạo ra do sự liên tưởng theo thói quen riêng của cộng đồng ngôn ngữ. Đây là ý nghĩa liên tưởng đặc thù của một dân tộc. Ví dụ, trong tiếng Hán từ红烛/ngọn nến” được liên tưởng tới “老师/người thầy giáo”, tương ứng với “bó đuốc” trong tiếng Việt;圆形/hình tròn” trong tiếng Hán liên tưởng đến ý nghĩa “团圆/đoàn viên;tàu há mồm” trong tiếng Việt liên tưởng đến “con nhỏ đang phải nuôi nấng;trồng cây si” liên tưởng đến “mê gáiqua phương thức chơi chữ đồng âm.

Như vậy, sắc thái liên tưởng của từ ngữ mang đặc điểm dân tộc rõ nét. Văn hóa dân tộc đã tạo ra cho từ ngữ những sắc thái liên tưởng, từ đó hình thành nên loại hình ngữ nghĩa đất nước học trong ngôn ngữ của mỗi dân tộc.

2.2.Thông tin ngữ nghĩa đất nước học trong từ vựng

2.1.1.Bối cảnh lịch sử trong các từ ngữ đất nước học

Bối cảnh văn hoá lịch sử luôn gắn liền với từ ngữ đất nước học, nắm bắt được bối cảnh văn hóa lịch sử, chúng ta mới có thể lĩnh hội đầy đủ ý nghĩa đất nước học của nó. Ví dụ, nét nghĩa “nơi giam cầm những trí thức bị đấu tố” trong từ牛棚/chuồng bò nét nghĩa “hội nghị đấu tố” trong từ 斗鬼会/hội đấu quỷ” trong tiếng Hán ngày nay ít được dùng, song ở đó chứa đựng những tri thức nền về cách mạng văn hoá Trung Quốc (1966 - 1976). Người học tiếng Hán và nghiên cứu tiếng văn hoá Trung Quốc không thể không nắm vững những kiến thức này.

Tiếng Việt khi nhắc đến “ngọn cờ lau”, “anh hùng áo vải”, chứa đựng những thông tin liên quan tới triều đại vua Đinh Bộ Lĩnh và vua Quang Trung trong lịch sử Việt Nam.

2.1.2.Hàm nghĩa và sắc thái văn hoá dân tộc của từ ngữ đất nước học

Ngữ nghĩa đất nước học của từ ngữ liên quan tới hoàn cảnh lời nói và bình diện ngữ dụng của từ, đồng thời có liên quan tới vị trí của từ trong hệ thống từ vựng của một ngôn ngữ cụ thể. Những từ như: “油条/bánh quẩy” với nghĩa “老油条/kẻ ranh ma, “松柏/tùng bách” với nghĩa “kiên trinh”, “chịu thử thách” trong tiếng Hán đều có sắc thái văn hoá đặc thù.Hoa đào” và “hoa mai” trong tiếng Việt luôn gắn với nội hàm “mùa xuân”.

Những lời thăm hỏi xã giao tiếng Hán dùng trong giao tiếp thường ngày như: “哪里,哪里\ đâu có, đâu dám”; “你吃饭了吗/anh ăn cơm chưa?”, được sử dụng với tần số cao, và hàm chứa ngữ nghĩa đất nước học biểu thị sự “bản tính khiêm nhường”, “câu chào bày tỏ sự quan tâm thân thiện” trong tính cách của người giao tiếp. Từ “cá voi” trong tiếng Việt hàm chứa nét nghĩa đất nước học hoàn toàn mới với nghĩaân nhân” của những người dân đánh cá vùng biển miền Trung, từ tương ứng trong tiếng Hán là鲸鱼không hàm chứa nét nghĩa này. Nội hàm văn hóa làng xã đặc thù của Việt Nam được diễn đạt trong những từ ngữ, như: “đất ‘có’ Thổ Công, sông ‘có’ Hà Bá”, “phép vua thua lệ làng”, “đất lề quê thói”, “một miếng đầu làng bằng một sàng xó bếp”...

Sắc thái văn hoá của từ ngữ gắn bó với sự phát triển, thay đổi của ngôn ngữ. Chẳng hạn từ “爱人/vợ” sau năm 1949 được dùng để chỉ chung “vợ/chồng/người yêu, giai đoạn về sau nghĩa của từ “爱人/vợ” thu hẹp lại chuyên dùng chỉ “vợ/ chồng”, dùng các từ对象/đối tượng,朋友/bạnđể chỉ “người yêu”.

2.1.3.Cách dùng đặc thù của từ ngữ đất nước học

Tên một số nhân vật thường mang theo ý nghĩa tu từ. Ví dụ Q/AQ” vốn là tên nhân vật chính trong tiểu thuyết của Lỗ Tấn về sau chỉ “kẻ thất bại nhưng lại tự an ủi bằng phép thắng lợi tinh thần”, kèm theo sắc thái chê bai, khôi hài. “Q/AQ” được dùng như một tính từ trong tiếng Hán lại hàm ẩn ý nghĩa “ngây ngô, ngố”, 你太阿Q!/Mày AQ quá - mày ngố quá. “诸葛亮/Gia Cát Lượng là hiện thân của trí tuệ;曹操/Tào Tháo” biểu thị cho tính đa nghi, gian hùng.

Tên nhân vật “Chí Phèo” trong tác phẩm của nhà văn Nam Cao (Việt Nam) được gắn với hàm ý “người càn quấy , hay la lối ăn vạ”; trong truyện dân gian Việt Nam có tên nhân vật “Cuội” thường được gắn với hàm ý “người hay nói dối”; “Trạng Quỳnh” là đại diện cho trí thông minh; “Thánh Gióng” là biểu tượng sức mạnh, ý chí chống xâm lược của dân tộc Việt Nam; “Tấm” mang hàm ý của cái tốt, “Cám” gắn với hàm ý của cái xấu.

Địa danh trong tiếng Hán cũng hàm chứa ngữ nghĩa đất nước học, ví dụ:不到黄河心不死/chưa đến Hoàng Hà thì lòng chưa nản”, nghĩa là: “chưa đến bước đường cùng thì chưa chịu”; “倒贩陈皮到广东/đem trần bì bán ngược lại Quảng Đông”, nghĩa là: “chở củi về rừng”; “邯郸学步/học cách đi của người Hàm Đan”, mang nghĩa: “học đòi không phải lối. Hoàng Hà chỉ nơi hiểm yếu, Quảng Đông là nơi sản xuất nhiều trần bì, Hàm Đan là thủ đô nước Triệu thời Tam Quốc, dáng đi của người ở đó rất đẹp.生在苏州,长在杭州,吃在广州,死在柳州/sinh ra ở Tô Châu, lớn lên ở Hàng Châu, ăn uống ở Quảng Châu, chết chôn ở Liễu Châu” (Tô Châu là vùng đất sinh ra nhiều con gái đẹp, Hàng Châu có nhiều phong cảnh đẹp, Quảng Châu có nhiều món ăn ngon, Liễu Châu có nhiều loại gỗ tốt để đong quan tài).

Câu nói “chè Thái, gái Tuyên” trong tiếng Việt được dung để ví với nghĩa “sản phẩm chè của Thái Nguyên rất ngon”, “con gái vùng đất Tuyên Quang rất xinh”; “gái Bắc, chồng Kinh”: con gái vùng Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội) đảm đang, con trai vùng Bắc Ninh tháo vát; “ăn Bắc, mặc Kinh” (đồ ăn thức uống ở kinh thành Thăng Long rất ngon, quần áo của vùng Bắc Ninh rất đẹp)

Trong những ví dụ trên, đặc trưng của những địa danh và đặc điểm của nhân vật được gọi tên đã tạo ra nội hàm ngữ nghĩa đất nước học đặc thù trong tiếng Hán và tiếng Việt.

2.1.4.Ngữ cố định như thành ngữ, ngạn ngữ, tục ngữ, cách ngôn, quán ngữ... thường mang theo ngữ nghĩa đất nước học. Những ngữ cố định này có lúc có mối liên hệ với ý nghĩa lịch sử, gắn với các sắc thái văn hoá dân tộc, chẳng hạn thành ngữ “债台高筑/món nợ chất cao” tiếng Hán tương đương nghĩa với thành ngữ tiếng Việt “nợ như chúa Chổm. Thành ngữ “身在曹营心在汉/thân ở trại Tào, lòng ở đất Thục” (liên quan đến võ tướng Quan Vân Trường thời Tam quốc ở Trung Quốc) tương đương nét nghĩa “người một nơi lòng dạ một nẻo” trong tiếng Việt.

Các loại hình ngữ nghĩa nói trên đều liên quan đến lịch sử văn hoá, phong tục tập quán của Việt Nam và Trung Quốc.

 

3.Đối chiếu ngữ nghĩa từ ngữ đất nước học trong hai ngôn ngữ Hán – Việt

3.1.Mô thức tương đồng ngữ nghĩa đất nước học

3.1.1.Từ ngữ tương ứng tạo ra ngữ nghĩa đất nước học tương đồng

Động vật muôn hình muôn vẻ, có những đặc trưng nổi bật thường được dùng để miêu tả phẩm chất, tính cách nào đó có liên quan đến người. Tên gọi cùng một loại động vật trong những ngôn ngữ khác nhau, có lúc cũng có thể đem theo ý nghĩa liên tưởng giống nhau, tạo thành hiện tượng ví von từ ngữ đất nước học đồng nghĩa.Ví dụ:

” - “chó sói”: gắn với ý “dữ tợn

狐狸” - “cáo”: gắn với ý “giảo hoạt

       ” - “rắn”: gắn với ý “nham hiểm

Từ/trâu; bòtrong tiếng Hán và những từ “”, “trâu” trong tiếng Việt cùng có nhiều nét nghĩa đất nước học như “ngu dốt”, “có sức lực”, “ngang bướng”. Chúng ta thường quan sát thấy các cách diễn đạt ví von sau:

笨如牛- “ngu như bò”

壮如牛- “khoẻ như trâu”

牛劲儿- “sức trâu bò”

气喘如牛- “thở như bò”

牛脾气”, “牛性 - “đầu bò đầu bướu”

Nếu đi sâu vào khảo sát, chúng ta thấy còn có nhiều từ chỉ động vật tương ứng trong hai ngôn ngữ Hán và Việt cũng thuộc hiện tượng đồng nghĩa đất nước học. Ví dụ:鹦鹉” - “vẹt”: “thói bắt chước”; “” - “chó”: “sự dơ bẩn; lòng trung thành”; “” - “lợn”: “sự ngu dốt”; “” - “hổ, hùm”: “có sức mạnh, quyền uy”...

3.1.2.Từ ngữ khác nhau tạo ra ngữ nghĩa đất nước học giống nhau

Một số tên gọi động vật khác nhau trong hai ngôn ngữ Hán – Việt có thể diễn đạt ngữ nghĩa đất nước học giống nhau. Ví dụ:

虎头蛇尾/đầu hổ đuôi rắn- “đầu voi đuôi chuột” (lúc đầu rầm rộ, sau thì bỏ dở)

牛鬼蛇神/trâu quỷ thần xà” - “đầu trâu mặt ngựa (những kẻ hung ác)

落汤鸡/gà rơi nước” - “ướt như chuột lột” (bị ướt từ đầu đến chân)

Có những trường hợp, ngữ nghĩa đất nước học tuy giống nhau, nhưng cách diễn đạt rất xa lạ đối với cộng đồng ngôn ngữ khác. Chẳng hạn Tiếng Hán sử dụng câu “猴年马月/驴年马月/năm khỉ tháng ngựa/năm lừa tháng ngựa”, tương ứng với cách diễn đạtđến mùa quýt/đến tết Công-Gô trong tiếng Việt, đều mang nét nghĩa “thời gian còn cách xa, không xác định, không thể chờ đợi được”. Câu 噤若寒蝉 tiếng Hán tương ứng với câuim như thóc đổ bồ trong tiếng Việt, cùng có nghĩaim lặng, chẳng nói chẳng rằng.

Trong hai ví dụ trên, cấu trúc bề mặt khác nhau rất xa. Nguyên nhân thuộc về những thói quen diễn đạt đặc thù trong mỗi ngôn ngữ. Đây là điều khó đối với phiên dịch.

3.2.Mô thức khác biệt ngữ nghĩa đất nước học

Sự khác biệt ngữ nghĩa đất nước học giữa tiếng Hán và tiếng Việt có mấy loại sau:

3.2.1.Từ ngữ tương ứng nhưng chỉ có một bộ phận ngữ nghĩa đất nước học tương đồng. Ví dụ:

Từ “杜鹃/đỗ quyên” trong tiếng Hán, ý nghĩa khách thể là chỉ một loài chim, và mang hàm nghĩa “ai oán, thê lương”, “nhớ nước, nhớ quê hương”, ngoài ra còn có ý nghĩa khách thể là một loài hoa, với hàm ý tượng trưng cho “mùa xuân”. Trong khi đó, từ ngữ tương ứng “chim cuốc” trong tiếng Việt chỉ tương đương với nét nghĩa của từ “杜鹃/đỗ quyên” trong câu: “Nhớ nước đau lòng con cuốc cuốc”. Từ “cuốc” trong tiếng Việt còn có bộ phận ngữ nghĩa đất nước học đặc thù khác biệt với tiếng Hán, như trong: “kêu như cuốc”, “đen như cuốc”, “lủi như cuốc”...

3.2.2.Từ ngữ tương ứng chỉ riêng một ngôn ngữ có ngữ nghĩa đất nước học

Từ ngữ tương ứng trong tiếng Hán và tiếng Việt, chỉ có trong tiếng Hán hoặc trong tiếng Việt có ngữ nghĩa đất nước học. Ví dụ: “桃李/đào mận trong tiếng Hán và “đào mận” trong tiếng Việt, có ý nghĩa thực thể giống nhau. Song, chỉ trong tiếng Hán có cách diễn đạt “桃李满天下/đào mận có ở khắp nơi”, nghĩa là: “học trò ở khắp nơi. Từ “桃李/đào mận” trong tiếng Hán có nghĩa bóng学生/học trò của một thầy giáo nào đó”. Trong khi đó từ “đào mậntương ứng trong tiếng Việt không có ý nghĩa này.

3.2.3.Tngữ tương ứng nhưng ngữ nghĩa đất nước học hoàn toàn khác biệt

Trong tiếng Hán/gấu mang nghĩa “ngu ngốc. Ví dụ: 你真熊!/mày ngốc quá!”, hoặc trong các từ ghép熊包” hay “熊包蛋”, đều có nghĩa là kẻ ngốc nghếch. Trong khi đó trong tiếng Việt từ “gấu” hàm chứa nghĩa “hung dữ và hỗn láo. Ví dụ “thằng cha này rất gấu”.

3.3.Nguyên nhân stương đồng và khác biệt ngữ nghĩa đất nước học giữa hai ngôn ngữ Hán và Việt

Sự tương đồng và khác biệt ngữ nghĩa đất nước học giữa hai ngôn ngữ Hán và Việt do nhiều nhân tố:

3.3.1.Phong tục tập quán dân tộc

Hai ngôn ngữ Hán - Việt là sản phẩm của những kinh nghiệm sống và thói quen khác nhau của những thành viên trong hai xã hội khác nhau. Những kinh nghiệm và thói quen đó nhất định sẽ tạo ra những nét giống nhau và khác nhau về góc độ, phương pháp, phương thức nhận thức và khảo sát vấn đề. Nói một cách khác, sự giống và khác nhau của ngữ nghĩa đất nước học do phong tục tập quán dân tộc quyết định. Ví dụ, từ “/hổ” trong tiếng Hán và “hổ” trong tiếng Việt đều tượng trưng “quyền lực, vua trong các loài thú, tuy vậy khi xuất hiện trong thành ngữ山中无老虎,猴子称大王/山中无老虎,猴子称霸/trong rừng không có hổ, khỉ xưng vương/xưng bálại tương ứng với hình thức diễn đạt khác ở tiếng Việtxứ mù thằng chột làm vua”. Thành ngữ “rồng đến nhà tôm” trong tiếng Việt, “rồng” mang theo ngữ nghĩa đất nước học giống với/rồngtrong tiếng Hán, đều chỉ “người cao quý;tôm” trong tiếng Việt chỉ “kẻ thấp hèn”, còn từ/tômtrong tiếng Hán không có nghĩa này. Song cách diễn đạt khác trong tiếng Hán là: 高人走到矮檐下——不得不低头/người cao bước đến mái nhà người thấp --- không thể không cúi đầu”, hoặc dùng câu “凤凰入乌鸦巢/Phượng Hoàng vào tổ Quạ”.

Từ ngữ chỉ màu sắc trong hai thứ tiếng cũng thể hiện rõ nét sự tương đồng và khác biệt ngữ nghĩa đất nước học. Ví dụ: “红白事/việc trắng đỏ” trong tiếng Hán tương ứng với “việc hiếu hỷ” trong tiếng Việt. Trong tiếng Việt và tiếng Hán, “màu đỏ” cùng tượng trưng cho việc “vui mừng, may mắn”; “màu trắng” cùng gợi liên tưởng đến những chuyện “đau buồn, tang tóc”. Tuy nhiên,红帽子/người đội mũ đỏ; phu khuân vác ở bến tàu trong tiếng Hán lại tương ứng với “cửu vạn, dân khuân vác” trong tiếng Việt; cụm từ戴绿帽子/người đội mũ xanh” hay “绿头巾/đầu đội khăn xanhtrong tiếng Hán tương ứng với “mọc sừng” (có vợ ngoại tình) trong tiếng Việt.

3.3.2.Bối cảnh văn hoá lịch sử

Sự phát triển của ngôn ngữ có nguyên nhân trực tiếp từ bối cảnh văn hóa lịch sử. Văn hoá của Trung Quốc và Việt Nam có nhiều điểm tương đồng, tuy vậy vẫn còn những khác biệt, điều đó đã đưa đến những liên tưởng ngữ nghĩa đất nước học khác nhau ở hình thức biểu đạt trong mỗi ngôn ngữ. Ví dụ: trong tiếng Hán diễn đạt 一人得道,鸡犬升天/một người tu đắc đạo, gà chó cũng được lên trời”, thì ở tiếng Việt sẽ diễn đạtmột người làm quan cả họ được nhờ...

Như trên đã đề cập, nhân danh và địa danh trong hai ngôn ngữ được sử dụng lâu dài cũng mang theo đặc trưng đất nước học. Ví dụ, từ 泰山/Thái Sơn trong tiếng Hán, ngoài ý nghĩa thực thể (tên núi của Sơn Đông) ra, còn chứa đựng ngữ nghĩa đất nước học: “con người được ngưỡng mộ, điều quan trọng và có giá trị” ở các từ ngữ “重如泰山/nặng tựa Thái Sơn”, “有眼不识泰山/có mắt không biết Thái Sơn... Còn hàm ẩn cách gọi tôn kính đối với bố vợ: “ông nhạc, nhạc phụ”. Như vậy, nội hàm của từ “泰山/Thái Sơn đã vượt ra khỏi phạm trù địa lý học bình thường, vì nó bắt nguồn từ lịch sử xa xưa của dân tộc Trung Hoa. Xét từ bình diện lịch đại, các từ “砥柱/đế trụ” trong “中流砥柱/Đế Trụ trung lưu” (trụ cột vững vàng) và “东山/Đông Sơn trong “东山再起/lại khởi dậy từ Đông Sơn (dựng lại cơ đồ) đều là địa danh, chỉ có điều trong khi sử dụng, rất ít người còn nhìn nhận ra được. Tương tự như vậy,孙山/Tôn Sơn trong “名落孙山/tên xếp sau Tôn Sơn” (trượt vỏ chuối, thi trượt) cũng là tên người gắn với điển tích.

Trong tiếng Việt, nhân danh và địa danh cũng hàm chứa ngữ nghĩa đất nước học. Trong các thành ngữ và ca dao, như: “nợ như chúa Chổm”, “oan như Thị Kính”, “ước gì anh lấy được nàng, để anh mua gạch Bát Tràng về xây”, “đường vô xứ Nghệ quanh quanh, non xanh nước biếc như tranh họa đồ” đều xuất hiện các nhân danh và địa danh gắn với điển tích, thi ca đã đi vào tiềm thức văn hóa lịch sử của người Việt Nam.

Trong nền văn hoá Hoa Hạ, “/rồng” là động vật truyền thuyết mà dân tộc Hán rất quen thuộc và có cảm tình. /rồng”, 凤凰/phượng hoàng, 麒麟/kỳ lân, và乌龟/rùa được gọi là “四灵/tứ linh”. Trong tiếng Việt, “rồng” cũng chứa đựng nhiều ngữ nghĩa đất nước học tượng tự. Ca dao Việt Nam có câu:

Trứng rồng lại nở ra rồng

Liu điu lại nở ra dòng liu điu.

Tương tự bộ phận với câu tục ngữ tiếng Hán: 龙生龙,凤生风,老鼠生仔打地洞/rồng sinh rồng, phượng sinh phượng, chuột sinh ra chuột khoét đất lầm ổ. (nòi nào giống nấy)

Nói về cội nguồn, tổ tiên dân tộc Việt Nam và Trung Hoa cũng có nhiều nét gần gũi trong biểu đạt. Ví dụ: “con rồng cháu tiên, gắn với truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ;con cháu vua Hùng, “con Hồng cháu Lạc”, đều gắn với tổ tiên, cội nguồn lịch sử của dân tộc Việt Nam. “龙的传人/truyền nhân của rồng”, “龙的子孙/龙子龙孙/con cháu của rồng” và “炎黄子孙/con cháu Nghiêm Hoàng, gắn với tổ tiên người Trung Hoa. Tuy vậy, trong mỗi thứ tiếng đều có nét nghĩa đất nước học riêng, biểu hiện trong từ vựng của mỗi cộng đồng dân tộc. Ví dụ trong tiếng Hán diễn đạt望子成龙,望女成凤/mong con trai thành rồng, mong con gái thành phượng, thì tương ứng với cách diễn đạt “mong con cái thành đạt” hay “mong con trở thành ông nọ bà kia” trong tiếng Việt; khi tiếng Việt diễn đạt ý nói như rồng leo, làm như mèo mửa, thì cách diễn đạt ý nghĩa tương ứng trong tiếng Hán là “雷声大,雨点小/tiếng sấm to, giọt mưa nhỏ”. Nếu không nắmđược bối cảnh văn hóa lịch sử, thì khó hiểu thấu đáo được ngữ nghĩa đất nước học của những từ ngữ này.

3.3.3.Tín ngưỡng tôn giáo

Ở Trung Quốc và Việt Nam Phật giáo tương đối phát triển, chùa chiền nhiều, vì vậy trong cả hai ngôn ngữ đều có không ít những từ ngữ đất nước học liên quan đến chùa, sư, Phật... Ví dụ: 粥少僧多/cháo ít tăng đông (mật ít ruồi nhiều); 借花献佛/mượn hoa dâng cho Phật(của người phúc ta); 菩萨心肠/lòng dạ Bồ Tát(hiền lành như Bụt), “sư nói sư phải, vãi nói vãi hay”, “Bụt chùa nhà không thiêng”, “của người Bồ Tát, của mình lạt buộc”.

Tiếng Hán sử dụng nhiều từ có liên quan đến “/Phật” và “菩萨/Bồ Tát”, trong tiếng Việt cũng sử dụng những từ này, ngoài ra còn có thêm cả từ “Bụt” để diễn đạt ngữ nghĩa đất nước học “hiền lành, đức độ, từ bi, cứu nhân độ thế” tương đương. Khi đối dịch hai ngôn ngữ, cần đặc biệt chú ý tới thói quen diễn đạt, đồng thời cũng cần thấy được những nét khác biệt về ngữ nghĩa đất nước học. Ví dụ:急来抱佛/cuống lên đến ôm chân Phật” (nước đến chân mới nhảy); 公说公有理,婆说婆有理/ông nói ông có lý, bà nói bà có lý(sư nói sư phải, vãi nói vãi hay); 远来和尚好念经/hòa thượng từ nơi xa đến dễ niệm kinh (Bụt chùa nhà không thiêng).

3.3.4.Hoàn cảnh địa lý

       Trung Quốc và Việt Nam là hai nước mà tỉ lệ dân số nông nghiệp khá lớn, mỗi nước có khoảng 80% dân số làm nông nghiệp. Hoạt động sản xuất và kinh tế chủ yếu dựa vào ruộng đất, vì vậy trong cả hai ngôn ngữ đều có khá nhiều thành ngữ, ngạn ngữ phản ánh truyền thống cần cù, giản dị và những kinh nghiệm sản xuất. Ví dụ:

 七十二行,庄稼人头一行” (bảy mươi hai nghề, nghề nông là nhất)

前人种树,后人乘凉(người trước trồng cây, người sau ăn quả)

Trong tiếng Việt cũng có những từ ngữ đất nước học đặc thù liên quan đến sản xuất nông nghiệp, như: con trâu là đầu cơ nghiệp”, “trâu bò húc nhau, ruồi muỗi chết”, “hiền như cục đất”, “yếu trâu còn hơn khoẻ bò”…

Môi trường địa lý vùng miền đã tạo ra các sản vật của địa phương, từ ngữ đất nước học miêu tả đặc điểm này trong câu “鱼米之乡/quê hương lúa gạo và cá”, vùng Giang Nam (Tô Châu, Hàng Châu) Trung Quốc được coi là nơi sản xuất lúa gạo và nuôi trồng thủy sản; vùng đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam được gắn với hàm ý “vựa lúa của cả nước”.

Một số đặc điểm khí hậu giống nhau cũng tạo ra ngữ nghĩa đất nước học tương đồng, ví dụ câu nói “什么风把你给吹来?/cơn gió nào đưa bạn tới đây?” tiếng Hán, tương đương nghĩa và hình thức biểu đạt trong câu tiếng Việt “cơn gió nào đưa bạn tới đây?”, đều là câu chào hỏi dí dỏm đối với bạn bè thân thiết lâu ngày tới chơi. Tuy nhiên, ví trí địa lý khác nhau cũng tạo ra nét nghĩa khác biệt trong từ ngữ đất nước học. Chẳng hạn, miền bắc Trung Quốc thuộc vùng khí hậu lạnh, thường có tuyết rơi vào mùa đông, vì vậy có các câu: “雪中送炭/đưa than lúc trời tuyết” (giúp người trong lúc khó khăn; lá lành đùm lá rách); “各人自扫门前雪,莫管他人瓦上霜/nhà nào tự quét tuyết trước cửa nhà mình, không cần biết sương trên mái ngói người khác” (đèn nhà ai nhà nấy rạng; cơm ai người ấy ăn, việc ai người ấy làm). Tục ngữ tiếng Việt có câu “tháng giêng rét đài, tháng hai rét lộc, tháng ba rét Nàng Bân  miêu tả đặc điểm thời tiết mùa đông ở miền Bắc Việt Nam vào khoảng tháng giêng, tháng hai, tháng ba âm lịch; “nắng tháng tám, rám trái bưởi” là câu tục ngữ miêu tả thời tiết tháng tám âm lịch nắng rát bỏng ở Việt Nam.

Tóm lại, do phong tục tập quán, bối cảnh văn hoá lịch sử xã hội, tôn giáo tín ngưỡng, hoàn cảnh địa lý của các dân tộc có những đặc điểm giống nhau và khác nhau, đã tạo ra nét tương đồng và khác biệt về mặt ngữ nghĩa, phương thức diễn đạt của từ ngữ đất nước học trong ngôn ngữ của mỗi dân tộc.

 3.Thay cho kết luận

Ngữ nghĩa đất nước học phản ánh văn hoá lịch sử thuộc đặc trưng của mỗi dân tộc, nếu xa rời bối cảnh văn hoá dân tộc, nhiều khi sẽ khó lý giải hàm nghĩa của các đơn vị ngôn ngữ. Phân tích đối chiếu ngữ nghĩa đất nước học trong hai ngôn ngữ Hán - Viêt có vị trí quan trọng trong giảng dạy ngoại ngữ, phiên dịch, biên soạn từ điển, nghiên cứu ngôn ngữ - văn hóa và giao tiếp. Chúng tôi hy vọng bài viết sẽ cung cấp thêm tài liệu tham khảo cho việc dạy học ngôn ngữ, phiên dịch, nghiên cứu và giao tiếp liên văn văn hóa Việt Nam và Trung Quốc.

    GVC.Nguyễn Hữu Cầu1, TS.Cầm Tú Tài2

    Trường Đại học Ngoại ngữ.ĐHQG Hà Nội




Các tin khác

Đổi mới mô hình đào tạo đại học và xây dựng các trường đại học đẳng cấp quốc tế ở Trung Quốc (19/07/2010)
Trung Quốc gia tăng sức mạnh mềm văn hoá ở khu vực Đông Nam Á (14/06/2010)
Phương thức cấu tạo từ xưng hô gia đình trong tiếng Việt, tiếng Hán và sự khác nhau về văn hoá hai nước từ góc độ hai nước (04/01/2012)
Khoa học xã hội Trung Quốc trong quá trình phát triển và hội nhập quốc tế một số kinh nghiệm cho khoa học xã hội Việt Nam (04/01/2012)
Tình hình kinh tế Trung Quốc năm 2010 (04/03/2011)
Sự nhất quán phát triển kinh tế thị trường XHCN trong xây dựng xã hội hài hoà của Trung Quốc và đổi mới của Việt Nam (08/09/2010)
Bảo trợ xã hội trong phong trào xây dựng nông thôn mới (Điều tra tại nông thôn tỉnh Giang Tây, Trung Quốc) (17/07/2010)
Liên kết phát triển vùng miền ở trung quốc Nhìn từ hợp tác Vùng Chu Giang mở rộng (08/07/2010)
Trung Quốc trong khu vực: Vị thế và thách thức (16/06/2010)
 
TIN MỚI NHẤT
ẤN PHẨM - XUẤT BẢN
 
 
TRANG CHỦ
TỪ ĐIỂN
TRA CỨU THƯ VIỆN
SƠ ĐỒ TRANG WEB
LIÊN HỆ
 
 
BẢN QUYỀN THUỘC VIỆN NGHIÊN CỨU TRUNG QUỐC - INSTITUTE OF CHINESE STUDIES
Địa chỉ: Số 176 Thái Hà, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam
Điện thoại: 024.32171020; Email: vnics@vnics.org.vn