TRANG CHỦ
TỪ ĐIỂN
TRA CỨU THƯ VIỆN
SƠ ĐỒ TRANG WEB
LIÊN HỆ
NGÔN NGỮ
 
 
Thu viện ảnh
 Thời tiết Minimize | Maximize
 Hà nội  ° 
 Hải phòng  ° 
 Đà nẵng  ° 
 Hồ chí minh  ° 
Truy cập : 9726055
 
NGHIÊN CỨU
Những sáng tạo mới về lý luận Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong Đại hội XIX (21/05/2019)



GS.TS. Đỗ Tiến Sâm, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Trung Quốc,

Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam


Tóm tắt: Lý luận về Chủ nghĩa Xã hội (CNXH) đặc sắc Trung Quốc được hình thành trong quá trình cải cách mở cửa, là sản phẩm của quá trình kết hợp giữa những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lê nin với thực tế cụ thể của cách mạng Trung Quốc, là thành quả lý luận lớn thứ hai (sau Tư tưởng Mao Trạch Đông) của quá trình Trung Quốc hóa chủ nghĩa Mác của Đảng Cộng sản (ĐCS) Trung Quốc. Đại hội XIX ĐCS Trung Quốc (tháng 10-2017) đã xác nhận Tư tưởng XHCN đặc sắc Trung Quốc thời đại mới Tập Cận Bình (gọi tắt là Tư tưởng Tập Cận Bình)  là “bộ phận hợp thành quan trọng của hệ thống lý luận CNXH đặc sắc Trung Quốc” (Điều lệ ĐCS Trung Quốc, 2017: 5-6). Bài viết này trình bày khái quát quá trình nhận thức về CNXH đặc sắc Trung Quốc của ĐCS Trung Quốc trong 40 năm lãnh đạo cải cách mở cửa, đặc biệt là phân tích những sáng tạo mới của Đại hội XIX thể hiện trong Tư tưởng Tập Cận Bình, sau đó rút ra một số nhận xét bước đầu.

Từ khóa: Lý luận CNXH đặc sắc Trung Quốc, Đại hội XIX

 

I. KHÁI QUÁT QUÁ TRÌNH NHẬN THỨC VỀ CHỦ NGHĨA XÃ HỘI ĐẶC SẮC TRUNG QUỐC TRONG QUÁ TRÌNH LÃNH ĐẠO CẢI CÁCH MỞ CỬA

Theo cách phân kỳ lịch sử Đảng của ĐCS Trung Quốc hiện hành, ĐCS Trung Quốc từ khi thành lập (1-7-1921) đến nay đã trải qua 3 thời kỳ lớn là: Cách mạng (1921-1949), Xây dựng (1949-1978) và Cải cách mở cửa (1978-2018).

Cải cách mở cửa là một sự nghiệp hoàn toàn mới, được ví như một cuộc cách mạng. Trong quá trình lãnh đạo 40 năm Cải cách mở cửa, ĐCS Trung Quốc đã tìm ra được một hệ thống lý luận về CNXH đặc sắc Trung Quốc và Con đường xây dựng CNXH đặc sắc Trung Quốc. Hệ thống lý luận này cho đến nay bao gồm: Lý luận Đặng Tiểu Bình, Tư tưởng Ba đại diện, Quan điểm phát triển khoa học và Tư tưởng XHCN đặc sắc Trung Quốc thời đại mới Tập Cận Bình. Có thể nói, quá trình hình thành hệ thống lý luận về CNXH đặc sắc Trung Quốc cũng là quá trình các thế hệ lãnh đạo của ĐCS Trung Quốc không ngừng tìm tòi với những đột phá về mặt lý luận và coi trọng tổng kết thực tiễn, sau đó khái quát hóa thành lý luận để trở lại chỉ đạo thực tiễn mới của cải cách mở cửa.

1. Quan điểm của Đặng Tiểu Bình về CNXH – bước đầu hình thành hệ thống lý luận về CNXH đặc sắc Trung Quốc

Điều lệ Đảng (sửa đổi) thông qua tại Đại hội XIX ngày 24-10-2017 đánh giá: “Lý luận Đặng Tiểu Bình là sự kết hợp những nguyên lý cơ bản của Chủ nghĩa Mác - Lênin với thực tiễn Trung Quốc và đặc trưng thời đại, là sự kế thừa và phát triển Tư tưởng Mao Trạch Đông trong điều kiện lịch sử mới, là giai đoạn mới của Chủ nghĩa Mác ở Trung Quốc phát triển, là Chủ nghĩa Mác của Trung Quốc đương đại, là kết tinh trí tuệ của tập thể Trung ương ĐCS Trung Quốc, dẫn dắt sự nghiệp hiện đại hóa XHCN của nước ta (tức Trung Quốc) tiếp tục tiến lên” (Điều lệ ĐCS Trung Quốc, 2017: 3-4).

Thực tiễn cho thấy, sau khi giành thắng lợi tại Hội nghị Trung ương 3 khóa XI (tháng 12-1978), tập thể thế hệ lãnh đạo thứ hai ĐCS Trung Quốc do Đặng Tiểu Bình là đại biểu, đã tiến hành cải cách và mở cửa, thực hiện hiện đại hóa, tham gia vào tiến trình toàn cầu hóa kinh tế thế giới. Trên cơ sở rút bài học kinh nghiệm xây dựng CNXH ở Trung Quốc trước đây và của thế giới, Đặng Tiểu Bình đã nhận thức lại về CNXH và trả lời một câu hỏi về mặt lý luận mà 29 năm trước đó ĐCS Trung Quốc vẫn loay hoay tìm kiếm: “Thế nào là CNXH và xây dựng CNXH như thế nào?” Từ suy nghĩ đó, khi phát biểu khai mạc Đại hội XII ĐCS Trung Quốc (năm 1982), Đặng Tiểu Bình đã nêu lên “kết hợp chân lý phổ biến của Chủ nghĩa Mác với thực tế cụ thể của nước ta (tức Trung Quốc), đi con đường riêng của mình, xây dựng CNXH có đặc sắc Trung Quốc”.

Để lãnh đạo công cuộc cải cách mở cửa, ông đã nêu lên phương châm “Giải phóng tư tưởng”, cùng với “Thực sự cầu thị ” trở thành tư tưởng chỉ đạo của ĐCS Trung Quốc. Câu trả lời được xem là sự tháo gỡ về mặt nhận thức lý luận đã nêu ở trên cũng thật giản đơn khi cho rằng “nghèo khổ không phải là CNXH, CNXH là cùng nhau giàu có”; hay “kế hoạch” và “thị trường” chỉ là thủ đoạn kinh tế, từ đó đặt nền móng tư tưởng để Đại hội XIV ĐCS Trung Quốc (1992) chính thức nêu lên mục tiêu của cải cách thể chế kinh tế là xây dựng thể chế kinh tế thị trường XHCN; nêu lên tư tưởng “Một quốc gia, hai chế độ”, tạo điều kiện thuận lợi để Trung Quốc thu hồi một cách hòa bình đối với hai lãnh thổ Hồng Kông (1997) và Ma Cao (1999); hay phương châm 12 chữ “lặng lẽ quan sát, giữ vững trận địa, bình tĩnh đối phó, quyết không giương cờ”, được gọi là “Giấu mình chờ thời” sau biến động chính trị ở Liên Xô và Đông Âu, tập trung nguồn lực cho phát triển kinh tế, coi “phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm”. Vì vậy, Đại hội XV ĐCS Trung Quốc (1997) đã ghi công ông bằng việc chính thức nêu lên lý luận mang tên ông là “Lý luận Đặng Tiểu Bình” với vai trò mới là “dẫn dắt sự nghiệp hiện đại hóa XHCN” của Trung Quốc.

2. Quan điểm của Giang Trạch Dân về CNXH - tiếp tục bổ sung và đột phá hệ thống lý luận về CNXH đặc sắc Trung Quốc

Điều lệ Đảng (sửa đổi) thông qua tại Đại hội XIX ngày 24-10-2017 đánh giá: “Tư tưởng quan trọng Ba đại diện là sự kế thừa và phát triển của Chủ nghĩa Mác – Lênin, Tư tưởng Mao Trạch Đông, Lý luận Đặng Tiểu Bình; đã phản ánh yêu cầu mới của những thay đổi trong sự phát triển của Trung Quốc và thế giới đương đại đối với công tác của Đảng và Nhà nước, là vũ khí lý luận mạnh mẽ to lớn để tăng cường và cải tiến công tác xây dựng Đảng, thúc đẩy CNXH của Trung Quốc tự hoàn thiện và phát triển; là kết tinh trí tuệ của tập thể Trung ương ĐCS Trung Quốc, là tư tưởng chỉ đạo mà Đảng phải kiên trì lâu dài”  (Điều lệ ĐCS Trung Quốc, 2017: 4).

Thực tiễn cho thấy, khi ông Giang Trạch Dân được bầu làm Tổng Bí thư sau Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII (1989) cũng là thời gian Trung Quốc gặp phải những khó khăn do Mỹ và các nước phương Tây bao vây cấm vận sau sự kiện Thiên An Môn (1989); sau đó 2 năm lại chịu tác động mạnh từ sự sụp đổ của ĐCS Liên Xô (1991), nên tập thể thế hệ lãnh đạo thứ ba ĐCS Trung Quốc do Tổng Bí thư Giang Trạch Dân là hạt nhân đã phải trả lời một câu hỏi quan trọng về mặt lý luận đặt ra lúc đó: Thế nào là đảng cầm quyền, xây dựng đảng cầm quyền như thế nào?

Trên cơ sở kế thừa tinh thần “Giải phóng tư tưởng, thực sự cầu thị”, trước những biến đổi lớn của tình hình đất nước và thế giới sau chiến tranh Lạnh, Tổng Bí thư Giang Trạch Dân đã bổ sung thêm tư tưởng “Tiến cùng thời đại”. Đóng góp nổi bật của ông là nêu lên tư tưởng “Ba đại diện”, theo đó Đảng đại diện cho yêu cầu phát triển của sức sản xuất tiên tiến Trung Quốc thay thế cho quan hệ sản xuất tiên tiến. Từ đó, ĐCS Trung Quốc chủ trương kết nạp những phần tử tiên tiến trong các giai tầng xã hội mới trong đó có chủ doanh nghiệp tư nhân vào Đảng. Vì vậy, Đại hội XVI ĐCS Trung Quốc (2002) đã chính thức ghi nhận sự tìm tòi và đột phá về lý luận xây dựng Đảng của ông, gọi đó là Tư tưởng quan trọng Ba đại diện cùng với định vị mới là “tư tưởng chỉ đạo”.

3. Quan điểm của Hồ Cẩm Đào về CNXH – tiếp tục bổ sung và hoàn thiện hệ thống lý luận về CNXH đặc sắc Trung Quốc

Điều lệ Đảng (sửa đổi) thông qua tại Đại hội XIX ngày 24-10-2017 đánh giá: “Quan điểm phát triển khoa học là lý luận khoa học vừa tiếp nối kế thừa vừa tiến cùng thời đại với Chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Mao Trạch Đông, Lý luận Đặng Tiểu Bình; là thể hiện tập trung thế giới quan và phương pháp luận của Chủ nghĩa Mác về phát triển; là thành quả to lớn của Trung Quốc hóa Chủ nghĩa Mác; là kết tinh trí tuệ của tập thể Trung ương ĐCS Trung Quốc, là tư tưởng chỉ đạo mà Đảng phải kiên trì lâu dài ” (Điều lệ ĐCS Trung Quốc, 2017: 4-5).

Với tinh thần “dùng chủ nghĩa Mác phát triển để chỉ đạo thực tiễn mới”, tập thể thế hệ lãnh đạo thứ tư của ĐCS Trung Quốc do Hồ Cẩm Đào là Tổng Bí thư đã tìm tòi trả lời câu hỏi: Thế nào là phát triển, thực hiện sự phát triển như thế nào? Ông đã tiếp tục bổ sung, nêu lên các quan điểm mới về mặt phát triển, theo đó phát triển là vì con người, “lấy con người làm gốc” và lý luận về xã hội hài hòa XHCN. Đến Đại hội XVII (2007) mô hình CNXH đặc sắc Trung Quốc đã được định hình với 4 trụ cột hay “Bốn trong một” (bao gồm kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội). Mục tiêu phấn đấu của đất nước đã được bổ sung hai chữ “hài hòa”, viết đầy đủ thành “cường quốc hiện đại hóa XHCN giàu mạnh, dân chủ, văn minh, hài hòa”. Vì vậy, Đại hội XIX ĐCS Trung Quốc (2017) vừa qua đã ghi nhận những đóng góp của ông về lý luận phát triển, viết thành “Quan điểm phát triển khoa học”, đồng thời xác định vai trò của nó là “tư tưởng chỉ đạo ”.

II. NHỮNG SÁNG TẠO MỚI VỀ LÝ LUẬN CNXH ĐẶC SẮC TRUNG QUỐC CỦA ĐẠI HỘI XIX THỂ HIỆN TRONG TƯ TƯỞNG TẬP CẬN BÌNH

1. Khái quát chung

Trong thời gian 5 năm kể từ sau Đại hội XVIII, Tổng Bí thư Tập Cận Bình với tư cách là “hạt nhân lãnh đạo” đã nghiên cứu và trả lời một loạt câu hỏi quan trọng đặt ra trước ĐCS Trung Quốc lúc này như: Trong thời đại mới kiên trì và phát triển CNXH đặc sắc Trung Quốc như thế nào? Làm thế nào để kiên trì và phát triển CNXH đặc sắc Trung Quốc?

Điều lệ Đảng (sửa đổi) thông qua tại Đại hội XIX ngày 24-10-2017 đã chính thức xác nhận tư tưởng của ông và đánh giá: “Tư tưởng Tập Cận Bình về CNXH đặc sắc Trung Quốc thời đại mới là sự kế thừa và phát triển của Chủ nghĩa Mác – Lênin, Tư tưởng Mao Trạch Đông, Lý luận Đặng Tiểu Bình, Tư tưởng quan trọng Ba đại diện, Quan điểm phát triển khoa học; là thành quả mới nhất của Trung Quốc hóa Chủ nghĩa Mác; là kết tinh trí tuệ tập thể và kinh nghiệm thực tiễn của Đảng và nhân dân; là bộ phận hợp thành quan trọng của hệ thống lý luận CNXH đặc sắc Trung Quốc, là chỉ nam hành động toàn Đảng và nhân dân toàn quốc phấn đấu thực hiện phục hưng vĩ đại dân tộc Trung Hoa, cần phải kiên trì lâu dài và không ngừng phát triển” (Điều lệ ĐCS Trung Quốc, 2017: 5-6).

2. Những nội dung cơ bản và bổ sung mới về lý luận CNXH đặc sắc Trung Quốc thời đại mới thể hiện trong Tư tưởng Tập Cận Bình

 Theo các nhà khoa học Trung Quốc, “Tám điều làm rõ” và “Mười bốn điều kiên trì” được nêu lên trong văn kiện Đại hội XIX chính là nội dung hạt nhân của Tư tưởng Tập Cận Bình thời đại mới (Bộ Tuyên truyền Trung ương ĐCS Trung Quốc, 2018: 7).

2.1. “Tám điều cần làm rõ”

Một là, làm rõ kiên trì và phát triển CNXH đặc sắc Trung Quốc, nhiệm vụ chung là thực hiện hiện đại hóa XHCN và phục hưng vĩ đại dân tộc Trung Hoa. Trên cơ sở xây dựng thành công xã hội khá giả toàn diện, chia làm hai bước đến giữa thế kỷ này xây dựng thành công cường quốc hiện đại hóa XHCN giàu mạnh, dân chủ, văn minh, hài hòa, tươi đẹp.

Hai là, làm rõ mâu thuẫn chủ yếu của xã hội Trung Quốc là mâu thuẫn giữa nhu cầu cuộc sống tốt đẹp ngày càng tăng của nhân dân với sự phát triển không cân bằng, không đầy đủ, cần phải kiên trì tư tưởng phát triển lấy nhân dân làm trung tâm, không ngừng thúc đẩy sự phát triển toàn diện của con người, toàn thể nhân dân cùng nhau giàu có. Đây được coi là luận đoán chính trị to lớn của Đại hội XIX (Bộ Tuyên truyền Trung ương ĐCS Trung Quốc, 2018: 65).

Ba là, làm rõ bố cục tổng thể của sự nghiệp XHCN đặc sắc Trung Quốc là “Ngũ vị nhất thể” (Năm trong một, bao gồm xây dựng kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa và văn minh sinh thái); bố cục chiến lược là “Bốn toàn diện” (bao gồm đi sâu cải cách toàn diện, xây dựng xã hội khá giả toàn diện, quản lý đất nước bằng pháp luật toàn diện, nghiêm trị Đảng toàn diện); tăng cường kiên định tự tin con đường, tự tin lý luận, tự tin chế độ, tự tin văn hóa.

Bốn là, làm rõ mục tiêu chung của đi sâu toàn diện cải cách là hoàn thiện và phát triển chế độ XHCN đặc sắc Trung Quốc, thúc đẩy hiện đại hóa hệ thống quản trị và năng lực quản trị quốc gia.

Năm là, làm rõ mục tiêu chung của thúc đẩy toàn diện quản lý đất nước bằng pháp luật là xây dựng hệ thống pháp trị XHCN đặc sắc Trung Quốc, xây dựng nhà nước pháp trị XHCN đặc sắc Trung Quốc.

Sáu là, làm rõ mục tiêu cường quân của Đảng trong thời đại mới là xây dựng một quân đội nhân dân nghe Đảng chỉ huy, có thể đánh thắng trận, tác phong tốt đẹp; xây dựng quân đội nhân dân thành một đội quân hàng đầu thế giới.

Bảy là, làm rõ ngoại giao nước lớn đắc sắc Trung Quốc phải thúc đẩy xây dựng Quan hệ quốc tế kiểu mới; thúc đẩy xây dựng Cộng đồng chung vận mệnh nhân loại.

Tám là, làm rõ đặc trưng bản chất nhất của CNXH đặc sắc Trung Quốc là sự lãnh đạo của ĐCS Trung Quốc; ưu thế lớn nhất của chế độ XHCN đặc sắc Trung Quốc là sự lãnh đạo của ĐCS Trung Quốc; Đảng là lực lượng lãnh đạo chính trị cao nhất, nêu lên yêu cầu chung của xây dựng Đảng trong thời đại mới, đặt xây dựng chính trị vào địa vị trọng yếu trong xây dựng Đảng (Tập Cận Bình, 2017: 19-20).

 Trong nội dung “Tám điều làm rõ” nêu trên, Tổng Bí thư Tập Cận Bình vừa kế thừa những nội dung đã được các thế hệ lãnh đạo trước đây đề cập đến, có những nội dung ông bổ sung và hoàn thiện thêm, nâng lên thành một hệ thống lý luận tương đối hoàn chỉnh về CNXH đặc sắc Trung Quốc thời đại mới. Trong đó đáng chú ý có: Bổ sung 2 chữ “tươi đẹp” vào mục tiêu phấn đấu hiện đại hóa của Trung Quốc; xác định lại mâu thuẫn chủ yếu của xã hội Trung Quốc thay thế cho mâu thuẫn chủ yếu của xã hội được nêu lên tại Hội nghị Trung ương 6 khóa XI (tháng 6-1981); bổ sung thêm nội dung “văn minh sinh thái” trong xây dựng CNXH đặc sắc Trung Quốc và nâng lên thành Bố cục tổng thể “Ngũ vị nhất thể ” (Năm trong một) cùng với Bố cục chiến lược “Bốn toàn diện” thành hệ thống lý luận về CNXH đặc sắc Trung Quốc trong giai đoạn mới; lần đầu tiên đặt vấn đề xây dựng Cộng đồng chung vận mệnh nhân loại; đặc biệt coi trọng công tác xây dựng Đảng, đặt xây dựng chính trị vào địa vị trọng yếu của xây dựng Đảng. v.v…

2.2. “Mười bốn điều kiên trì”

Một là, kiên trì sự lãnh đạo của Đảng đối với mọi công tác, theo đó Đảng, chính quyền, quân đội, dân sự, sinh viên; Đông-Tây-Nam-Bắc-Giữa, Đảng lãnh đạo tất cả. Văn kiện Đại hội XIX nhấn mạnh, cần phải tăng cường ý thức chính trị, ý thức đại cục, ý thức hạt nhân, ý thức đầy đủ, tự giác bảo vệ sự lãnh đạo tập trung thống nhất và quyền uy của Trung ương… Điểm mới ở đây chính là yêu cầu toàn Đảng phải tăng cường “ý thức hạt nhân”, nghĩa là “ý thức” đối với Tổng Bí thư Tập Cận Bình – người đã được Hội nghị Trung ương 6 khóa XVIII xác lập là “hạt nhân lãnh đạo” của ĐCS Trung Quốc; tiếp theo là “tự giác bảo vệ sự lãnh đạo tập trung thống nhất và quyền uy của Trung ương”. Điều lệ Đảng sửa đổi được Đại hội XIX thông qua đã lồng ghép hai mệnh đề trên, viết thành “kiên định bảo vệ sự lãnh đạo tập trung thống nhất và quyền uy của Trung ương do đồng chí Tập Cận Bình là hạt nhân”.

Hai là, kiên trì “lấy nhân dân làm trung tâm”, theo đó văn kiện Đại hội XIX tiếp tục khẳng định cần phải kiên trì địa vị chủ thể của nhân dân. Có thể nói, vấn đề “vì nhân dân phục vụ” đã được các thế hệ lãnh đạo khác nhau của ĐCS Trung Quốc từ Mao Trạch Đông đến nay nêu lên. Tuy nhiên, khi CNXH đặc sắc bước vào thời đại mới, ĐCS Trung Quốc với Tổng Bí thư Tập Cận Bình là “hạt nhân lãnh đạo” đã coi trọng hơn, nhấn mạnh hơn đến vai trò của nhân dân, nêu lên đường lối tư tưởng “lấy nhân dân làm trung tâm”. Từ cách đặt vấn đề như vậy, văn kiện Đại hội XIX khẳng định Đảng “coi mong muốn có cuộc sống tốt đẹp hơn của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu” của mình. Đây là sự đột phá trong tư duy phát triển và là hạt nhân của Tư tưởng Tập Cận Bình rất đáng chú ý.

Ba là, kiên trì đi sâu cải cách toàn diện, theo đó tiếp tục nhắc lại một số quan điểm: Cần phải kiên trì và hoàn thiện chế độ XHCN đặc sắc Trung Quốc, không ngừng thúc đẩy hiện đại hóa hệ thống quản trị và năng lực quản trị toàn cầu…, xây dựng hệ thống chế độ hoàn bị, quy phạm khoa học, vận hành hiệu quả, phát huy đầy đủ tính ưu việt của chế độ XHCN ở Trung Quốc. Điểm mới ở đây là Tổng Bí thư Tập Cận Bình đã nhấn mạnh quan điểm cho rằng: “Kiên quyết loại bỏ những quan niệm tư tưởng và khuyết tật của cơ chế, thể chế không còn phù hợp, đột phá vào dinh lũy lợi ích đã cố kết”.

Bốn là, kiên trì quan niệm phát triển mới “sáng tạo, hài hòa, xanh hóa, mở cửa, cùng hưởng”. Đây là quan điểm đã được Tổng Bí thư Tập Cận Bình nêu lên trước Đại hội XIX và cũng đã được thể hiện trong bản Quy hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm lần thứ XIII. Ông cũng khẳng định lại các quan điểm có tính nguyên tắc trong xây dựng CNXH đặc sắc Trung Quốc khi ứng xử với hai khu vực kinh tế quan trọng là kinh tế nhà nước và kinh tế phi nhà nước, cho rằng “cần phải kiên trì và hoàn thiện chế độ kinh tế cơ bản và chế độ phân phối XHCN, không dao động củng cố và phát triển kinh tế công hữu; không dao động khuyến khích, hỗ trợ, hướng dẫn kinh tế phi công hữu phát triển”. Ngoài ra, điểm mới và điểm nhấn ở đây là đặt vấn đề “thúc đẩy phát triển đồng bộ công nghiệp hóa kiểu mới, thông tin hóa, đô thị hóa và nông nghiệp hiện đại hóa... phát triển kinh tế loại hình mở cửa ở tầng bậc cao hơn”.

Năm là, kiên trì quyền làm chủ của nhân dân. Đây không phải là nội dung mới, nhưng được coi là một bộ phận hợp thành quan trọng của Tư tưởng Tập Cận Bình “lấy nhân dân làm trung tâm”. Theo đó, nó đã được đặt trong mối quan hệ với hai chủ thể khác là Đảng và Nhà nước, đồng thời khái quát thành một vấn đề có tính lý luận: “Kiên trì sự thống nhất hữu cơ giữa sự lãnh đạo của Đảng, quyền làm chủ của nhân dân và quản lý đất nước theo pháp luật là yêu cầu tất nhiên của sự phát triển chính trị XHCN”… “Phát triển dân chủ hiệp thương XHCN, kiện toàn chế độ dân chủ, làm phong phú hình thức dân chủ, mở rộng quỹ đạo dân chủ, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân được thực hiện trong đời sống chính trị và đời sống xã hội của đất nước”.

Sáu là, kiên trì toàn diện quản lý đất nước theo pháp luật. Đây cũng là nội dung đã được nêu lên từ Đại hội XV (1997) với mục tiêu xây dựng nhà nước pháp trị XHCN; quan điểm trên tiếp tục được khẳng định trong các văn kiện của Đảng và Nhà nước Trung Quốc sau này. Tuy nhiên đến thời Tập Cận Bình, ông đã nâng cao vai trò của “pháp trị”, coi cải cách và pháp trị như hai cánh của một con chim, hai bánh của một chiếc xe. Trong báo cáo chính trị Đại hội XIX, ông một mặt tiếp tục khẳng định “kiên trì đi theo con đường pháp trị XHCN đặc sắc Trung Quốc”, mặt khác đặt vấn đề “hoàn thiện hệ thống pháp luật XHCN đặc sắc Trung Quốc lấy Hiến pháp làm hạt nhân… kiên trì cùng thúc đẩy quản lý đất nước theo pháp luật, chấp pháp theo pháp luật và hành chính theo pháp luật; kiên trì xây dựng nhất thể hóa giữa nhà nước pháp trị, chính phủ pháp trị và xã hội pháp trị ”. v.v…

Bảy là, kiên trì hệ thống giá trị hạt nhân XHCN. Đây là vấn đề được các nhà lãnh đạo Trung Quốc qua các thời kỳ khác nhau quan tâm xây dựng. Văn kiện Đại hội XVIII ĐCS Trung Quốc đặt vấn đề xây dựng hệ thống giá trị hạt nhân XHCN gồm 24 chữ “giàu mạnh, dân chủ, văn minh, hài hòa, tự do, bình đẳng, công bằng, pháp trị, yêu nước, kính nghiệp, thành tín, thân thiện”; theo đó được chia thành 3 tầng diện là Quốc gia – Xã hội – Cá nhân. Đến Đại hội XIX, vấn đề xây dựng hệ thống giá trị hạt nhân XHCN được gắn kết với việc xây dựng lòng tự tin văn hóa, lý tưởng cộng sản chủ nghĩa và lý tưởng chung về CNXH đặc sắc Trung Quốc, gắn với quyền chủ đạo và quyền phát ngôn trong lĩnh vực ý thức hệ. Đọc báo cáo tại Đại hội XIX Tổng Bí thư Tập Cận Bình nêu rõ: “Bồi dưỡng và kiên định quan điểm giá trị hạt nhân XHCN, không ngừng tăng cường quyền chủ đạo và quyền phát ngôn trong lĩnh vực hình thái ý thức”. v.v…

Tám là, kiên trì bảo đảm và cải thiện dân sinh trong phát triển. Đây cũng là vấn đề được nhiều nhà lãnh đạo Trung Quốc nêu lên, nhất là từ đầu thế kỷ mới đến nay. Tuy nhiên trong văn kiện Đại hội XIX, Tổng Bí thư Tập Cận Bình nhấn mạnh hơn khi cho rằng: Thúc đẩy sự giàu có và hạnh phúc của nhân dân là mục đích căn bản của phát triển… bảo đảm để toàn thể nhân dân cảm thấy mình đã nhận được ngày càng nhiều hơn trong quá trình cùng xây dựng, cùng hưởng thụ phát triển.

Chín là, kiên trì sự cộng sinh hài hòa giữa con người và tự nhiên. Đây là vấn đề cũng đã từng được nêu lên từ trước. Tuy nhiên, đến khi Tập Cận Bình làm Tổng Bí thư từ Đại hội XVIII, ông đã coi trọng hơn vấn đề xây dựng văn minh sinh thái. Đến Đại hội XIX, ông tiến thêm một bước khẳng định: Xây dựng văn minh sinh thái là kế lớn nghìn năm của sự phát triển vĩnh hằng của dân tộc Trung Hoa. Đặc biệt, trong mục tiêu phấn đấu của ĐCS Trung Quốc đến giữa thế kỷ, ông đã bổ sung thêm hai chữ “tươi đẹp”, viết thành: “Xây dựng thành công cường quốc hiện đại hóa XHCN giàu mạnh, dân chủ, văn minh, hài hòa, tươi đẹp”.

Mười là, kiên trì quan niệm an ninh quốc gia tổng thể. Đây là nội dung mang dấu ấn Tập Cận Bình. Trong văn kiện Đại hội XIX, ông nhấn mạnh quan điểm cho rằng: Phải kiên trì đặt lợi ích quốc gia lên trên hết, lấy an ninh nhân dân làm tôn chỉ, lấy an ninh chính trị làm căn bản, sắp xếp đồng bộ an ninh bên ngoài và an ninh bên trong, an ninh quốc thổ và an ninh quốc dân, an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống, an ninh cá nhân và an ninh chung.

Mười một là, kiên trì sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng đối với quân đội. Đây là chủ đề xuyên suốt trong quan điểm của các thế hệ lãnh đạo của ĐCS Trung Quốc từ trước đến nay, nhưng đến Đại hội XIX Tổng Bí thư Tập Cận Bình đặc biệt nhấn mạnh: Xác lập địa vị chỉ đạo của tư tưởng cường quân của Đảng trong thời đại mới trong xây dựng quốc phòng và quân đội…

Mười hai là, kiên trì phương châm “Một quốc gia, hai chế độ” và thúc đẩy thống nhất Tổ quốc. Đây là phương châm được nêu lên từ thời kỳ Đặng Tiểu Bình, sau đó được các thế hệ lãnh đạo tiếp theo kiên trì. Tuy nhiên trước những biến đổi mới của tình hình đất nước và quan hệ “hai bờ bốn bên”, văn kiện Đại hội XIX một lần nữa nhấn mạnh phương châm “Một quốc gia, hai chế độ” không thay đổi, không dao động.

Mười ba , kiên trì thúc đẩy xây dựng Cộng đồng chung vận mệnh nhân loại. Đây hoàn toàn là một nội dung mới của Tư tưởng Tập Cận Bình. Đọc báo cáo chính trị tại Đại hội XIX, ông kêu gọi: Nhân dân các nước đồng tâm hiệp lực, xây dựng Cộng đồng chung vận mệnh nhân loại… Thúc đẩy xây dựng Quan hệ quốc tế kiểu mới “tôn trọng lẫn nhau, công bằng chính nghĩa, hợp tác cùng thắng”.

Mười bốn là, kiên trì nghiêm trị Đảng toàn diện. Đây là một trong 4 nội dung của “Bốn toàn diện” mang dấu ấn của Tập Cận Bình rõ rệt và cũng là một nội dung quan trọng của tư tưởng mang tên ông. Trong báo cáo chính trị tại Đại hội XIX, ông nhấn mạnh: Một chính đảng, một chính quyền, tiền đồ vận mệnh của nó tùy thuộc vào việc lòng người có quay lưng lại hay không… Yêu cầu chung của công tác xây dựng Đảng trong thời đại mới là: Kiên trì và tăng cường sự lãnh đạo toàn diện của Đảng…, lấy tăng cường xây dựng năng lực cầm quyền lâu dài, tính tiên tiến và tính thuần khiết của Đảng làm tuyến chính, lấy xây dựng chính trị của Đảng làm thống lĩnh, lấy kiên định tôn chỉ, niềm tin, lý tưởng làm điểm căn bản… thúc đẩy xây dựng chính trị, xây dựng tư tưởng, xây dựng tổ chức, xây dựng tác phong, xây dựng kỷ luật…, không ngừng nâng cao chất lượng xây dựng Đảng  (Tập Cận Bình, 2017: 20-26).

Mười bốn điều kiên trì nêu trên đã cấu thành “phương lược cơ bản” của ĐCS Trung Quốc trong việc kiên trì và phát triển CNXH đặc sắc Trung Quốc thời đại mới; đồng thời cũng là những nội dung quan trọng của Tư tưởng Tập Cận Bình trong thời đại mới.

III. MỘT SỐ NHẬN XÉT BƯỚC ĐẦU

Qua tìm hiểu quá trình lãnh đạo 40 năm cải cách mở cửa của ĐCS Trung Quốc, chúng tôi rút ra một số nhận xét bước đầu như sau :

1. Quá trình lãnh đạo cải cách mở cửa cũng là quá trình 4 thế hệ lãnh đạo của ĐCS Trung Quốc tìm tòi, trả lời 4 câu hỏi lớn về lý luận và những vấn đề lớn đặt ra trong thực tiễn:

(1) Thế nào là Chủ nghĩa xã hội và xây dựng chủ nghĩa xã hội như thế nào?

(2) Thế nào là đảng cầm quyền và xây dựng đảng cầm quyền như thế nào?

(3) Thế nào là phát triển và thực hiện phát triển như thế nào?

(4) Trong thời đại mới, kiên trì và phát triển CNXH đặc sắc Trung Quốc như thế nào, làm thế nào để kiên trì và phát triển CNXH đặc sắc Trung Quốc?

Từ đó hình thành nên Lý luận về CNXH đặc sắc Trung Quốc gồm 4 lý luận tương ứng với 4 thế hệ lãnh đạo là: Lý luận Đặng Tiểu Bình, Tư  tưởng Ba đại diện, Quan điểm phát triển khoa học và Tư tưởng Tập Cận Bình; với 3 vai trò khác nhau là: Dẫn dắt, tư tưởng chỉ đạo và chỉ nam hành động.

Đặc biệt, đến Hội nghị Trung ương 6 khóa XVIII ĐCS Trung Quốc (tháng 10-2016) đã rút ra nhận định tổng quát có ý nghĩa lý luận khi cho rằng: Làm tốt công việc của Trung Quốc then chốt là ở Đảng, then chốt là Đảng phải quản lý Đảng, nghiêm trị Đảng toàn diện; một quốc gia, một chính đảng, hạt nhân lãnh đạo là rất quan trọng; mất đi sự ủng hộ và giúp đỡ của nhân dân, Đảng sẽ mất đi nền tảng căn bản (Thông báo Hội nghị…, 2016). Tiếp theo đó, Đại hội XIX ĐCS Trung Quốc (tháng 10-2017) và Quốc hội khóa XIII Trung Quốc (tháng 3-2018) đã hình thành nên thể chế lãnh đạo “Ba trong một”, một người đảm nhiệm 3 chức vụ là Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước, Chủ tịch Quân ủy Trung ương.

2. Tư tưởng Tập Cận Bình được hình thành trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực, đất nước và ĐCS Trung Quốc đã và đang có những biến đổi mới sâu sắc, thậm chí chưa từng có từ trước đến nay. Tư tưởng Tập Cận Bình có hạt nhân là “lấy nhân dân làm trung tâm”; với hai trụ cột là “cường Đảng, cường quân”; ba chỗ dựa quan trọng là sự tự tin dân tộc, sự tự tin của bản thân và sự tư vấn của một đội ngũ chuyên gia có trình độ cao.

Tất cả những điều đó đã làm cho Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quân ủy Trung ương Tập Cận Bình trở nên tự tin hơn trong các quyết định, quyết đoán hơn khi hành động, điềm tĩnh hơn khi xử lý các công việc. Đặc biệt, việc ông quyết đoán khi thực hiện không có vùng cấm trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng đã nhận được sự ủng hộ của người dân. Ngược lại, sự ủng hộ của nhân dân đã giúp ông có được uy tín, tạo được thế và lực khi xử lý những vấn đề khó khăn, thách thức cả trong lĩnh vực đối nội và đối ngoại đang diễn biến hết sức phức tạp hiện nay.

3. Qua 40 năm lãnh đạo cải cách mở cửa, ĐCS Trung Quốc đã tìm ra được một hệ thống lý luận và một con đường xây dựng CNXH phù hợp với điều kiện lịch sử cụ thể của Trung Quốc. Đây là một thành công của ĐCS Trung Quốc. Nhờ vậy, Trung Quốc đã duy trì được tốc độ tăng trưởng cao liên tục trong nhiều năm; thực lực kinh tế và sức mạnh tổng hợp quốc gia được tăng cường; đời sống nhân dân được cải thiện và nâng cao; địa vị và ảnh hưởng quốc tế được gia tăng.

Tuy nhiên, đúng như Tổng Bí thư Tập Cận Bình đã nhấn mạnh: Thành công của ngày hôm qua không có nghĩa là sau này sẽ thành công mãi mãi; sự huy hoàng trong quá khứ, không có nghĩa là sau này cũng sẽ mãi mãi huy hoàng. Ông còn cảnh báo rằng: Quyết không thể vì thắng lợi mà kiêu ngạo, quyết không thể vì thành tựu mà tự mãn, quyết không thể vì gặp khó khăn mà thoái chí.

Việc ĐCS Trung Quốc kiên trì kết hợp chặt chẽ những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác với thực tiễn Trung Quốc đương đại và đặc điểm thời đại để lãnh đạo cải cách mở cửa thành công, là một kinh nghiệm tốt, có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc; đồng thời cũng góp phần làm phong phú hệ thống lý luận về CNXH của chủ nghĩa Mác - Lê nin.

KẾT LUẬN

Lý luận về CNXH đặc sắc Trung Quốc được hình thành và phát triển trong quá trình ĐCS Trung Quốc lãnh đạo công cuộc cải cách mở cửa ở Trung Quốc. Giờ đây, khi CNXH đặc sắc Trung Quốc đã bước vào thời đại mới với định vị mới là thực hiện mục tiêu hoàn thành xây dựng toàn diện xã hội khá giả vào năm 2020, cơ bản công nghiệp hóa XHCN vào năm 2035 và hiện đại hóa XHCN vào năm 2050, Tư tưởng Tập Cận Bình được ĐCS Trung Quốc được xác định là chỉ nam hành động.

Là nước láng giềng có nhiểu điểm tương đồng với Trung Quốc, Việt Nam một mặt tôn trọng mọi sự tìm tòi lý luận và lựa chọn con đường phát triển phù hợp với tình hình đất nước của ĐCS Trung Quốc; mặt khác, có thể nghiên cứu tham khảo để hoàn thiện hệ thống lý luận về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam, đưa Việt Nam trở thành quốc gia công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2030 và công nghiệp hiện đại theo định hướng XHCN vào năm 2045. Việt Nam và Trung Quốc học tập và tham khảo kinh nghiệm hoàn thiện lý luận về CNXH và con đường xây dựng CNXH của nhau, giúp cho cải cách mở cửa và đổi mới hội nhập ở hai nước thành công, không đi vào vết xe đổ của ĐCS Liên Xô trước đây, cũng như bài học thịnh suy của các triều đại phong kiến trong lịch sử, là việc làm cần thiết; có ý nghĩa khoa học và thực tiễn vô cùng sâu sắc không chỉ đối với hai Đảng, hai nước mà còn đối với phong trào Cộng sản và công nhân quốc tế .

* Bài viết tham gia Hội thảo Quốc tế 40 năm cải cách mở cửa của Trung Quốc: Nhìn lại và triển vọng do Viện Nghiên cứu Trung Quốc phối hợp với Đại sứ quán Trung  Quốc tại Việt Nam tổ chức, Hà Nội, tháng 10-2018.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bộ Tuyên truyền Trung ương ĐCS Trung Quốc, Ba mươi bài giảng Tư tưởng XHCN đặc sắc Trung Quốc Tập Cận Bình, 2018, NXB Học tập, Bắc Kinh.

2. Điều lệ Đảng Cộng sản Trung Quốc (Đại hội XIX ĐCS Trung Quốc thông qua ngày 24-10-2017), 2017, NXB Nhân dân, Bắc Kinh.

3. Lý Thận Minh, Địa vị lịch sử và ý nghĩa thế giới của Tư tưởng XHCN đặc sắc Trung Quốc Tập Cận Bình, Cầu Thị, ngày 31-12-2017.

4. Phạm Văn, 2018, Khung khổ lý luận của Tư tưởng XHCN đặc sắc Trung Quốc Tập Cận Bình”, Học báo Học viện Hành chính quốc gia, ngày 27-4-2018.

5. Tập Cận Bình, Quyết thắng trong xây dựng xã hội khá giả toàn diện, giành thắng lợi vĩ đại của CNXH đặc sắc Trung Quốc thời đại mới (Báo cáo tại Đại hội XIX ĐCS Trung Quốc, ngày 18-10-2017),  NXB Nhân dân, Bắc Kinh, 2017.

6. Trương Quốc Trác, Chữ mới thể hiện toàn phương vị trong Tư tưởng XHCN đặc sắc Trung Quốc Tập Cận Bình, Mạng Nhân dân, ngày 17-1-2018.

7. Thông báo Hội nghị toàn thể lần thứ 6 BCH Trung ương khóa XVIII ĐCS Trung Quốc (Thông qua ngày 27-10-2016), http://cpc.people.com.cn/n1/2016/1028/c64094-28814467.html, truy cập ngày 15/9/2018.




Các tin khác

Cải cách kinh tế của Trung Quốc sau Đại hội XVIII và tác động (01/09/2015)
Quá trình chiếm hữu và thực thi chủ quyền của Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa - thực tế, không gián đoạn, hòa bình và minh bạch (06/06/2014)
Đánh giá các lựa chọn pháp lý của Việt Nam trong vụ việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan 981 (31/05/2014)
Xã hội Trung Quốc năm 2013 và phương hướng phát triển năm 2014 (25/05/2014)
Kinh tế Trung Quốc năm 2013 và triển vọng năm 2014 (23/05/2014)
Chương trình khoa học của Viện Nghiên cứu Trung Quốc thực hiện (16/12/2011)
 
TIN MỚI NHẤT
ẤN PHẨM - XUẤT BẢN
 
 
TRANG CHỦ
TỪ ĐIỂN
TRA CỨU THƯ VIỆN
SƠ ĐỒ TRANG WEB
LIÊN HỆ
 
 
BẢN QUYỀN THUỘC VIỆN NGHIÊN CỨU TRUNG QUỐC - INSTITUTE OF CHINESE STUDIES
Địa chỉ: Số 176 Thái Hà, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam
Điện thoại: 024.32171020; Email: vnics@vnics.org.vn