Ngày 6 tháng 12 năm 2014, tại
Hà Nội, Viện Nghiên cứu Trung Quốc, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam phối hợp với Đại
học Công nghiệp Chiết Giang, Trung Quốc tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “Quan hệ
kinh tế Việt – Trung trong bối cảnh
mới”. Hội thảo có sự tham dự của GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn, Phó Chủ tịch
Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Trung Quốc,
GS. Trương Lập Bân, Hiệu trưởng trường Đại học Công nghiệp Chiết Giang (Trung
Quốc), học giả Trung Quốc, Việt Nam cùng nhiều doanh nghiệp đến từ tỉnh Chiết
Giang, Trung Quốc. Hội thảo có 8 tham luận của học giả Việt Nam, 4 tham luận
của học giả và đại diện doanh nghiệp Trung Quốc.
Trong khuôn khổ Hội thảo, các
chuyên gia, học giả, đại diện doanh nghiệp Trung Quốc đã trình bày, thảo luận
những vấn đề chính sau:
Về
bối cảnh mới, tình hình mới, các ý kiến cho rằng, cùng với những
thay đổi, biến động của tình hình thế giới, tình hình khu vực, cũng như tình
hình nội bộ của hai nước, quan hệ Việt - Trung đã chuyển sang một giai đoạn mới
kể từ sau sự kiện giàn khoan Hải dương 981. Mặc dù vấn đề Biển Đông chỉ là cục
bộ, không phải là toàn bộ quan hệ Việt – Trung, không nên để vấn đề này ảnh
hưởng đến sự phát triển bình thường của quan hệ Việt – Trung, đặc biệt là quan
hệ kinh tế thương mại. Nhưng trên thực tế, những mâu thuẫn, xung đột xảy ra
trong thời gian gần đây xung quanh sự kiện giàn khoan Hải Dương 981 đã gây ảnh
hưởng nghiêm trọng đến quan hệ hai nước, trong đó có cả quan hệ về kinh tế -
thương mại, điển hình như các sự kiện bạo động ở Hà Tĩnh, Bình Dương, Đồng Nai.
Vì vậy, nếu không giải quyết tốt tranh chấp Biển Đông sẽ ảnh hưởng đến các mặt
quan hệ khác. Không có hòa bình ổn định, đặc biệt ở Biển Đông thì quan hệ Việt
- Trung khó có thể phát triển được.
Một số học giả Việt Nam kêu
gọi Trung Quốc từ bỏ đường 9 đoạn, bởi nếu Trung Quốc còn tiếp tục theo đuổi
yêu sách chủ quyền theo đường 9 đoạn thì vấn đề tranh chấp trên Biển Đông sẽ
không bao giờ giải quyết được, mà chỉ tạm thời lắng xuống.
Về
vấn đề nhập siêu của Việt Nam, các đại biểu tham dự hội thảo (cả
Việt Nam và Trung Quốc) đều cho rằng, nhập
siêu của Việt Nam từ Trung Quốc quá lớn là một vấn đề cần quan tâm và giải quyết.
Về ngắn hạn, nhập siêu có thể
có yếu tố tích cực. Nhập siêu từ Trung Quốc giúp nhiều doanh nghiệp Việt Nam có
nguyên liệu, công nghệ để sản xuất, gia tăng tốc độ xuất khẩu sang các thị
trường khác, từ đó thúc đẩy kinh tế Việt Nam tăng trưởng. Tuy nhiên, trong
trung hạn và dài hạn, nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài thì sẽ trở thành vấn
đề nghiêm trọng, cần phải tìm cách khắc phục, giải quyết. Về lâu dài, nhập siêu
với Trung Quốc đặt ra cho Việt Nam nhiều thách thức, tạo ra áp lực đối với tỷ
giá, cán cân thanh khoản. Hiện nay, nhập siêu đang được bù đắp bằng kiều hối,
FDI, nhưng sau khi kinh tế phục hồi, các doanh nghiệp tăng cường nhập khẩu máy
móc thì nhập siêu không thể giữ cân bằng như thời gian qua. Trong tương lai,
cân bằng cán cân xuất nhập khẩu là trạng thái lý tưởng nhất, giúp hai bên cùng
phát triển.
Các chuyên gia, học giả Việt
Nam Trung Quốc và doanh nghiệp Trung Quốc đã nêu lên một số kiến nghị đáng chú
ý nhằm tăng cường quan hệ kinh tế thương mại Việt – Trung. Về cách tiếp cận, Việt Nam nên tiếp cận Trung Quốc dưới góc độ là
thị trường rộng lớn, nhu cầu đa dạng chứ không phải là đối thủ cạnh tranh đồng
thời làm thế nào để Việt Nam khác với Trung Quốc chứ không phải làm thế nào để
cạnh tranh với Trung Quốc. Về học tập
kinh nghiệm thu hút đầu tư trực tiếp của Trung Quốc, Việt Nam có thể học
hỏi từ thu hút FDI của Trung Quốc như kinh nghiệm tận dụng cơ hội tiếp cận
khách hàng thế giới thông qua xây dựng thương hiệu quốc gia 100% của Trung
Quốc, tiếp cận công nghệ thế giới thông qua thu hút FDI của Thâm Quyến, cách
ứng xử đối với nhà đầu tư nước ngoài theo nguyên lý tạm thời cho ưu đãi để thu
được lợi ích. Về thâm nhập thị trường,
doanh nghiệp Trung Quốc cho rằng Việt Nam cần nâng cao khả năng thâm nhập thị
trường Trung Quốc. Việt Nam có nhiều hàng tốt nhưng chưa khai thác, chưa giới
thiệu đến thị trường Trung Quốc, thiếu hệ thống đại lý cũng như cửa hàng bán
sản phẩm trực tiếp.
Hội thảo này là một trong những
hoạt động cụ thể thể hiện hiệu quả của sự hợp tác giữa Viện Nghiên cứu Trung
Quốc và Đại học Công nghiệp Chiết Giang. Hội thảo đã giúp phía Việt Nam giới
thiệu, chia sẻ với doanh nghiệp Trung Quốc những thay đổi, đột phá trong cải
thiện môi trường đầu tư của Việt Nam thông qua Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp
sửa đổi. Các doanh nghiệp Trung Quốc có cơ hội chia sẻ về quá trình hoạt động
đầu tư của mình ở Việt Nam, đánh giá môi trường đầu tư Việt Nam từ góc độ của
một nhà đầu tư nước ngoài. Trong hội thảo, hai bên còn thẳng thắn trao đổi về
những vấn đề liên quan như vấn đề Biển Đông, vấn đề thúc đẩy hợp tác và có
chung chia sẻ, hai nước cần đối xử với nhau bằng sự chân thành, thẳng thắn, hòa
bình, hợp tác sẽ mang lại lợi ích cho nhân dân hai nước.
Phương Hoa