TRANG CHỦ
TỪ ĐIỂN
TRA CỨU THƯ VIỆN
SƠ ĐỒ TRANG WEB
LIÊN HỆ
NGÔN NGỮ
 
 
Thu viện ảnh
 Thời tiết Minimize | Maximize
 Hà nội  ° 
 Hải phòng  ° 
 Đà nẵng  ° 
 Hồ chí minh  ° 
Truy cập : 9774505
 
NGHIÊN CỨU
Cải cách kinh tế của Trung Quốc sau Đại hội XVIII và tác động (01/09/2015)

    Sau gần 40 năm cải cách mở cửa, Trung Quốc đã thu được những thành quả khá quan trọng trong phát triển kinh tế. Tuy nhiên, từ sau khủng hoảng tài chính toàn cầu, đặc biệt từ Đại hội XVIII ĐCS Trung Quốc (năm 2012) đến nay, phát triển kinh tế đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Trung Quốc đang tích cực tìm kiếm động lực mới cho tăng trưởng kinh tế, nâng cao chất lượng và hiệu quả kinh tế.
“Trạng thái bình thường mới” (
新常) là tiêu điểm được nhiều chuyên gia ở Trung Quốc và trên thế giới quan tâm thời gian gần đây; là một giai đoạn và trạng thái mới ở Trung Quốc; là biểu hiện trong quá trình điều chỉnh chiến lược và chuyển đổi phương thức phát triển kinh tế của Trung Quốc. “Trạng thái bình thường mới” còn phản ánh tư duy lãnh đạo và quản lý đất nước của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình.
1.    Bối cảnh chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế của Trung Quốc
Bước sang thập niên thứ hai thế kỷ XXI, Trung Quốc đối mặt với những khó khăn về mô hình tăng trưởng chủ yếu dựa vào tài nguyên và nhân công rẻ, dựa vào đầu tư lớn và xuất khẩu mạnh trước đây. Thời kỳ tăng trưởng cao đã kết thúc, Trung Quốc chuyển sang thời kỳ tăng trưởng với tốc độ trung bình.
Từ sau Đại hội XVIII ĐCS,  Trung Quốc đã thúc đẩy đi sâu cải cách toàn diện. Trung Quốc đã coi điều chỉnh mang tính chiến lược kết cấu kinh tế là phương hướng chủ công của đẩy nhanh chuyển đổi phương thức phát triển kinh tế; coi tiến bộ và sáng tạo khoa học kỹ thuật là trụ cột quan trọng đẩy nhanh chuyển đổi phương thức phát triển kinh tế; coi bảo đảm và cải thiện dân sinh là xuất phát điểm và đích đến căn bản của đẩy nhanh chuyển đổi phương thức phát triển kinh tế; coi xây dựng xã hội với mô hình tiết kiệm tài nguyên, thân thiện với môi trường là nỗ lực quan trọng để đẩy nhanh chuyển đổi phương thức phát triển kinh tế; coi cải cách mở cửa là động lực mạnh mẽ của đẩy nhanh chuyển đổi phương thức phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, mức thu nhập của người dân Trung Quốc còn thấp, thu nhập tăng chậm và thói quen tích lũy của người dân, đặc biệt là an sinh xã hội còn chưa được bảo đảm vững chắc. Do vậy, tăng trưởng dựa vào kích cầu nội địa, đặc biệt là tiêu dùng vẫn còn là một thách thức lớn.  Một số học giả quốc tế cho rằng, mô hình tăng trưởng của Trung Quốc đang phải đối mặt với nhiều thách thức như “bẫy thu nhập trung bình”, vấn đề nợ của chính quyền địa phương, vấn đề năng lượng, môi trường, dân số già hóa.. Paul Krugman cho rằng “kinh tế Trung Quốc  sắp đâm vào Vạn lý Trường thành”.
Mô hình tăng trưởng với các đặc trưng nêu trên được xem là “trạng thái cũ”. “Trạng thái cũ” là kinh tế liên tục tăng trưởng, lạm phát thấp, thất nghiệp thấp, chu kỳ biến động yếu. Mô hình đầu tư cao, tăng trưởng cao, xuất khẩu nhiều, tức trạng thái cũ” đã kết thúc.
Bước sang thập niên thứ hai thế kỷ XXI, đặc biệt từ năm 2014, Trung Quốc bước vào thời kỳ “ba chồng lấn” gồm thời kỳ thay đổi tốc độ tăng trưởng kinh tế, thời kỳ điều chỉnh kết cấu và thời kỳ hậu các chính sách kích thích của giai đoạn trước ứng phó với khủng hoảng tài chính. Ba thời kỳ này giao thoa, chồng lấn làm ảnh hưởng và thay đổi sâu sắc nền kinh tế Trung Quốc.
Tháng 5 năm 2014, lần đầu tiên,Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình nêu “Trạng thái bình thường mới” (gọi tắt là trạng thái mới) khi đi khảo sát Hà Nam. Tập Cận Bình nói: “Sự phát triển của Trung Quốc vẫn ở trong thời kỳ cơ hội chiến lược quan trọng,..xuất phát từ đặc trưng mang tính giai đoạn trong phát triển kinh tế của Trung Quốc, thích ứng với trạng thái bình thường mới..”. Tại Hội nghị APEC năm 2014, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã trình bày 3 đặc trưng của “trạng thái mới”: Một là, tốc độ tăng trưởng từ cao giảm xuống mức trung bình; hai là, cơ cấu kinh tế được nâng cấp..; ba là, động lực tăng trưởng từ đầu tư chuyển sang sáng tạo…
Hội nghị kinh tế Trung ương Trung Quốc năm 2014 cho rằng, kinh tế Trung Quốc trải qua thời gian dài tăng trưởng nhanh, nay đã giảm xuống, bước vào thời kỳ “trạng thái mới” với mức tăng trưởng trung bình, cơ cấu đầu tư-tiêu dùng và xuất khẩu đều thay đổi. “Trạng thái mới” có 9 đặc trưng: Về tiêu dùng, Trung Quốc bước vào thời kỳ coi trọng chất lượng và an toàn, cá tính, sáng tạo, song khó mở rộng nội nhu; về đầu tư, các ngành nghề truyền thống đã bão hòa, cần phải đầu tư vào các ngành nghề mới; về xuất khẩu, nhu cầu bên ngoài đã giảm, ưu thế giá rẻ không còn; về ngành nghề, các ngành nghề truyền thống dư thừa năng lực sản xuất, ngành nghề mới chưa phát huy rõ ưu thế; về các yếu tố sản xuất, ưu thế lao động giá rẻ không còn, dân số đang già hóa, dựa vào đổi mới công nghệ chưa được nhiều; về thị trường, cạnh tranh về số lượng và giá cả bị suy giảm, cạnh tranh về chất lượng khó khăn. Nguồn lực có hạn, rủi ro tăng cao, năng lực hóa giải khủng hoảng chưa chắc chắn.
GS Zhang Jian Fu của Học viện hành chính quốc gia Trung Quốc cho rằng, “trạng thái mới” gồm 6 đặc trưng: Một là, từ tốc độ tăng trưởng cao chuyển xuống mức tăng vừa; hai là, phương thức phát triển từ quy mô và tốc độ sang hiệu quả và chất lượng; ba là, kết cấu ngành nghề từ trình độ trung bình thấp sang trung bình cao; bốn là, động lực tăng trưởng từ đầu tư chuyển sang sáng tạo; năm là, từ thị trường đóng vai trò cơ sở sang đóng vai trò quyết định trong phân bổ nguồn lực; sáu là, từ tăng trưởng mất cân đối sang tăng trưởng bao trùm.
GS Wu Jing Lian của Trung Quốc cho rằng, “trạng thái mới” có hai đặc trưng nổi trội: Một là, từ tăng trưởng tốc độ cao chuyển sang tăng trưởng tốc độ cao vừa; hai là, từ tăng trưởng theo chiều rộng, quy mô lớn sang tăng trưởng theo chiều sâu, chất lượng và hiệu quả.
Có thể thấy,  “trạng thái mới" có đặc trưng cơ bản nhất là " sự chuyển đổi từ tăng trưởng cao sang mức trung bình; sự chuyển đổi từ mô hình tăng trưởng tập trung vào số lượng và tốc độ sang chất lượng và hiệu quả; từ tăng trưởng mất cân đối sang tăng trưởng bao trùm... “Trạng thái mới” là bước vào thời kỳ thay đổi tốc độ tăng trưởng, thay đổi động lực tăng trưởng, thay đổi cơ cấu ngành nghề..
2.    Chuyển đổi phương thức phát triển kinh tế: Cơ hội và thách thức
Đại hội XVIII ĐCS Trung Quốc, đặc biệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương 3 khóa XVIII đã đưa ra quyết sách đi sâu cải cách toàn diện, trong đó chuyển đổi phương thức phát triển kinh tế được xác định là trọng tâm. Tiếp theo, Hội nghị kinh tế Trung ương đã đưa ra các định hướng chính sách và giải pháp cho năm 2015: . Cố gắng giữ kinh tế tăng trưởng ổn định. Đặt trọng tâm của công tác kinh tế là chuyển đổi phương thức phát triển và tái cơ cấu... Tích cực gây dựng các điểm tăng trưởng mới . Đẩy nhanh chuyển biến phương thức tăng trưởng nông nghiệp. . Ưu hóa kết cấu không gian phát triển. Hoàn thiện chính sách vùng miền, phối hợp phát triển vùng miền giữa khai phát miền Tây, chấn hưng vùng Đông Bắc, miền Trung trỗi dậy, miền Đông đi trước phát triển..thực hiện có trọng điểm ba chiến lược: “một vành đai, một con đường”, “vùng Bắc Kinh”, “vành đai kinh tế Trường Giang”... Tăng cường bảo đảm và cải thiện dân sinh.
Cùng với việc ổn định tăng trưởng, Trung Quốc đã nỗ lực phát huy các nhân tố nội sinh, phát triển các ngành nghề mới, đặc biệt là các ngành nghề nhóm ngành dịch vụ; đẩy nhanh quá trình chuyển biến từ “Trung Quốc chế tạo” sang “Trung Quốc sáng tạo”, thúc đẩy đô thị hóa kiểu mới, đẩy mạnh thí điểm các khu mậu dịch tự do ở Thượng Hải, Thiên Tân, Quảng Châu, phối hợp với chiến lược phát triển vùng miền. Thực hiện mở cửa đối ngoại giai đoạn mới. Chiến lược “một vành đai, một con đường” được coi là một trong các giải pháp thúc đẩy chuyển đổi mô hình và phương thức phát triển kinh tế, tìm kiếm động lực mới cho tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc.
 “Trạng thái mới” của kinh thế Trung Quốc sẽ tạo ra các cơ hội: Một là, đô thị hóa tăng nhanh, năm 2014, đô thị hóa của Trung Quốc đạt mức 54,77%. Tốc độ đô thị hóa với việc hình thành các cụm đô thị lớn sẽ tạo động lực tăng trưởng cho Trung Quốc; hai là, các ngành dịch vụ phát triển nhanh; ba là, các ngành kinh tế carbon thấp ngày càng nhiều; bốn là, các ngành nghề có hàm lượng khoa học công nghệ cao ngày càng nhiều; năm là, thông tin hóa xã hội ngày càng mạnh, các ngành IT phát triển nhanh; sáu là, các công  ty kinh doanh quốc tế ngày càng nhiều.
Kể từ sau khủng hoảng tài chính đến nay, chính sách tiền tệ của Trung Quốc bị ngân hàng dẫn dắt. Bên cạnh đó, vấn đề “ngân hàng bóng tối” là nỗi lo ngại lớn và được đánh giá là có nguy cơ gây ra một cuộc khủng hoảng tài chính tương tự như khủng hoảng nợ dưới chuẩn ở Mỹ năm 2008. Vấn đề nợ công, đặc biệt nợ công tiềm ẩn nguy cơ lớn. Ông Jim Chanos giám đốc công ty Kynikos Associates tính toán cho thấy nợ công của Trung Quốc chiếm gần 300% GDP, dự báo vài năm tới có thể lên tới 400% GDP, nguy cơ nợ của Trung Quốc còn lớn hơn cả Hy Lạp.
Sản xuất dư thừa: các ngành như sắt thép, xi măng, điện nhôm đứng trước tình trạng năng lực sản xuất dư thừa. Năm 2012, năng lực sản xuất ngành gang thép dư thừa 21%, ngành xi măng 28%, ngành kim loại màu 65%, điện nhôm 35%, ngay cả các ngành mới như điện mặt trời thì năng lực sản xuất dư thưa 95%. Năm 2014, sản lượng gang thép đạt 820 triệu tấn, trong khi năng lực sản xuất đạt 1160 triệu tấn. Năm 2014, sản lượng xi măng đạt 2480 triệu tấn, năng lực sản xuất dư thừa hơn 30%. Trong khi ngành bất động sản đóng băng, làm cho các ngành vật liệu mới, vật liệu xây dựng, các ngành nghề liên quan cũng trong tình trạng đình đốn, cùng với đó là không tạo ra cơ hội việc làm..Năng lực sản xuất dư thừa bị xem như mối “đe dọa hạt nhân” ở Trung Quốc.
Cải cách kinh tế, đặc biệt là “trạng thái mới” của Trung Quốc đứng trước bốn khó khăn: Một là, các ngành gang thép, xi măng, đóng tầu, điện nhôm đứng trước thách thức sản xuất dư thừa; thứ hai, nợ của chính quyền địa phương cao; thứ ba, nguy cơ bóng bóng bất động sản, thứ tư là môi trường ô nhiễm.
Vấn đề già hóa dân số: Chính sách một con của Trung Quốc sau một thời gian hệ quả của nó là làm cho vấn đề già hóa dân số của Trung Quốc nhanh và trầm trọng. Do tổng lao động bắt đầu giảm, nền kinh tế không mở rộng mà không có sự gia tăng đáng kể về năng suất của từng lao động giảm. Và nhiệm vụ đặt ra ngày càng nặng nề với mạng lưới an sinh xã hội chưa hoàn thiện của Trung Quốc.
Thách thức lớn là mô hình phát triển do nhà nước đầu tư kiểu Đông Á. Mô hình này không dễ phá bỏ do những người hưởng lợi từ hệ thống có đủ ảnh hưởng tới giới cầm quyền để chống lại nỗ lực cải cách. Thế nhưng mô hình này không thể duy trì vô thời hạn vì Trung Quốc đã mất đi những lợi thế mà dựa vào đó nền kinh tế do nhà nước dẫn dắt và định hướng xuất khẩu được xây dựng.
Có thể thấy, cải cách kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, điều chỉnh kết cấu, nâng cao chất lượng, thúc đẩy phát triển ..đang phải đối mặt với nhiều khó khăn về động lực phát triển, cơ cấu ngành nghề, đặc biệt là các vấn đề xã hội.. “Trạng thái mới” đối mặt với những khó khăn và giới hạn của con đường, mô hình phát triển kinh tế Trung Quốc. Trung Quốc cũng đang nỗ lực tìm kiếm động lực mới, mô hình và phương thức mới cho phát triển. Quá trình chuyển đổi phương thức phát triển kinh tế, đặc biệt là “trạng thái mới” tác động sâu rộng tới chính trị, xã hội, đối ngoại của Trung Quốc.
3. Tác động của chuyển đổi phương thức phát triển kinh tế
“Trạng thái mới” là thời kỳ mới trong tìm tòi chuyển đổi mô  hình phát triển của Trung Quốc, đồng thời cũng là tư duy phát triển của tập thể lãnh đạo mới, tiêu biểu là Tập Cận Bình. “Trạng thái mới” cũng là thời kỳ thực hiện các giải pháp cải cách của Hội nghị Trung ương 3 khóa 18 về đi sâu cải cách toàn diện, với sự ra đời và điều hành của Ban chỉ đạo Trung ương về đi sâu cải cách toàn diện và Hội nghị Trung ương 4 khóa 18 về quản trị đất nước theo pháp luật toàn diện.
Thích ứng với “trạng thái mới” khi thị trường đóng vai trò quyết định trong phân bổ các nguồn lực, chính quyền phải thực hiện tốt vai trò phối hợp, định hướng và quy phạm các hành vi của thị trường. “Trạng thái mới” đặt ra cho Nhà nước nhiệm vụ quan trọng về định hướng quy hoạch, cải cách hành chính, đặc biệt việc xác định cơ cấu ngành nghề, động lực tăng trưởng và phát triển mới, giải quyết các vấn đề xã hội như việc làm, an sinh, y tế, môi trường, “Trạng thái mới” cũng đòi hỏi một nhà nước pháp quyền, dân chủ xã hội. Thích ứng và đối phó với “trạng thái mới” đòi hỏi Trung Quốc phải cải cách thế chế xã hội, văn hóa, đối ngoại. Trạng thái mới” không chỉ là cải cách trong nước, mà còn gắn chặt với cục diện quốc tế, chính sách và quan hệ đối ngoại của Trung Quốc.
Thực hiện “trạng thái bình thường mới” không chỉ có lợi cho Trung Quốc mà cũng đóng góp cho kinh tế toàn cầu. Bà Christine Lagarde (Giám đốc điều hành IMF)  cho rằng cải cách cơ cấu sẽ liên kết Trung Quốc với thế giới sâu hơn trên 3 phương diện: Thứ nhất, Trung Quốc cần phải nâng cao năng lực quản trị thông qua cai trị bằng pháp luật và chống tham nhũng. Thứ hai, Trung Quốc cần chú ý hơn đến việc bảo vệ môi trường và giám sát mức độ ô nhiễm. Thứ ba, Trung Quốc cần tương tác với thế giới nhiều hơn thông qua đầu tư, thương mại và các đối thoại đa phương. Khi Trung Quốc thích nghi nền kinh tế của họ trở về trạng thái bình thường mới, điều này sẽ đem lại lợi ích cho nền kinh tế toàn cầu. Các lợi ích này bao gồm ổn định nền kinh tế tài chính thế giới, thúc đẩy sự bền vững, đóng góp cho các giải pháp đa phương trong việc giải quyết các thách thức của toàn cầu. Đây không phải là một nhiệm vụ được thực hiện dễ dàng bởi một quốc gia. Do vậy, IMF, một đối tác hợp tác kinh tế với Trung Quốc sẽ tiếp tục cố gắng giúp cho Trung Quốc thích nghi nền kinh tế của họ với trạng thái bình thường mới.
Đi sâu cải cách toàn diện ở Trung Quốc, đặc biệt là “trạng thái mới” gắn với cục diện thế giới ngày nay khi Trung Quốc và Mỹ cạnh tranh quyết liệt vai trò và vị thế toàn cầu, gắn với quan hệ với các nước lớn, các nước láng giềng của Trung Quốc
Chuyển đổi phương thức phát triển kinh tế gắn với chiến lược phát triển vùng miền ở Trung Quốc, chiến lược xây dựng các cực tăng trưởng mới, các đặc khu kinh tế mới, chiến lược đô thị hóa, chiến lược biển, hợp tác tiểu vùng...ví như con đường tơ lụa trên bộ với các nước Trung Á và con đường tơ lụa trên biển với các nước châu Á, châu Phi-Trung Đông (Một vành đai, một con đường). Chuyển đổi phương thức phát triển kinh tế cũng gắn với chiến lược “đi ra ngoài” của các doanh nghiệp Trung Quốc, gắn với việc tham gia các hiệp định thương mại tự do với một số nước và khu vực. Đặc biệt, chuyển đổi phương thức kinh tế, ngoại thương còn gắn với chiến lược quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ, gây dựng Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB)
Kinh tế - xã hội của Trung Quốc trong những năm 2016-2020 (Quy hoạch 5 năm lần thứ 13) hướng tới mục tiêu: Giữ tăng trưởng kinh tế, chuyển đổi phương thức phát triển kinh tế, điều chỉnh tối ưu cơ cấu ngành nghề, thúc đẩy phát triển sáng tạo, đẩy nhanh hiện đại hóa nông nghiệp, cải cách thể chế, phát triển phối hợp, tăng cường xây dựng văn minh sinh thái, bảo đảm và cải thiện dân sinh, giảm nghèo. Thực hiện các mục tiêu trên thông qua nâng cấp tối ưu cơ cấu ngành nghề, đồng bộ với công  nghiệp hóa, thông tin hóa, đô thị hóa kiểu mới và hiện đại hóa nông nghiệp.
Chiến lược “một vành đai, một con đường” là một trong các giải pháp chiến lược trong “trạng thái mới”, là tìm kiếm lối thoát cho mô hình và con đường phát triển mới của Trung Quốc. Chiến lược “một vành đai, một con đường” giúp Trung Quốc chuyển dịch năng lực sản xuất dư thừa, chuyển dịch các ngành nghề, các nguồn vốn, nguồn nhân lực ra nước ngoài. Chiến lược “một vành đai, một con đường” là một siêu dự án về kinh tế, có thể tạo ra các liên kết liên khu vực. Tuy nhiên, “một vành đai, một con đường” cũng tạo ra những thách thức an ninh đối với nhiều nước. Các hành vi ngang ngược của Trung Quốc như giàn khoan Hải Dương 981 hay những hoạt động xây dựng các đảo nhân tạo với quy mô lớn ở Biển Đông đang vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, đi ngược lại phương châm của chính Trung Quốc như “thân, thành, huệ, dung” (thân thiện, chân thành, ưu đãi, bao dung) gây căng thẳng trong khu vực, ảnh hưởng tới an ninh thế giới.
Nâng cao chất lượng và hiệu quả là mục tiêu thay đổi mô hình và phương thức phát triển kinh tế của Trung Quốc hiện nay và trong tương lại. “Trạng thái mới” là một giai đoạn mới trong tìm kiếm chuyển đổi mô hình, phương thức phát triển kinh tế của Trung Quốc. “Trạng thái mới” đang đặt ra cho Trung Quốc cả cơ hội và thách thức.
Chuyển đổi mô hình và phương thức phát triển kinh tế không chỉ có ảnh hưởng sâu rộng tới Trung Quốc mà còn ảnh hưởng tới khu vực và thế giới. Chúng ta hy vọng, trạng thái mới của Trung Quốc là giai đoạn quan trọng để Trung Quốc thực hiện sự phát triển hòa bình, trở thành nước lớn có trách nhiệm, mang lại ổn định và hòa bình cho khu vực và thế giới.

GS.TS.Nguyễn Quang Thuấn





Các tin khác

Quá trình chiếm hữu và thực thi chủ quyền của Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa - thực tế, không gián đoạn, hòa bình và minh bạch (06/06/2014)
Đánh giá các lựa chọn pháp lý của Việt Nam trong vụ việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan 981 (31/05/2014)
Xã hội Trung Quốc năm 2013 và phương hướng phát triển năm 2014 (25/05/2014)
Kinh tế Trung Quốc năm 2013 và triển vọng năm 2014 (23/05/2014)
Chương trình khoa học của Viện Nghiên cứu Trung Quốc thực hiện (16/12/2011)
 
TIN MỚI NHẤT
ẤN PHẨM - XUẤT BẢN
 
 
TRANG CHỦ
TỪ ĐIỂN
TRA CỨU THƯ VIỆN
SƠ ĐỒ TRANG WEB
LIÊN HỆ
 
 
BẢN QUYỀN THUỘC VIỆN NGHIÊN CỨU TRUNG QUỐC - INSTITUTE OF CHINESE STUDIES
Địa chỉ: Số 176 Thái Hà, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam
Điện thoại: 024.32171020; Email: vnics@vnics.org.vn