Ngày 18-1-2008, tại Viện Nghiên cứu Trung Quốc, Tạp chí Nghiên cứu Trung Quốc đã tổ chức Hội nghị cộng tác viên năm 2007 nhằm tổng kết và đánh giá công tác hoạt động của Tạp chí năm 2007 và đưa ra những định hướng cho năm 2008.
Tham dự Hội nghị có các học giả, các nhà nghiên cứu khoa học và các cộng tác viên của Tạp chí Nghiên cứu Trung Quốc.
Trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị, PGS.TS Đỗ Tiến Sâm, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Trung Quốc, Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu Trung Quốc đã tổng kết và đánh giá những hoạt động của Tạp chí Nghiên cứu Trung Quốc trong năm qua đồng thời đưa ra những định hướng cho công tác Tạp chí trong năm 2008.
Năm 2007, Tạp chí Nghiên cứu Trung Quốc đã tăng từ 6 kỳ lên 9 kỳ/năm. Các chuyên mục của Tạp chí vẫn ổn định, đồng thời Tạp chí còn bổ sung thêm một số chuyên mục mới như: “Dành cho nhà nghiên cứu trẻ”, “Thuật ngữ, khái niệm”…
Trong số 97 bài thuộc nhiều chuyên mục khác nhau được đăng tải trong năm 2007, chuyên mục Kinh tế-Chính trị-Xã hội chiếm tới 31 bài, chủ yếu tập trung vào các vấn đề trọng điểm như: Tam nông, xã hội hài hoà, hiện trạng giai cấp công nhân Trung Quốc…; chuyên mục Quan hệ đối ngoại có 22 bài, chủ yếu xoay quanh vấn đề quan hệ Việt Nam – Trung Quốc với trọng điểm là “hai hành lang, một vành đai kinh tế”; chuyên mục Lịch sử- Văn hoá có 17 bài, vấn đề nghiên cứu trong chuyên mục này chưa được tập trung lắm; chuyên mục Đài Loan- Hồng Kông- Macao còn ít bài nghiên cứu, chủ yếu dùng các bài dịch thuật…
Về hình thức trình bày, Tạp chí được đánh giá là đẹp và trang nhã. Công tác biên tập tốt hơn, ít những lỗi về văn phong hơn.
Tuy nhiên, bên cạnh những gì đã đạt được, Tạp chí vẫn còn một số mặt hạn chế như: thiếu những bài viết có tính bình luận sắc sảo và khái quát cao; vẫn còn những “mảng trống” do chưa phản ánh đầy đủ những vấn đề mang tính thời sự nóng hổi; còn ít bài dám đề cập đến những mặt trái; tính tranh luận chưa cao…
Về định hướng công tác cho năm 2008:
Tạp chí sẽ tiếp tục giới thiệu những bài viết có tính chất tổng kết lý luận và thực tiễn 30 năm cải cách mở cửa của Trung Quốc trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, văn hoá, đối ngoại.
Phản ánh những sự kiện lớn trong đời sống chính trị Trung Quốc như: cải cách bộ máy Chính phủ năm 2008; Đại hội Ôlimpic 2008; các vấn đề về quan hệ hai bờ sau bầu cử ở Đài Loan…
Tiếp tục nghiên cứu những vấn đề mà Việt Nam đang quan tâm tham khảo kinh nghiệm như: vấn đề tam nông, vấn đề vai trò và vị trí của giai cấp công nhân, vấn đề phát triển văn hoá và con người, vấn đề quản lý xã hội, vấn đề xây dựng Đảng, công tác cải cách chế độ cán bộ…
Về đối ngoại, Tạp chí phản ánh các quan hệ đa phương và song phương giữa Việt Nam – Trung Quốc; Trung Quốc – Mỹ; Trung Quốc – Nhật Bản; Trung Quốc- Nga- ấn Độ; Việt Nam- Trung Quốc – Asean. Theo dõi động thái “xây dựng đối tác chiến lược với các nước phát triển”. Riêng trong quan hệ Việt –Trung, không né tránh trong việc đưa ra những quan điểm của Việt Nam trong vấn đề “một trục hai cánh”.
Đăng tải những bài viết dự báo về sự phát triển của Trung Quốc đến năm 2020, đồng thời chọn lọc và giới thiệu những bài viết của các học giả nước ngoài về Trung Quốc.
Tại Hội nghị, các nhà nghiên cứu và các cộng tác viên cũng đã nhiệt tình đóng góp những ý kiến tâm huyết cho sự phát triển của Tạp chí. Các ý kiến tập trung chủ yếu vào vấn đề tăng cường tính tranh luận của Tạp chí, phản ánh những vấn đề nổi bật của Trung Quốc để qua đó rút ra những bài học kinh nghiệm cho Việt Nam, nên bổ sung thêm nhiều bài viết của học giả nước ngoài đánh giá về Trung Quốc...
Lưu Hương