Ngày 21-9-2011, tại Hà Nội, Viện Khoa học xã hội Việt Nam đã tổ chức Hội thảo
quốc tế “Hợp tác vì hoà bình, an ninh và phát
triển khu vực trong bối cảnh mới”. Hội thảo đã thu hút sự tham gia của các nhà
nghiên cứu, đại biểu quốc tế đến từ Phi-lip-pin,
Ma-laixi-a, Xinh-ga-po, Trung Quốc, Nhật Bản, khu vực Đài Loan.
Phát biểu Khai mạc Hội thảo, GS.TS. Nguyễn
Quang Thuấn-Phó Chủ tịch Viện Khoa học xã hội Việt Nam nhấn mạnh, Biển Đông đã trở
thành nơi thu hút sự quan tâm chú ý, tìm kiếm, cạnh tranh
về lợi ích của các nước trong khu vực và trên thế giới. Trong những tháng đầu năm
nay, ở khu vực Biển Đông đã xảy ra những vụ va chạm giữa các nước trong khu vực
làm cho tình hình ở Biển Đông trở nên căng thẳng, đe dạo đến hoà bình, ổn định,
an ninh của khu vực. Hội thảo là diễn đàn để các nhà khoa học Việt Nam và quốc tế thảo luận về vai
trò địa chiến lược của Biển Đông, diễn biến mới ở Biển Đông thời gian gần đây và
tác động đến khu vực; các giải pháp duy trì hòa bình, an ninh và phát triển trong
khu vực.
Theo các nhà nghiên cứu, Biển Đông có ba mẫu thuẫn
chủ yếu là yêu sách về chủ quyền, an ninh và kinh tế. Giải quyết những tranh chấp
ở Biển Đông phải tiến hành qua đàm phán hòa bình, nếu sử dụng vũ lực thì tất cả các
bên đều bị thiệt hại. Đàm phán
hòa bình là phương thức hợp lý nhất tuy cần thời gian và quá trình. Các mâu thuẫn
chủ yếu nói trên có thể lần lượt giải quyết, song phảI tuân thủ theo luật pháp quốc
tế, có tính tới các nhân tố lịch sử, hiện trạng và lợi ích của các nước.
Các nhà khoa học kiến nghị các nước liên quan làm rõ
cơ sở lịch sử, pháp lý và lợi ích liên quan của mình. Đề nghị các ban ngành hữu
quan của các nước làm rõ khu vực tranh chấp, khu vực không có tranh chấp trên Biển
Đông. Đề nghị các nhà luật học của khu vực gặp gỡ, trao đổi làm rõ những giải thích
khác biệt trong luật quốc tế, Công ước luật Biển quốc tế của Liên hợp quốc.
Các nhà khoa học cũng kiến nghị mở rộng mạng lưới trao
đổi giữa các nhà khoa học các nước về những vấn đề liên quan tới Biển Đông.
Các nhà khoa học đều nhất trí, giải quyết tranh chấp
ở Biển Đông là vấn đề phức tạp, lâu dài, cách thức giải quyết là thông qua đàm phán hòa bình, không ngừng xây dựng lòng
tin, kiên trì thực hiện và thể hiện trên thực tế. Giải quyết tranh chấp phải tuân
thủ theo luật pháp quốc tế, trong đó Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, Tuyên bố về cách ứng xử của
các bên ở Biển Đông (DOC), tiến tới xây dựng Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển
Đông(COC).
PV.
Một số hình ảnh buổi hội thảo