Ngày 6/7/2010, tại Viện Nghiên cứu Trung Quốc đã diễn ra buổi tọa đàm “Triển vọng cải cách chính trị ở Trung Quốc đến năm 2020”, thuộc đề tài “Những vấn đề chính trị nổi bật ở Trung Quốc trong 10 năm đầu thế kỷ XXI và triển vọng đến năm 2020” do TS. Nguyễn Xuân Cường làm chủ nhiệm đề tài. Đây là một đề tài nhánh trong khuôn khổ Chương trình khoa học cấp Bộ “Một số vấn đề nổi bật của Trung Quốc trong 10 năm đầu thế kỷ XXI và triển vọng đến năm 2020”. Tham dự Tọa đàm có PGS. Nguyễn Huy Quý, PGS.TS. Đỗ Tiến Sâm – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Trung Quốc, TS. Nguyễn Đình Liêm – Viện phó Viện Nghiên cứu Trung Quốc và các cán bộ nghiên cứu Viện Nghiên cứu Trung Quốc.
Trong báo cáo đề dẫn, TS. Nguyễn Xuân Cường đã điểm lại nhóm các vấn đề chính trị nổi bật của quốc gia này trong 10 năm đầu thế kỷ XXI, như: phương châm cầm quyền dân chủ, khoa học và theo pháp luật, phương thức cầm quyền là Đảng bao quát toàn cục, điều phối các bên của Đảng Cộng sản Trung Quốc; Về cải cách hành chính, Nhà nước từ “vạn năng”, “khống chế” chuyển sang Nhà nước “hữu hạn”, theo hướng phục vụ. Hệ thống pháp luật ngày càng được hoàn thiện theo yêu cầu của hội nhập quốc tế.
Tiếp đó, các tham luận tại buổi Tọa đàm tập trung vào một số vấn đề như nâng cao năng lực cầm quyền của Đảng, chống tham nhũng, giám sát quyền lực, sự phân quyền giữa Trung ương và địa phương v.v… trong 10 năm đầu thế kỷ XXI, và phương hướng trong thời gian tới của Trung Quốc. Tọa đàm khẳng định, cải cách chính trị ở Trung Quốc 10 năm qua đã đạt đến tầm cao mới, cả ở bên trong và bên ngoài. ở bên trong, Trung Quốc đã có một nền kinh tế đa sở hữu, xã hội đa nguyên hóa với sự xuất hiện của giai tầng mới là những nhân tố thuận lợi thúc đẩy cải cách chính trị phát triển hơn nữa. Bên cạnh đó, còn có nhiều vấn đề nảy sinh như: nhu cầu tham gia chính trị của người dân ngày càng tăng, bất công trong phân phối thành quả của cải cách mở cửa, vấn đề dân tộc, tôn giáo và cả thiên tai v.v… Tất cả đã tạo thành một áp lực lớn cho cải cách thể chế chính trị. ở bên ngoài, gia nhập WTO vừa là cơ hội, vừa là thách thức đối với Trung Quốc, bởi hòa nhập quốc tế cũng có nghĩa là phải tuân thủ “luật chơi” của quốc tế, Trung Quốc buộc phải cải cách bên trong, đặc biệt là cải cách bộ máy hành chính để thích ứng với hoàn cảnh mới.
Bước vào thế kỷ XXI, xã hội Trung Quốc ngày càng phát triển, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện, song mâu thuẫn xã hội cũng tích tụ ngày càng nhiều. Dân chủ hóa đã trở thành xu thế của thời đại. Chính vì vậy, vấn đề đặt ra cho Đảng Cộng sản Trung Quốc trong thời gian tới vẫn là, nâng cao năng lực cầm quyền, năng lực phán đoán, năng lực đối phó, giữ vững tính tiên tiến, xây dựng dân chủ, chống tham nhũng nhưng ở một mức độ cao hơn, đẩy mạnh xây dựng dân chủ và nhấn mạnh hơn nữa giám sát của dư luận.
Cuối cùng, Tọa đàm thảo luận về kịch bản chính trị của Trung Quốc trong thời gian 2010 đến 2020. Về chiều hướng tích cực, TS. Đỗ Minh Cao cho rằng, Trung Quốc đang tiếp tục đường lối chung của Đặng Tiểu Bình, có sửa đổi, bổ sung quan điểm của Giang Trạch Dân và những mục tiêu tiến hành cải cách, mở cửa trong suốt thế kỷ XXI nhằm hướng tới xây dựng một “xã hội khá giả” ở Trung Quốc, đạt được mức độ phát triển kinh tế – xã hội bằng với các nước kinh tế phát triển. Ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc đang nỗ lực tìm ra những con đường và biện pháp mới có thể tiếp tục đảm bảo sự trỗi dậy hòa bình và phục hưng dân tộc. Theo hướng tiêu cực, sau khi nêu lên những tham số quyết định và các dấu hiệu tiêu cực, ThS. Phạm Ngọc Thạch nhấn mạnh, trong thời gian trung hạn, cải cách chính trị ở Trung Quốc sẽ trở nên trì trệ, không khí dân chủ trong xã hội sẽ xấu đi nghiêm trọng, biểu tình bạo loạn có thể ngấm ngầm bột phát bất cứ lúc nào. Về lâu dài, sự chia rẽ trong đấu tranh chống tham nhũng của nội bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc làm mất đi lòng tin của người dân một cách nghiêm trọng. Trung Quốc sẽ rơi vào vòng xoáy mất ổn định chính trị kéo dài do không có đảng phái nào ở Trung Quốc đủ năng lực lãnh đạo đất nước.
(Đặng Thúy Hà - Viện Nghiên cứu Trung Quốc)