Phát
biểu Khai mạc, GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn – Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học
xã hội Việt Nam, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Trung Quốc cho rằng, 65 năm qua,
Trung Quốc luôn nỗ lực phấn đấu cho mục tiêu giàu mạnh. Từ Đại hội XVIII Đảng
Cộng sản Trung Quốc đến nay, tập thể lãnh đạo thế hệ thứ năm đứng đầu là Tổng
Bí thư Tập Cận Bình đã không ngừng đi sâu cải cách toàn diện, coi đẩy nhanh
chuyển đổi phương thức phát triển kinh tế là tuyến chính với biện pháp quan
trọng là điều chỉnh kết cấu và nâng cao chất lượng, hiệu quả phát triển. Tuy
nhiên, Trung Quốc cũng phải đối mặt với những khó khăn về phương thức, mô hình và con đường phát triển. Đổi mới
phương thức phát triển (kinh tế) gắn chặt với cải cách thể chế chính trị, xã hội, văn
hóa, đối ngoại
và sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Quá trình chuyển đổi phương thức
phát triển kinh tế ở Trung Quốc có quan hệ chặt chẽ với sự phát triển của thế
giới và khu vực. Quá trình trên cũng tác động
qua lại nhất định tới quá trình tái cấu trúc nền kinh tế và đổi mới mô
hình tăng trưởng ở Việt Nam; sẽ mang lại cơ hội và thách thức đối
với sự phát triển của Việt Nam.
Trong
phát biểu tại phiên Khai mạc, Đại sứ Trung Quốc
tại Việt Nam Hồng Tiểu Dũng chỉ ra rằng, để khắc phục những khó khăn và
hạn chế trong quá trình đi sâu cải cách toàn diện, chuyển đổi phương thức phát
triển, gần đây, Trung Quốc đã đưa ra 3 nhóm giải pháp chủ yếu: Thứ
nhất, ra sức thúc đẩy tinh giản và phân quyền. Đây là công việc quan trọng
của Chính phủ khóa này. Cải cách hành chính có liên hệ mật thiết với công cuộc
chuyển đổi phương thức phát triển của Trung Quốc, vì nó phát huy được vai trò
tích cực của thị trường trong việc phân bổ nguồn lực. Tinh giản và phân quyền
đã thúc đẩy sức sống thị trường và sức sáng tạo xã hội. Bên cạnh đó, việc
chuyển đổi chức năng chính quyền cũng có vai trò hết sức quan trọng. Việc này
giúp cho bộ máy chính quyền vận hành một cách minh bạch và đạt hiệu quả cao
hơn. Thứ
hai, điều chỉnh kết cấu kinh tế. Đây là điểm cốt lõi trong quá trình chuyển
đổi phương thức phát triển. Về điều chỉnh kết cấu ngành nghề, chủ yếu tập trung
vào đào thải các ngành nghề có năng lực sản xuất dư thừa, phát triển ngành dịch
vụ, ưu việt hóa kết cấu ngành nghề. Về điều
chỉnh kết cấu khu vực, cố gắng khắc phục tình trạng phát triển mất cân bằng
giữa miền Đông với miền Trung và miền Tây, tạo nên sự phát triển hài hòa giữa
các khu vực. Về điều chỉnh kết cấu của “cỗ xe tam mã”, chú trọng điều
chỉnh tỷ lệ mất cân đối giữa tiêu dùng và đầu tư. Thứ ba,
điều tiết kinh tế vĩ mô bằng tư duy mới “vùng hợp lý”, trong đó chú trọng điều
tiết định hướng, nhằm vào những vấn đề nổi bật trong quá trình vận hành để điều
tiết. Thông qua điều tiết định hướng, năm 2014, Trung Quốc tập trung vào những
lĩnh vực then chốt và khâu yếu kém trong quá trình vận hành kinh tế.
Tiếp
theo, Hội thảo xoay quanh vấn đề đổi mới phương thức phát triển ở Trung Quốc,
đặc biệt là phương thức phát triển kinh tế, cùng với đó là sự gắn kết chặt chẽ
của cải cách thể chế chính trị, văn hóa, xã hội, đối ngoại và sự lãnh đạo của
Đảng Cộng sản Trung Quốc. Các báo cáo và thảo luận tại Hội thảo tập trung vào lĩnh vực chuyển đổi phương thức phát
triển kinh tế như cải cách doanh nghiệp nhà nước, quốc tế hóa NDT, đặc khu kinh
tế, điều chỉnh chiến lược đi ra ngoài và chiến lược phát triển vùng miền của
Trung Quốc, những định hướng và thách thức đối với tái cấu trúc kinh tế của Trung
Quốc. Các tham luận cho thấy, Trung Quốc đang tích cực đẩy nhanh việc chuyển
đổi phương thức phát triển và đã có những kết quả bước đầu. Tuy nhiên, thách
thức đối với tiến trình này còn rất lớn do những nhân tố nội tại về thể chế
kinh tế, vấn đề nhóm lợi ích không dễ giải quyết do cải cách lần này đi vào
chiều sâu khi tiến hành tái cấu trúc nền kinh tế, vấn đề ngân hàng, già hóa dân
số cũng là những nhân tố cản trở tiến trình này. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và
chuyển đổi phương thức phát triển, “chiến lược đi ra ngoài” và chiến lược vùng
miền, ví như “hợp tác Vịnh Bắc Bộ mở rộng”… cũng có nhưng thay đổi và tác động
đối với Việt Nam cũng cần được lưu ý và quan tâm.
Hội
thảo là dịp để các nhà khoa học, đại biểu bàn thảo về tiến trình tìm kiếm
phương thức, mô hình, con đường phát triển của Trung Quốc; tìm hiểu sâu hơn về
những giải pháp trong quá trình chuyển đổi phương thức phát triển kinh tế,
những mối liên hệ và tác động của chuyển đổi phương thức phát triển kinh tế của
Trung Quốc, những cơ hội và thách thức đối với tái cấu trúc nền kinh tế và đổi
mới mô hình tăng trưởng của Việt Nam.
Hồng Vân